Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, December 21, 2014

55 năm quan hệ Cuba – Hoa Kỳ I: Từ Cách mạng 1959 đến "Vịnh Con Lợn"

Trại lính Moncada
Sau 55 năm quan hệ hoàn toàn đóng băng, có thể nói là ở tình trạng thù địch, chỉ thiếu có chiến tranh, ngày hôm nay chúng ta mừng vui và phấn chấn trước tin lãnh đạo hai nước thông báo về tiến trình bình thường hóa quan hệ. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước Cuba – Hoa Kỳ từ năm 1959 đến nay, nghĩa là từ thời điểm cuộc Cách mạng Cuba chấm dứt chế độ độc tài Batista.

Năm 1898 được đánh dấu bằng sự kiện Hoa Kỳ tuyên chiến với Tây Ban Nha mở đầu cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, phần thắng thuộc về Hoa Kỳ. Cuba, một đảo quốc thuộc địa của Tây Ban Nha giành được độc lập nhưng cũng từ đó trở thành một nước phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, căn cứ Hải quân Guatanamo của Hoa Kỳ được thiết lập – đến năm 1903, Chính phủ hai nước đã ký hiệp ước cho Hoa Kỳ thuê vĩnh viễn Vịnh Guatanamo, mà sau này Chính phủ Cuba Cách mạng luôn luôn coi đây là một Hiệp ước áp đặt, bất bình đẳng và không hợp pháp. Sự có mặt của người Mỹ ở Cuba từ 1903 đến 1959 đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng cả trong đời sống chính trị lẫn kinh tế nước này, nhất là trong giai đoạn 1903 – 1934.

Cách mạng Cuba 1959

Từ khi giành được độc lập, Cuba vẫn là một nước nông nghiệp nghèo, có đến 43% dân số sống về nghề nông, chủ yếu là trồng mía đường. Cho đến năm 1959, xuất khẩu đường mía chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Cuba, nhưng trong đó thì tư bản Hoa Kỳ đã kiểm soát đến 40%. Ngoài ra tư bản Hoa Kỳ cũng đã nắm trên một nửa cổ phiếu của các ngành công nghiệp cơ bản của kinh tế như đường sắt, điện, viễn thông. Trong hơn nửa thế kỷ Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 1 tỷ đôla vào Cuba. Phần lớn lượng đường mía của Cuba là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, do đó nếu quan hệ hai nước xấu đi, kinh tế của Cuba sẽ ngay lập tức lâm vào khó khăn.

Từ năm 1934 đến năm 1959 là thời gian đại tá Fulgencio Batista (16/1/1901 – 6/8/1973) “làm mưa làm gió” ở Cuba. Ông ta chỉ thực sự làm tổng thống Cuba từ 1940 đến năm 1944, tức là khoảng 1 nhiệm kỳ. Đến năm 1952, ông ta tiến hành đảo chính và thiết lập trên đất nước một chế độ độc tài. Chính chế độ này của ông ta đã gây nên căm phẫn trong dân chúng Cuba, phong trào đấu tranh liên tục nổ ra và chính từ trong phong trào đấu tranh đó đã xuất hiện một người kiệt xuất. Luật sư, tiến sỹ luật Fidel Castro, một con người trẻ tuổi (ông sinh năm 1926, nghĩa là lúc đó mới 26 tuổi), đã lãnh đạo các sinh viên Cuba, chống lại chế độ độc tài. Ngày 26/7/1953, chỉ với 100 người chủ yếu là sinh viên, họ đã tấn công trại lính Moncada nhưng thất bại. Chính quyền đã không ngần ngại dùng những biện pháp mạnh để đàn áp phong trào của Fidel – cuối cùng tháng 5/1955, họ buộc phải ra lệnh ân xá cho Fidel. Ông sang tị nạn tại Mexico nhưng tại đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động, tuyển mộ nghĩa quân cho một cuộc đấu tranh vũ trang du kích mới. Trong số những người đến “đầu quân”, mà lần này Fidel đã đặt tên “Phong trào 26/7” cho cuộc đấu tranh mới này – có chuyên gia bậc thầy về chiến tranh du kích, người Arhentina sau này trở thành cực kỳ nổi tiếng trên thế giới: Ernesto “Che” Guevara (14/6/1928 – 9/10/1967). Ngày 2/12/1956, cùng với 80 nghĩa quân đã được huấn luyện chiến tranh du kích, Fidel và lại đổ bộ vào Cuba và một lần nữa tấn công trại lính Moncada, và cũng lại một lần nữa nghĩa quân của Castro thất bại, ông cùng 11 người sống sót rút lui lên ngọn núi Sierra Maestra. Từ đó, trong vòng hai năm Fidel Castro đã biến vùng này trở thành căn cứ du kích hoạt động ngày càng mạnh mẽ.

Năm 1958, Chính phủ Hoa Kỳ có sự thay đổi trong chính sách, cho rằng không nên dính dáng đến những chế độ độc tài Mỹ - Latinh, nên Bộ ngoại giao quyết định ngừng hỗ trợ vũ khí cho Chính phủ độc tài Batista. Tuy nhiên, thái độ của Đại sứ Hoa Kỳ tại Cuba lúc đó là Earl Smith có sự khác biệt – ông ta chủ trương tiếp tục hỗ trợ chính quyền Batista, như tiếp tục duy trì huấn luyện viên quân sự trong quân đội Cuba “Batista”, cũng còn do nguyên nhân Earl Smith được một số nhà tư bản Hoa Kỳ “chống lưng.” Cuối năm 1958, du kích của Fidel Castro tiếp tục tấn công và giành được thắng lợi, trong khi quân đội Batista mất tinh thần và tan rã. Đêm 31/12/1958, rạng sáng ngày 1/1/1959, Batista trốn khỏi La Habana. Được sự ủng hộ của Fidel Castro, ông Manuel Urrutia một cựu thẩm phán, lên làm tổng thống Cuba. Lực lượng của Fidel tiếp tục tấn công về La Habana và ngày 10/1/1959, cùng với một quân đoàn cơ giới, Fidel tiến vào thủ đô. Đại sứ Hoa Kỳ Earl Smith từ chức, và ông Philip Bonsal được cử sang thay thế. Đây là giai đoạn phong trào của Fidel giành được rất nhiều cảm tình từ dư luận Hoa Kỳ và có điều kiện thuận lợi trong thái độ của Chính phủ nước này.

Fidel Castro, một luật sư trẻ tuổi và rất tiến bộ, nhưng ông có một tinh thần dân tộc mạnh mẽ, do đó ông xây dựng một cương lĩnh là cần xây dựng một nước Cuba độc lập, không phụ thuộc Hoa Kỳ, nhất là về kinh tế. Một mặt, chính quyền mới có thái độ rất dứt khoát, đến mức tàn nhẫn với những người thuộc chính quyền của chế độ cũ Batista, mặt khác trong chính quyền của chế độ mới vẫn còn tồn tại song song cả lực lượng cánh tả cộng sản và những người thuộc phái “ôn hòa” không cộng sản. Fidel đã cố gắng trung hòa được cả hai phái. Tháng 4/1959, ông đã đi Hoa Kỳ nhưng không gặp được tổng thống Dwight D. Eisenhower (14/10/1890 – 28/3/1969). Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó đứng trước sức ép trong nước, đã thay đổi trước tình hình Cuba: có những người cộng sản Cuba và có yếu tố đàn áp nhân sự chính quyền cũ… dần dần, Eisenhower cũng phải có những chính sách cứng rắn hơn với Cuba.

Không đạt được tiến bộ nào trong quan hệ với Hoa Kỳ, Fidel cũng phải chịu sức ép, nhất là về kinh tế. Tháng 17/5/1959, Chính phủ Cuba Cách mạng tiến hành cải cách ruộng đất, chia lại đất đai, trong đó có cả đất của các công ty Hoa Kỳ. Một trong những ví dụ là Công ty United Fruit Company, sở hữu 136.000 hectar.

Tháng 7/1959, cảnh sát Cuba phát giác một âm mưu đảo chính trong quân đội Cuba, người cầm đầu là thiếu tá Diaz Lanz lúc đó đang nắm quyền tư lệnh quân đội. Diaz Lanz kịp chạy sang Hoa Kỳ nhờ có sự giúp đỡ của FBI và từ đó trở thành người chủ chốt chống lại nước Cuba Cách mạng trong những người Cuba lưu vong. Ông ta còn được ra trước Hạ viện Hoa Kỳ để phát biểu – trong bài phát biểu này ông ta đã nói về lý do chống chính quyền của ông ta là việc cộng sản hóa quân đội Cuba và khả năng sắp tới, Cuba sẽ trở thành một nước cộng sản.

Từ đó, quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn. Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của những người Cuba lưu vong, Diaz Lanz hoạt động đặc biệt tích cực. Những cuộc tấn công bằng máy bay của những người này xuất phát từ các sân bay ở Florida được tiến hành thường xuyên. Ngày 31/10/1959, cuộc không kích vào thủ đô La Habana đã làm nhiều người chết. Fidel Castro đã chỉ trích chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ rất nặng nề. Về đối nội, những người theo phái “ôn hòa” không cộng sản được loại dần khỏi bộ máy, những người cộng sản dần thay thế; trong đó có những người nắm chức vụ cao như Raoul Castro và Che Guevara. Và cũng chính đây là thời điểm đặt quan hệ của Cuba với Liên Xô. 

Ngày 13/2/1960, Cuba và Liên Xô đã ký một Hiệp ước, theo đó Liên Xô cam kết mua của Cuba 5 triệu tấn đường trong 5 năm và Liên Xô sẽ cấp cho Cuba một khoàn tín dụng 100 triệu đôla.

Quan hệ Hoa Kỳ - Cuba chính thức trở nên thù địch từ tháng 3/1960, khi Cuba quốc hữu hóa tài sản của các Công ty Hoa Kỳ, ngược lại, Hoa Kỳ cấm vận nhập khẩu hàng hóa từ Cuba vào (ngày 3/7/1960 Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị quyết ngừng nhập khẩu đường Cuba), đồng thời bằng mọi biện pháp chặn các nguồn tài chính đi vào Cuba. Ngày 17/3/1960, tổng thống Eisenhower với sự ủng hộ của phó tổng thống Richard Nixon, giám đốc FBI J.E.Hoover và cựu đại sứ ở Cuba Earl Smith – cho phép huấn luyện những người Cuba lưu vong để chống lại nước Cuba Cách mạng với mục đích rõ ràng là lật đổ chính quyền của Fidel Castro.

Ngày 8/5/1960, Cuba thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Liên Xô sau một thời gian gián đoạn. Cũng trong năm này Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày Mỹ cấm vận nhập khẩu đường Cuba, cũng là ngày Cuba, bằng tuyên bố của Che Guevara, “từ nay Cuba trở thành nước trong phe xã hội chủ nghĩa.” Fidel Castro cũng chính thức tuyên bố Cuba trở thành nước theo lý tưởng cộng sản, bằng đường lối hỗ trợ phong trào Cách mạng vô sản ở các nước Mỹ Latinh. Ông nói: “Chúng ta cam đoan sẽ làm cho đất nước chúng ta trở thành kiểu mẫu cho những ai muốn biến dãy núi Andes thành Sierra Maestra của lục địa Châu Mỹ.”

Fidel Castro gặp Phó tổng thống R. Nixon (1959) - Ảnh Getty
Chính sách của Eisenhower lúc đầu chưa ảnh hưởng rõ nét đến John F. Kennedy, người trở thành tổng thống Hoa Kỳ từ 21/1/1961, nhưng lại có một người tham gia rất nhiệt tình vào “vấn đề Cuba”: giám đốc CIA Allen Dulles. Và thế là một “Mặt trận cách mạng dân chủ” được thành lập, bao gồm những người Cuba lưu vong và cả những thành viên cũ của chính quyền Batista; có FBI và CIA hậu thuẫn. Họ tiếp tục theo đuổi phương án dùng người Cuba tấn công trở lại nước Cuba Cách mạng, với vũ khí và huấn luyện quân sự Hoa Kỳ. Kennedy bị thuyết phục bởi ý kiến rằng, nếu để Cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở Cuba, nghĩa là Hoa Kỳ đã chấp nhận sự thành công của chủ nghĩa cộng sản ở ngay sát nách mình, các nước Mỹ Latinh. Ngày 5/4/1961, Kennedy chính thức chấp thuận cho phương án được tiến hành bằng các thành lập “Hội đồng Cách mạng Cuba” do một người Cuba lưu vong tên là Jose Miro Cardona. Quan điểm của Kennedy có một điểm đáng chú ý là không chấp nhận những thành viên cũ của chính quyền độc tài Batista trong “Hội đồng Cách mạng Cuba” cũng như sau này, nếu kế hoạch lật đổ thành công. Đồng thời, trong mọi trường hợp, quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ không can thiệp vào hoạt động lật đổ của “Hội đồng Cách mạng Cuba.”

Sự kiện Vịnh Con Lợn

Đặc điểm của chiến dịch đổ bộ tấn công Cuba là những người Cuba lưu vong trong “Hội đồng Cách mạng Cuba” tin rằng nhân dân Cuba sẽ chống lại Chính phủ Cuba Cách mạng, cũng như nếu có khó khăn thì quân đội Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Chính vì thế mà họ thay vì đổ bộ lên vùng Escambray, vốn đang có một số quân đối lập hoạt động du kích nhưng lại là vùng đầm lầy, không thuận tiện cho tác chiến; họ chọn Vịnh Con Lợn, ở cách đó khoảng 80km. Kế hoạch là sẽ dùng các máy bay ném bom B-26 của Mỹ, nhưng do những người Cuba lưu vong điều khiển, tấn công chế áp không quân Cuba Cách mạng vào ngày 15/4, và quân đổ bộ sẽ tấn công sau hai ngày.

Ngày 17/4/1961, cuộc đổ bộ bắt đầu, nhưng thất bại hoàn toàn – tất cả quân đổ bộ người Cuba lưu vong đều bị bắt sống trên bãi biển. CIA đã thất bại khi báo cáo rằng nhân dân Cuba sẽ ủng hộ cuộc đổ bộ, ngược lại, là thái độ thù địch và ủng hộ rõ ràng dành cho Chính phủ Cuba Cách mạng. Thất bại này đầu tiên thuộc về CIA, do đó Giám đốc Allen Dulles lập tức bị mất chức. Đồng thời Hoa Kỳ và cả Kennedy, đã bị mất mặt trước toàn thế giới, vì thế giới đã thấy rõ họ là những người chịu trách nhiệm chính.

Không chỉ vậy, các nước Mỹ - Latinh cũng có thái độ khá tiêu cực với chính sách của Hoa Kỳ, và riêng Cuba thì thái độ chính trị trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: con đường xã hội chủ nghĩa. Ngày 27/6/1961 Các tổ chức Cách mạng Hợp nhất (ORI) đã được thành lập thông qua việc hợp nhất Phong trào 26 tháng 7 của Fidel Castro và Đảng Xã hội Nhân dân do Blas Roca lãnh đạo và Hội đồng Cách mạng 13 tháng 3 do Faure Chomón lãnh đạo. Ngày 26 tháng 3 năm 1962, ORI đã trở thành Đảng Thống Nhất Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Cuba (PURSC) và sau đó trở thành Đảng Cộng sản Cuba vào ngày 3 tháng 10 năm 1965.[1]

Ngày 1/12/1961, trong một bài diễn văn, Fidel Castro tuyên bố dứt khoát, Cuba sẽ chọn con đường là Chủ nghĩa Mác – Lênin.

(Hết phần 1)
_____________
Theo các tài liệu:
- “Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.

- “Quan hệ Cuba – Hoa Kỳ” – BBC bản tiếng Anh (“US-Cuba relations”) 11/10/2012


[1] Theo website Đảng Cộng sản Cuba http://www.pcc.cu/

Bài trên "Tuần Việt Nam" (bút danh Phúc Lai) tại đây

Xem tiếp phần 2 tại đây

Xem nốt phần 3

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment