Cuối năm cũng thường là dịp đi thăm mộ người
thân, nhân tiện chăm sóc mồ mả, dọn dẹp lau mộ chí… Có vài nghĩa trang phải đi,
một trong những nghĩa trang đó là Văn Điển.
Nghĩa trang Văn Điển nay không còn tiếp nhận
chôn mới nữa, mà chỉ còn các đám đưa đến để thiêu xác, rồi thường là gia quyến
chuyển cốt đi xây mộ ở đâu đó. Cuối năm mà nhiều đám thế, cứ vài phút có một
đám.
Nhớ hồi thanh niên chở mẹ đi đường bằng xe máy,
mẹ thường dặn gặp đám ma không bấm còi. Đường đông thì chịu khó đi từ từ chứ đừng
còi kèn loạn cả lên, vừa tôn trọng linh hồn người vừa mất, vừa đỡ gây bức xúc với
tang quyến. Nay học Phật rồi, còn phải biết niệm Phật A-di-đà để trợ duyên cho
người vừa mất được siêu thoát, đồng thời bao giờ có người mới mất, có nhiều
vong hồn tụ tập để rủ rê… họ cũng không hai được mình và người thân đi cùng
mình.
Bây giờ các đám ma đi vào nghĩa trang Văn Điển
đi hai cổng khác nhau, cổng phía đông là vào nhà tang lễ Thanh Trì, còn cổng giữa
vào nhà tang lễ của Đài hóa thân Hoàn vũ. Cổng tây vẫn đi thẳng vào khu A nghĩa
trang.
Đi trong nghĩa trang, lần đầu tiên nhìn thấy cảnh
đài hóa thân hoàn vũ tỏa khói mù mịt trông đến khiếp, đúng là Holocaust. Nhìn
khói cuồn cuộn bốc ra, chợt nghĩ dân chúng xung quanh sống như thế nào với cái
môi trường như vậy, bao nhiêu năm mảnh đất thì “màu mỡ,” nay thêm bầu không khí
ô nhiễm cỡ vậy…
Nghĩa trang Văn Điển bây giờ người ta đang chuyển
dần mộ ở những khu thường đi, cả khu A cũng vậy, chỉ còn có khu sát bên cạnh là
còn nguyên. Nghĩa trang như một công trường ngổn ngang gò đống, chỗ này chỗ
khác… là những nấm mộ mới quật lên, ván còn nguyên.
Khu A chỉ còn khoảng một nửa số mộ thôi. Bây giờ
mới để ý, nếu là bộ đội chôn ở đây, cấp bậc cao nhất cũng chỉ là Đại tá. Đấy,
ngày xưa đại tá to thế, bây giờ nếu đại tá mà quy tiên, thì chỉ có đưa về quê.
Chỉ cách đây khoảng hai chục năm, đài truyền hình Hà Nội mỗi lần phát “tin buồn”
bao giờ cũng có câu cuối cùng của tin: “An táng tại Khu A nghĩa trang Văn Điển”
– nó như một cấp dưới của hạng “Mai Dịch” ấy. Khu A… là chôn luôn không phải “bốc” lên. Nghe cái câu đó, cứ thấy sao sao đó, như một sự khoe khoang nhẹ nhẹ. Người
chết rồi là hết, nhưng người sống thì vẫn muốn dùng người chết để sỹ diện. Kể
ra thì cũng chính đáng thôi, nhưng thời xưa không thế.
Dân thường mà về với ông bà, thì người ta viết
cái tờ giấy to dán đầu ngõ: “Cáo phó,” báo về cái sự chết của một người. Cái từ
“cáo phó” bản thân nó bao hàm ý nghĩa khiêm tốn, thực sự tin buồn của gia đình
chúng tôi là sự không phải, làm phiền mọi người bằng mọi sự bất tiện, từ ồn ào đảo
lộn cuộc sống đến không khí tang tóc. Còn người có chức có quyền thì truyền
thông làm ầm ĩ cả lên bằng “Tin buồn.” Cứ như cả nước phải buồn. Mà không chỉ
có cả nước, những Breznev, Andropov, Chernenko… chết là “cả khối” buồn luôn. Chẳng
còn tí nào khiêm tốn trong ấy nữa cả. Cụ Hồ thì dặn trong di chúc làm cái lễ
tang nhỏ nhỏ, tùng tiệm thôi, rồi thiêu cụ, chia tro làm ba phần chôn ở ba miền,
cũng là cái lễ khiêm tốn của người Nho học.
Thế mới có kịch Lưu Quang Vũ ngày xưa xem, chú
thanh niên con của ông quan chức, chú ấy bảo bố chú ấy còn phải cống hiến nữa,
để phấn đấu lên hạng “Tin buồn.” Hiện nay bố chú ấy vẫn còn hạng “Cáo phó.” Chú
thanh niên do Anh Tú, bây giờ là trưởng một đoàn kịch của Nhà hát tuổi trẻ
đóng.
Bây giờ cứ có đám ma của dân thường, thì ra mua
tờ giấy in sẵn về điền thông tin vào đem dán và hầu như người ta in đều là “Tin
buồn” hết. Thật là chẳng để ý gì cả, người Việt Nam ta càng ngày càng ẩu hơn
thì phải.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment