Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, April 30, 2015

Một nửa bên kia lạnh khói hương

Ảnh do
"Người lang thang cuối cùng"
chụp tại Nha Trang, 2003
Năm 2010, cũng vào dịp tháng Tư chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày đất nước thống nhất, mình có chuyến đi Đông Hà, Quảng Trị liên hoan của một diễn đàn trực tuyến.

Đến Quảng Trị, chương trình đương nhiên có là đi thăm Thành Cổ và sau đó là thăm nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Ở Thành Cổ, đoàn được dẫn đi bởi một người thanh niên trạc 30 tuổi, với chất giọng truyền cảm và trôi chảy anh nói một bài giới thiệu cực kỳ xúc động. Mãi về sau này về Hà Nội, lên mạng tìm lại thì thấy chính bài đó, một tiểu luận tốt nghiệp của sinh viên khoa du lịch, mình mới biết, đoàn nào đến Thành Cổ cũng nghe bài đó.

Đây cũng là dịp đầu tiên mình được nghe bài thơ rất hay, và không dấu giếm, lúc ở Thành Cổ, cũng như tất cả mọi người trong đoàn, mình đã khóc:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm [1]

Trong đoàn có một ông đại tá (quân đội hiện nay, tất nhiên) luôn dẫn đầu đoàn. Đi thăm hai điểm, ông mặc quân phục chỉnh tề - quân phục mới màu xanh ô liu. Cùng với người hướng dẫn, ông thường thêm những câu chuyện ca ngợi chiến thắng của “bên ta” và gương mẫu đứng mặc niệm, chào đúng phong cách nhà binh trước vong linh các liệt sỹ đã khuất.

Nhưng, khi nghe một câu của người hướng dẫn khi nói, đi trong Thành Cổ, không có mét vuông nào là không thấm máu của người lính, và đây đã là một nấm mộ khổng lồ vì không thể quy tập được hết hài cốt của liệt sỹ sau những trận bom B-52… thì mình sững sờ. Suốt chặng đường đi từ Thành Cổ lên Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, mình cứ tiếp tục với cái cảm giác sững sờ ấy.

Trên đất nước của chúng ta, có bao nhiêu mét vuông đất không thấm máu của người Việt Nam sau từng ấy năm chiến tranh? Ngày hôm nay chúng ta đứng mặc niệm cho những người lính “bên này” đã ngã xuống, nhưng đã bao giờ chúng ta được mặc niệm cho những người bên kia? Từ đó, cứ đến tháng Tư, mình không nghĩ ngợi về cái chiến thắng huy hoàng, mà nghĩ nếu đã có một Cụ hòa thượng muỗn tổ chức việc cầu siêu cho tất cả các sinh linh đã chết trong chiến tranh; thì mỗi người trong số chúng ta hàng ngày, nên cầu nguyện cho họ. Lễ chỉ là lễ, còn quan trọng là mỗi người chúng ta thành tâm nghĩ và làm. Và mình cũng không chọn cách nghĩ theo chiều ngược lại một cách cực đoan, thấy cái sự lễ lạc rình rang, cờ xí rợp trời là sục sôi khó chịu. Đã 40 năm mà vẫn cần thấy phải rình rang, nghĩa là cái sự lo lắng về mất lòng dân, đã lên cao lắm rồi, chứ có gì đâu.

Năm nay kỷ niệm 40 năm… một người bạn từ miền Nam làm hành trình ngược ra Bắc, lại trong những ngày tháng Tư thăm Đông Hà Quảng Trị. Vẫn những người quen chung của mình và anh bạn trong Nam đón tiếp, vẫn những điểm tham quan ấy. Anh bạn về và chia sẻ những tấm ảnh, trong đó có ảnh chụp ở Nghĩa trang Trường Sơn và viết “Nhớ ơn những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc…” [2] mình đọc mà tự hỏi, không biết anh bạn từ miền Nam ra, lúc ở Nghĩa trang có cùng suy nghĩ, đồng cảm với mình không?


Bao nhiêu năm cứ mải miết với sự ca ngợi tung hô một chiều, đến mức một người hoàn toàn không cực đoan như anh bạn, lúc xúc động, cũng viết vẫn theo chiều đó. Chúng ta quên mất nỗi đau của “nửa bên kia” – ai cũng đau như ai mà? Nhưng cũng có vẻ, càng ngày càng nhiều người bình tĩnh trở lại, và bắt đầu nghĩ đến “một nửa bên kia lạnh khói hương” – vẫn còn nhớ đến nửa còn lại, thì phúc của dân tộc vẫn còn. Xem bức ảnh Bác Chu Chí Thành (TTXVN) chụp hai người lính của “tuổi hai mươi,” tuy hai chiến tuyến nhưng lại đồng bào, không thể không xúc động.

Mình tin Phúc của dân tộc vẫn còn.

Đây không phải bài viết đầu tiên mình viết về sự trăn trở trước những mối nguy chiến tranh, mà sự hi sinh sẽ giành cho tuổi trẻ, những người đi đầu ra trận. Chỉ vài năm nữa thôi, con trai mình cũng sẽ bước vào tuổi đó – và liệu nó có được sống trong hòa bình? Nhưng liệu chúng ta có được hòa bình hay không nếu mãi mãi nuôi một cái tâm phân biệt?

Hòa bình không ở đâu xa, đó là sự bình yên và yêu thương trong tâm của mỗi người…

[1] Thơ Lê Bá Dương
[2] Đương nhiên là khi chia sẻ những suy nghĩ đó lên Facebook, là gây tranh cãi, có những người phản đối ngay, vì cá nhân họ thấy phản cảm. Mình cho rằng đây là một sự thành tâm nhưng không khéo léo vì đề tài dễ gây cãi cọ không cần thiết.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment