Có một bài viết về Tết của mình đăng trên Tuần Việt Nam được bác tiến sỹ Alan Phan post lên “Góc nhìn Alan” của bác ấy đồng thời trên fanpage Facebook. Chú ý đọc những bình luận
bên dưới có rất nhiều điều thú vị.
Có khá nhiều
ý kiến phản đối bài viết, cũng không có gì phải đau khổ vì những điều đó cho lắm,
mỗi người một cách nhìn. Điều đáng nói là ở đây, không hiếm những người chửi…
tiến sĩ Alan Phan theo kiểu “Ông ở nước ngoài biết gì về Việt Nam chúng tôi…” “Việt
Kiều các người cứ chê quê hương Việt Nam…” thế mới lạ chứ. Không phải tự dưng
mà có những ý kiến trên báo, trên mạng về “người Việt Nam hời hợt và đại khái
chủ nghĩa.” Khi chạm vào một ý kiến nào đó mang tính phản biện, lại có những đặc
điểm bị phê bình tương tự những gì mình đang có, thì phản ứng tiêu cực ngay mà
không cần đọc và suy ngẫm kỹ lưỡng.
Trong cuộc đời
chúng ta, những người bình thường, kể cả người giản dị nhất, chắc cũng phải soi
gương lấy đôi lần. Nếu soi gương, bạn thấy ai? Hỏi lạ nhỉ, thấy mình chứ thấy
ai nữa! Hoặc trả lời cách khác, thấy cái bóng của chính mình, thấy hình ảnh của
chính mình. Mình có thể nói rằng, điều này không chính xác. Hình ảnh chúng ta
nhìn thấy trong gương là hình ảnh của một người tương tự chúng ta, nhưng hoàn
toàn ngược với ta. Cái thằng đó nó đeo đồng hồ tay phải, còn ta thì tay trái.
Cái thằng đó nó có nốt ruồi trên trước mắt trái, còn ta thì mắt phải. Nó có sẹo
chấm ở trước dái (tai) bên phải, còn ta thì bên trái… đại khái thế. Nhưng ngắm
lâu ngắm mãi thành quen, ta ngộ nhận rằng nó là ta, hình ảnh của nó là hình ảnh
của ta. Và ta tưởng là người khác cũng nhìn thấy ta như thế. Dù xấu xí thì khi
đã quen mắt, ta cũng thấy ta không xấu xí cho lắm, mà có khi còn đẹp ra phết.
Ai mà chê ta ta phạng cho chết luôn.
Một ngày đi ở
cửa hàng bán camera an ninh ta nhìn vào cái tivi to tướng và giật mình, thấy có
một thằng trong tivi, tương tự như ta nhưng lạ hoắc, vì tất cả của nó ngược lại
với những gì ta thường nhìn thấy: nó đeo đồng hồ tay trái giống ta, nốt ruồi của
nó cũng bên mắt trái như ta còn sẹo thì cũng dái tai bên phải như ta. Nhưng rõ
ràng, nó không giống ta, nó khác. Trông nó giống như thằng đánh bả gà, bộ dạng
phất phơ, mặt mũi ngơ ngẩn như thằng ngố mất hồn, ăn mặc luộm thuộm và dáng đi
thì thất thểu như mất sổ gạo, tóc thì bạc phơ còn móng chân thì quên không cắt.
Cả cái bộ mặt đạo mạo hàng ngày ta dày công nắn sửa, từng câu nói nụ cười, nó
phơi bày ra như một con rối, một người nộm. Đó chính là ta, hình ảnh thật của
ta mà người khác thường nhìn thấy. Chợt nhận ra hóa ra hình ảnh thật của ta sao
mà xấu xí thế.
Con người phải
có những thành tựu nhất định, “bước tiến dài vào khoa học” thì mới bay được vào
vũ trụ và từ đó, nhìn lại về cái trái đất chúng ta đang sống trên lưng nó, thấy
được hình hài của nó. Nhân loại ưa triết lý cũng thỉnh thoảng thốt lên “cần biết
nhìn lại chính mình…” nhưng nhìn là nhìn bằng mắt của ai, như thế nào? Đã có ai
thử nghĩ xem, nếu ta nhìn chính mình từ góc độ cái nhìn của người khác, “từ
ngoài nhìn vào” thì mình sẽ như thế nào chưa?
Chỉ có thể
hình dung được con người của mình, vị trí của mình trong tương quan với xã hội
và vũ trụ một cách rõ ràng nhất, nếu mở lòng mình ra mà tiếp nhận ý kiến của
người khác, đó chính là “bước tiến dài” của mỗi chúng ta rồi đấy. Cao đạo không
nghe được lý lẽ của người khác thì chẳng bao giờ nhìn ra được chính mình cả.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment