Đi thăm Thổ
Nhĩ Kỳ hôm qua, tổng thống Nga Putin tuyên bố dừng dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng
chảy Phương Nam” (The South Stream pipeline) chạy ngầm dưới biển Đen, sang Nam
Âu mà đoạn chính quan trọng của nó là qua Bulgaria (ảnh trên, tin BBC ở đây).
Chúng ta thử
điểm lại một số thông tin về dự án này xem nhé. Dự án được manh nha từ năm 2007
sau thỏa thuận tăng giá khí đốt với Ucraina và Belarus không thành công, đe dọa
nghiêm trọng đến việc cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. (Tin BBC xem tại đây.) Chủ đầu tư của dự án là đại gia dầu khí Nga, công ty Gazprom. Được khởi
công giữa tháng 11 năm 2012, đến nay đã đi được 2/3 quãng đường. Vào thời điểm
đó, dự kiến dự án sẽ tốn tới 16 tỉ euros (20.4 tỉ đôla hay 12.8 tỉ £). Công suất thiết kế của đường ống là 63 tỉ
mét khối khí đốt một năm, sẽ cung cấp khí đốt tới các nước Bulgaria, Serbia,
Hungary, Slovenia, Áo và Italia ở một nhánh, tới hai nước Croatia và Hy Lạp theo nhánh thứ hai.
Tháng 6 năm
2013, sau khi nói chuyện với thượng nghị sỹ John McCaine (ảnh trên), thủ tướng Bulgaria
thông báo với báo giới rằng nước này sẽ cho ngừng dự án đường ống “Dòng chảy
Phương Nam”, theo yêu cầu trừng phạt Nga của EU. Tin BBC ở đây.
Hạ tuần tháng
8 năm 2013, Bulgaria thông báo chính thức cho dự án ngừng tiến hành. Tin BBC ở đây.
Ông Putin
thông báo lý do dừng dự án là do phía Bulgaria không tiếp tục cấp phép thực hiện
dự án trên đất nước của mình. Dự án đường ống dẫn khí dài 930 km (580 dặm) này
được khởi công trên đất Bulgaria vào tháng 10 năm 2013, nhưng nó đã bị dừng từ
tháng 6 năm nay do các biện pháp trừng phạt của EU. Theo phát biểu của mình
trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Putin cho rằng
việc dừng dự án thuần túy là do các nguyên nhân chính trị. Để bù lại, Nga sẽ
nghiên cứu xây dựng các trung tâm khí hóa lỏng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp
để cung cấp sang Nam Âu.
Đường ống dẫn
khí đốt “Dòng chảy Phương Nam” dự kiến chỉ sang năm 2015 sẽ đi vào vận hành,
nên việc dừng nó vào thời điểm này, đúng là chuyện bất khả kháng. Vậy thì có những
lý do nào để Nga dừng nó lại? Vì rõ ràng, điều này là cực kỳ mâu thuẫn với điều
chúng ta vốn quen nghe lâu nay, là nếu Nga cắt khí đốt, toàn châu Âu sẽ chết
rét. Thế chẳng nhẽ Châu Âu không sợ chết rét à? Nhưng mặt trái của vấn đề, là
đã có khí đốt thì phải bán, nếu không thì phải hóa lỏng nó hoặc các biện pháp
tàng trữ khác và chi phí cho việc này là rất tốn kém, do đó nhiều lần chỉ thấy
Nga dọa, mà chưa bao giờ cắt khí đốt cung cấp bán cho Châu Âu. Giá dầu mỏ giảm,
đồng nghĩa với giá khí đốt giảm theo, Châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu
thụ lớn, chỉ có lợi. Để dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, Châu Âu vốn lâu nay
không ủng hộ các dự án liên quan đến khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch
– đã bật đèn xanh ủng hộ cho dự án đường ống dẫn khí từ Azerbaijan qua Thổ Nhĩ
Kỳ, Bulgaria, Hungary sang Châu Âu từ cuối năm 2011 (dự án đường ống Nabucco, sẽ
đi vào vận hành chính thức năm 2017). Hợp đồng khí đốt Nga – Trung Quốc đòi hỏi
một đường ống dẫn khí trị giá lên tới 80 tỷ đôla Mỹ, và nếu chọn đường ngắn nhất
tại điểm biên giới Nga Trung qua Tân Cương, quá rủi ro cho Trung Quốc vì điều
kiện an ninh bất ổn tại đây. Còn nếu đường ống được xây dựng dọc theo đường sắt
xuyên Siberia xuống vùng Viễn Đông của nước Nga, thì nó quá dài, chi phí tốn
kém và thời gian xây dựng hoàn toàn không nhanh chóng. Nước Nga chưa dễ dàng rời
bỏ thị trường khí đốt Châu Âu, và vẫn buộc phải bán khí đốt với giá thấp.
Rõ ràng là việc
gây khó khăn cho việc bán khí đốt của Nga sang Châu Âu, là từ EU, chứ không phải
Nga là người dừng dự án trước. Ở đây có thể nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về
tài chính khi mà dự trữ ngoại tệ của Nga sụt giảm nghiêm trọng (thời điểm tháng
9 năm nay là 396 tỉ đôla, theo số liệu của IMF), Nga sẽ phải cân đối lại nguồn
lực cho các dự án ưu tiên hơn. Điều này cũng đồng nghĩa là Nga sẽ buộc phải đẩy
nhanh tiến độ dự án đường ống dẫn khí đốt bán cho Trung Quốc và phát triển công
nghệ khí hóa lỏng, cũng như xây dựng các trung tâm khí hóa lỏng.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment