Mùa đông mặc
quần soóc, phong phanh cái áo gió đi loăng quăng trên đường phố Hà Nội, chỉ có
mấy anh Tây “balô”, những “passer-by”, những vị khách thoảng qua thành phố. Với
họ, cái lạnh miền Bắc Việt Nam chỉ là chớp nhoáng, không kịp đọng lại điều gì
sâu sắc. Có một người Nga rất giỏi tiếng Việt, từ hồi không còn Liên Xô không
nhiều dịp sang Việt Nam, nhưng ngay cả lúc Hà Nội rét nhất vẫn cười: “16 độ còn
cao hơn nhiệt độ mùa hè ở Mátxcơva mà!”
Nhiều bạn
trong Nam ra Bắc đi họp, vẫn phong phanh cái áo sơmi cười mà rằng: “Bình thường
mà, rét lắm đâu!” Nhưng ngay cả người Âu Mỹ, khi đã ở Hà Nội một thời gian đủ
lâu, họ mặc nhiều còn hơn người Việt. Nhiều bạn ở Âu Mỹ về Hà Nội than lên “Không
hiểu sao về nhà mình ở xứ nhiệt đới mà rét thế!” Cái rét Hà Nội đặc trưng đến mức
mà ngay lúc này đây, chính ngọ, Hà Nội 12 độ và buốt căm căm; thì ở Hongkong
đang nắng và nhiệt độ là 15 độ.
Bố mình kể,
thời Pháp thuộc người Pháp gọi cái rét của miền Bắc Việt Nam là “froid mordant”
– “cái rét biết cắn”. Cái rét nó cứ luồn thật sâu qua những kẽ trên các lớp quần
áo làm cho người ớn lạnh, rét từ trong rét ra, mặc bao nhiêu quần áo lên người
vẫn không thấy đủ ấm. Cũng chính những người Pháp đó thích ứng với khí hậu miền
Bắc Việt Nam mà làm ra hình thái kiến trúc thuộc địa nhiệt đới gió mùa rất đặc
trưng “trong kính ngoài chớp”, nhà xây tường 40 xăngtimét và có lò sưởi bên
trong. Cũng chính họ đổ cát vàng, nhựa đường thành từng lớp trước khi lát gạch
nền nhà, mà nền nhà mùa đông không quá lạnh, cũng như sang xuân, nó không bị “nồm”
đến chảy nước ra.
Hồi bé, thường
nghe bà ngoại nói mỗi khi nhìn lên trời trong tiếng gió ào ào: “Mưa phùn, gió bấc.”
Câu đó đã trở nên quá quen thuộc với người miền Bắc Việt Nam, cũng như câu “nghe
đài báo gió mùa đông bắc”. Thời bao cấp khó khăn, mỗi tuần chỉ tắm có một lần –
cứ nghe tin gió mùa đông bắc là mẹ giục các con đi tắm, và bắc bếp củi đun nước
tắm bằng cái ấm đồng to, còn nhiều tuổi hơn tuổi mẹ. Cái ấm đen sì bám đầy bồ
hóng, vòi của nó móp méo, thỉnh thoảng mới có vết xước trên muội than hở ra “màu
đồng” đã sang màu nâu sẫm. Buồng tắm ngoài trời, phải che bằng cái chiếu vì cửa
của nó sau vài chục năm, gỗ đã mục ruỗng đầy khe hở như cái giát giường.
Mưa phùn là đặc
trưng của mùa xuân xứ Bắc, do gió đông nam ẩm thổi từ biển vào, gặp không khí
có nhiệt độ thấp ngưng tụ lại thành mưa. Hạt nhỏ xíu, người ta thi vị hóa nó
thành “mưa bụi”; còn hạt to hơn, thì là “mưa phùn.” Trong văn chương người ta
còn tả “mưa lâm thâm,” nghe đã thấy rét. Về sau lại thắc mắc, tại sao “mưa phùn”
lại kèm “gió bấc”? Vì đã gió mùa đông bắc thì phải khô hanh, sao có mưa phùn của
tiết xuân cho được?
Cứ nhớ ông
thày dạy địa lý như một nghệ sỹ tài hoa, chỉ trong vài giây vẽ lên bảng cái bản
đồ Việt Nam, rồi đặt nằm viên phấn, vạch những đường vòng cung: “Đây Đông Triều,
đây Ngân Sơn, đây Sông Gâm, đây dãy Hoàng Liên Sơn. Những vòng cung theo hướng
tây bắc – đông nam đã đón nhận một cách nồng nhiệt những gió mùa đông bắc từ
Siberia của nước Nga tràn về theo hướng đông bắc – tây nam làm cho miền Bắc Việt
Nam có một mùa đông lạnh đặc trưng. Dãy Hoàng Liên Sơn chặn gió mùa đông bắc
nên tây bắc Việt Nam thường ấm hơn, nhiều nắng hơn đông bắc vào mùa đông. Đến
dãy Bạch Mã – Đèo Hải Vân, gió mùa đông bắc bị chặn lại nên miền Nam Việt Nam vẫn
có một mùa đông ấm áp. Miền Bắc chia bốn mùa khí hậu xuân – hạ – thu – đông; miền
Nam chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa… Việt Nam có hình thái khí hậu nhiệt đới
gió mùa…” Lại nhớ mẹ mình, cô giáo cũng có thời phải chuyển dạy địa lý một thời
gian, giải thích, “thì ai gặp ai cũng thế, gió lạnh về gặp không khí ẩm, thường
gây mưa. To thì mưa rào mất một buổi đến một ngày, không thì tạo ra mưa phùn,
nên mới có “mưa phùn gió bấc”…”
Cái rét miền
Bắc nó sâu sắc lắm, đến mức “rét thế này các cụ “đi” nhiều…” hay “không biết có
qua được mùa đông này không…” Có những cụ không bước chân ra khỏi chăn bông, chỉ
ra ngoài khi có những nhu cầu ăn uống, vệ sinh. Thời ngày xưa ông bà chúng ta,
thì không có chăn bông, nằm ổ rơm, hoặc lót rơm trải chiếu lên trên. Và cũng vì
thế mà chỉ cách đây hai, ba chục năm, dịp cuối năm là dịp đi ăn giỗ nhiều vòng
quanh làng, các cụ hay “đi” vào mùa rét.
Trung Quốc và
Bắc Việt Nam là hai trong số vài nước, quen “nhập khẩu giá rét” của nước Nga nên
rét thế chứ rét nữa, bất chấp những thăng trầm, có quá nhiều người Việt Nam còn
yêu nước Nga và yêu luôn cả ông “Putin giá rét.” Hình như họ cảm thấy không thể
hiểu nổi là tại sao Châu Âu khi cái ông Putin kia “xuất khẩu giá rét” sang phía
Tây, lại cứ giãy giụa chống cự. Tình yêu là phải thủy chung như Việt Nam chúng
tớ, ngay cả khi bị chồng ruồng rẫy, bồ bịch… có tủi thân khóc tu tu chút thôi,
rồi lại yêu hết lòng như thường.
Thế giới của
thời biến đổi khí hậu – khi mà những cư dân thành phố Cầu Rồng bàn tán vui về một
dự án nâng cao đèo Hải Vân chống gió mùa đông bắc. Vui là vui vậy thôi, chứ
không phải nâng đèo mà được – phải kéo dài nó ra biển tầm quần đảo Hoàng Sa mới
ngăn được gió mùa nay đã vòng ra biển và “tập kích” xuống tận phương Nam, làm
cho bà con trong đó nay cũng đã mặc áo rét và quàng thêm cả khăn. Lại có câu
nói vui “Sau giải phóng người Bắc vào Nam nhiều đem theo cả giá rét…” Thấy bảo
bây giờ trong Nam mưa cũng đã khác trước, nó lai rai, lằng nhằng như mưa Bắc,
mãi không chịu mưa làm trời oi nồng khó chịu và đã mưa rồi thì mãi không chịu tạnh…
Còn con người,
nhất là “các cụ” thì nay có nhiều máy sưởi, đỡ sợ mùa rét hơn trước, nhưng con
người ngày nay thì có thể “đi” bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do gì: tai nạn
giao thông, tai nạn vì sự vô cảm, bất cẩn của xã hội nói chung: đổ giàn dáo,
rơi móc cẩu, ăn thực phẩm Trung Quốc, ăn thực phẩm Việt Nam nhưng phun thuốc
Trung Quốc…
Và người Việt
Nam cũng vậy, ngày càng trở nên ít phân biệt Bắc – Nam hơn khi mà cùng chịu gió
mùa đông bắc như nhau và cùng hít thở một bầu không khí ngột ngạt, sống dở chết
dở như nhau…
Ảnh minh họa
trong bài của Nguyễn Cảnh Tùng
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment