Lên mạng đọc
bài của một nhà báo về cái sự “Mất Tết” rồi đến bài khác của một cô bé muốn phản
biện lại nhà báo… mà tự dưng băn khoăn, vậy Tết xưa đã mất hay vẫn còn?
Bản thân mình
đã từng viết bài kể về cái Tết của thời thiếu niên, thời bao cấp đi xếp hàng
mua hàng Tết, rồi chuẩn bị cho cái Tết cùng người lớn, cũng rửa lá, đãi đỗ, gói
bánh chưng, đốt pháo và đi chơi Tết. Rõ ràng, Tết của mình thời ấy nó đã khác Tết
của chính mình bây giờ. Bánh chưng, đặt mua vài cái là xong, chứ mấy nhà còn la
liệt gói rồi bắc nồi luộc sình sịch cả ngày cả đêm như trước nữa. Hàng hóa cũng
trở nên sẵn hơn, làm sao mà phải đi xếp hàng mua rồng rắn lên mây… Nhà nào cũng
như thế, thì hỏi làm sao các bạn trẻ, thanh niên các bạn ấy phải đi lo cái Tết đúng
theo kiểu ngày xưa, bố mẹ ông bà các bạn ấy chuẩn bị.
Ngày xưa bao
cấp cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước, từ cái lá dong gói bánh đến miếng bóng
bì trong túi hàng Tết… đấy là gia đình cán bộ công nhân viên chức, còn ở quê
thì có khi với người nông dân, còn đầy đủ hơn ngoài thành phố về đồ ăn thức uống,
thiếu thốn chỉ là những thứ kẹo bánh mà thôi. Áo quần sắm mới cho con, cũng đâu
phải cứ ra chợ là mua được dễ dàng như bây giờ, hiếm hoi hơn nhiều, nên chuyện
sát Tết ngồi sửa quần sửa áo của anh chị lớn cho em bé, cũng là bình thường –
chuyện đó gọi là “diện thừa” đấy. Nay kinh tế thị trường, phần lớn chúng ta
không còn dựa vào Nhà nước được nữa, nên tính bươn chải cao hơn nhiều – chúng
ta phải cật lực kiếm tiền đến tận… chiều Ba mươi Tết, cũng đã là quá bình thường.
Bỗng thấy những
người đang vội vội vàng vàng chở cái tivi đến lắp cho khách hàng, chở cây đào,
cây quất đi bán, rồi cả người công nhân quét rác đến tận ngày cuối năm… ai cũng
có quyền có Tết. Họ là những người cung cấp dịch vụ cho chúng ta thảnh thơi
hơn, và chính chúng ta cũng góp phần làm cho gia đình họ có một cái Tết đủ đầy
hơn. Cũng nhờ thời đại internet, mạng xã hội mà chúng ta dễ dàng chia sẻ thông
tin về những người kém may mắn hơn chúng ta, cùng góp được người nhiều kẻ ít mà
họ cũng có Tết.
Thời mình là
thanh niên, gia đình nhiều thế hệ, ai cũng đều tham gia đóng góp công sức của
mình cho cái Tết, vì bản thân xã hội cũng không có những dịch vụ sẵn sàng như
hiện nay, nên hầu như cái gì cũng phải làm lấy. Ngoài chút bánh mứt kẹo được
mua theo túi hàng Tết, thì các nhà thường tự làm lấy mứt quả, ô mai… để mời
khách đến chơi nhà chúc Tết. Chính điều đó làm cho khách đến chúc Tết cũng cảm
thấy có gì đó rất thú vị, thân mật và rất ấm cúng. Họ uống cùng nhau chén nước
trà nóng bỏng, ăn chút mứt gừng, miếng khế… xuýt xoa vị gừng cay mà khen chủ
nhà khéo léo, chịu khó… cũng là nét đẹp và câu chuyện thì cứ thế mà đẩy đưa.
Ngày nay thì nếu ở Hà Nội, chúng ta ra Hàng Đường, cũng xếp hàng một chút vì
người mua đông hơn ngày thường tí ti, thỏa cái nhớ nhung thời bao cấp rồi cũng
mua xong hàng, về bày ra cái khay mời khách. Những lễ lạt, cúng bái như cúng
giao thừa, bày bàn thờ cúng gia tiên… nay vẫn còn, nhưng ông bà của các bạn trẻ
thời nay, không còn giống ông bà của những người cũ thế hệ bạc đầu như mình nữa
rồi, họ cũng không còn giữ được hết những nghi thức của thế hệ trước. Bù lại,
những ngày trước Tết, họ mải mê đi biếu quà hết sếp này đến sếp khác, và tối về,
họ nghỉ ngơi và chờ người khác đến… biếu quà lại.
Nhưng có những
điều chắc chắn vẫn còn. Vài ngày trước Tết, ai chẳng cố gắng thu xếp thời gian
dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng một chút, rồi mua cành đào, mua cây quất, kiếm lấy
cái chậu trồng vào… phun chút nước vào lá, uốn đi một chút cho tròn cây và
không quên liếc mắt sang xem hàng xóm có mua được cây quất đẹp như của nhà mình
hay không… Chiều đến, người hàng xóm chẳng mấy khi gặp mặt vì cuộc sống bận rộn,
tự dưng xách sang cái bánh chưng còn bốc hơi nghi ngút, bảo “Nhà năm nay luộc lấy
hai chục bánh, vừa vớt đem sang cho các cháu một cái ăn lấy thảo…” ta bỗng thấy
lòng mình ấm áp hẳn lên, đó, Tết ở đó chứ ở đâu…
Người ta bảo,
bây giờ đêm Giao thừa, các nhà nghỉ vòng quanh thành phố cứ là “cháy” phòng là
các đôi nam thanh nữ tú đi chơi về muộn, “chui” luôn vào nhà nghỉ, còn những
đôi đưa nhau về nhà rồi giải tán ai về nhà ấy, là chẳng qua không tìm được
phòng nghỉ mà thôi. Cũng có thể thế thật – thời đất nước bắt đầu đổi mới, mình
cũng đi chơi Giao thừa như vậy và sau khi đưa cô bạn gái về nhà, thì phóng thục
mạng ngoài đường để về nhà kịp trước 0 giờ sáng, còn đốt pháo, còn chúc Tết người
lớn trong gia đình và chờ người lớn mừng tuổi, thanh niên đấy. Từ đó đến sáng
Mùng Một là không bước chân ra ngoài, nhất là chạy sang nhà khác sợ người ta
kiêng cữ gì chăng… nếu có đi, chỉ thăm họ, thăm hàng… các bậc cao niên, trưởng
lão. Nhưng mình tin bây giờ vẫn vậy, có thể có nhiều bạn trẻ vào nhà nghỉ,
nhưng vẫn không thiếu các bạn trẻ về nhà quây quần sum vầy với gia đình. Điều dễ
tìm thấy trên các bài báo về Tết, là “Cái Tết gia đình là thiêng liêng.” Và sau
Giao thừa, chúc tụng nhau xong rồi, bây giờ chúng ta lấy điện thoại di động, gọi
điện, nhắn tin chúc Tết thày cô giáo, thủ trưởng, bạn bè… và mạng xã hội đã
thành một môi trường không thể thiếu, độ tuổi nào cũng có thể tìm thấy hội bạn
của mình trên đó, vậy thì tại sao chúng ta không sử dụng nó để đem đến cho nhau
không khí Tết chứ? Nếu như ngày xưa chỉ có truyền hình và đài phát thanh là các
phương tiện truyền thông mang đến từng nhà không khí Tết, thì nay nhờ có mạng
xã hội, từng người cũng có thể mang đến cho cộng đồng điều đó.
Lại có những
điều vẫn y nguyên như trước: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, dân ta không ai muốn
làm việc cả, nếu có làm, cũng được chăng hay chớ… cái tâm lý ấy kéo dài đến hết
tháng Giêng. Từ lâu mình đã có cảm giác cái “Lễ cả năm không bằng Rằm tháng
Giêng” nó là cái sự nuối tiếc, muốn kéo dài cái sự chơi của ba ngày Tết (mà còn
trước Rằm đã có buổi hóa vàng ăn uống một trận rồi.) Rồi là cái sự nể nang lẫn
nhau vẫn còn – cả năm có ba ngày Tết, nên tệ nạn cờ bạc nở rộ khắp chốn cùng
quê, cũng chẳng có ai nhắc nhở, bắt bớ gì. “Ừ thì cho họ chơi vui tí Tết ấy
mà!” – nhưng cũng chính “Tết ấy mà” ấy, đủ làm khánh kiệt khối người. Cờ bạc
thì ngày nào chẳng là cờ bạc, cứ gì Tết thì mới có thể trở thành “vui.” Vui của
người này, là sự thẫn thờ đến mức kiệt quệ của người khác.
Lại có những
chuyện còn gia tăng mức độ trầm trọng hơn trước – lễ lạt đình chùa, cầu cúng
xin tài xin lộc… trước chỉ theo bà, theo mẹ đến chùa mừng tuổi sư vài đồng giọt
dầu, thắp hương, lễ Phật… để thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm cho ngày đầu
năm. Nay thì hàng tạ tiền lẻ người ta rải xuống giếng chùa, người ta giắt vào kẽ
ngón chân, vào khe áo, giúi vào tay tượng Phật cứ như khi vi phạm giao thông
tìm cách giúi vào tay anh công an để anh thả cho đi không phạt vậy. Người ta cố
mà sắp lễ bưng lên chùa cái mâm thật to hơn người khác, và bất chấp yêu cầu
thanh tịnh nơi cửa Phật thì người ta định “đi tắt đón đầu”, “trấn lột cơ hội” của
người khác bằng thủ lợn, chân giò… mâm cao cỗ đầy, tiền vàng mã cũng cứ là hàng
gánh. Và trong tất cả những người đang xì xụp cúng lễ, “vòi vĩnh” thần thánh
đó, đủ các “thành phần xã hội”, quan chức có mà dân buôn bán, lại không thiếu buôn
lậu, cờ bạc, cho vay nặng lãi… ai cũng như ai, thật là “bình đẳng.”
Chắc chắn xã
hội đã thay đổi, phát triển lên rất nhiều cùng với mức sống, các ngành dịch vụ
xuất hiện nhiều làm con người cũng nhàn hạ hơn, cũng chưa biết là có tốn kém
hơn thời “Tết cái gì cũng phải làm lấy” hay không – điều này cũng chưa ai dám
chắc. Ngày xưa, bánh chưng có thể phải để mấy chục cái ăn đến tận Rằm tháng
Giêng (mà còn chưa chắc đã ăn kịp), thì nay chỉ vài ngày là hết – nếu thiếu thì
đi mua thêm. Cái tưởng là tiết kiệm, có khi lại phí phạm. Cũng như ngày xưa có
những cây đào còn đẹp nguyên người ta vứt ra đường vào khoảng mùng Sáu, mùng Bảy
Tết, nhưng bây giờ thì đến Rằm, người cho thuê cây đào đến chở về, sang năm lại
“chỉnh” cho nó ra hoa đúng vụ. Cuộc sống thường nhật của chúng ta cũng vất vả
hơn với kinh tế thị trường, do đó đến Tết, chúng ta mong muốn được nghỉ ngơi
nhiều hơn, và ngay cả mình, cũng đã từng muốn giản tiện, “đơn giản hóa cái Tết”…
nhưng nghĩ đi nghĩ lại thế nào đến con cái, thấy thương chúng nó đang bị mất dần
cái cảm giác, không khí Tết của thời cha mẹ chúng nó, lại lóc cóc đứng dậy mà
đi làm việc này việc khác.
Để mất đi cái
“Tết xưa”, không phải là lỗi của giới trẻ, mà còn có trách nhiệm của thế hệ
trung niên và cả lớn tuổi hơn nữa. Không hẳn lúc nào cứ lên mạng chúc Tết cũng
là “mất truyền thống” và càng không phải gia tăng lễ bái, là “đậm đà bản sắc.”
Cái gì không
phù hợp thì vẫn phải bỏ, còn cái gì truyền thống tốt đẹp, vẫn cứ nên giữ, thế mới
là “Tết xưa vẫn còn” và “Tết nay vẫn truyền thống…”
Ảnh minh họa
trong bài của Nguyễn Cảnh Tùng
Bài trên Tuần
Việt Nam tại đây
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment