Gần đây khắp nơi đều rộ lên chuyện anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn chống đối chính quyền, nổ súng làm bị thương của công an và bộ đội…
Tôi xin không bàn tới những chuyện người ta đang bàn luận, mà xin bàn về một từ rất nhỏ hay gặp trong những câu chuyện tương tự như vậy: từ “đối tượng”.
Hôm trước nghe trên loa truyền thanh Phường có chương trình tặng quà cho những người có công với Cách mạng đối tượng là những người từ độ tuổi này đến độ tuổi này, đã được tặng thưởng các huân huy chương như thế này thế kia…
Thanh niên đi tán gái, hay hỏi nhau: thế đã có đối tượng nào chưa, hoặc tình hình đối tượng thế nào – à, là cũng sạch nước cản! Đại khái thế.
Khi làm một dự án kinh doanh, người ta phải xác định nhóm đối tượng được nhắm đến.
Như vậy, đối tượng ở đây phải được hiểu là khách thể của một hoạt động nào đó. Đối tượng nghiên cứu là khách thể của nghiên cứu, có thể là con người, là sự vật, là đồ vật, là mối quan hệ xã hội…
Trong từ điển Tiếng Việt, định nghĩa đối tượng là Sự vật làm mục đích cho sự nghiên cứu và hành động của con người – ví dụ đối tượng của Cách mạng dân tộc dân chủ là thực dân và phong kiến. (Từ điển Tiếng Việt – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1977 trang 305).
Trong chuyên môn ngành công an, người ta có cụm từ đối tượng hình sự, dùng để chỉ cái thằng đang bị nghi vấn trong một vụ án hình sự. Thực tế là các báo chí của ta đua nhau dùng từ đối tượng để chỉ cái bọn đối tượng hình sự đó. Nếu vào google gõ cụm từ đối tượng thì vào 15h00 ngày 10 tháng Hai năm 2012 cho khoảng 40.100.000 kết quả (0,23 giây) toàn là những tin thế này: Bắt khẩn cấp đối tượng côn đồ vào trường hành hung học sinh... rồi là Hà Nội: Lời khai đối tượng giết người vì nghi vợ ngoại tình…
Vậy đối tượng hình sự là khách thể của công tác điều tra chứ nhỉ? Đấy là cứ tạm hình dung thế, có thể đúng, có thể sai…
Trong vụ Đoàn Văn Vươn, ngay sau khi mấy bác quan chức Tiên Lãng và xã Quang Vinh bị kỷ luật, nhất là khi khởi tố vụ án phá nhà ông Quý em ông Vươn, báo chí cũng đã gọi mấy ông vừa mới là quan đó, là đối tượng. Còn anh em ông Vươn, ông Quý, vẫn gọi là Ông, lạ thế!
Cũng biết gọi là Đối tượng chẳng có gì là sai, nhưng mà gọi vắn tắt quá như thế, dần dần người ta chẳng biết đằng nào mà lần: đối tượng là một cái gì đó, là một hạng người nào đó rất xấu. Thật ra, nó không xấu như thế. Sự vắn tắt đã làm cho người ta hiểu xấu nó đi, thế thôi.
No comments:
Post a Comment