Kình ngư Hoàng Quý Phước |
Đôi khi kể cho ông ấy nghe về những “thành tích” của thể thao Việt Nam, cả những điều tốt và những điều chưa tốt… thì có một điểm ông ấy rất phản đối là cái “chỉ tiêu”.
Mỗi đợt đi Xe-ghem, rồi đi A-xi-át… lãnh đạo ta thường đặt ra chỉ tiêu bao nhiêu vàng, bạc, đồng… mà theo ông Huấn luyện viên của tôi, thì đó là một điều kỳ quái. Biết nói trước sao được với phong độ và sự may mắn của vận động viên. Chỉ cần biết một điều là các vận động viên được chuẩn bị tốt nhất, huấn luyện tốt nhất một cách thực sự khoa học, bài bản – thế thôi, còn lại thì yếu tố may mắn không phải là một yếu tố bị loại bỏ hoàn toàn.
Theo ông, cái “chỉ tiêu” vẫn còn là cái rơi rớt của thời XHCN bên Đông Âu, ở Việt Nam ta và vài nước khác vẫn còn thịnh hành.
Ông ấy còn chưa biết rằng, ở Việt Nam còn đầy các chỉ tiêu khác.
Ngày xưa, anh công nhân mỏ than Lao động tiền tiến một ngày, tháng, năm đào được bao nhiêu tấn than… và đạt chỉ tiêu đầu năm đề ra. Nhưng bây giờ những thành tích kiểu đó chỉ có phá hoại môi trường. Chính phủ cần phải ngừng cấp phép khai thác khoáng sản, để dành tài nguyên cho tương lai con cháu.
Hàng năm, ra Tết, các ngành đều đồng loạt tổ chức ra quân, đưa ra hàng đống chỉ tiêu thành tích để đạt, để phá kỷ lục.
Ngành giáo dục, nặng nhất, vẫn còn các chỉ tiêu % học sinh giỏi, tiên tiến… làm cho bệnh thành tích không thể chữa khỏi được, vẫn hoành hành.
Có năm, ngành Cảnh sát giao thông còn có chỉ tiêu hàng năm phạt được bao nhiêu trường hợp, nộp ngân sách bao nhiêu tiền… chỉ tiêu đáng nhẽ phải là tăng cường giáo dục pháp luật giao thông, giảm thiểu số lượng người vi phạm và giảm cả tai nạn giao thông. Nhưng nếu không phạt được trường hợp nào, điều đó có nghĩa là ngành cảnh sát giao thông… không làm việc, không phạt được ai cả.
Bóng đá Việt Nam năm nào chẳng có hàng đống chỉ tiêu, mà mấy năm nay càng bới ra càng khó thở.
Chỉ tiêu ở Việt Nam là biểu hiện của bệnh thành tích. Người ta thích nhìn vào những con số trong báo cáo mà không cần biết đến đó nhiều khi là những thành công giả vờ, hoặc vô ích. Thực tiễn cuộc sống nó đòi hỏi nhiều khi khác với những chủ quan duy ý chí của người lãnh đạo, và nếu cứ giữ như thế mãi, không đủ can đảm nhìn thẳng vào những yếu kém của bản thân mình thì chẳng bao giờ đất nước khá lên được.
Nói thêm, kình ngư Hoàng Quý Phước mà tôi rất mến mộ, nghe đâu cũng là một ví dụ của cái gọi là xã hội hóa trong phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, cậu ta được bồi dưỡng và huấn luyện ngoài cái hệ thống bảo thủ trì trệ của thể thao Việt Nam. Và cũng hình dư là cậu ta hồi đi Xe-ghem vừa rồi, chẳng vì cái chỉ tiêu nào cả.
No comments:
Post a Comment