Cát Đằng
Gần gũi, dễ
thương và ý nghĩa là những gì cuốn tạp văn “Chuyện con, chuyện cha” (NXB Trẻ,
quí I-2015) đem lại cho người đọc. Từ những câu chuyện đời thường giữa người
cha và 2 đứa con nhỏ, tác giả Phúc Lai cho thấy những giá trị đạo đức trong
nuôi dạy con.
60 bài viết
trong tập tạp văn là những câu chuyện đời thường của tác giả và 2 con nhỏ của
mình: một con trai tiểu học và con gái út mẫu giáo. Không phải nhà văn cũng
không phải là một chuyên gia tâm lý nên tác giả có cách hành văn giản dị, các
câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của một người cha dành trọn tình thương,
trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.
Trẻ con hay hỏi,
hay thắc mắc về những điều xung quanh và giải thích vừa đơn giản, vừa dễ hiểu
cho con trẻ là một vấn đề. Người cha đã kiên nhẫn, nhẹ nhàng trả lời những câu
hỏi của con, đồng thời hướng con vào những bài học sống ý nghĩa. Chẳng hạn, khi
nghe về xổ số, về niềm hy vọng của người mua, cậu bé con hào hứng nói trúng số
sẽ mua thật nhiều đồ chơi. Nhưng khi nghe nói về các bạn có hoàn cảnh khó khăn,
luôn hy vọng có được món đồ chơi mới mà không được, cậu bé ước trúng số sẽ mua
đồ chơi cho các bạn... (bài “Niềm hy vọng”). Hoặc khi giải thích cho con về cái
chết, người cha cũng đồng thời dạy con biết trân trọng sự sống và sống sao cho
tốt (bài “Bái bai”)...
Từ những chuyện
trò thường ngày, trả lời thắc mắc, dạy con học, chăm sóc và vui chơi cùng
con... người cha dần trở thành người bạn thân thiết và tin cậy của con. Khi con
nản lòng trước những bài tập khó thì nói sao cho con chịu học? Giải quyết thế
nào khi con gặp chuyện ấm ức với bạn bè, với cô giáo? Lúc con gặp tai nạn thì xử
lý ra sao? Thậm chí những vấn đề về giới tính, về tình cảm khác giới phải giải
thích, hướng dẫn sao cho trẻ hiểu đúng mà không cần né tránh... Rất nhiều vấn đề
của các bậc phụ huynh trong việc làm bạn với con được tác giả chia sẻ qua những
câu chuyện, những kinh nghiệm thực tế của bản thân, đem đến cho người đọc những
góc nhìn và những suy ngẫm thú vị.
Nổi bật trong
tập sách là những câu chuyện về lòng nhân ái, sự dũng cảm và cách ứng xử văn
hóa, văn minh nơi công cộng. Từ những câu chuyện giúp đỡ người tàn tật, khó
khăn hay người gặp nạn (“Chú Phong bán sáo, “Cây trầu không”, “Lòng dũng cảm”),
xếp hàng đi xe buýt hay mua thức ăn nhanh (“Bạn Tít”, “Lê Nin trong hiệu cắt
tóc”) đến việc hắt nước ra đường, hút thuốc, xả rác nơi công cộng... được tác
giả phản ánh cụ thể cùng những suy nghĩ, bình luận. Không chỉ kể những chuyện mắt
thấy tai nghe hằng ngày, tác giả còn liên hệ đến những câu chuyện điển hình
trong văn học, trong lịch sử và cả những kỷ niệm thời thơ ấu của bản thân để
làm rõ hơn điều muốn nói. Do đó, các bài viết có cách thể hiện đa dạng, nội
dung phong phú và lập luận chặt chẽ. Từ những câu chuyện nhỏ để dạy con, tác giả
cũng gửi gắm những thông điệp ý nhị đến những người lớn, đến các bậc phụ huynh
- những người mà trẻ luôn bắt chước hành vi, cách ăn nói, cư xử...
Những câu
chuyện ngộ nghĩnh, thú vị pha chút hóm hỉnh, hài hước của “Chuyện con, chuyện
cha” không chỉ đem đến cho bạn đọc những kinh nghiệm hay trong việc nuôi dạy
con cái mà còn góp một tiếng nói xây dựng lối sống đẹp và ứng xử văn hóa trong
xã hội.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment