Đầu tiên phải
nói luôn cho bà con đỡ hiểu lầm, mình không quen người anh em này ngoài đời. “Cà
phê sáng” là anh chàng trò chuyện với một cô Diệp Chi nào đó của Vê Tê Vê, còn
mình thì uống một cốc cà phê Mi-A tự pha và ngắm cả hai bạn trẻ, nghe họ nói
chuyện.
Mình đúng là
người thuộc “thể loại” dễ sa vào cực đoan, chưa nghe đã nghi ngờ mấy ông nhiếp ảnh
gia này là hay “chém vớ chém vẩn” lắm đây. Và thực là bất ngờ với anh bạn trẻ
có cặp mắt một mí, khuôn mặt sáng sủa và thiện cảm này. Nếu như bây giờ hỏi “chụp
ảnh” (với cá nhân mình không dùng từ nhiếp ảnh) với mình có vị trí như thế nào
trong cuộc sống, phải thẳng thắn thừa nhận, rằng “chụp ảnh” có một vị trí nhất
định, không quá quan trọng và cũng không phải không đáng kể. Nói “tôi không
chơi ảnh” là láo toét, mình chơi ảnh, nhưng không định làm “nghệ sỹ chụp ảnh”,
làm thày làm bà trong lĩnh vực đó, lại càng không.
Vì thế nếu hỏi
về thể loại ảnh mình thích chụp, thì có lẽ chính xác phải nói: thể loại ảnh du
lịch. Vì thế nên câu trả lời đầu tiên của Dương Quốc Bình làm mình thấy rất
thích thú: “Với tôi, nhiếp ảnh đầu tiên để ghi lại các kỷ niệm.” Đúng vậy, có
thể đây là một thể loại hơi khác một chút: “nhiếp ảnh kỷ niệm”, nhưng nó gần với
cái “thể loại” của mình. Chúng ta (mình và Bình) có một điểm chung: chúng ta muốn
ghi chép lại bằng cái máy ảnh, những gì chúng ta nhìn thấy, những nơi chúng ta
qua, những người chúng ta gặp và những câu chuyện chúng ta nghe. Chúng ta kể lại
bằng máy ảnh.
Ảnh du lịch
có thể chụp bằng bất cứ cái gì, điện thoại di động có chức năng chụp ảnh đến
chiếc máy ảnh chục nghìn đôla… dù là bạn dễ tính chụp bằng cái máy to như bao
diêm, đến cầu kỳ sử dụng ống kính vài nghìn đôla... đều có thể chụp ảnh du lịch,
miễn là bạn phải đi. Cũng có những lúc bạn phải cất máy ảnh vào túi, tha thẩn
ngắm tranh, hoặc đi theo một cô hướng dẫn viên để nghe về những hiện vật trưng
bày trong bảo tàng… Không phải lúc nào cũng phải cắm cúi với cái máy ảnh, bạn sẽ
mất cơ hội cảm nhận cuộc sống nơi bạn đang ở đó.
Một trong những
điều bạn sẽ cảm thấy thiệt thòi là việc bạn không thể trò chuyện được với những
người đang sống xung quanh nơi bạn đến. Lúc đó, bạn như một người du lịch đơn
thuần, đi cùng một đoàn người ai cũng đội cùng một thứ mũ, lốc nhốc đi theo một
anh chàng nào đó cũng đội một cái mũ như thế, đeo một cái túi ở bụng, tay cầm cờ,
mồm đem micro và có cái loa bên sườn… Và như thế, chắc chắn những tấm ảnh của bạn
sẽ không có được độ sâu sắc như khi bạn thực sự cảm nhận cuộc sống và bấm máy.
Dương Quốc
Bình nói: “Sự khác nhau giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người chơi ảnh
thông thường (đoạn này nghe không rõ là người chơi ảnh thông thường hay là
không chuyên nghiệp) là thu nhập. Nếu thu nhập từ nhiếp ảnh mang lại là trên
50% thì bạn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tôi có nhiều bạn là luật sư, bác sỹ…
họ không sống bằng nhiếp ảnh, nhưng những gì họ chụp được, rất sâu sắc, hơn rất
nhiều người chuyên nghiệp. Càng không liên quan gì đến chất lượng ảnh, không phải
chuyên nghiệp là phải chụp đẹp hơn không chuyên nghiệp…”
Đến đây mình
khoái anh chàng này thực sự. Đúng vậy, điều này cực kỳ đúng – một anh bạn trẻ
sinh viên y khoa, nhưng những bức ảnh Hà Nội của cậu ta giản dị nhưng đẹp mê hồn;
một “giám đốc ngân hàng trẻ” ảnh đẹp “ma mị” bằng kỹ thuật phôtôsốp siêu đẳng
và cực kỳ cầu kỳ… đều tỏ ra vượt trội rất nhiều so với kỹ thuật truyền thống mấy
chục năm nay từ thời chụp bằng phim nhựa.
Quay lại với
câu nói “Với tôi, nhiếp ảnh đầu tiên để ghi lại các kỷ niệm” của Dương Quốc
Bình, vốn thành kiến lâu nay với các nhời nhẽ đao to búa lớn của các nhiếp ảnh
gia nở rộ được mùa thời Facebook, mình chờ đợi một câu trả lời khác: “Với tôi
nhiếp ảnh là đam mê…” không Bình không nói thế và nói tiếp: “Nhiếp ảnh với tôi
không phải là việc phải vươn tới đỉnh cao…” đoạn tiếp theo nghe không rõ nhưng
những gì mình cảm nhận sau đó, với Bình, nhiếp ảnh là cuộc sống của cậu ta, cậu
ta kiếm sống bằng nó và đã có những thành quả nhất định. Đây là điều đáng mừng.
Sau đó tất cả những gì Bình nói đến cuối chương trình, đúng với Bình nhiếp ảnh
là đam mê, không là gì khác.
Nhìn chung phát
biểu của Bình là hiểu biết và chừng mực trên truyền thông. Được của “ló”! Và
cũng thấy vui vì mình phát hiện ra một điều là khi viết bài này, lên mạng
search Google mới thấy, mình là bạn Facebook với Dương Quốc Bình, vốn nổi tiếng
với nick name… James Duong, he he… Đây là lần đầu tiên mình được nhìn thấy anh
bạn này rõ ràng như thế, trên mạng là không có nhìn thấy mặt mũi ở đâu hết. Niềm
vui quan trọng nhất là hoàn toàn không có chút thành kiến nào, điều hiếm thấy ở
bản thân mình khi nghe các nhiếp ảnh gia “chém.”
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment