Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, February 2, 2015

Cường quốc đại dương - phần 3

Tàu sân bay 
Charles de Gaulle, 
hải quân Cộng hòa Pháp
Sau đây xin liệt kê mười lực lượng hải quân lớn nhất thế giới – “lớn” vì được thống kê theo lượng choán nước (tính bằng tấn) theo trang web “The richest”, các con số này có thể không chính xác và cũng không hẳn là nguồn chính thống, nhưng vì việc xem xét một quốc gia có lực lượng hải quân “mạnh”, thì không phải căn cứ vào tổng lượng choán nước (số lượng) mà cần căn cứ trên chất lượng, tức là về độ hiện đại của công nghệ vũ khí, khả năng phản ứng nhanh, trình độ học vấn của con người, trình độ tinh nhuệ của lực lượng chiến đấu trực tiếp và tình trạng sẵn sàng chiến đấu... do đó, người tổng hợp bài này vẫn coi thống kê này là một nguồn tham khảo lựa chọn ra 10 nước có hải quân lớn nhất thế giới để xem xét.

10. Cộng hòa Trung Quốc (Đài Loan): Đài Loan có lực lượng hải quân được coi là đáng kể với lượng choán nước 151.662 tấn, với 4 tàu khu trục nhỏ và một số tàu chiến khác, không đủ năng lực để bành trướng ra “vùng nước xanh” [1]. Họ không quan tâm nhiều đến việc phát triển tàu sân bay mà chỉ quan tâm đến phòng thủ trước mối đe dọa tấn công từ Đại Lục. Cũng một phần nhờ Hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ, bản thân Đài Loan được Hoa Kỳ mệnh danh là “tàu sân bay không thể đánh chìm” ở vùng biển phía đông của Trung Quốc.

9. Marina Militare (Hải quân Italia): với lượng choán nước 173.549 tấn, Hải quân nước này đứng thứ chín thế giới. Người Ý có một vài tàu sân bay, nhưng khá nhỏ (một trong số chúng có chiếc Guiseppe Garibaldi, trên 30 tuổi). Marina Militare có một hạm đội hỗn hợp bao gồm các tàu khu trục, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm và tàu chiến đổ bộ. Tuy nhiên vai trò tác chiến “vùng nước xanh” của hải quân nước này coi như không đáng kể.

8. Hải quân Hàn Quốc. Cũng thật bất ngờ với một nước nhỏ như Hàn Quốc, nhưng lại là một nước ở biển với vùng biển không đóng băng, lại thường trực mối đe dọa từ “người anh em” Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc buộc phải phát triển một lực lượng hải quân mạnh và hữu hiệu. Với một GDP trên một nghìn tỉ đôla, nước này hoàn toàn có khả năng phát triển một lực lượng hải quân đáng kể, hướng tới hoàn thiện khả năng tác chiến ở “vùng nước xanh” vào năm 2020. Tất nhiên giữa nước này với Hoa Kỳ còn tồn tại thỏa thuận hợp tác phòng thủ, nên hiện nay hải quân Hàn Quốc quan tâm nhiều đến các loại tàu khác chưa phải là tàu sân bay: hàng tá khu trục hạm hàng “khủng” và nhiều tàu ngầm tấn công. Hải quân Hàn Quốc nếu thống kê có lượng choán nước 178.710 tấn.

7. Hải quân Ấn Độ. Về địa lý, Ấn Độ hay còn gọi là “tiểu lục địa Ấn Độ” có vị trí cực kỳ quan trọng và chiến lược đối với thế giới: gần như ở trung tâm thế giới, nằm giữa Ấn Độ dương, Ấn Độ coi trọng sự phát triển hải quân, cùng mục tiêu với Hàn Quốc là có khả năng vươn tới “vùng biển xanh” vào năm 2020. Sở hữu hai tàu sân bay: INS Viraat (28.700 tấn) và INS Vikramaditya (45.400 tấn), Ấn Độ có lẽ là cường quốc biển ở khu vực Nam Á. Về thống kê lượng choán nước, Hải quân Ấn Độ đạt 317.725 tấn, hiện có khả năng vươn tới được Madagascar (đông Châu Phi) về phía tây và Nha Trang (Việt Nam) về phía đông.

6. Hải quân Cộng hòa Pháp. Hải quân Cộng hòa Pháp được phát triển gắn liền với quá trình phát triển thuộc địa của thực dân Pháp từ 1624, vươn khắp thế giới từ Bắc Mỹ đến Đông Nam Á. Đến nay, tuy không nằm trong tốp năm nước dẫn đầu thế giới về hải quân theo cách thống kê này, nhưng Hải quân Pháp lại là một lực lượng đáng kể - nhất là vai trò gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và NATO. Cùng sự phát triển thích đáng của công nghệ, Hải quân Pháp có trong tay những vũ khí tiên tiến và hiện đại bậc nhất thế giới, và cũng đang sở hữu một tàu sân bay khổng lồ 42.000 tấn Charles De Gaulle (chạy bằng năng lượng hạt nhân). Hải quân Pháp quy ra lương choán nước đạt  mức 319.195 tấn. Chính do quan điểm không vươn quá xa này, nước Pháp không được coi là cường quốc biển.

5. Hải quân Hoàng gia Anh: 367.850 tấn. Lực lượng Hải quân lâu đời nhất thế giới, Hải quân Anh có điểm khai sinh của nó vào thế kỷ 16, phát triển mạnh mẽ vào thời Nữ hoàng Victoria. Một đảo quốc, nhưng lại sở hữu đội tàu cả tàu chiến lẫn tàu buôn hùng hậu nhất thế giới, điều đó đồng nghĩa với việc đã từ rất lâu, người Anh có thể đi bằng thuyền đến bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không có trở ngại nào cả. Thời hiện đại, Hải quân Anh mặc dù không còn giữ được vị trí dẫn đầu thế giới như trong quá khứ, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng. Năm 1982, Hải quân Anh tham chiến tích cực trong chiến tranh quần đảo Fakland với Argentina. Đến nay Hải quân Hoàng gia đang đóng hai tàu sân bay mới, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales tổng cả hai vào khoảng 70.000 tấn choán nước và sẽ giúp cho hải quân Anh có được vị trí đáng kể trong suốt nửa đầu của thế kỷ 21. Người Anh hiện nay cũng duy trì một sự hiện diện của tàu ngầm mạnh mẽ mà còn bao gồm các tàu ngầm lớp Vanguard có thể phóng tên lửa hạt nhân. Dù đứng thứ năm thế giới, nhưng nước Anh xứng đáng được coi là cường quốc biển.

4. Hải quân của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản: 413.800 tấn. Là một đảo quốc, Nhật Bản có truyền thống phát triển Hải quân từ thời Thiên Hoàng Minh Trị, trở thành cường quốc biển trong thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bị ràng buộc bởi quy định cấm tái vũ trang (điều 9 Hiến pháp Nhật Bản) cùng thỏa thuận phòng thủ chung với Hoa Kỳ, hiện nay Nhật Bản chưa phát triển các tàu sân bay cỡ lớn như trong quá khứ, chỉ duy trì vài tàu chở trực thăng. Tuy nhiên ở sát nách hai nước, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, đều được coi là những mối hiểm họa tiềm tàng, nên Nhật Bản không thể không duy trì một lực lượng hải quân mạnh để tự vệ, với một lực lượng tàu khu trục đáng kể với chiến thuật tác chiến hết sức linh hoạt. Đồng thời, hải quân nước này có đội tàu ngầm tấn công chiến thuật thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Hiện nay Hải quân của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã có những hoạt động rất tích cực chống cướp biển Somali ở bờ biển Đông châu Phi.

Hải quân Trung Quốc
trên tàu sân bay đầu tiên
của nước này,
tàu Liêu Ninh
3. Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc: 708.086 tấn, đứng thứ ba thế giới chỉ sau Nga và Hoa Kỳ, với tổng quân số 290.000 người và 500 tàu chìm tàu nổi các loại, Trung Quốc chưa bao giờ giấu giếm tham vọng vươn tới “vùng nước xanh”. Từ cách đây non 30 năm, Trung Quốc đã quan tâm đặc biệt đến tàu sân bay, và tuyên bố “Trung Quốc phải có tàu sân bay”. Tuy nhiên đến thời điểm này, tàu sân bay cũ kỹ Varyag (thuộc lớp đô đốc Kuznetsov) mua lại của Ucraina từ 1998 về và “độ, chế” lại đến 2011 mới lôi ra vận hành thử và được đặt tên mới là “Liêu Ninh”. Đã có những thông tin không chính thức về vài tai nạn xảy ra từ khi “Liêu Ninh”. Song song với nó, Hải quân Trung Quốc cũng đang có chương trình đóng một chiếc mới cùng kiểu chiếc Liêu Ninh này. Những thông tin trên cho thấy, Hải quân Trung Quốc với tham vọng và có thể trở thành cường quốc biển trong tương lai, nhưng hiện nay thì chưa. Cải tạo tầu sân bay cũ mà mất thời gian quá lâu như vậy, lại vận hành nó quá nhiều khúc mắc… cho thấy, nhiệm vụ đạt được mức độ công nghệ cao của hải quân Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số lớn. Hơn thế nữa, do hình thể địa lý chỉ có biển ở một phía, cũng là một trở ngại cho Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc biển của mình. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới chỉ dám thử nghiệm sức mạnh hải quân của mình ở những tranh chấp mang tính song phương, hạn chế trong khu vực nhỏ, như những hành động trong năm nay của họ ở vùng biển Đông Việt Nam, mà họ gọi là Nam Hải. Sự bấp bênh của dự án tàu sân bay lớp “Đô đốc Kuznetsov made in China”, làm cho Hải quân Trung Quốc vẫn phải tính toán đến những biện pháp khá thô thiển như đổ bộ xây dựng những “tàu sân bay không thể đánh chìm” như thời gian qua, họ làm ở đảo Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, Việt Nam) chiếm đóng trái phép từ năm 1988.

Tàu sân bay lớp “Đô đốc Kuznetsov”
của Hải quân Liên Bang Nga
2. Hải quân Liên bang Nga. Với vai trò là nước tiếp quản phần lớn những gì để lại của Quân đội và Hải quân Xôviết, Nga là nước có Hải quân đứng thứ hai thế giới với lượng choán nước 845.730 tấn. Sau sự kiện sáp nhập bán đảo Krym đầu năm 2014, với toàn bộ Hạm đội Biển đen của Ucraina, con số này chưa thống kê chính thức, nhưng còn lớn hơn nữa. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hải quân Xôviết lớn mạnh vượt trội, riêng Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô (cũ) đã có đến 200 tàu ngầm hoạt động. Tuy nhiên do học thuyêt phát triển hải quân của Liên Xô có những điểm khác biệt, không theo hướng phát triển hải quân tấn công, nên Liên Xô không chú trọng phát triển tàu sân bay. Hải quân Liên bang Nga hiện nay có 7 tàu sân bay, trong đó chỉ duy nhất một chiếc đang hoạt động nhưng trong tình trạng khá tồi tệ: chiếc Đô đốc Kuznetsov. Không chỉ thế, công nghệ của chiếc tàu sân bay này so với những tàu của Hoa Kỳ hay chiếc Chales De Gaule của Pháp, thì tàu của Nga chỉ ở tầm “thời kỳ đồ đá.”

Sau khi sáp nhập bán đảo Krym, Nga có thêm được căn cứ hải quân Sevastopol từ Ucraina cùng Hạm đội Hắc Hải, tuy nhiên nếu như Hải quân Nga tàu bè xuống cấp như thế nào thì tàu của Hạm đội này cũng thế, nên khả năng phần lớn số chúng sẽ có số phận “bán sắt vụn” như chiếc Varyag trước đây là rất cao, vì duy trì chúng sẽ đòi hỏi kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, về địa chính trị, Nga có thêm một căn cứ hải quân, một quân cảng ở vùng biển ấm rất quan trọng.

Những năm trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941 – 1945, Hải quân Xô-viết đã được xây dựng và chiến đấu chủ yếu ở Hắc hải và vùng Biển Bắc, nhất là trong nhiệm vụ đảm bảo đường chuyển hàng hóa từ Hoa Kỳ sang Liên Xô. Do thỏa thuận trong các nước Đồng Minh chống phát-xít, Hải quân Nga không tham chiến chống Nhật Bản, mà chỉ sau Chiến thắng ở Berlin tháng Năm 1945, quân đội Liên Xô mới tham chiến trên bộ đánh bại Đạo quân Quan Đông của Nhật Bản.

Cũng sẽ gây bất ngờ nếu như người tổng hợp bài này nói rằng, nước Nga hiện nay không phải là cường quốc biển, mặc dù sở hữu lực lượng tàu hải quân lớn thứ nhì thế giới. Thứ nhất, do đặc điểm địa lý hiện nay nước Nga chỉ có hai quân cảng của hạm đội Baltic là căn cứ Baltiysk ở thành phố Kaliningrad, vốn bị cắt rời khỏi đất Nga, nên giá trị chiến lược của nó mặc dù cao, nhưng khá bấp bênh và rủi ro; và căn cứ Kronshtadt. Thứ hai, nước Nga có một bờ biển phía Bắc rất dài, là khu vực của hạm đội Biển Bắc (bộ chỉ huy ở  Severomorsk và một số căn cứ xung quanh Murmansk), nhưng một phần lớn thời gian trong năm biển bị đóng băng, coi như ngừng trệ mọi hoạt động hàng hải. Cùng với Vladyvostok, nay Sevastopol là hai cảng nước ấm không đóng băng hiếm hoi của nước Nga, nhưng do Sevastopol ở Hắc Hải là vùng biển gần kín (đường thoát ra đại dương của Biển Đen qua một chuỗi 2 eo biển nông là Dardanelles và Bosphorus, nhìn chung là dễ bị khống chế từ trên bờ), nên vai trò chiến lược của nó không cao. Thứ tư là đến nay, việc xây dựng lại lực lượng Hải quân Nga đòi hỏi sự đầu tư kinh khủng cả về chất lẫn về tài chính, lâu nay Nga lại tụt hậu về công nghệ (việc phải đi mua tàu chiến của Pháp là một ví dụ). Thứ năm, do nhiều lý do về tài chính và thiếu quan tâm đúng mức trong một thời gian dài, Hải quân Nga đã đánh mất đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của mình. Tổng hợp cả năm yếu tố đó cho thấy, con đường trở thành cường quốc biển của Nga, là một con đường rất dài.

Từ năm 2009, trong bài viết “Hải quân với an ninh quốc gia Liên Bang Nga” (đăng trong Niên giám an ninh Nga 2010), đô đốc Vyacheslav Popov đã lo ngại rằng nếu không có cải thiện trong kế hoạch tài chính đầu tư cho Hải quân, thì đến năm 2015 Hải quân Nga sẽ đứng trước thực trạng phải cho về hưu hàng loạt chiến hạm. Đô đốc Popov vào thời điểm đó là Ủy viên Ủy ban các vấn đề về hàng hải Thượng viện Nga, đã lo ngại tình trạng thiếu hụt ngân sách tài chính chi cho Hải quân, nhất là chương trình đóng mới các tàu chiến có khả năng tác chiến ở “vùng nước xanh.” “Ngân sách được phân bổ không đủ để thực hiện xây dựng quy mô lớn các tàu tác chiến vùng biển xa và đồng thời để duy trì hạm đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu,” Đô đốc V.Popov viết. Theo Đô đốc, trong suốt thập kỷ 2000, Hải quân Nga chỉ nhận thêm được một tàu hộ tống 2000 tấn và một tàu chiến ven biển. Chương trình của Hải quân Nga cho đến năm 2015 không có tàu chiến lớn, mà thực tế một kế hoạch được xây dựng là 20 tàu chiến lớp Đô đốc Gorshkov (tàu hộ vệ tên lửa lượng choán nước 4550 tấn). Năm 2011 Hải quân Nga mới nhận được một chiếc đầu tiên của kế hoạch này, sản phẩm của nhà máy đóng tàu Severnaya Verf.

Trong năm 2009, Tổng thống Nga V.Putin đã thăm Cộng hòa Pháp và bàn thảo về việc Nga mua của Pháp tàu chiến đổ bộ lớp Mistral, cuộc xung đột Ucraina đã làm cho hợp đồng này bị chậm trễ và đến cuối năm 2014 Nga vẫn chưa nhận được tàu.


Tàu sân bay USS George Washington, 
nòng cốt của Hạm đội Bảy, 
thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, 
Hải quân Hoa Kỳ
1. Hải quân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ: 3.415.893 tấn. Cả bài này đề cập nhiều đến Hải quân Hoa Kỳ, nên ở đây chúng ta chỉ cần một vài con số thống kê và so sánh. Hải quân Hoa Kỳ, không nghi ngờ, là lực lượng Hải quân lớn, trang bị hiện đại và hùng mạnh nhất thế giới, cũng như khả năng phản ứng tức thì tại bất cứ điểm nóng nào trên bề mặt địa cầu (thậm chí trước lục quân rất nhiều) và độ thiện chiến cũng hàng đầu thế giới… Hiện nay, Hải quân Hoa Kỳ có 10 nhóm tàu sân bay với tổng quân số 320.000 người, cũng là lực lượng Hải quân có trình độ học vấn cao nhất thế giới. Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz không chỉ lớn nhất (khoảng 100.000 tấn choán nước) mà còn là một hệ thống bộ máy chiến tranh khổng lồ nhưng cực kỳ hiện đại và hoàn hảo; cùng với tất cả lực lượng tàu hộ vệ và các tàu chiến chức năng khác, một nhóm đó có thể được coi là một “lực lượng hải quân mini”, thậm chí vượt qua lực lượng hải quân của một quốc gia (ví dụ, Hải quân Hoàng gia Autralia, tổng lượng choán nước chỉ có 98.426 tấn.) Vai trò của Hải quân Hoa Kỳ không nghi ngờ, đang là chủ lực trong vai trò có mặt ngay lập tức tại các điểm nóng của thế giới.
_____________
[1] Từ đoạn này trở đi người viết dùng khái niệm “vùng nước xanh”, chỉ việc hạm đội tác chiến ở vùng biển xa. Người ta thường dùng các khái niệm “vùng nước vàng” (gần bờ) và “vùng nước xanh” (xa bờ, xa đất liền) khi nói về vùng tác chiến của lực lượng hải quân. 

Đọc lại phần 2 tại đây

Đọc lại phần 1 tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment