Thời bao cấp, ấn tượng nhất là chuyện cái ăn cái uống bao giờ cũng gắn liền với xếp hàng – đặc quyền đặc lợi.
Mỗi nhà một quyển sổ mua lương thực, hễ cửa hàng có gạo là ra xếp hàng, gạo. Gạo thường là gạo có rất nhiều sạn, mọt, hạt gạo màu đỏ, không mấy khi còn cám. Đặt cái rá vo gạo vào chậu nước, vỏ trấu và các con mọt nổi lên lềnh phềnh. Chắc hẳn ăn cái loại gạo đó chẳng mấy chất, không ăn thì lấy gì mà ăn.
Cửa hàng lương thực thỉnh thoảng bán kèm mì sợi, hôi xì xì, và màu đen đen. Nồi cơm thế là phải ghế thêm mì. Tôi làm thủ công không có gì để dán, thường tìm những sợi mì lẫn trong cơm để dán giấy.
Có đợt, người ta bán hạt lúa mì, tròn vo, cứng cứng, được gọi là hạt bo bo. Mẹ tôi đem bung hay đồ lên, rồi ngào với đường thành một món quà không hề tồi. Lần khác, đi đong gạo không được gạo, lại được đến một tải bánh mì. Trẻ con như tôi thì khoái lắm, nhưng người lớn thì buồn thiu. Bánh mì đong về lại phải đem thuê người ta làm khô lại, thành bích-cốt để cho được lâu. Bích-cốt được chứa trong cái thùng nhôm trong góc bếp, thỉnh thoảng chạy ra chạy vào nhón một miếng, cho vào mồm ngậm thật lâu, nó tan dần ra, ngon thế.
Tết sắp đến, mẹ thường phải trữ bột mì, đường, trứng từ trước, đem ra Phố Huế, chỗ giữa ngã ba Đoàn Trần Nghiệp với ngã tư Nhà Rượu (Phố Huế giao với Tô Hiến Thành và Nguyễn Công Trứ) để thuê dịch vụ Quy – Gai – Xốp làm thành bánh gai. Bột được người thợ vắt thành những dải dài, rồi lấy cái thanh sắt cào khẽ từ đầu này đến đầu kia thành những sống gai gai y như lưng con cá sấu. Ông ấy cắt dải bột thành nhiều đoạn bánh, rồi đưa vào lò. Bánh thơm lừng, ngon phải biết!
Tết thường có hộp mứt bán kèm trong gói quà Tết. Trứng chim là cơ bản, cùng với mứt bí, mứt gừng và mứt dừa. Miếng mứt quất. Những năm chuẩn bị đổi mới, có thêm quả táo tầu. Đầu tiên là chén mứt lạc – trứng chim, sau đó là mứt bí vừa mát, vừa ngọt. Mứt hạt sen phải nhặt ra để mời ông ngoại uống trà. Miếng mứt gừng cay quá, không thích, nên chuyển sang chén mứt dừa, rồi ợ lên mùi xà phòng mất mấy hôm.
Thỉnh thoảng, ốm được ăn phở. Mẹ xách cặp lồng ra mua cho ông con bát phở, nếu ốm nhè nhẹ thôi thì bát phở sao mà ngon thế. Ở ngã ba Phố Huế - Thịnh Yên có hàng phở mậu dịch, xếp hàng dài dằng dặc. Nước ngọt lừ như pha đường, nhưng ăn vẫn cực ngon.
Kẹo thì có hai loại kẹo, kẹo Hải Hà, và Hải Châu, ăn những bột là bột, không đắt hàng mấy.
Sực nhớ ra, có lần cửa hàng lương thực người ta bán sắn. Mẹ phải bóc vỏ, cắt ra, ngâm nước rồi ghế vào nồi cơm…
Nhà tôi là nhà tư sản cũ, nên sau năm ’54 phải cho mấy gia đình “nhập cư” vào sống cùng, tiếng là ở thuê, nhưng theo hợp đồng thì có mấy hào một tháng. Mãi sau này, người ta vẫn trả mấy hào một tháng như thế, rồi bỏ luôn, vì nhà mình chẳng thèm lấy nữa. Một trong những gia đình đó, có bà con dâu cả làm cửa hàng phó cửa hàng lương thực Mai Hắc Đế. Nhà đó, không bao giờ phải lo về chuyện gạo. Họ còn móc nối được với bên “Thực phẩm” nên cũng không bao giờ phải nghĩ ngợi về chuyện mua thịt thà cá mú.
Thỉnh thoảng, cửa hàng thực phẩm có bán đầu cá, bây giờ cho mèo chưa chắc nó đã thèm. Nhưng hồi đó là bán cho người ăn, mua về đến nhà nhiều khi thối hoăng rồi. Còn mua thịt, thì mua được đã là may, nói gì đến thịt ngon, thăn thiếc gì đó… nếu gặp may nhờ vả được ai đó, mua được mấy lạng thịt thăn thì phải làm ruốc để dành ăn dần.
Có lần thế nào gom góp được nhiều nhiều tem phiếu của đại gia đình, mua được đến mấy cân thịt lợn, cả nạc, cả mỡ. Thế là đại gia đình gần hai chục người làm trận bún chả, thôi rồi Lượm ơi, không thể quên. Gạo được đong ra rá, đem đổi bún. Cả nhà quây quần làm chả xương xông, rồi chả miếng, quạt mù mịt, kích thích lỗ mũi và cả dạ dày của hàng xóm. Thậm chí bây giờ, buổi trưa lúc nào đói, đi qua Bún chả Sinh Từ ở Nguyễn Khuyến chẳng hạn, dạ dày nó cứ giật giật…
Sáng hôm sau, bún hết, thường còn thừa chút nước mắm và chả, mẹ mua thêm nửa cân bún cho tôi chén nốt, vớt vát hương vị bữa liên hoan hôm trước.
Thịt mỡ mua được về thường phải chưng lên lấy mỡ nước để xào rán, còn lại tóp mỡ. Lúc nó còn nóng, chấm nước mắm có tí dấm, đưa được mấy bát cơm. Để dành lại, thỉnh thoảng rang cơm nguội ăn sáng, cũng coi như là có tí chất. Món này đem xào rau muống với tỏi, miễn chê. Đến bây giờ mà có tóp mỡ xào rau thì vẫn quá đã. Mỡ nước đổ vào trong chai, mùa đông nó đông đặc lại. Về sau bà ngoại đổ vào cái vại sành con con, mùa hè thì múc ra, mùa đông dùng đũa nguấy. Bây giờ bọn trẻ con chỉ nhìn thấy chai dầu ăn, không hình dung ra hình ảnh đuôi chuột khuấy lọ mỡ là như thế nào.
Thời bao cấp, đến rau còn phải đi xếp hàng để mua, và mua được một thứ rau vàng úa, trông chết khiếp (bây giờ nhìn thấy chắc các bạn trẻ gọi là rau lợn mất). Bắp cải thì nát đen hết, còn su hào thì cứng quèo quẽo. Nhiều khi mua được khoai tây còn bị mọc mầm. Còn cà chua thì nát và thối rất nhiều. Cửa hàng rau có cái xe ba bánh của Liên Xô (cũ) có cái chữ BMZ bằng nhôm gắn nổi, người ta thường gọi nó là cái xe “Bọn mất dậy”, nổ phành phạch, đằng sau là cái thùng đan lưới sắt dùng để chở đủ các thứ rau quả. Về sau, loại này người ta dùng để đóng thành xe lam.
Đột ngột, mẹ mang về một túi giấy xi măng chứa một thứ quả dẻo dẻo, màu nâu đỏ trong trong, ăn ngọt lừ. Người ta bán quả chà là ăn thay đường. Trẻ con, thấy cái gì giống kẹo bánh, quà cáp là sướng. Chúng nó có biết đâu, tất cả những cái sướng con trẻ đó, đều đi kèm với nỗi lo ăn bữa nay, chưa biết mai có gì ăn của người lớn.
No comments:
Post a Comment