Mất tập trung
đã, đang và sẽ là vấn nạn cần đấu tranh của ba mẹ với cái anh chàng Bôn Ba Nhi
Bá đầu óc như cóc nhảy. Tư duy của anh ta là cứ loạn xị, bất kể lúc nào và làm
việc gì, chẳng bao giờ tập trung được cả, làm việc này, nghĩ việc kia. Một điểm
khó khăn nữa, là ba của anh ta cũng không mấy khi nghiêm nghị được cho ra hồn,
nhiều khi nhu nhơ và biến chuyện nghiêm túc thành… chuyện đùa.
Đang ngồi ăn
cơm, thế nào mà ông Nhi Bá quờ tay túm lấy quả cam để trong đĩa hoa quả trên
bàn, rồi cầm dứ dứ trước mặt em gái Bá Ba Nhi Bôn của hắn, nói: “Bóp nát quả
cam này…” Ba của hắn lừ mắt: “Trần Quốc Toản, tập trung ăn cơm!” Cậu giật thót,
bỏ lại quả cam vào chỗ cũ, cắm cúi ăn nhưng mồm vẫn nhệch ra cười, vì buồn cười
quá. Ăn hết bát cơm, hắn nhịn không nổi, hỏi: “Trần Quốc Toản thế là hi sinh
năm mười mấy tuổi ba nhỉ?” “Ờ, lịch sử chính thức thì chép ông ấy hi sinh khoảng
18 tuổi gì đó con ạ.” “Thế có cả lịch sử không chính thức hả ba?”
“Ừ, có giả
thuyết cho rằng ông ấy có bố là Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý
Ninh. Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1257-1258), Trần Nhật
Duy đang làm Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ
nhất năm 1258, vua Trần Thánh Tông cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một
số tướng lãnh sang giúp nhà Tống, vì nghĩ rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống
thì quân Mông Cổ sẽ kéo quân sang đánh Đại Việt lần nữa. Trần Quốc Toản được mẹ
sinh ra ở đất Tống vào năm 1267. Ông có nhiều bạn bè là con cháu trong hoàng tộc
nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn toàn, một số
người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông - Nguyên.
Một đội quân do hoàng tử Tống tên là Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ
huy của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Em của hoàng tử Triệu Trung là công
chúa Triêu Ngọc Hoa cùng chiến đấu trong đội quân này. Trần Quốc Toản cũng cầm
đầu một đội quân khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau
đó Trần Quốc Toản và Triệu Ngọc Hoa cảm mến, yêu thương nhau và hai người thành
vợ chồng. Vì lấy vợ Tống, cho nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến
công nhưng Trần Quốc Toản chỉ được phong tước hầu (Hoài Văn hầu) chứ không được
phong tước vương. Về cái chết của ông, theo chính sử Việt Nam ghi lại thì ông mất
năm 1285 nhưng không nói rõ ông mất ở đâu, trong trận nào. Riêng các quyển sử của
nhà Nguyên viết rằng ông chết trong trận đánh ở sông Như Nguyệt. Nhưng theo gia
phả của hậu duệ Trần Ích Tắc (chú Trần Quốc Toản) để lại thì Trần Quốc Toản
cùng vợ trở về Trung Quốc khởi binh khôi phục triều Tống. Riêng gia phả của hậu
duệ Trần Quốc Toản mang tên "Viêm phương Trần tộc Lưu phả" và mộ chí ở
Trung Quốc10 vừa tìm thấy được có nói về người vợ Tống của ông là vị công chúa
cuối đời Tống tên Triệu Ngọc Hoa. Trong gia phả và mộ chí này có nói rằng Trần
Quốc Toản sống rất thọ và mất ở Tống chứ không phải chết trong trận đánh với
quân Nguyên năm 1285 như chúng ta đã biết.” (Đoạn này là ba của Nhi Bá tranh thủ
lúc đã ăn cơm xong lấy iPad tìm trên internet đọc cho hắn ta nghe.) [1]
Sáng hôm sau
đi học, cậu ta vẫn cứ ngẫm nghĩ câu chuyện từ tối hôm trước. Ba cậu ta lại nhắc:
“Nào, Trần Quốc Toản, lại loăng quăng rồi!” Hắn tủm tỉm rất duyên: “Sao ba lại
cứ gọi con là Trần Quốc Toản thế?” “À, là vì ba muốn nhắc nhở con nhưng không
làm cho con căng thẳng là bị ba mắng hay đe nẹt. Con là “Trần Quốc Toản hay mất
tập trung” đấy…” Ba cười và phát hiện ra hắn ta buộc dây giày rất lỏng, nhắc hắn
buộc lại một bên, mình buộc giúp bên kia: “Con biết không, người ta kể rằng cụ
Albert Einstein, mặc dù nghĩ ra được thuyết vật lý vĩ đại cho loài người là
thuyết tương đối, nhưng ngay cả lúc buộc giày cũng chỉ tập trung nghĩ là làm thế
nào mà buộc cho thật chặt chứ không nghĩ việc khác…” “Thế hả ba?” “Ừ…”
Chiều đón Bôn
Ba Nhi Bá về rồi hai ba con đi đón em Bá Ba Nhi Bôn, trường mầm non ở gần nhà.
Lúc chờ em bé chơi trong sân, hắn ta nói: “Lịch sử hay nhỉ ba nhỉ…” “Hay lắm chứ
con, ba rất thích học sử, tất cả như những câu chuyện vậy. Lịch sử nước ta còn
nhiều chỗ chưa rõ ràng, chuyên đã cách chúng ta vài trăm đến cả gần một nghìn
năm, lại có những biến cố rất đặc biệt như 20 năm nhà Minh sang xâm lược nước
ta, đốt sạch sách vở, nên bộ môn lịch sử thành văn nước ta có một đoạn bị đứt đến
nay vẫn chưa nối lại được. Đó là thời kỳ đen tối trong lịch sử dân tộc con ạ. Như
câu chuyện Trần Quốc Toản con được nghe hôm qua, là do một lưu học sinh người
Việt Nam ở Trung Quốc, tìm thấy tấm bia của công chúa Triệu Ngọc Hoa có khắc
như thế… lịch sử sẽ cần tiếp tục có những nghiên cứu như vậy. Người chép sử, là
người viết lại những sự kiện đã diễn ra đúng như nó diễn ra trên thực tế, không
thêm, không bớt. Như vậy con có hiểu là chép sử cần phải như thế nào không?” “Cần
đúng như thật phải không ba?” “Đúng rồi con ạ, cần trung thực. Có câu chuyện
quan chép sử bên Trung Quốc, khi ông quan Tể tướng đầu triều giết vua để cướp
ngôi, thì quan chép sử chép: “Tể tướng giết vua”. Ngày xưa quan chép sử là cha
truyền con nối, bố chết, con thay, họ giữ truyền thống lắm. Nhà vua mới bắt
quan chép sử không được chép như thế, quan chép sử không đồng ý, vua giết. Con
của quan chép sử lại thay và chép: Tể tướng giết vua… lại bị vua mới xử chém. Đến
cháu vẫn chép vậy, và sẵn sàng chịu chém…” “À con nghe chuyện đó rồi… nước nào
ba nhỉ?” “Hình như là nước Tề con ạ. Trên thực tế, việc đánh giá điều nào tốt,
điều nào xấu rất khó – nếu vị vua hiền, anh minh, bị giết lúc đất nước giàu có
mạnh mẽ, thì giết vua cướp ngôi là điều rất xấu. Một triều đại khi suy vi, làm
cho dân nghèo cùng cực, đất nước suy yếu mà có một ai đó cướp ngôi, lên làm vua
và làm đất nước trở nên hùng mạnh trở lại, nhân dân đỡ khổ hơn, thì lại là có
công. Như trường hợp của Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý chuyển sang nhà Trần, thực
ra cướp ngôi như vậy mà đất nước không cần chiến tranh thì giết một ông vua cũ,
còn tốt hơn mà. Nhưng thời phong kiến người ta cứ phải coi việc nhất nhất trung
thành với vua mới là cao quý.” “À con nhớ chuyện Hồ Quý Ly làm quan thời Trần Dụ
Tông…” “Đúng rồi con, thời nhà Trần có những lúc nhà Trần rất mạnh, công rất lớn,
ba lần đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, nhưng về sau nhà Trần suy vi, làm yếu đất
nước, dân nghèo khổ cực. Một đất nước suy yếu, mà bên hàng xóm có vị lại thích
xâm lược, thì dễ mất nước lắm con ạ. Như thế ở trong chuyện này lỗi là của nhà
Trần, và nhiều khả năng Hồ Quý Ly cướp ngôi để xây dựng lại đất nước, nhưng thời
gian quá ngắn để ông ta làm điều đó, và quân Minh bên Trung Quốc lại sang xâm
lược… Vì thế khi đất nước bị giặc ngoại xâm, tất cả sẽ có nghĩa vụ phải ra chiến
đấu, và có thể hi sinh khi còn rất trẻ như Trần Quốc Toản, hơn con bây giờ có
tám tuổi thôi…”
“Trần Quốc Toản
mất tập trung” tập trung suy nghĩ một lúc. “Thế đất nước yếu đi sẽ bị xâm lược
hả ba?” “Cũng khó tránh được, bây giờ có nhiều kiểu chiến tranh lắm con ạ,
nhưng không có cái gì là vĩnh cửu cả, nhất là… hòa bình.” “Thế nếu đúng lúc con
18 tuổi, thì con có phải đi bộ đội chiến đấu không ba?” “Là nghĩa vụ bảo vệ Tổ
quốc con ạ, ai cũng phải có. Thanh niên đi trước, người lớn tuổi hơn, đi sau…”
“Con sẵn sàng đi ba ạ…” “Ừ, sẵn sàng cũng là tốt.” “Ba không thích đi hả ba?”
“Không ai thích chiến tranh cả con ạ, nhưng đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là
nghĩa vụ. Thanh niên tuổi còn trẻ, còn hăng hái, sẵn sàng đi chiến đấu, ở tuổi
của ba, ít hăng hái hơn, nhưng nếu Tổ quốc cần đến mình, không được từ chối.”
“Có thể hi sinh ba nhỉ…”
Lòng mình nặng
trĩu. “Ừ, ai cũng có thể hi sinh, mà chiến tranh thì hi sinh toàn thanh niên trẻ
chứ con. Cha mẹ sinh con ra, tiễn con vào chiến tranh, ai cũng mong con mình an
toàn trở về, nhưng chỉ số ít được thỏa mãn mong ước đó thôi. Như con, được ông
bà, ba mẹ dạy dỗ hàng ngày, ba tin con sẽ trở thành người tốt, và ba luôn tin
là con sẽ có những lựa chọn đúng đắn. Dù có bất cứ điều gì xảy ra với con, thì
ba mẹ sẽ không bao giờ trách móc con cả.” Dừng một lúc, mình nói thêm: “Ba chỉ
mong con được sống trong hòa bình…” “Để học hành, lớn lên phải không ba?” “Đúng
rồi con ạ…”
Về nhà xem lại,
thấy trí nhớ không chính xác, ba đời quan chép sử Thái sử Bá là ba anh em [2],
phải điều chỉnh lại cho ông con mới được.
Thế đấy con ạ,
“Dù có bất cứ điều gì xảy ra với con, thì ba mẹ sẽ không bao giờ trách móc con
cả, nhưng chỉ mong các con được sống, lớn lên và học hành trong hòa bình… nhưng
đừng quên, nếu con yêu lịch sử thì hãy hiểu: “Không giết được sự thật!” Chúng
ta cần trung thực, con ạ. Lịch sử sẽ do những người như con, viết tiếp.”
[2] Thơ Thái
Bá Tân:
Chuyện này
cũng có thật,
Trong “Tả
Truyện” nước Tàu.
Tể tướng Tề,
Thôi Trữ,
Độc ác và mưu
sâu.
Hắn đã giết
minh chúa
Là vua Tề
Trang Công.
Tự mình lên
ngôi báu,
Rất hả hê
trong lòng.
Hắn triệu
quan viết sử,
Và bảo ông thế
này:
“Việc ta thay
vua cũ,
Ông định chép
sao đây?”
Thái sử Bá liền
đáp:
“Viết như nó
xẩy ra
Rằng Ngài giết
minh chủ
Tháng Năm,
ngày mồng Ba…”
Thôi Trữ
quát: “Không được.
Phải viết
khác, viết hay!”
“Bẩm, tôi quan
chép sử,
Phải chép
đúng thế này.”
Thái sử Bá lập
tức
Bị Thôi Trữ
chém đầu.
Ở Trung Hoa
thời đó
Có truyền thống
từ lâu
Là chức quan
chép sử
Vốn thuộc một
gia đình,
Kiểu cha truyền
con nối,
Chỉ trong
dòng họ mình.
Vì thế Thái Sử
Trọng
Là em, được
lên thay.
Ông cũng bị
giết chết
Vì giữ quan
điểm này.
Sau Trọng, đến
lượt Thúc,
Viết sự thật,
đó là:
“Thôi Trữ giết
minh chúa
Tháng Năm,
ngày mồng Ba.”
Sau khi Thúc
bị giết,
Thái sử Quý
lên thay.
Và rồi ông lại
chép
Nguyên xi những
việc này.
Chép xong,
ông giơ cổ
Chờ đao phủ
chém đầu:
“Sự thật là sự
thật.
Vua không giết
được đâu.
Dòng họ quan
chép sử
Có thể sẽ
không còn.
Nhưng sự thật
còn đó
Và vẫn mãi
trường tồn.”
Thôi Trữ
nghe, run sợ.
Tay chân chợt
yếu, mềm.
Hắn cúi đầu
tư lự,
Và không dám
giết thêm.
PS
Tự nhiên nhớ
mấy bác
Bên Viện Sử
chúng ta.
Ngẫm buồn cho
khí phách
Người viết sử
nước nhà.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment