Có một bản nhạc với giai điệu hết sức hoành tá tràng, nhưng lại rất khốn khổ. Nghe thật kỳ quặc nhưng lại là chuyện thật. Đó là bản nhạc Santorini của Yanni. Ngay từ đoạn dạo đầu của nó bản nhạc đã toát nên một vẻ hùng vĩ, dồn dập vừa phải nhưng không kém phần dữ dội. Có thể nói đây là một bản nhạc thành công của Yanni.
Nó thành công, vì nó hoành tráng. Ở Việt Nam, người ta phát hiện ra nó rất phù hợp với các… i-ven. Từ khi ra đời nhiều Công ty tổ chức sự kiện, Santorini lại càng ăn khách.
Chắc cũng hơn chục năm rồi, từ khi bản nhạc ra đời, và nó được sử dụng lần đầu trong một cuộc thi sắc đẹp hàng trung ương nào đó ở Việt Nam. Từ đó, cứ hễ thi hoa hậu, thi sắc đẹp, nữ sinh thanh lịch, rồi trao giải, phát phần thưởng… ở các cấp, các ngành, người ta đều sử dụng bản nhạc đó. Có vẻ như nó thực sự thích hợp với phát phần thưởng.
Thi hoa hậu dùng nó thì đi một nhẽ. Các cuộc thi hoa hậu cấp địa phương khác dùng nó, thôi cũng được. Nhưng đến các cuộc thi nữ sinh thanh lịch cũng dùng nó, đã bắt đầu khổ thân cho nó rồi. Đến các cuộc thi “bé khỏe, bé đẹp” ở các trường Mầm non, cũng dùng nó, thì đúng là khốn khổ. Trường ông con tổng kết cuối năm, phát phần thưởng trên nền nhạc Santorini. Trường cô bé con, mới chỉ cấp nhà trẻ, cũng Santorini trong buổi lễ gì gì đó mới đây.
Không những thế, nó còn len lỏi cả vào những cuộc thi cấp phường, cấp xã ở nông thôn. Khi tôi hỏi một anh bạn đang “chạy máy” (người của công ty tổ chức sự kiện) – là không có bản nhạc nào khác hả em, cậu ta trả lời: Vầng, có bài “lày” phù hợp, bọn em dùng quen "dồi"…
Kể cả các cuộc thi chó, mèo, trâu bò lợn gà, người nông dân dắt gia súc gia cầm đi trong tiếng nhạc Santorini…
Yanni mà sang Việt Nam, đi khắp chốn cùng quê đòi bản quyền, chắc bộn tiền.
Nói chán rồi, kể nốt chuyện này rồi thôi. Ở Hà Nội có cái khách sạn tên là “Đường chân trời”, nếu tổ chức tiệc cưới ở đó, có đến gần chục năm ròng rã, người ta tổ chức cùng một kiểu. Cô dâu chú rể đi vào, trèo lên sân khấu trên nền nhạc The Wedding March thì không nói làm gì – sau đó anh chàng MC lần nào cũng một bài: thưa quý vị, thưa hai họ, đã từ ngàn đời, lửa là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, và thanh kiếm là biểu tượng của sự bảo vệ tình yêu đó. Hôm nay khách sạn chúng tôi xin mời quý vị chiêm ngưỡng tiết mục kiếm lửa để cầu chúc cho tình yêu vĩnh cửu của cô dâu, chú rể, những người đẹp nhất và hạnh phúc nhất trong ngày hôm nay… và dự bữa tiệc mừng hạnh phúc… hoan hô, hoan hô… rào rào rào rào…
Đứng sẵn ở cửa là hai thanh niên cầm hay thanh kiếm bằng sắt tây, quấn giẻ rách tẩm dầu hay cồn gì đó, một thanh niên khác cầm lăm lăm cái bật lửa ga, châm vào khi MC vừa dứt lời. Hai thanh kiếm lập tức cháy đùng đùng, giật cả mình với những người ngồi gần. Hai người trai cầm bắt chéo nhau, rồi đi dọc hành lang giữa phòng khánh tiết, đi theo sau là hai chục thanh niên khác xếp hàng đôi bưng cao trên đầu 20 cái đĩa gì đó, đi theo đến giữa phòng rồi tỏa về các bàn, để mời khách. Hoành tráng, hoành tráng, nhất là nó diễn ra trên nền nhạc Santorini! Đến gần sân khấu, hai thanh niên cầm kiếm tách rời nhau, tỏa ra hai cửa ngách và nhanh chóng dập lửa bằng cách nhúng nước – là tôi đoán thế.
Tò mò quá, ngó thử xem cái món đi theo “kiếm lửa” là gì. Òa chà, là đĩa nộm! Ha ha. Hóa ra “kiếm lửa” là sự kết hợp của kiếm sắt tây, giẻ tẩm dầu với Santorini, đi theo là 20 đĩa nộm!
Tôi đã xem “kiếm lửa” và nghe Santorini đến gần chục lần, tất nhiên đều là ăn cưới. Thấy bảo trò kỳ quặc này, người ta tính thêm tiền nặng ra phết đấy. Những lần sau, lần nào cũng hỏi các bạn cùng bàn: “chúng mày đã đứa nào chứng kiến chưa? Chưa hả? Rồi, là hai thanh kiếm quấn giẻ tẩm dầu, đi sau là 20 đĩa nộm” – “Bố láo, bốc phét!” – Rồi tất cả chúng nó tròn mắt ra xem và công nhận, “Ừ, thằng này nói đúng!” rồi lăn ra cười. Nếu lần đầu xem, ấn tượng và hoành tráng. Xem vài lần rồi, chỉ thấy ngộ nghĩnh, và sau đó là chán.
Suy cho cùng, hóa ra, đám cưới ở khách sạn “Đường chân trời” cũng chẳng tiến bộ hơn đám cưới ở quê là mấy. Thấy bảo cái trò này, gần đây, khách sạn “Đường chân trời” đã bỏ, sau gần chục năm diễn đi diễn lại, đến mức lố bịch.
No comments:
Post a Comment