Giá của một
thùng dầu thô Brent đã giảm một nửa từ 115 đôla mùa hè qua đến mức ổn định khoảng
60 đôla trung tuần tháng 12. Giá dầu thô thế giới giảm đã có những ảnh hưởng trực
tiếp đến những nhà sản xuất dầu từ đá phiến Hoa Kỳ theo phương pháp fracking
[1], sau đó là các nền kinh tế Nga và Iran. Bất chấp những cố gắng của một số
nước như Venezuela đang lên những tiếng nói yếu ớt đề nghị cắt giảm sản lượng, đại
gia dầu Saudi Arabia vẫn phớt lờ và người ta đang dự báo giá dầu sẽ còn giảm
sâu và giữ mức thấp trong thời gian sắp tới.
Vậy giá dầu
giảm thấp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, tới những nhà xuất
khẩu dầu thô và cả chúng ta?
Hoa Kỳ
Hiện nay, thịnh
hành một ý kiến cho rằng Hoa Kỳ là nguyên nhân chính trong việc duy trì một giá
dầu hạ để cố gắng “đánh gục” nước Nga của Vladimir Putin, nước có nền kinh tế
phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là nước có
các công ty dầu sản xuất từ đá phiến là những nhà sản xuất có chi phí cao, là
những người dễ tổn thương nhất – người ta tính ra điểm hòa vốn của sản xuất dầu
fracking là 110 đôla Mỹ, như vậy thì sẽ không rõ các nhà sản xuất này có thể chịu
đựng được tình trạng rất “phi kinh tế” này bao lâu nữa. Nhưng rõ ràng sự phát
triển của công nghiệp sản xuất dầu từ đá phiến trên vùng đồng bằng trung tâm của
Dakota, Kansas và Nebraska, cùng với khai thác cát dầu ở Canada, đã làm giảm nhu
cầu nhập khẩu dầu sang Mỹ. Thị trường dầu và khí đốt thế giới đã bão hòa. Cùng
với tăng cung đang có quá trình giảm cầu, đặc biệt là khi Nhật Bản đang muốn
quay lại với năng lượng hạt nhân cũng như sản xuất của Trung Quốc chậm lại.
Các nhà sản
xuất dầu từ đá phiến của Hoa Kỳ đã đã đẩy sản lượng từ 5 triệu thùng/ngày trong
năm 2008 lên 8,5 triệu thùng/ngày vào tháng Sáu năm nay. Sản lượng khí đốt tăng
một phần ba kể từ năm 2005. Một Viện nghiên cứu của Mỹ đã ước tính rằng một
trong những mỏ dầu đá phiến được tìm thấy ở miền nam Texas đã có thể “tặng”
thêm 87 tỷ đôla cho nền kinh tế Mỹ riêng trong năm 2013.
Về tổng thể
ích lợi đạt được của nền kinh tế Hoa Kỳ, có một con số ấn tượng: cứ mỗi 10 đôla
giảm cho một thùng dầu, thì GDP của Hoa Kỳ tăng được 0,1% (Con số dự báo của
Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS - Union Bank of Switzerland.) Như thế chúng ta có
thể dự đoán, nền kinh tế Hoa Kỳ được hưởng lợi nhiều từ giá dầu thô giảm, do đó
Chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn phải có những biện pháp hỗ trợ cho các nhà sản xuất
dầu đá phiến trong nước để tiếp tục duy trì tình trạng có lợi này lâu đến mức họ
muốn.
Cũng có những
nhà kinh tế lo ngại giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến công nghiệp khai thác dầu khí
của Hoa Kỳ, và đây là hậu quả của chính sách Obama, nhưng ngược lại vẫn có những
ý kiến bảo vệ cho chính sách này, như ông Rick Ungar, cộng tác viên thường
xuyên của “The Forbes” thì đưa ra ý kiến bảo vệ tính tích cực của giá dầu giảm
đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Ông cho rằng giá dầu thô giảm làm cho người Mỹ giảm
được chi phí đi lại, chi phí sản xuất do đó giảm theo và đồng đôla Mỹ mạnh lên.
Hiện nay ở Hoa Kỳ vẫn có những nhà chuyên gia, những chính trị gia đang muốn
gây sức ép lên Tổng thống Obama về việc tăng các nghĩa vụ liên bang đối với các
nhà sản xuất dầu từ đá phiến, như giá thuê đất…
Giá dầu sẽ
còn tiếp tục hạ - Morgan Stanley [2] thậm chí còn dự báo giá dầu còn hạ đến mức
43 đôla Mỹ một thùng trong đầu năm 2015. Rõ ràng là cuộc chiến giá dầu bây giờ
mới chỉ bắt đầu.
Venezuela
Là thành viên
yếu kém nhất của OPEC, Venezuela có điểm hòa vốn của giá dầu là 117 đôla, chủ yếu
do sự hoang phí và tình trạng tham nhũng của Chính phủ - Venezuela sẽ là nước bị
ảnh hưởng rất lớn của giá dầu hạ.
Anh quốc.
Tháng Chín vừa
qua, xứ Scotland trưng cầu dân ý xem có nên ở lại trong “Vương quốc Liên hiệp
Anh và Bắc Ailen” hay không. Một trong những căn cứ tính toán cho một nền kinh
tế Scotland độc lập là giá dầu mỏ. Scotland có dự án khai thác dầu Biển Bắc, và
thời điểm trưng cầu dân ý, Alex Salmond lãnh đạo Đảng quốc gia Scotland xây dựng
kế hoạch dựa trên giá dầu 113 đôla Mỹ một thùng. Đến thời điểm này liệu người kế
nhiệm của ông Nicola Sturgeon sẽ tính toán như thế nào cho nền kinh tế độc lập
của Scotland với giá dầu chỉ còn phân nửa?
Từ năm 2005 đến
nay Anh quốc là nước hoàn toàn chỉ nhập khẩu dầu, do đó người ta đang ước tính
người tiêu dùng Anh quốc được lợi 3 triệu bảng Anh một ngày do giá dầu giảm.
Tuy nhiên cũng có những tác động khác, giới lãnh đạo Tập đoàn Wood Group, hãng
kỹ thuật dầu khí cho biết trong năm sau có thể phải cắt giảm 15.000 chỗ làm nếu
sản lượng của họ bị giảm xuống 800.000 thùng một ngày.
Nga
Vào buổi Họp
báo thường niên tuần trước, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã phủ nhận
khả năng nước Nga sẽ vỡ nợ nếu như giá dầu tiếp tục hạ vào năm tới. Ông thậm
chí còn hài hước khi nói rằng nước Nga vẫn có thể phát triển thịnh vượng với
giá dầu chỉ 60 đôla Mỹ một thùng. Nước này vốn xây dựng kế hoạch tài chính ba
năm 2015 – 2017 là 100 đôla Mỹ một thùng, và đến nay Bộ tài chính Nga vẫn đang
hy vọng giá dầu có thể quay trở lại ổn định ở mức 80 đôla Mỹ một thùng trong thời
gian tới, do đó hiện nay vẫn chưa có những động thái điều chỉnh chi tiêu ngân
sách. Tuy nhiên, với dầu và khí đốt chiếm 70% xuất khẩu và 50% thu thuế, với
giá dầu dưới 100 đôla một thùng sẽ đồng nghĩa với việc Nga phải cắt giảm ngân
sách lớn và suy thoái kinh tế sâu sắc hơn. Hiện nay, nước Nga bị cho là đang
dính dấp với tình hình ở Đông Ucraina, cũng như các vấn đề ở Crimée, khu vực
này đòi hỏi việc tăng chi ngân sách 30%. Nếu như nước Nga vẫn tiếp tục duy trì
kế hoạch này của họ, cũng có nghĩa là phải giảm ưu tiên trước hết cho phát triển
hạ tầng và vẫn cố gắng duy trì an sinh xã hội. Các công ty Nga trước đây vay
các ngân hàng phương Tây bằng đôla lãi suất thấp, nay phải chịu thiệt hại hơn về
lãi suất do giá đôla tăng lên. Một số trong giới chóp bu tài chính Nga đã phải
cầu cứu Tổng thống, nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời là “Không!” – trong khi
đó thì Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 17%.
Nga đang ở giữa
một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ngày 15/12 vừa qua, đồng rúp bị mất giá 10%.
Trong năm nay nó đã mất giá khoảng 40%. Ngân hàng Trung ương như trên đã viết,
tăng lãi suất mạnh, nhưng thay vì làm dịu thị trường thì biện pháp này lại bị
giới chuyên môn coi là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Ngày hôm sau (16/12) đồng
rúp tại một thời điểm đạt đỉnh, tăng hơn 20% (vào lúc cuối ngày nó giảm xuống 10%). Ngân hàng Trung ương Nga tính
toán rằng GDP có thể giảm 5% trong năm 2015. Lạm phát đang ở mức 10% nhưng được
dự đoán tăng lên nhanh chóng. Nga đang có "hoảng loạn mua"; đôla đang chạy
ra khỏi các ngân hàng. Có gì không ổn với nền kinh tế của Nga?
Trong những
năm vừa qua hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, nhưng nước Nga đã không thành công
trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. Việc phân phối nguồn lợi thu được từ dầu mỏ
và khí đốt thông qua các ngân hàng, cho các doanh nghiệp vay không phụ thuộc
vào nhu cầu của nền kinh tế mà phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ. Hiện nay
Nga là nước có khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng, đồng thời số người
trong độ tuổi lao động lại giảm đi cũng nhanh không kém.
Các lệnh trừng
phạt của phương Tây áp đặt lên kinh tế Nga cũng góp phần gây khó khăn, nhưng vấn
đề lớn nhất là của các Công ty Nga. Trong năm 2015, các công ty Nga phải trả
100 tỷ đôla nợ nước ngoài (tất nhiên là các Ngân hàng phương Tây), khi mà rúp mất
giá thì lại càng thiệt hại khi trả nợ bằng đôla. Những ông lớn trong ngành năng
lượng như Gazprom và Lukoil đã lâm vào tình trạng khó khăn hơn nhiều. Rosneft,
công ty dầu của Nhà nước Nga, đã phải cầu cứu Chính phủ hỗ trợ tài chính đến 44
tỷ đôla trong năm nay. Ngày 12/12 vừa qua, Chính phủ Nga đã phát hành lượng
trái phiếu Chính phủ tương đương 7 tỷ đôla để giúp Rosneft. Người ta đang cho rằng
Chính phủ Nga còn nỗ lực in thêm riền rúp để mua đôla Mỹ, nếu như điều này là
đúng thì đó là biện pháp làm suy yếu đồng rúp thêm nữa. Các dự báo về dự trữ quốc
gia Nga cũng đưa ra những con số bi quan: 416 tỷ đôla vào trung tuần tháng
12/2014 và có thể giảm xuống mức 370 tỷ đôla hoặc thấp hơn nữa vào đầu năm mới.
Các biện pháp hành chính để ngăn các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nước
Nga thậm chí còn thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn nữa do sự sụt giảm
lòng tin của nhà đầu tư.
Iran
Iran là một mục
tiêu chung cho cả Saudi Arabia lẫn Hoa Kỳ. Với Saudi Arabia, họ muốn Iran suy yếu
để giảm đi tài trợ cho các lực lượng Jihad. Với Hoa Kỳ, là quan tâm đến chương
trình hạt nhân của nước này. Chính phủ Iran hiện đang có các biện pháp xoa dịu
tầng lớp trung lưu được “phương Tây hóa” của mình – cùng với giá dầu thấp, cả
hai điều đều dẫn đến những thiệt hại về kinh tế.
Saudi Arabia
Đất nước vùng
sa mạc đã tích lũy được 1000 tỷ đôla trước khi bước vào cuộc chiến giá dầu. Chỉ
tuần trước, bộ trưởng tài chính Ibrahim Alassaf nói nước ông đã sẵn sàng cho những
thách thức kinh tế toàn cầu trong năm 2015.
Giá dầu thế
giới duy trì mức cao trong một thế giới khá dài chính là giai đoạn nhà xuất khẩu
dầu mỏ lớn nhất thế giới này hưởng lợi khủng khiếp: điểm giá 90 đôla Mỹ một
thùng đã giúp họ cân bằng ngân sách. Đợt này sẽ là đợt thâm hụt ngân sách đầu
tiên kể từ năm 2009 nhưng với dự trữ quốc gia “khủng”, nước này có thể duy trì
khá lâu được với giá dầu 60 đôla Mỹ một thùng.
Cũng một phần
lớn nguyên nhân là do nhu cầu giảm của Hoa Kỳ vào dầu Trung Đông giảm nhờ sản
xuất dầu khí đá phiến, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả, chính là mong muốn
“dìm chết” nền kinh tế Iran.
Giá dầu thế
giới trong năm 2015 còn tiếp tục giảm, điều này là có căn cứ. Ông Christof Rühl,
nhà kinh tế trưởng và Phó chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia BP đã thổ lộ
sự cảm thấy bất ngờ tích cực của giới chuyên gia. Đối với đá phiến dầu, họ cho
rằng việc khai thác ở Mỹ trong những thập niên tới sẽ giảm sút. Nhưng điều đó sẽ
được bổ sung từ các khu mỏ ở những nước khác, lượng bổ sung này sẽ cao hơn chứ
không phải chỉ cân bằng. Theo tính toán của BP, đến năm 2030, khai thác dầu từ
đá phiến sẽ đạt khoảng 7% so với tổng sản lượng dầu mỏ nói chung của thế giới.
Về tổng thể, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 0,2 đến 0,5% cùng
với đà giảm của giá dầu mỏ. Sáng 24/12 (giờ Việt Nam) Bộ thương mại Hoa Kỳ
thông báo chính thức tăng trưởng kinh tế nước này trong Quý 4 năm 2014 là 5%,
Dow Jones đạt mức lịch sử 18.000. Trong nước, từ 15h hôm 22/12, giá xăng dầu
trong nước được điều chỉnh giảm lần thứ 12 kể từ đầu năm. Kinh tế Việt Nam từ một
nước có tỷ trọng xuất khẩu dầu thô cao, tiến dần tới đẩy mạnh đầu tư của các
doanh nghiệp dầu khí Việt Nam ra nước ngoài và phát triển công nghiệp hóa dầu
trong nước trên cơ sở đa dạng hóa nguồn cung – cũng là một nước sẽ được hưởng lợi
nhiều hơn là thiệt hại từ giá dầu giảm. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài
quy luật, từ điều kiện mới này của kinh tế toàn cầu, liệu chúng ta có nắm bắt
được cơ hội phát triển mới này hay không, biến nó thành “cú hích” để có những
bước tiến ngoạn mục trong năm 2015?
_____________
Theo các nguồn:
“Giá dầu hạ…
cú hà hơi mới nhất của Obama vào nền kinh tế Hoa Kỳ?” – Rick Ungar, “The
Forbes”
“Điều gì đang
xảy ra cho kinh tế Nga vậy?” (What’s gone wrong with Russia’s economy – by C.W.
and A.O)
“15h chiều
22.12, giá xăng tiếp tục giảm kỷ lục” - 24h.com
[1] Ông
Christof Rüh là một trong những người cho rằng phương pháp Fracking khai thác dầu
và khí đốt từ đá phiến đang gây nhiều tranh cãi hiện nay sẽ còn tiếp tục được
triển khai rộng rãi trên thế giới trong những năm tới. Theo ông, Fracking thậm
chí còn góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu. (Tiasang.com)
[2] Morgan
Stanley (mã số tại NYSE: MS) là một ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ
sở chính tại Hoa Kỳ. www.morganstanley.com
Bài trên "Tuần Việt Nam" (bút danh Phúc Lai) tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment