Hè 2007. Dắt
thằng bé con hai tuổi mới đi vững vững được vài tháng ra bãi biển Nhật Lệ. Đặt
nó đứng nhìn ra biển ở trên một bờ cát cao, sóng đã đánh thành taluy có đến mét
rưỡi, rồi quay lại cười với một người đàn ông đứng tuổi da đen cháy đang ngồi
trông những chiếc ghế bố cho thuê dưới hàng ô che nắng.
Vừa cất tiếng
“Chào bác!” thì bỗng thấy ánh mắt của ông ấy nhìn ra phía sau mình, ánh lên
kinh hoàng. Một tiếng “Ầm!” Nước bắn tung tóe lên gáy, lên lưng… chột dạ quay lại,
không thấy thằng bé con đâu, chỉ thấy con sóng đã kịp lui được một đoạn, ngầu bọt,
hung dữ. Chỉ biết nhảy vội xuống taluy, chạy cuống cuồng theo sóng được đến hai
chục mét, linh tính thế nào thục tay xuống nước và… tóm được cái quần đùi của
thằng bé, nhấc lên. Thằng bé con mắt vẫn tròn xoe, chưa kịp hiểu ra có chuyện
gì, sặc nước một chút nhưng không sợ - sự việc nhanh quá. Để nó ngồi chơi trên
cát với mẹ nó và ngồi thở - vẫn chưa hoàn hồn. Ông ngư dân Quảng Bình cho thuê
phao, ô, ghế bố… bảo “Chú nhanh thật, và thằng bé cũng may nữa. Chỗ đó sóng rất
cao, thường đánh vào mới tạo ra taluy như thế. May quá, may quá, không thì mất
thằng bé!...”
Hè 2014. Vẫn
thằng bé đó, nay đã là con cá kình mỗi buổi 2 tiếng bơi được 1000 mét trườn sấp
và 500 mét ếch. Nó đi tắm biển Thuận An hết vẫy vùng dưới biển lại lên bể bơi,
lặn ngụp tiếp, không biết mệt. Buổi chiều gió to, nó lấy quả bóng của em gái nó
ra chơi và tuột tay, quả bóng lăn đi mất theo gió. Bố nó cáu, mắng nó, rồi bảo
nó, như quát: “Chạy về chỗ mẹ đi!” Nó chạy, chạy… rồi mất hút. Bãi biển dài san
sát khách sạn nhà nghỉ nó không nhận ra khách sạn nó ở, lại càng không nhìn thấy
mẹ nó đang đi cùng bác ruột nó ngược lại vì hàng nghìn, hàng vạn người.
Bố nó, bác
nó, anh họ nó… cùng chạy ngược, chạy xuôi trên bãi biển dài hàng 2, 3 cây số để
tìm – nhiều người bảo nhìn thấy nó chạy ngược về phía tít đằng xa kia… Ban quản
lý bãi tắm đọc loa, cũng cho người đi tìm, không thấy. Từ 3 giờ chiều đến tận 6
giờ tối, bỗng có người gọi điện vào điện thoại của mẹ nó, bảo là ra đón nó cách
nơi nó bắt đầu chạy có đến 5 cây số - đi taxi cũng phải 20 phút mới đến nơi –
bãi biển hoang vắng có một nhóm các ngư dân đang ngồi nhậu. Họ thấy có thằng bé
mặc quần bơi, da đen cháy nhưng không giống người Việt Nam, giống người Trung
Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đi qua. Họ hỏi, nó trả lời bằng tiếng Việt mới biết
người Việt Nam, nhưng nó không dám ngồi xuống. Cuối cùng một chú mới hỏi: “Nhà
con có theo Phật không?” “Có ạ, con cũng là Phật tử.” “Các chú ở đây tất cả
theo Phật hết, nên con đừng sợ, ngồi xuống đây. Con uống nước đi, rồi kể chuyện
cho các chú con đi đâu qua đây…” Có đến cả tiếng sau, nó mới nói số điện thoại
của mẹ nó để biết mà đến đón.
Gặp con, thấy
mặc cái áo thùng thình của người lớn – tối xuống gió từ trong đất liền thổi ra
đã lạnh. Các chú ngư dân còn cẩn thận hỏi: “Con anh tên gì? Ăn mặc như thế nào?”
trước khi cho gặp nó, rồi dặn “Anh đừng mắng nó!” Chỉ biết ôm chặt lấy nó, rồi
ngồi từ từ hỏi con – hóa ra nó chạy tìm khách sạn, nhưng càng chạy, càng xa,
bãi biển càng vắng. May hôm đó có các chú ngư dân ngồi nhậu khuya, không thì
còn chạy xa nữa. “Kỹ năng sống” dạy cho con còn thiếu sót, nhẽ ra chạy một lúc
không thấy thì chạy ngược lại chứ…
Lần trước là
rủi ro phần lớn, thì lần này lỗi do mình. Nếu không mắng nó và quát bắt nó chạy
về khách sạn, thì hẳn đã không có chuyện. Trẻ con còn bé, trừ những bạn có môi
trường giáo dục “đặc biệt” sinh bướng từ nhỏ xíu, còn thì chủ yếu là sợ bố mẹ.
Do đó mong muốn đe nẹt, làm cho nó sợ, đã có sẵn và rõ ràng là không cần thiết.
Rồi khi chúng nó thiếu niên, thì muốn hay không, chúng nó cũng sẽ không sợ bố mẹ
chúng nó nữa và lúc đó, thì những đe nẹt quát mắng trước đây nay bộc phát hậu
quả: chúng nó không còn tin tưởng và muốn chia sẻ với bố mẹ nữa.
Nhớ lại chuyện
ông bạn thân kể, vợ chồng cậu em vợ nó suýt “mất” đứa con gái ở siêu thị, do một
vài người lạ lôi đi nhưng nó khóc, bảo vệ siêu thị sinh nghi giữ lại được con
bé con, còn bọn kia chạy mất. Lại không biết bao nhiêu là hiểm họa từ tai nạn đến
những đe dọa từ xã hội càng ngày càng nhiều chuyện phức tạp. Đứa con mất đi,
còn biết là nó “đi đâu”, nó mất tích hoặc bị lạc, thật là đau khổ và tai họa.
Vì thế, chính lúc chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất: vợ đẹp, con khôn, chồng tài
hoa thành đạt như nhiều người cảm thấy mãn nguyện “một vợ hai con, ba tầng bốn
bánh”… nhưng điều đó nó mong manh lắm. Chỉ một tai họa kiểu như thế thôi, là có
thể biến đổi hẳn cuộc sống của chúng ta, một điều đến có thể kéo theo cực nhiều
điều xấu khác, ùn ùn tụ tập.
Bởi vì chúng
ta đều hiểu, không có gì vĩnh cửu, kể cả cuộc sống hạnh phúc của chúng ta – đó là
triết học. Một ông vua không thể ngăn được nỗi đau khổ của mình khi mất đi đứa
con ông ta yêu quý nhất. Tai ương, không trừ một ai. Càng tự mãn vì “đỉnh cao hạnh
phúc”, thì càng dễ bị gục ngã khi tai ương đến. Càng tham cầu thì ngay lúc
không biết bằng lòng với cái mình đang có, chính là lúc đánh mất cái quý giá nhất.
Tự thấy may mắn
vì mình vẫn còn những gì mình yêu quý nhất ở xung quanh – những mất mát trong
quá khứ càng làm mình yêu quý những điều của hiện tại đó. Tự thấy may mắn vì đã
từng có lúc mải mê làm ăn, công việc mà lơ là, sao nhãng với con cái, ỷ lại nhà
có ông, có bà… Những giây phút hiện nay còn giành được cho con, khi mà chúng nó
còn nhỏ, còn biết và yêu quý và cả sợ bố mẹ, còn rất cần bố mẹ… sao mà quý giá
đến thế. Vậy thì tại sao cái cơ hội đó, chúng ta lại làm mất nó đi, chỉ vì thả
lỏng cho cái tật xấu không kiềm chế, nóng giận, hay tự cho mình cái quyền quát
mắng con lúc nào cũng được?
Không ai bắt
chúng ta phải chiều con như chiều vong, nhưng nghiêm khắc là giữ nguyên tắc, chứ
không có nghĩa là phải khắc nghiệt đến mức bạo lực. Mình đã mất nhiều thời gian
và nhiều bài học xương máu để nhận ra được điều này. Cũng có gì khó khăn đâu, tập
kiểm soát cơn nóng giận của bản thân và “thiểu dục, tri túc” – mong cầu ít
thôi, biết thế nào là đủ.
Giây phút
này, khoảnh khắc này, hơi thở này… là quý giá nhất, là “đỉnh cao hạnh phúc”, chẳng
phải ở đâu cả. Đừng để đến lúc nó tuột đi rồi, mới thấy nó quý, quá muộn.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment