Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 22, 2014

55 năm quan hệ Cuba – Hoa Kỳ II: từ "Vịnh Con Lợn" đến "Khủng hoảng tên lửa"

Tàu chở tên lửa của Liên Xô tới Cuba - 1962. Ảnh: Getty
Thất bại của “Liên minh vì tiến bộ”

Không thể mất uy tín thêm nữa, cùng thất bại “Sự kiện Vịnh Con Lợn”, Kennedy cảm thấy cần thay đổi chính sách nhằm ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ - Latinh. Hoa Kỳ chủ trì hai Hội nghị Liên Mỹ họp ở Punta Del Este (Uruguay.) Tại hội nghị lần thứ nhất (8/1961), Hoa Kỳ hứa hẹn hàng năm sẽ có khoản viện trợ Nhà nước khổng lồ là 1 tỷ đôla cho các nước Mỹ - Latinh, và hy vọng sẽ thu hút thêm được 1 tỷ đôla nữa trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Hệ thống viện trợ tập thể này sẽ được đặt tên là “Liên minh vì tiến bộ.” Kế hoạch gặp khó khăn vì ngân sách bị Quốc hội Hoa Kỳ cắt giảm, cũng như giới tài phiệt Hoa Kỳ còn nghi ngại các nước Mỹ - Latinh. Tại Hội nghị lần thứ hai vào tháng 1/1962, tân ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk còn đề nghị khai trừ Cuba ra khỏi “Tổ chức các quốc gia châu Mỹ” vì lý do ở Cuba nay đã tồn tại một Chính phủ độc tài và chế độ của Cuba không phù hợp với các thể chế dân chủ của tổ chức. Đề nghị này đã vấp phải phiếu chống của những nước Mỹ - Latinh lớn nhất: Arhentina, Brazil, Chile và Mexico.

Vì hành động này của Hoa Kỳ, Fidel Castro đã kêu gọi toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Quan hệ Cuba – Liên Xô được tăng cường về mọi mặt để phần nào giảm bớt khó khăn cho Cuba do bao vây kinh tế của Mỹ.

Kennedy và học thuyết Monroe. Vai trò của Liên Xô ngày càng tăng

Kennedy và Chính phủ của ông rất do dự trước tình hình Cuba. Họ luôn tin rằng muốn lật đổ chế độ Cuba Cách mạng, chỉ bằng một cuộc xâm lược quân sự - việc này sẽ dẫn đến đối đầu Liên Xô, vì Liên Xô đã cam kết bảo vệ Cuba. Nếu hậu thuẫn lật đổ, thì cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự. Mùa hè năm 1962, ở Hoa Kỳ người ta tiến hành thăm dò ý kiến dân chúng, và kết quả cho thấy 61% số người được hỏi ý kiến cho rằng nếu đánh Cuba bằng quân sự, thì sẽ có chiến tranh với Liên Xô; 69% người được hỏi không ủng hộ cuộc can thiệp quân sự như vậy.

Do đó, biện pháp chống Cuba của Kennedy mới chỉ dừng ở mức cấm vận hàng hóa vào Cuba, chứ chưa đến mức phong tỏa Cuba, hành động được coi là chiến tranh và nếu vậy thì vẫn có khả năng đối đầu quân sự với Liên Xô [1].

Chính sách của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trung thành với “Học thuyết Monroe” – chống sự can thiệp của nước châu Âu, nay mở rộng thành các nước “không Mỹ” vào nước Mỹ [2]. Quốc hội Hoa Kỳ còn quyết nghị nếu cần sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn bất cứ hành động xâm lược hoặc lật đổ nào ở Tây bán cầu. Báo chí Mỹ liên tục đăng tải những bài viết rất thù địch chống Cuba. Hoa Kỳ thường xuyên cho máy bay U2 bay do thám trên vùng trời Cuba, gọi thêm 150.000 quân dự bị và cho phép những người Cuba lưu vong được gia nhập quân đội Hoa Kỳ, tất cả đều làm căng thẳng thêm tình hình.

Tình hình ngày càng căng thẳng đẩy Cuba vào tình thế phải tìm kiếm một liên minh khăng khít hơn nữa, nhất là về quân sự. Mùa hè năm 1962, Raoul Castro cùng Che Guevara sang Moscow, yêu cầu “Liên Xô cần có hỗ trợ hơn nữa để bảo vệ Cuba trước sự xâm lược của Đế quốc Mỹ.” Đề nghị này nhận được sự đồng ý của Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev.

Trang thiết bị, khí tài, vũ khí và chuyên gia quân sự Liên Xô bắt đầu có mặt ở Cuba, xây dựng các căn cứ quân sự (tên lửa) ở đây và dẫn dắt chúng ta vào một sự kiện mới:

Cuộc “Khủng hoảng tên lửa Cuba.”

Vào ngày 2/9/1962, hai nước đã ra thông cáo chung Liên Xô – Cuba với nội dung rằng “Liên Xô sẽ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho Cuba”, nhưng không hàm ý có vũ khí có thể tấn công Hoa Kỳ. Ngày 6/9/1962, Nikita Khrushchev phát biểu “trước cuộc tổng tuyển cử của Hoa Kỳ, sẽ không tiến hành bất cứ điều gì có thể làm cho tình hình quốc tế trở nên phức tạp hơn và làm cho quan hệ giữa hai nước chúng ta (Liên Xô và Hoa Kỳ) trở nên căng thẳng hơn.” Mối đe dọa nước Mỹ sẽ bị tấn công, là chưa rõ ràng.

Ngày 14/10/1962, một máy bay U2 tiến hành cuộc hành trình bay do thám. Hai ngày sau, tổng thống Kennedy được báo cáo về việc có dàn phóng tên lửa được xây dựng trên đất Cuba. Ngày 22/10 là “dead line” của Kennedy phải quyết định cho dân chúng Hoa Kỳ biết những gì đang diễn ra trên đất nước Cuba, và ông ta đã rất căng thẳng. Câu hỏi đặt ra là Liên Xô muốn gì? Phải chăng Liên Xô muốn buộc Hoa Kỳ phải can thiệp vào tình hình Cuba để “giăng một cái bẫy” làm cho dư luận toàn thế giới chống lại Hoa Kỳ? Phải chăng Liên Xô muốn đẩy Hoa Kỳ vào tình thế muốn Liên Xô rút tên lửa, phải ngồi vào bàn và tiến hành một cuộc “mặc cả toàn cầu”, như Hoa Kỳ phải rút tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ hay vài nhân nhượng khác ở Tây Berlin? Hay đơn thuần chỉ là “đòn gió” thăm dò khả năng phản ứng của Hoa Kỳ?

Sau thất bại Vịnh Con Lợn, Kennedy bị dồn vào chân tường: buộc phải hành động, nhưng không được phép sai lầm. “Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ” đã được nhóm họp gồm có Tổng thống John F. Kennedy, ngoại trưởng Dean Rusk, thứ trưởng ngoại giao George Ball, Bộ trưởng quốc phòng McNamara và trợ lý của ông Paul Nitze, Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân tướng Maxwell Taylor, giám đốc CIA George McCone, Bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy, bộ trưởng tài chính Douglas Dillon, các cố vấn Nhà Trắng Theodore Sorensen và McGeorge Bundy…

Fidel và Khrushchev - Moscow 1963
Trước mắt họ có các lựa chọn. (1) Tấn công Cuba, tiêu diệt các tên lửa Liên Xô triển khai trên lãnh thổ Cuba, đồng nghĩa với chiến tranh. (2) Dùng máy bay ném bom tiêu diệt tên lửa Liên Xô – một kế hoạch đầy rủi ro vì có thể nó không đạt được kết quả như mong muốn, hơn thế nữa ý tưởng này vấp phải sự phản đối của Robert Kennedy và George Ball. (3) Tổ chức phong tỏa cục bộ xung quanh Cuba ngăn không cho Liên Xô đưa vũ khí nguyên tử vào Cuba và đồng thời, đưa cho Liên Xô “tối hậu thư” để Liên Xô từ bỏ kế hoạch xây dựng dàn phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Cuba.

Về kế hoạch thứ ba này, Hoa Kỳ có đầy đủ năng lực thực hiện: sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển Caribe là “khỏi phải bàn”, lại nằm xung quanh khu vực, nhất là con đường hàng hải từ Liên Xô đến Cuba. Nếu tiến hành kế hoạch này, thì “đá được quả bóng sang sân của Liên Xô”, nghĩa là quyết định như thế nào, đều phụ thuộc vào phía Liên Xô cả: có tiếp tục cho các tàu chở hàng (có tàu ngầm hộ tống) đi tiếp hay không, hoặc thậm chí “liều” cho Hoa Kỳ khám tàu. Đây là một kế hoạch thụ động, nhưng lại có khả năng thành công lớn.

Cũng trong ngày 22/10, tổng thống Kennedy còn tham khảo thêm ý kiến của các cựu tổng thống Hoover, Truman và Eisenhower. Vào lúc 19 giờ cùng ngày, tổng thống Hoa Kỳ Kennedy đã đọc một bài diễn văn rất quan trọng trên truyền hình: “Như đã hứa, Chính phủ ta đã giám sát một cách chặt chẽ nhất các hoạt động quân sự của Liên Xô trên đảo Cuba. Tuần qua, đã có các chứng cớ không thể bác bỏ được chứng tỏ một loạt bệ phóng tên lửa tấn công đã được xây dựng trên hòn đảo tù túng đó. Mục đích của căn cứ này chỉ có thể nhằm tạo ra một lực lượng quân sự chống lại Tây bán cầu. Việc nhanh chóng biến Cuba thành một căn cứ chiến lược quan trọng thông qua sự có mặt của những vũ khí lớn tầm xa và rõ ràng có sức công phá mạnh nhằm hủy diệt hàng loạt là một sự đe dọa trắng trợn đối với hòa bình và an ninh của toàn bộ Châu Mỹ. Quyết định bí mật và bất ngờ đặt vũ khí chiến lược lần đầu tiên ở ngoài lãnh thổ Liên Xô là một sự thay đổi nguyên trạng, cố tình khiêu khích và vô căn cứ mà đất nước chúng ta không thể chấp nhận nếu trong tương lai chúng ta muốn rằng lòng dũng cảm và những cam kết của chúng ta vẫn còn được các bạn bè và kẻ thù coi là đáng tin cậy… Chúng ta sẽ không vội vàng liều lĩnh một cách không cần thiết với nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mà chiến thắng sẽ là tro bụi…, nhưng chúng ta cũng sẽ không lùi bước trước nguy cơ đó vào bất cứ lúc nào cần đối phó.”

Kennedy trước hết thông báo cho dân chúng Mỹ, sau đó là các đồng minh và trao tối hậu thư cho Chính phủ Liên Xô. Các chứng cớ về tên lửa Liên Xô triển khai ở Cuba được công bố trên toàn thế giới. Quyết định này của Hoa Kỳ nhận được sự ủng hộ của thủ tướng Anh Maurice Harold Macmillan (10/2/1894 – 29/12/1986) và tổng thống Cộng hòa Pháp Charles De Gaulle (22/11/1890 – 9/11/1970) cũng tán thành. Khi được thăm dò ý kiến, 84% người dân Hoa Kỳ được hỏi ủng hộ quyết định này và chỉ có 4% cho ý kiến phản đối.

Liên Xô phản ứng như thế nào?

Trước đây khi trả lời câu nói của Mao Trạch Đông “đế quốc Mỹ là con hổ giấy”, Khrushchev đã trả lời: “Nhưng mà con hổ giấy ấy nó có răng nguyên tử.” Hơn ai hết, Nikita ý thức được rất rõ khả năng chiến tranh thế giới lần thứ ba và hậu quả khủng khiếp của nó. Vấn đề là xử lý tình hình như thế nào mà thôi – không căng lên, và hòa dịu đi một cách êm thấm cho cả hai phía. Tổng bí thư ĐCS Liên Xô đã có trao đổi thư từ trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ và họ đã tìm được tiếng nói chung. Liên Xô đầu tiên cho các tàu hàng quay trở lại để tránh va chạm với tàu chiến Mỹ. Thỏa thuận của hai siêu cường là Liên Xô sẽ rút các tên lửa đã triển khai ở Cuba dưới sự kiểm soát của các quan sát viên Liên hiệp quốc, cam kết sẽ không đưa chúng quay trở lại. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng phải cam kết sẽ không dùng vũ lực với Cuba. Nếu thực hiện được như vậy, thì rõ ràng Liên Xô “đã triển khai tên lửa để bảo vệ nước Cuba nhỏ bé khỏi sự tấn công của Hoa Kỳ” chứ không có ý định tấn công Hoa Kỳ. Hai nhà lãnh đạo siêu cường nhanh chóng tìm được tiếng nói chung – Kennedy cũng đồng ý với Khrushchev về phương án như vậy.

Cho rằng bị đẩy vào tình thế “các nước lớn thảo luận về nước nhỏ không thông qua nước nhỏ,” Fidel Castro phản ứng khá dữ. Ông không đồng ý với thỏa thuận của Khrushchev với Kennedy và đưa ra yêu sách 5 điểm:
1. Chấm dứt phong tỏa kinh tế.
2. Chấm dứt các hoạt động lật đổ bằng quân nhảy dù và bằng tàu vận chuyển vũ khí, chấm dứt các hoạt động gián điệp và phá hoại đối với Cuba.
3. Chấm dứt các cuộc tiến công kẻ cướp bằng máy bay xuất phát từ Hoa Kỳ.
4. Chấm dứt việc cho máy bay xâm phạm không phận Cuba.
5. Hoa Kỳ rút quân khỏi căn cứ hải quân Guantanamo.  

Hoa Kỳ thì đương nhiên không đồng ý với bản yêu sách này, do đó tình hình lại trở nên bế tắc, gây khó xử cho Liên Xô vì khó khăn đến từ phía đồng minh. Ngày 19/11, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Anastas Ivanovich Mikoyan (25/11/1895 – 21/10/1978) tới Cuba, và sau 11 ngày bàn thảo với Fidel, cuối cùng họ đã đạt được sự đồng ý của phía Cuba cho tháo dỡ các dàn tên lửa đã lắp đặt tại Cuba và chở về bằng máy bay, nhưng không chấp thuận cho các quan sát viên Liên Hiệp Quốc vào giám sát.

Trước tình hình đó, Hoa Kỳ tuyên bố rút lời hứa không tấn công Cuba và tiến hành giám sát việc Liên Xô rút tên lửa về bằng không quân. Chỉ đến ngày cuối cùng trong chuyến công tác của Mikoyan, Cuba mới đồng ý cho quan sát viên Liên hiệp quốc vào giám sát tại chỗ, nhưng Hoa Kỳ vẫn không đưa lời hứa trước đây quay trở lại, tuy nhiên vẫn có những hành động hàm ý họ sẽ không tấn công Cuba. Hành động này của Cuba đã làm cho quan hệ Cuba – Liên Xô không còn được mỹ mãn như lúc ban đầu.
______________
Theo các tài liệu:
“Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.

“Quan hệ Cuba – Hoa Kỳ” – BBC bản tiếng Anh (“US-Cuba relations”) 11/10/2012

[1] Phong tỏa là cho tàu chiến ngăn các tàu hàng, thương mại… vào cảng Cuba.
[2] “The Monroe Doctrine” được đưa ra vào năm 1823 bởi tổng thống Hoa Kỳ James Monroe.

(Hết phần 2)

Xem lại phần 1 tại đây

Đọc tiếp phần 3 tại đây

Bài trên "Tuần Việt Nam" bút danh (Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment