Quang Anh
(VietNamNet)
Năm nay rét
muộn, nhưng lại đến bất ngờ. Mới hôm qua còn phong phanh lớp áo mỏng, hôm nay đầy
đường những bu dông, áo gió, người người co ro trong cái lạnh giá của Hà Nội
vào đông.
Sáng nay ra
chợ mua bó rau, nghe láo quáo có người nhắc đến Tết, vũ trụ đã vần vũ bao nhiêu
vòng quay, còn đời ta đã bao nhiêu cái tết?!
Ký ức trôi về
miền xa lắc.... Khuya lắm rồi, ta chợt tỉnh giấc, rúc đầu trong cái chăn bông bộ
đội sờn rách, vòng tay ôm chặt lấy bà, mùi vôi mùi trầu thân thuộc ấm xực, vẳng
trong đêm tiếng lợn kêu eng éc. Ta hỏi bà, bà vừa bỏm bẻm nhai vừa thủng thẳng,
mạn xóm Chùa đấy cháu ạ, người ta giết lợn gói bánh chưng. Bà chép miệng, nhà
mình có mấy con gà để dành Tết thế mà bỗng dưng bị rù, chết sạch, tết này trông
cả vào Hợp Tác Xã thôi con ơi! Ta không kịp nghe tiếng thở dài của bà đã lại ngủ
tự lúc nào.
Sáng nay, ta
được Bà cho đi chợ hai bà cháu dậy sớm lắm, thắt lại cái đầu tượng trùm lên đầu
cái khăn đen buộc một vòng quanh cổ thế là thành hình cái mỏ quạ, cháu xúng
xính trong cái áo bông, bà lệch người cắp
rổ sề rau cải, hành hẹ đi trước, ta lúc cúc chạy theo sau, bóng tối vẫn còn quẩn
ở những vồng tre bụi duối. Những năm tháng ấy cái gì cũng khác, đến cái rét
cũng rét ngọt và sâu hơn.
Đến chợ, bà vạch
thắt lưng lấy cho cháu hai hào, bà bảo, bà cho con tiền mua quà, khi nào chơi
chán thì về đây với bà. Nắm chặt hai hào trong túi, ta háo hức lang thang.
Này là chỗ
bán thuốc nam, những, gói giấy báo vuông vắn, những củ những rễ lổn nhổn trên tấm
vải nhựa trải dưới nền đất, bên cạnh là vài ba bà người dân tộc, áo váy chàm sặc
sỡ những hoa văn đỏ vàng, chân quấn sà cạp đầu bịt khăn với lủng liểng đủ các
loại kích cỡ vòng tay vòng cổ. Ta có thể ngồi rất lâu ở đó để nhìn ngắm họ, lắng
nghe họ nói một thứ tiếng xa lạ. Tò mò và một chút sợ hãi, họ ở đâu tới, thế giới
của họ có lẽ không như ở đây?! Tình cảm và trí nhớ của ta gần lắm nỗi sợ ông ba
bị chín quai mười hai con mắt.
Đây là dãy
hàng xén, đủ loại sắc màu, những cái thìa nhôm xếp úp vào nhau mới coong, hộp
lưỡi câu sắc lẻm, từng chồng xoong nồi bát đĩa, giấy bản và giấy tiền, những hộp
phấn màu, lọ mực bút vở vv.
Ở một góc,
ông già bán tò he với cái thanh tre cắm xuống đất, bên trên tẽ ra làm nhiều
nhánh, mỗi nhánh là một con giống xanh xanh, đỏ đỏ, đủ các loại hình thù. Ông
có cái hộp gỗ, bên trong đựng tiền, đậy cái nắp hộp lại là thành cái bàn. trên
cái mặt bàn bé xíu ấy ông vê, ông nặn, cấu một tí, véo một tẹo, chỉ vài động
tác Ông đã cho ra một nhân vật, này là Triệu Tử Long, này Trương Phi, còn đây
đích thị là Lưu Bị. Tay ông làm, miệng ông kể tích chuyện, người nghe sướng mê!
Nhưng có một thứ làm ta mê hơn, nó hối thúc ta, giục giã ta, cái mùi thơm quái
quỷ ấy tự lúc nào nó làm cho cái bụng rỗng không mỏng xanh, lép kẹp của ta sôi
réo lên từng chặp.
Bước chân ta
lần trôi theo dòng người, thì ra là đây, nép bên vệ đường, ẩn dưới bốn cái cọc
bên trên mấy tấm giấy dầu, cái vạc đang sôi ùng ục. những cây củi người ta đã
kéo ra cho bớt lửa, chỉ còn những những thỏi than rừng rực. bắc ngang cái vạc
là một tấm đan bằng nứa, và trên cái tấm đan ấy...ôi chao! bọn chúng vừa bằng nắm
tay căng tròn phổng phao chen chúc vào nhau, vàng rộm. Từ mình chúng toả ra cái
mùi vừa ngọt, vừa béo, vừa ngậy. Chả cần ai quảng cáo thì tự thân chúng đã có sự
đảm bảo rằng, với hai ngón tay, nhón một cái đưa lên miệng và...rốp một tiếng,
cái ngọt, béo, ngậy kia nó không còn là mùi nữa, nó không còn bảng lảng đâu đó
nữa, nó sẽ rất thật và thật nhanh chóng nó sẽ lan toả, thẩm thấu vào từng đường
gân kẽ thịt...sau này khi ta đã lớn, có lúc nào đó cha ta không hài lòng về ta,
người vẫn mắng ta là không có chí. Cha ơi! Cha có biết lúc đó con đã phải đấu
tranh thế nào không, nếu không ý chí, có lẽ con đã rút phắt hai hào ra mà mua mấy
cái bánh rán kia cho rồi. Thế mà con vẫn lặng lẽ và luyến tiếc bỏ đi.
Con có quyền
lựa chọn và con đã lựa chọn, bởi con muốn rằng năm nay dù nhà chỉ có hai bà cháu,
nhưng con vẫn muốn có tiếng pháo giống như mọi nhà. Mâm cỗ ngày Tết nhà ta có
thể không có bánh chưng, không có gà có xôi, nhưng chỉ có hai hào thôi, mình vẫn
có được tiếng pháo, có tiếng pháo là có Tết phải không cha.
Tiếng pháo ở
đầu chợ thi thoảng lại đì đùng náo nức như giục giã bước chân ai. Những người
bán pháo dạo trên vai khoác cái túi to tướng, bên trong đựng những quả pháo lệnh
đầy mê hoặc. Cứ mười quả bó lại một bó, thỉnh thoảng người bán lại rút ra một
quả, dí ngòi vào que hương rồi vứt xuống đất, cái dây ngòi cháy xèo xèo làm
bung ra những tia lửa li ti lấp lánh...Đ..ùng... Mọt búng khói xanh kèm theo những
mảnh giấy bị xé nát vỡ tung bay lả tả,
Mùi thuốc pháo khét và hơi nồng nhưng lại hấp dẫn làm sao. Chọn một bác có những quả
pháo có vẻ nổ to nhất ta chìa ra hai hào...
Cầm mấy quả
pháo trong tay, ta tiếp tục chuyến ngao du.
Cả một khoảng
trống trước cửa kho kim khí của huyện đã biến thành bãi tranh và hoa đào, Tranh
bày san sát, la liệt, những bức án thư, tranh cá chép, tranh Đông Hồ, tranh vẽ
những cành mai cành đào. Những câu đối đại loại: Ngàn năm ghi nhớ công ơn Đảng,
muôn thuở không quên đức Bác Hồ..."
Mùi thuốc
pháo, mùi của măng khô, mùi thơm nhẹ của gạo nếp, là dong, mùi ngan ngát, ngọt
và thanh tao của những nén hương bài, sợi khói màu lam mảnh và nhẹ tan vào cái
lạnh của đất trời, mùi cỏ cây hoa lá, của những mầm non căng đầy nhựa sống đang
tách bung trên mặt đất, cành cây...
Tất cả hoà
quyện vào nhau tạo ra một thứ men làm lâng lâng lòng người, và ta, cậu bé bảy
tuổi nhảy chân sáo theo bà. Trên đường về chợ, qua những bụi tre vẫn còn xơ
xác, một cái hố bom đầy nước, và trên mặt nước trong veo ấy, những cụm bèo xanh
mướt. hình như những tai bèo nho nhỏ, cũng đang rạo rực vào xuân.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment