Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, April 6, 2015

Của rẻ là của... ngon

Tổng thống Nga  and Vladimir Putin 
và CEO của tập đoàn Gazprom, Alexey Miller. 
Ảnh: Gazprom.com 
Chính phủ Nga vừa có một động thái khá kỳ lạ là yêu cầu tập đoàn dầu khí khổng lồ của nước mình – Gazprom hạ giá khí đốt bán cho Ukraine. Sự việc này tiếp sau và khá gần với thông báo của Chính phủ Ukraine quyết định ngưng mua khí đốt của Nga từ 1 tháng Tư.

Việc này được xem như là “kỳ lạ” bởi vì từ khi bắt đầu sáp nhập bán đảo Crimea đến nay, nước Nga vẫn đang bị quy cho là can dự vào tình hình bất ổn tại Đông Ukraine, chiến sự đã cướp đi sinh mạng của 6000 người và hai nước này đang bị coi là đang có quan hệ căng thẳng nhất từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Vậy thì tại sao lại có động thái này?

Chúng ta hãy quay lại với thời gian giữa năm ngoái khi giá dầu mỏ thế giới bắt đầu hạ với tốc độ cao, từ mốc trên 100 đô-la xuống mức loanh quanh 50 đô-la Mỹ hiện nay, dự trữ ngoại tệ của nước Nga đã được dự báo sẽ giảm không kìm hãm được và nếu như không có biện pháp hữu hiệu nào, thì nước Nga sẽ chỉ có thể đủ trụ vững trong vòng 2 năm mà thôi. Để ngăn chặn việc người dân đi rút tiền hàng loạt khi giá đô-la Mỹ lên đến 60 và sau đó trên 70 rub ăn 1 đô-la Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nga đã từng phải tăng lãi suất tiền gửi lên đến 17%, một con số có thể coi là kỷ lục.

Lệnh trừng phạt của phương Tây không chỉ nhắm vào các cá nhân của nước Nga, mà đòn giáng mạnh vào kinh tế Nga còn ở việc ngăn chặn những nguồn vốn bằng ngoại tệ chảy vào Nga cũng như xiết chặt những khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp Nga phải trả mà không được đáo hạn. Chính điều này làm nguồn ngoại tệ không tiếp tục chảy vào nước Nga mà ngược lại, chạy ra khỏi nước Nga. Tháng Hai năm nay, bà Tatiana Nesterenko Thứ trưởng Tài chính Nga đã thông báo nước này sẽ phải tiêu tới 3,2 nghìn tỷ rub (52,36 tỷ đô-la) từ dự trữ quốc gia bao gồm luôn cả khoảng 500 tỷ rub đã đã dự trù cho ngân sách tiêu pha. Thu ngân sách quốc gia Nga giảm thấp hơn nhiều do giá dầu giảm và cả lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tình hình tài chính của nước Nga. Bà Tatiana Nesterenko cho biết Bộ tài chính dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này có thể lên đến 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thay vì mức dự kiến 0,6% trước đây tính toán. Tình hình không mấy lạc quan khi trong tháng Hai, một tờ báo Nga đã tiết lộ con số thâm hụt 3,7% GDP và từ khi bắt đầu khủng hoảng đến thời điểm đó, Chính phủ Nga đã phải rút ra chi tiêu 2,7 nghìn tỷ rub từ quỹ dự trữ quốc gia. Thông báo này của bà Thứ trưởng còn bao hàm ý nghĩa, Bộ Tài chính Nga đã thất bại trong việc thuyết phục Chính phủ cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm cho ngân sách.

Để đối phó với tình hình thâm hụt ngân sách cũng như lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga đã đề ra chính sách xây dựng nền kinh tế tự chủ. Chúng ta đã biết nước Nga từ sau 1991 được xây dựng trên nền kinh tế khai thác, lấy bán tài nguyên dầu khí làm nguồn thu chính. Vốn là một nước lớn và mạnh nhất của Liên bang Xô-viết, nước Nga vốn có những tiềm năng không ai có thể phủ nhận được về đầu tư sản xuất công nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học cơ bản. Nhưng từ khi Liên Xô tan rã, nước Nga ốm yếu lâu dài dưới thời tổng thống Yeltsin rồi phục hồi dưới thời tổng thống V.Putin nhờ giá dầu tăng cao. Song song với quá trình này, là việc hàng loạt nhà máy sản xuất công nghiệp thời Liên Xô bị đóng cửa hoặc hoạt động èo uột; cũng không ít số nhà máy rơi vào tay các chủ tư bản nước ngoài… nhưng tình trạng nước Nga tràn ngập hàng hóa nước ngoài và hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng không đáng kể, là thực tế. Cơ cấu giáo dục các nghề quản trị kinh doanh, luật… lên ngôi, trong khi đào tạo khoa học cơ bản vẫn rất tốt lại không giữ được nhiều nhân tài ở lại làm việc trong nước mà tình trạng chảy máu chất xám ngày một gia tăng. Việc phát triển một nền kinh tế độc lập tự chủ, nghĩa là giảm tỷ trọng hàng nhập khẩu từ nước ngoài và tự sản xuất được phần lớn các hàng hóa cho nhu cầu trong nước, đòi hỏi phải có sự đầu tư mới cho nền sản xuất công nghiệp và do đó, sẽ cần một lượng vốn không hề nhỏ. Trong khi đó thì các nhà đầu tư phương Tây lại bị ngăn cản bởi lệnh trừng phạt. Đó là những thách thức không hề dễ giải quyết cho nước Nga của V.Putin. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng tụt hậu của nước Nga về công nghệ, là giá thành dầu mỏ và khí đốt khai thác lên cao do một phần lớn bởi công nghệ khai thác lạc hậu, phần lớn từ thời Xô-viết.

Chính vì thế mà hiện nay, nước Nga gần như chắc chắn phải đi tìm thêm nguồn đầu tư từ các nước còn chưa chịu ảnh hưởng của lệnh trừng phạt – trước hết là Trung Quốc. Tháng trước, trong một hội nghị về đầu tư tổ chức tại thành phố Krasnoyask (thành phố ở Siberia), phó Thủ tướng Nga ông Arkady Dvorkovich cho biết, Nga có thể cân nhắc cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc mua đến 50% cổ phần trong các công ty dầu khí Nga. Trong hoàn cảnh quan hệ Nga – Phương Tây xấu đi do vấn đề Ukraine, lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục duy trì; thì rõ ràng Trung Quốc nổi lên trở thành đối tác quan trọng. Ông Dvorkovich nói: “Chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và quyết định sẽ thúc đẩy quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Một hợp đồng khí đốt đã có và một hợp đồng thứ hai chắc chắn sẽ được ký. Đến nay chúng ta đã hiểu rõ đối tác Trung Quốc về động cơ và mục đích của họ. Trước đây đã từng tồn tại những rào cản tâm lý với đối tác Trung Quốc, nay nó không còn tồn tại nữa.”

“Hợp đồng thứ nhất” mà ông Dvorkovich đề cập chính là hợp đồng của Gazprom bán khí đốt cho Trung Quốc trị giá 400 tỷ đô-la Mỹ, với số lượng 39 tỷ mét khối khí đốt từ năm 2019, đánh dấu sự cố gắng của V.Putin xích lại gần Trung Quốc từ khi nước Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt. Từ trước đến nay, nước Nga chỉ có một hướng bán khí đốt duy nhất là sang Châu Âu. Chính sách này của nước Nga, chính là một phần “Trục Đông” của nó – nhưng nước Nga đã không hoàn thành được phần lớn các thỏa thuận kiểu như thế này, và do đó đã xuất hiện những e ngại từ phía những nhà đầu tư châu Á trong việc cung cấp tài chính cho các công ty và ngân hàng Nga. CNPC và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng vài dự án dầu khí ở Nga, nhưng rất nhỏ. CNPC còn đầu tư thăm dò nhưng đến nay vẫn chưa đi vào sản xuất.

“Putin đang ở một tình thế khó khăn, và tăng cường quan hệ với Trung Quốc chính là giải pháp giúp ông ta thoát khỏi tình trạng khó khăn đó” – một quan chức cấp cao ngành dầu khí Trung Quốc, người thông thạo những quan hệ giữa CNPC và Sinopec với ngành dầu khí Nga đã nói như vậy. “Trước đây, việc cho phép đầu tư vào hạ tầng dầu khí là rất khó từ phía tổng thống Putin, nhưng bây giờ thì tình hình đã thay đổi, cơ hội đã có.” Thêm nữa, Phó thủ tướng Nga ông Dvorkovich còn bình luận: “Tỷ lệ 50% là đã thoải mái lắm rồi và Nga chưa xem xét tiếp việc cho các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào những mỏ ngoài khơi.” Hiện nay nước Nga vẫn đang khai thác dầu mỏ và khí đốt ở những mỏ đang dần cạn kiệt Đông Siberia và bắt đầu hướng dần sang những mỏ ở Tây Siberia.

So sánh với quan hệ Moscow – Bắc Kinh thời Liên Xô, thì đây là giai đoạn quan hệ Nga – Trung Quốc nồng ấm nhất, như lời ngoại trưởng Nga Lavrov bình luận. Việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc vào khu vực dầu khí Tây Siberia, cũng là phù hợp và thuận lợi cả về điều kiện địa lý tự nhiên lẫn thời thế.

Câu trả lời tại sao Nga lại có động thái như vậy với Ukraine, dần hiện rõ. Tuần trước Ủy ban châu Âu đã gửi cho Chính phủ Nga một bức thư đề nghị giảm giá khí đốt bán cho Ukraine, cũng như giảm các khoản thu khác như thuế xuất khẩu đánh lên khí đốt – hiện nay mức chiết khấu đã là 100 đô-la Mỹ cho một nghìn mét khối. Cho đến trước thời điểm này, 58% lượng khí đốt tiêu thụ của Ukraine là mua của Nga.

Động thái này của Gazprom hay chính là của Nga, cho thấy một điều là Nga đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực; để tìm cách lách ra khỏi lệnh trừng phạt của Phương Tây trong nỗ lực để kéo mình ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn. Đây không phải là lần đầu tiên Nga sử dụng giá khí đốt hoặc những khoản tiền khác từ khí đốt, để có được những nhượng bộ có lợi về chính sách của Chính phủ Kiev dành cho Moscow.

Năm 2009, một thỏa thuận khí đốt giữa V.Putin và Cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko để Ukraine có thể tiếp tục được cung cấp khí đốt từ Nga, nhưng ngay sau đó bà Tymoshenko đã bị kết án 7 năm tù cùng số tiền phạt lên tới 200 triệu đô-la. Tuy nhiên trong những năm sau đó, Moscow đảm bảo mức chiết khấu bán khí đốt cho Ukraine lên tới 30% đổi lại là quyền tiếp tục được thuê quân cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea (nay đã thuộc về Nga.) Từ khi cuộc khủng hoảng Crimea của Ukraine diễn ra đến nay cùng chiến sự tại vùng li khai Donesk và Luhansk, Ukraine đã tìm cách “cai sữa” khí đốt từ Nga. Vào tháng trước, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã nói nước này sẽ cố gắng đề nghị một khoản vay 1 tỷ đô-la Mỹ từ EU (có bảo lãnh Chính phủ Ukraine) để xây dựng một hệ thống chuyển đổi sang dùng khí hóa lỏng mua từ châu Âu. Đây là một dự án khó khăn và khá dài hơi, chưa thể thực hiện được ngay lập tức, do đó việc tiếp tục mua khí đốt từ Nga vẫn là cần thiết. Các đề xuất của Ủy ban châu Âu và Ukraine vẫn đang hướng tới việc Gazprom giảm giá khí đốt cho cả 6 tháng, nhưng Công ty Nga thì chỉ đồng ý với thời hạn 3 tháng. Thỏa thuận này chưa đạt được và gần như Ukraine chắc chắn sẽ từ chối nếu như Công ty Nga không nhượng bộ.


Hiện nay Ukraine đang lâm vào thế kẹt – họ đang có được gói viện trợ 40 tỷ đô-la Mỹ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng điều kiện của nó là tiến hành cải cách kinh tế của đất nước trong đó có việc tái cơ cấu lại các khoản nợ - mà chắc chắn điều này sẽ dẫn đến thiệt hại cho các chủ nợ hiện nay của Ukraine. Vấn đề là, Ukraine vẫn đang nợ của Nga. Nguồn tin báo của tờ Business Insider cho biết, khoản Ukraine vay từ Quỹ thịnh vượng của Nga do đã được trả 3 tỷ đô-la vào tháng Mười hai năm trước, nên Kiev hi vọng khoản nợ 5,2 tỷ đô-la sẽ phải trả cho Nga trong năm 2015 này, có thể sẽ thương lượng lại được. Do khoản vay này được tính là khoản “vay chính thức” nên mọi thỏa thuận thanh toán song phương (Ukraine và Nga) sẽ vi phạm định chế của IMF và đồng nghĩa với việc IMF sẽ không tiếp tục tài trợ cho Ukraine.

Như vậy “bác khó tôi cũng chẳng hơn gì” – Ukraine gặp khó thì kéo theo các nhà tài trợ Phương Tây cũng gặp khó theo, còn tình thế của nước Nga – Putin thì rõ ràng quá rồi. Chúng ta hãy cùng nhớ lại, chính V.Putin mới đây tiếp tục kêu gọi các tỷ phú Nga mang tiền về nước, cũng cho thấy kinh tế nước Nga đã bắt đầu thiếu hụt ngoại tệ. Phải chăng những động thái này, sẽ làm tình hình căng thẳng của cuộc khủng hoảng Ukraine, hạ nhiệt? 

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment