Anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn cực
kỳ thân nhau – lúc nào cũng “Anh Nhi Bá thế này, em Nhi Bôn thế kia…” ơ thế mà
cũng có những lúc chành chọe nhau ra trò.
“Bà ơi anh Nhi Bá nói bậy
con!” “Nói bậy là thế nào?” “Anh ấy gọi con là Nịch!” Bà cười: “Thì con chắc
nình nịch như cái nắm cơm như thế này, anh yêu con anh mới gọi con thế.” Cô bé
hậm hực thêm một tí rồi thôi, còn ông anh của cô ta thì nhăn nhở cười. Cô bé
này nó thế, cứ thấy chuyện này chuyện kia là nó mách người lớn, và biết cách tự
giải tỏa khá nhanh, nhưng với ông anh thì không dễ như vậy.
“Bà ơi, em rất là ích kỷ. Cái
gì em cũng bảo là của em hết: đồ chơi này của em, dụng cụ học tập kia cũng của
em. Ba mẹ ông bà của em hết” – Nhi Bá uất ức kể. Bà lại vẫn cười: “Thế mới là
em gái út của con. Nó còn nhỏ, nên cái gì nó cũng muốn nhận là của nó hết, đến
con nó còn nhận “Anh Nhi Bá của riêng em!” cơ mà.” Nhi Bá nghe quá hợp lý, ngồi
thừ người ra.
Thật ra cái cô bé Nhi Bôn cũng
hay đành hanh lắm cơ, cậy bé út ít nhất nhà là bắt nạt lung tung, chỉ có mẹ là
hắn rất khôn, hắn “né” còn ông, bà, ba và nhất là ông anh thì chẳng bao giờ nó
tha. Bây giờ thì ba cũng thường xuyên phải nhắc cô bé, rằng con là con gái,
không bao giờ nên chành chọe anh, đặc biệt không giơ tay đánh anh đâu con nhé,
anh hiền và ngoan, có bao giờ anh đánh con đâu?
Có một lần đi bơi, em Nhi Bôn
bị một anh lớn chơi rất dại, dìm em xuống nước hết lần này đến lần khác làm em
sặc được. Nhi Bá nhỏ hơn anh kia, nên chỉ nhắc được thôi, nhưng cái anh kia thì
không nghe, cứ thế chơi. May mà ba phát hiện ra, tới ngăn ngay lập tức – tội
nghiệp Nhi Bá bị mắng một trận: “Con nhắc anh ấy không thôi phải ra gọi ba ngay
chứ!”
“Con là anh lớn, phải bảo vệ
em; và không chỉ em nhà mình, mà cần biết bảo vệ cả các em nhỏ hơn khác nữa.
Tuy nhiên các con còn nhỏ, nhiều khi quá sức phải biết gọi người lớn hỗ trợ.
Không có ba con gọi chú cứu hộ đứng ngay gần đó cũng được mà.”
Thời thanh niên mình đi chơi với
bạn gái, bao giờ cũng đi ở ngoài, song song hai xe đạp… thời đó Hà Nội vắng vẻ,
thơ mộng lắm. Đi xe ở ngoài là để bảo vệ cho bạn gái đi ở trong, đó là những điều
lịch sự tối thiểu phải làm được. Bây giờ Nhi Bá cũng được dạy như thế, dắt em
đi ngoài đường, thì đi ở ngoài để bảo vệ em gái. Ra đến điểm đón của xe bus trường,
thì anh đứng xếp hàng trước, em đứng sau; đặc biệt anh em không được xô đẩy
nhau nhỡ ngã xuống đường thì nguy hiểm lắm.
Đùng cái có hôm, lại chành chọe
nhau. Nhìn từ xa ba thấy Nhi Bôn định giơ tay đánh anh, ba lại gần can thiệp
ngay và bạn ấy dừng lại. “Anh Nhi Bá đã đứng trước rồi, lại còn nhường cho anh
Chí Cường lên trước nữa.” “Ừ anh nhường cũng được, anh Chí Cường cũng lớn, chỉ
thua anh con có một tuổi thôi mà. Hai anh bảo vệ em thì càng tốt.” Nhi Bá vẫn
có vẻ bực: “Con nhường có lần này, mà em cằn nhằn con, định giơ tay đánh nữa!”
Ba đành lôi Nhi Bá ra một góc
nói chuyện riêng. “Con này, con bảo vệ em thường xuyên thế là tốt rồi, nhưng có
một việc ba cần nói với con. Đây không phải lần đầu con tỏ ra bực với em. Thực
ra em nó nhỏ, nên nhiều điều cư xử nó còn chưa định hình, ba mẹ ông bà vẫn phải
nhắc nhở em thường xuyên đấy chứ không có chiều em đâu, con không thấy nó vẫn bị
trách phạt đấy thôi. Nhiều khi nó nói, nhưng nó còn không hiểu được hết đâu con
ạ. Con nghe mà thấy bực, thì chẳng qua là trong đầu của con có sẵn những suy
nghĩ bực bội với em. Nếu con biết nhường em từ suy nghĩ của con, coi như thế là
em còn nhỏ, chưa hiểu hết; thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho con đấy. Ở lớp con cũng
vậy, và cả sau này khi con lớn lên; nhiều khi có người nói những câu này câu
khác, làm điều này điều khác… không vừa ý con thì cũng là chuyện bình thường;
vì họ có phải là mình đâu mà đúng ý nhau cả. Thậm chí có khi người ta chỉ nói,
hoặc làm rất vô tình, nhưng mình lại bực bội vì những điều đó – vì sẵn có trong
đầu mình cái bực bội đó chứ có phải của người ta đâu. Nếu mình không biết từ từ
lắng nghe và suy nghĩ, không gạt được cái suy nghĩ bực bội có sẵn trong đầu đi,
thì lúc nào mình cũng sẵn sàng trở thành bực tức đến nổi nóng lắm con ạ. Xe đến
rồi kìa, chào con, lúc khác ba con mình nói chuyện tiếp nhé!” “Vâng con chào
ba!”
Mấy hôm sau. Chí chóe vẫn hoàn
chí chóe, nhưng anh Nhi Bá đã dần chững chạc hơn hẳn. Lại cái cô em chành chọe,
và ba nhắc vẫn phải nhắc, còn Nhi Bá thì cười cười. “Con vẫn nhớ ba dặn nhỉ?”
“Vâng, con nhớ ba ạ. Tất cả trong đầu của mình hết, mình bỏ bực tức đi thì
không còn bực tức nữa.” “Ồ, con giỏi lắm. Làm anh là thế đấy, bảo vệ em, nhường
nhịn em. Có chuyện gì con không giải quyết được, cả với em, cả với bạn, thì con
nói với ba, ba con mình cùng tìm cách nhé!”
Một tháng sau… “Dạo này ba thấy
Nhi Bá tiến bộ lắm rồi đấy – không thấy con tức bực em như trước đây nữa.” “Thế
hả ba? Có lúc con cũng bực nhưng rồi nhớ lời bà với ba dặn, con lại không thấy
bực nữa.” “Ừ tốt đấy. Ba kể cho con nghe một chuyện – hôm nay ba đọc trên mạng
xã hội thấy một người bạn của ba đang khuyên các em của chú ấy nhường nhịn
nhau, không biết chuyện gì, nhưng có vẻ giận nhau rất ghê. Con biết là từ khi
bà nội con mất sớm, ba đã thay bà và cả ông nội con ốm đau, nuôi chú con. Khoảng
thời gian chú con mười mấy tuổi, là thời gian rất khó khăn vì chú bướng, còn ba
thì nóng tính, hay đánh chú, mắng chú rất dữ... Khó khăn đến mức,
có những lần ba tưởng vô vọng, không thể cứu chú con được. Mãi sau này lúc con chuẩn bị ra đời,
ba mới sửa dần tính nóng, biết cách nhịn chú con hơn – chú cứ chuẩn bị bướng là
ba đã nhường trước. Nhưng đặc biệt là về tiền của, từ nhà cửa của bà con để lại
đến chi phí cho chú học, lo cuộc sống… ba không những không bao giờ tham lam tơ
hào của chú, mà còn hết lòng lo cho chú. Ba không giàu, nhưng cũng không tiếc
tiền lo cho chú của con. Do đó mà đến bây giờ, khi chú có gia đình riêng, có
công việc tốt… chúng ta vẫn gặp gỡ vui vẻ, hạnh phúc thành một gia đình lớn. Một
điều nhịn là chín điều lành, và mình là anh lớn, bổn phận mình phải nhường em
con ạ. Làm em đương nhiên sẽ phải nghe lời anh, nhưng làm em cũng có nhiều cái
thua thiệt – như ra đời sau, không được chăm sóc nhiều bằng, em con cũng không
được như con, nên em con nhiều khi nó muốn giành phần hơn một chút cũng là bình
thường. Nhường em con nhé, vài năm nữa lớn nó sẽ hiểu nó càng yêu con hơn.” “Vâng
ạ.”
Thế đấy con trai ạ – “Làm anh
khó lắm, phải đâu chuyện đùa!” Học làm anh nhân tiện học phá luôn cái sự chấp
nhặt trẻ con, điều mà chính ba quá nửa cuộc đời rồi mới bắt đầu học. Ngày xưa
ba xin của một ông đồ già đôi câu đối: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự - Bách nhẫn
đường trung hữu thái hòa” rồi sau này ba sẽ giảng cho con. Một chữ “chăm chỉ”
thì trong đời không có gì là khó, vạn sự nhịn nhường thì lúc nào gia đạo cũng
giữ được hòa khí. Đời ngắn ngủi lắm, và chúng ta chỉ gặp nhau một lần ở cuộc sống
này thôi, tranh cạnh hơn thua làm gì chứ? “Làm người khó lắm, phải đâu chuyện
đùa!” có những việc phải học cả đời mà chưa chắc đã xong…
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment