Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, February 4, 2012

Yêu Hà Nội theo cách của người không phải "người Hà Nội"


Bài của Pipi tất dài

Dẫu chẳng có "nhớ vô cùng tuổi thơ tôi Hà Nội", nhưng hai tiếng gọi thiêng liêng ấy, vẫn đập trong trái tim tôi với niềm yêu thương đến thành kính.

Cái lần đầu tiên đặt chân lên Hà Nội, năm học lớp 4, cảm nhận Hà Nội trong cái men say ngây ngất sau chuyến xe dài đối với một đứa trẻ chưa quen đi quá con đường từ nhà đến trường. Hà Nội trong một trưa nắng chói chang xếp hàng dài ở lăng Bác, trong buổi trưa rất vội cô giáo dẫn đi một vòng quanh công viên Thủ Lệ. Để bây giờ, mỗi lần đi lăng Bác, đi Thủ Lệ, nhìn các em đội mũ ca lô, đeo khăn quàng đỏ, tôi lại nao nao nhớ ngày nào, nhớ đến niềm tự hào và náo nức của những "cháu ngoan Bác Hồ".

Ngày ấy, Hà Nội trong tôi trang nghiêm, và to lớn. Lăng Bác rất to, nhà cửa cũng rất to, những con đường rộng rợp bóng cây xanh. Và ngày ấy, tôi vẫn tin là nếu ngoan và học giỏi thì được đi Hà Nội.

Những năm sau ấy, thỉnh thoảng tôi lại được đi Hà Nội, như một phần thưởng vào mùa hè, trong khi chúng bạn thì được theo bố mẹ cho đi tắm biển hay du lịch. Khi chẳng phải đối mặt với những cái xấu thường xuyên, thì cái lưu lại trong trí nhớ đôi khi thật là lạ. Tôi nhớ lần đầu tiên được nhìn thấy một ông bán tào phớ đi rao trong ngõ, tôi nhớ chuyến xích lô của một ông cụ già chở bố con tôi từ ga về Láng Hạ, nhớ những bậc cầu thang trong các khu tập thể, mà tôi vẫn hay thấy trên phim. Còn Hồ Gươm, công viên hay những địa điểm du lịch chỉ thoáng qua tôi, để bây giờ thỉnh thoảng chỉ lẩm nhẩm rằng hồi bé mình đã từng đi qua đó.

Ngày lớp 9, tôi được biết đến Hà Nội với con phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ ngập tràn sách. Con bé rụt rè chỉ dám chọn 1 quyển truyện con con. Lúc ấy, Hà Nội đối với tôi hấp dẫn đến thế. Với những người Hà Nội, có lẽ những nét văn hóa truyền thống lâu đời, những phong cách lễ nghi, những tinh tế dịu dàng, hay những con phố bình yên, trầm mặc luôn giữ một vị trí trang trọng trong lòng. Còn với tôi, thì Hà Nội hấp dẫn ở chỗ nó là một kho tàng cho tôi khám phá. Những hàng sách dọc Đinh Lễ giờ đã là nơi nghỉ chân quen thuộc của tôi, sau bất cứ mỏi mệt nào, để thanh thản cầm cuốn sách, đi dọc bờ hồ, nhìn ngắm những cụ già tập thể dục, những đôi lứa đang tràn đầy nhựa sống, những gia đình hạnh phúc dắt nhau đi mua sách, đi ăn kem Tràng Tiền. Và tôi cũng nhớ, có những buổi tối, một mình lang thang ở đó mấy tiếng đồng hồ, mua 1 cuốn cho mình, và 1 cuốn để tặng bạn.

Hà Nội cho tôi yêu bởi những cổng trường đại học. Nhớ lần đầu tiên đi thi vào lớp 10, tôi đã ước ao được sống trong không khí sôi nổi của những trường ĐH, được sống cuộc đời sinh viên tràn đầy nhiệt huyết. Hà Nội trong mắt bạn bè năm châu là thành phố già bình yên, nhưng Hà Nội trong mắt những đứa học sinh lúc bấy giờ, là miền đất để làm điểm tựa bay xa. Hà Nội có cái nhộn nhịp phố phường mà Nam Định thanh bình không còn giữ được. Hà Nội có những cơ hội mở ra để cho những nhịp chân trẻ hối hả mà chạy đua. Có ai nói rằng những người nhập cư làm xấu đi Hà Nội, nhưng liệu không có những cô cậu sinh viên phơi phới tuổi xuân kia, Hà Nội có mất đi phần nào cuộc sống của mình hay không nhỉ?

Ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường Bách Khoa, một niềm tin rõ nét đã hiện lên rằng nơi đây sẽ gắn bó với tôi. Cánh chim được xổ ra ngoài cánh cổng trường cấp 3 chật hẹp và tung bay trên khoảng trời đầy nắng và gió mênh mông.

Tôi yêu Hà Nội bởi những bài hát thân thương đã in thành những kỷ niệm, để những chiều đạp xe chầm chậm bên hồ Thiền Quang lại văng vẳng "nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng, và nhớ nhớ bao khuôn mặt mến thân đã quen bước chân giọng nói"... Tôi yêu cảm giác ngồi trên tàu, rạo rực trong lòng khi nhìn qua cửa sổ thấy Parabol quen thuộc và nghe giọng đọc thân thương: "Chuyến tàu ... đang về đến ga Hà Nội, Hà Nội là trái tim của cả nước, Ba Đình là trái tim của Hà Nội..." rồi "Một chàng trai là chiến sỹ biên phòng, một cô gái lên đường đi xa, vẫn thủy chung với cả tấm lòng, Hà Nội ơi, một trái tim hồng"

Tôi yêu Hà Nội với những con đường rợp bóng cây, với tượng đài Lenin, tượng đài Lý Thái Tổ nhắc tôi nhớ đến Nam Định nhiều hơn. Đi dạo quanh phố cổ, giữa những ngôi nhà mới sửa sang, giữa những biển hiệu nhiều mầu sắc, lại là một cổng làng, cổng Đình, trầm mặc và uy nghi, thỉnh thoảng một ngôi nhà cũ nát gợi nhớ đến "ta còn em, hàng phố cũ rêu phong, và từng mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm". Dẫu chẳng có những kỷ niệm với hàng phố này, nhưng những mái ngói cũ trên đường Minh Khai Hàng Sắt ngày nào ở nhà lại gợi ra trong tôi những ngày tháng lang thang trên mấy con phố cũng rất cổ ở quê mình. Tôi yêu Hà Nội, vì đôi khi bất chợt, may mắn tôi gặp lại mình của Nam Định thân yêu trong những nét rất riêng của Hà Nội.

Và rồi, tôi yêu Hà Nội, hơn bao giờ hết, vì những ngày tháng đã qua trên mảnh đất này, ngắn ngủi thôi, nhưng đã cho tôi nhiều bài học, nhiều kỷ niệm, và thật nhiều cảm giác. Hà Nội cho tôi cảm giác tự lập, cho tôi hiểu cuộc sống giữa những người xa lạ, cho tôi thật nhiều bạn bè. Hà Nội cho tôi yêu hơn, trân trọng hơn những tháng năm đẹp đẽ trên thành phố Nam Định. Hà Nội cho tôi biết rằng mình đã lớn.

Ngày nào tháng nào, tôi còn dậy sớm ra đầu chợ nhìn những gánh hoa, tôi còn được ngắm ánh hoàng hôn mê hoặc trên hồ Tây, hay sáng chủ nhật được lang thang trên những con phố yên bình lung linh hoa nắng, thì ngày đó tôi còn yêu Hà Nội. À mà hơn thế chứ, ngày nào những hình ảnh đó còn in dấu trong tôi, thì tôi vẫn yêu Hà Nội, dù rằng sau đó có đi đâu. Hà Nội không phải của tôi, không như cách gọi "Nam Định của tôi" nhưng Hà Nội in những trang nhiều cảm xúc trong một thời tuổi trẻ của tôi.

Vẫn mong rằng, những người như chúng ta sẽ không làm xấu đi Hà Nội!


Bài của Bố&con

Tôi sinh ra ở thành Nam, biết Hà Nội lần đầu tiên khi còn là chàng trai 12, 13 tuổi theo Mẹ lên Hà Nội mua nón lá trong những năm bao cấp, mẹ tôi là người buôn bán tại chợ Rồng, một trong những hàng đó là Nón lá.

Lần đầu lên Hà Nội nhìn cái gì cũng lạ, nhà to, phố to hơn ở quê mình, ở đó có tàu điện chạy, chuông tàu kêu leng keng như kẻng đổ rác. Một kỷ niệm không thể nào quên được là khi ở ga Hàng cỏ chờ tàu, trốn mẹ leo lên tàu điện, tàu chạy đến ngã tư Khâm Thiên thấy đã quá xa, hoảng sợ nên nhảy ngay xuống bị ngã dập mông nhưng chẳng thấy đau vì chỉ sợ lạc Mẹ biết đâu đường về.

Dân nhà quê ngu ngơ lên tỉnh, mắt tớn lên nhìn phố xá, đâm quàng đâm xiên vào người đi bộ, một cảm giác đau đau như còn đọng mãi đó là đau trán, bởi thời đó, các cô gái đâu có Triump như bây giờ, cái “chung chiêng” của các chị được làm bằng vải phin trắng trần 2 lớp, giữa có lót bìa và nhọn như cái phễu bán dầu (nhà tôi sản xuất và bán hàng này), ngây ngô nhìn, ngắm, chen chân cùng dòng người xuôi ngược, trán va chan chát vào những thứ đó - đau ê ẩm (bây giờ mà được va như thế thì thật tốt, chẳng biết đau là gì). Hồ Gươm thời đó đẹp thật mêng mang và huyền ảo, quanh hồ là những bờ cỏ xanh mơn mởn, là những hàng liễu lả lơi soi bóng xuống mặt nước lăn tăn sóng, trong xanh như pha mực, phố xá toàn người đi bộ hoặc xe đạp, những chú bé buông chiếc cầu câu tôm nhỏ xíu bên hồ trông thật thanh bình ...

Hà Nội như một giấc mơ kỳ ảo, mong mỏi được sống và làm việc ở đó là động lực để mình cố gắng học hành và rồi cũng thi đỗ vào một trường đại học đủ để cho bố mẹ hãnh diện - trường đại học Kinh tế kế hoạch, được gọi là “công dân Hà Nội dự khuyết” với bao điều mới mẻ mong được khám phá, nhưng cảm giác Hà Nội ở xa hơn lại dần hiện hữu, xa bởi tiếng nói êm nhẹ của người Hà Nội, sự tự tin, tự nhiên quá mức của các bạn ngoại trú (tự nhiên như người Hà Nội), hình ảnh cô gái Hà Nội đẹp thánh thiện (cô gái hàng Bạc cái giá cắn đôi) không còn nữa ... Năm thứ ba đến thật nhanh, tôi quen được một em năm đầu người Phú Thọ thật đẹp, thế là có một người đồng hành, chiều chiều đạp xe gần 5 km trong cái đói cồn cào để ngắm hồ Tây trong hoàng hôn. Đứng gần em trong chiều dần buông thấy thật ấm lòng, những ngón tay chạm nhẹ những ngón tay mà cũng đủ để run run hạnh phúc trong dáng chiều vàng chạng vạng.
Ra trường, lấy vợ, sinh con. Con sinh ra tại Hà Nội, uống nước Hà Nội và nói giọng Hà Nội một cách tự nhiên, thứ âm hưởng các cô giá nội trú ngày xưa học mãi mà không được. Câu nói của con trẻ mình muốn nghe nhất không chỉ là tiếng gọi ba, mẹ mà cả tiếng nói có âm e như “mẹ ơi cho con ăn kem, ăn chè ...” trong một không gian tĩnh lặng đủ để cảm nhận được linh khí của đất trời Hà Nội.

Bây giờ, Hà Nội trong tôi nhưng một bà già đoảng vị, mặt đầy son phấn nhưng không che được nét tàn phai, nhọc nhằn, đó là dòng người nhốn nháo, chen lấn trên con đường đầy bụi, bị cày sới không thương tiếc, đó là những tiếng còi kêu chói tai người, những chiếc xe buýt phun khói mù mịt, những nam thanh tóc nhuộm màu cởi trần phóng xe nhưng bão chở nữ tú trong trang phục lộ hẳn quả mông nham nhở, những ánh mắt nhìn vô cảm, những con người lầm lũi; Hà Nội trong tôi là những chiều hè đón con trong nắng nóng tưởng như kiệt quệ sức người, là những cơn mưa và con đường úng ngập bẩn thỉu thừa đủ để làm phai những gót hồng, là thèm lắm một tà áo dài trắng tinh khôi, một chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng để được hát mãi khúc ca “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu...”; Hà Nội trong tôi là cách quản lý yếu kém của chính quyền, của những người có tình yêu Hà Nội nhỏ hơn lòng tham, vị kỷ ... Thương lắm Hà Nội ơi! 

Bài post trên Diễn đànWebtretho ngày 1 tháng Tám năm 2010

No comments:

Post a Comment