Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, December 9, 2014

“Rub đôla” là cái gì ấy nhỉ?

Một affiche của SEV
Sau khi viết bài “Sự trả giá của nền kinh tế khai thác” và post lên mạng, có bác nhắc đến một khái niệm bản thân cũng thắc mắc bấy lâu nay. Khái niệm này chỉ những người thuộc thế hệ 7x trở về trước, thì còn nhớ, còn những thế hệ sau này thì gần như không có khái niệm gì về nó.

Khoảng những năm 1980, báo đài của ta bắt đầu nhắc nhiều đến khái niệm “rub đôla”. Chúng ta cũng không trách thế hệ trẻ được, vì nếu bây giờ dùng google mà search thì không có ra, hoặc ra một đống tỉ giá giữa rub và đôla ở thời điểm hiện tại. Cũng vì sao mà đến những năm 1980 chúng ta mới nghe nhiều đến khái niệm này, vì Việt Nam gia nhập “Hội đồng tương trợ kinh tế” vào năm 1978, ba năm sau ngày thống nhất đất nước. Đáng chú ý, Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa, nhưng không tham gia. Nam Tư cũng như vậy, nước này chỉ kỳ một số hiệp ước kinh tế với Khối từ năm 1972.

Tòa nhà khối SEV nổi tiếng hình cuốn sách mở, Mátxcơva
“Hội đồng tương trợ kinh tế”, (tiếng Nga: “Совет экономической взаимопомощи”, SEV (СЭВ, SEW); tiếng Anh: Council of Mutual Economic Assistance, COMECON hoặc CMEA), gồm các quốc gia thành viên sau: Bulgaria, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Romania và Liên Xô là các quốc gia thành lập và tham gia vào tháng 1 năm 1949; Albania tham gia tháng 2 năm 1949; Cộng hòa Dân chủ Đức – 1950; Mông Cổ - 1962; Cuba – 1972 và Việt Nam – 1978. Trụ sở của nó ở thành phố Moscow, phố “Arbat mới” (Новый Арбат), số nhà 36. Ngày nay “complex” này là tổ hợp các tòa nhà của Chính phủ Liên Bang Nga. Sau một thời gian, trong Khối SEV người ta nhận ra cần phải có một đồng tiền chung cho khối để dễ dàng thanh toán, khi mà giữa các thành viên với nhau ngoài việc đã có những quan hệ kinh tế song phương còn có những quan hệ đa phương nữa. Có nhiều đồng tiền riêng mà không có đồng tiền chung, lúc đầu người ta thống nhất vẫn dùng đồng rub của Liên Xô. Sau đó, ý tưởng hình thành đồng tiền chung đã xuất hiện. Nếu như đồng Euro mãi sau này mới có, thì từ này 22 tháng 10 năm 1963, người ta đã nghĩ ra một đồng tiền có tính chất đặt nền móng cho đồng tiền chung, tạm gọi là đồng “rub chuyển nhượng” (“Переводный рубль” hay “Transfered rub”) – “Rub chuyển nhượng” sử dụng chế độ “bản vị vàng” có hàm lượng vàng chính thức là 0,987412 gram vàng nguyên chất. Nó chỉ tồn tại trong hai Ngân hàng quốc tế: chỉ tồn tại dưới dạng các mục trong tài khoản đặc biệt của Ngân hàng Quốc tế về hợp tác kinh tế (IBEC, tên tiếng Nga là “Международного банка экономического сотрудничества” – МБЭС), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB – tên tiếng Nga là “Международного инвестиционного банка” – МИБ), hoặc tại các ngân hàng của các nước thành viên.

Nhìn chung là chúng ta không biết mặt mũi nó ra sao cả, hay nói cách khác là nó không có mặt trên thị trường và không có trong lưu thông. Không ai có nó để mua hàng hóa như bất kỳ một đồng tiền nào khác. Nó được dùng để quy đổi giá trị hàng hóa buôn bán trong Khối SEV mà thôi, thể hiện rất rõ đặc điểm “hàng đổi hàng” trong quan hệ kinh tế của Khối SEV.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A kể: “...Thực ra, mới đầu chúng tôi cũng chỉ là lấy công làm lãi trong một hợp đồng tay ba. Hợp đồng đầu tiên tôi ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức: mình giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện cho mình làm... Đại khái là tay ba như thế. Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Nhưng hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác: Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC đàng hoàng. Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.

Lúc đó Nga đang rất cần máy tính. Họ hỏi có lấy tiền “rúp chuyển nhượng” không? Chúng tôi chẳng biết đồng tiền ấy là gì vì không sờ mó được. Hóa ra, họ bán máy móc cho các công trường của Việt Nam ở Quảng Ninh, sông Đà, cầu Thăng Long... và Việt Nam trả lại bằng quần áo, giày dép, nông sản... gì gì đó, tất cả đều tính bằng đồng “rúp chuyển nhượng” ấy. Bây giờ họ muốn lấy bằng máy tính thì tuyệt quá rồi còn gì. Chúng tôi dùng đồng tiền “rúp chuyển nhượng” thu được từ việc bán máy tính, nhượng lại cho các ngân hàng để đổi lấy tiền mặt...


Đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ theo mệnh lệnh kiểu xã hội chủ nghĩa các nước Đông Âu như thế nào, thì hoạt động kinh tế của Khối SEV cũng y như thế, và việc thành lập khối này không những không hình thành nên một cộng đồng kinh tế lớn, vững mạnh, có sức cạnh tranh với thế giới, mà lại trở thành một cộng đồng kinh tế khép kín, hầu như không có sự giao thương với bên ngoài. Tất nhiên cũng có một phần lỗi tại sự đóng băng về quan hệ kinh tế Đông – Tây, “kính thưa các thể loại” lệnh cấm vận. Người ta đã dự kiến trong thập kỷ 1980 có thể cho ra được một đồng tiền chung có thể sử dụng trong lưu hành thực tế được, nhưng chỉ có Hungary là đáp ứng được các điều kiện, còn các nước khác thì chưa. Điều này đã không bao giờ thành hiện thực. Thành lập tháng 1/1949 đến ngày 28/8/1991, SEV giải tán.

Thập niên 1980, ở Việt Nam bắt đầu nghe phong thanh báo này, đài khác nói đến khái niệm “rub đôla”, có lần mình được nghe một tiến sỹ kinh tế học ở Liên Xô về nói một cách tự hào: “Khối SEV hướng tới có một đồng tiền mạnh như đôla, nên “ta” gọi nó là “Rub đôla”!” Ông chú tiến sỹ đê mê sung sướng, mơ về một liên minh kinh tế hùng mạnh tương lai sẽ “đập chết ăn thịt” phương Tây, cho chú Sam chị Thát kỳ này ra đê, làm ăn mày ăn xin hết. Thực tế, trên các văn bản chính thức, Việt Nam vẫn dùng khái niệm “rub chuyển nhượng”, ví dụ “QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 342/CT (9/12/1987) VỀ QUYỀN TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH DOANH DỊCH VỤ DU LỊCH”, có những quy định: “Về ngoại tệ xã hội chủ nghĩa kết hối 100% doanh thu quy ra Rúp chuyển nhượng, kể cả doanh thu phục vụ chuyên gia dầu khí theo tỷ giá khoán cho kinh doanh du lịch.” (điều 1 khoản B) và nhiều chỗ khác có liên quan đến “rub chuyển nhượng.”


Như vậy căn cứ trên sự hiếm hoi của khái niệm “rub đôla” trên internet ngày nay, cũng như những thông tin còn sót lại về khái niệm của một đồng tiền danh nghĩa dùng để quy đổi giá trị hàng – hàng trong khối SEV, chúng ta có thể suy đoán, là không có “rub đôla”; hoặc “rub đôla” là sản phẩm của những cái đầu siêu việt đang tham mưu cầm lái nền kinh tế Việt Nam thời những năm 1980, những ông tiến sỹ kinh tế học ở Liên Xô về kia, định đặt tên cho “rub chuyển nhượng” chăng?

Trong thập niên 1980, kỷ niệm 25 năm Ngân hàng Quốc tế về hợp tác kinh tế (IBEC – МБЭС), người ta phát hành một đồng xu “rub chuyển nhượng” và đến nay, nó trở thành đối tượng của những tay sưu tầm tiền xu trên khắp thế giới…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây    

No comments:

Post a Comment