Chiều Chủ Nhật đèo cô bé con
lên cầu Long Biên đứng chơi, mà thực ra là đứng chờ người quen để sang Ngọc Thụy
có chút việc. Nhiều chuyện hay phết.
Cầu vẫn chẳng được sơn lại,
trơ hết cả màu sắt rỉ, đúng là Hà Nội chán cái cầu này thật rồi. Đứng một lúc ở
chỗ hết bãi giữa, thấy hàng chục ông đàn ông, chắc do vợ sai, vác lên cầu và
ném tòm xuống sông: ông thì cái bát hương, ông thì một túi những cái gì đó, và
nhiều ông thì phang cả cái bàn thờ to tướng bằng gỗ dán. À, hóa ra hôm nay là
20 tháng Chạp rồi, nhà người ta thay bàn thờ, dọn bát hương… và đem ra sông
“hóa” đồ thờ cũ.
Cái bàn thờ thì nó nổi, trôi lềnh
bềnh cho đến một khi nào đó nó cập bến, hoặc được ai đó vớt lên về làm củi. Còn
bát hương thì chìm nghỉm xuống đến tận đáy sông. Nhưng nếu chịu khó ngó xuống,
sẽ thấy ven mép nước bãi giữa, đầy hàng chục cái bát hương. Là đợt giữa năm như
Rằm tháng Bảy, người ta cũng thay bát hương và cũng ném xuống sông. Nhằm lúc nước
to, tưởng là ném xuống nước, nhưng cuối năm nước cạn, lại trơ ra bao nhiêu là
bát hương nằm lẫn cả tấn rác rưởi. Như thế thì có cần gì phải lên tận trên cầu Long Biên để thả bát hương xuống,
sao không vứt ra xe rác? Đằng nào nó cũng thành rác kia mà, lên cầu làm gì cho
tốn xăng… xem ra cái hiệu quả tâm lý của con người vẫn là quan trọng, chẳng biết
thế nào, cứ “có thờ có thiêng…”
Ông nội bọn trẻ con nhà mình mấy năm trước bảo,
“Này chú nhà văn N.H. (bạn của ông) chết rồi đấy. Chú ấy dặn cô vợ, cho đi “Hóa
thân Hoàn vũ” rồi thả xuống sông Hồng. Hôm qua cô ấy nhờ chú B.S (cũng nhà văn,
chuyên viết Hà Nội tản văn) chở xe máy lên cầu Thăng Long thả xuống sông Hồng.
Sau này mày cũng vứt tao đi như thế là được.” Được được, ông yên tâm, cát bụi lại
về với cát bụi, chúng con sẽ tổ chức cho ông một lễ “vứt” long trọng… thấy bảo
ông nhà văn B.S cũng mới về với tiên tổ. Không biết ông chú ấy có tâm nguyện được
“vứt” không.
Các nhiếp ảnh gia dắt vài cô gái áo dài vẫn lên
cầu chụp ảnh, cũng trèo vào đường tàu như ai. Tuần trước còn thấy các đôi chụp ảnh
cưới trên đường tàu. Điều này làm cho mình cực kỳ băn khoăn luôn – không hiểu
sao đôi lứa hạnh phúc lại cứ phải diễn ở trên đường tàu như thế?
Lại nhớ chuyện ông nội bọn trẻ con nói: “Không
có nên tin cái bọn Bê Bê Xê tiếng Việt. Thời tao đi làm còn “chiến tranh phá hoại”
[1] ở cơ quan có chú yêu một cô ở cơ quan bên cạnh. Hai cơ quan ở gần ga, và đều
sát đường tàu hỏa. Tối nào cô chú ấy cũng lên đường tàu ngồi tâm sự. Rồi hai cơ
quan biết chuyện lôi ra kiểm điểm – chú này có vợ ở quê rồi – hôn nhân cưỡng bức
thời “phong kiến thực dân” ấy mà, bà vợ vừa già vừa xấu. Kiểm điểm lên xuống
hàng chục buổi. Rồi một đêm hai cô chú đó không biết trăng thanh gió mát ngủ
quên trên đường tàu hay cố ý, bị tàu cán chết. Thế là Bê Bê Xê phát đi phát lại
tin suốt một năm, tối nào cũng nghe: “Ở chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam, tự
do yêu đương bị cấm đoán, o ép, nên một đôi nam nữ đã tự tử trên đường tàu…”
Tao ở cơ quan tao biết chắc gì họ đã tự tử đâu, vì thấy cũng bình thường thôi,
trước sau thì chú ấy cũng xin li dị bà vợ ở quê để cưới cô này mà…”
Đâm ra cứ thấy lứa đôi đứng trên đường tàu là lại
nhớ ra chuyện “Bê Bê Xê.” Còn mấy ông nho nhoe triết học kiêm nhiếp ảnh gia mà
dị ứng với đường tàu, có khi còn có lý lẽ, đường tàu là hai thanh ray chạy song
song vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau, nên lứa đôi cũng vậy, cái duyên gặp nhau
ở tận vô cực, là cái gặp nhau ảo, chốc lát, ở cõi tạm, còn chia ly thì mới là
vĩnh viễn… Có ai nghĩ thế không ạ?
Trước mắt các nhiếp ảnh gia ngày nay, đường tàu
trên cầu Long Biên chỉ là một cái nền màu sắt rỉ khá tốt làm hậu cảnh, vậy
thôi.
Cách đây đúng 11 năm, khi làm tư vấn cho một dự
án của nước ngoài tại Hải Phòng, cứ cách ngày lại đi tàu hỏa xuống đó một lần.
Sáng 5 rưỡi tàu chạy từ ga Trần Quý Cáp, chiều 15 giờ 20 chạy về Hà Nội. Mùa
đông rét căm căm cũng đi, mùa hè nóng hầm hập cũng vẫn đi trong suốt một năm.
Ngồi tàu chợ, thấy nhiều người, nhiều cảnh ngộ, tha hồ mà ngẫm nghĩ. Nhiều người
chỉ đi hai mươi ba mươi cây số, như từ Hải Phòng xuống ga Phú Thái, hoặc Hải
Dương xuống Cẩm Giàng… vẫn đi tàu hỏa. Rẻ hơn ô tô và rõ ràng, đỡ bị bắt chẹt
hơn nhiều.
Tuần trước lại đi tàu hỏa xuống Phòng chơi, vẫn
thế, chẳng có gì thay đổi. Nhân viên toa xe vẫn làm cái việc đều đặn là trước
khi đến ga, đi khóa cửa phòng vệ sinh, và tàu chạy được một lúc, đến mở ra. Để
tránh việc tè, ị phi xuống đường tàu mà người ta phải làm như thế, không được
làm ô nhiễm nhà ga. Nghĩ ra là nếu vậy, đường tàu ở ngoài đồng không mông quạnh,
thì có mà đầy… mìn mo, ô nhiễm kinh khủng. Và những người công nhân sửa đường
ray thì thật là vất vả - vừa nặng nhọc, vừa bẩn thỉu. Chuyện vệ sinh trên tàu mình
đã viết trong bài “Tu tu xình xịch” rồi, cứ đi tàu lại nhớ ra.
Hôm kia đọc trên mạng thấy anh Thăng bộ trưởng
chỉ đạo quyết liệt, “đi ét vi en” đã cố gắng ra được “Đoàn tàu năm sao” hoành
tá tràng. Ơ thế không biết đi “5 sao” còn được ị trực tiếp xuống đường tàu
không nhỉ? Gì chứ mất cái cảm giác nhìn xuống cái lỗ, mặt đất chạy vun vút bên
dưới, tiếc ra phết…
______________
[1] Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ném bom miền Bắc
từ 1964 đến 1970.
Ảnh "tàu 5 sao" trong bài chỉ mang tính chất minh họa lấy của Vnexpress.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment