Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, April 7, 2015

Món nợ


Bôn Ba Nhi Bá đi sinh hoạt Hướng Đạo Sinh, được phát hai cái cờ đánh tín hiệu Xêmapho [1] để tập đánh tín hiệu. Thế nào mà mang về nhà, giúi vào lấy ra ở xó nào không rõ, biến mất, chịu chết không thể nào tìm thấy đâu. Hè năm ngoái ba cáu um nhà với ông con, nhưng thực ra, nó giống tính ba nó, đồ đạc gớm cứ cực kỳ là bừa bộn luôn.

Hôm rồi anh phụ trách bảo Nhi Bá là phải mua cờ mới, và phải đóng tiền để mua. Đúng quá rồi còn gì! Mặt cậu đần nghệt ra, đào đâu ra tiền cơ chứ! Đúng lúc ba cậu ta đi đến hỏi có chuyện gì…

“Con phải mua cờ mới, nhưng đóng 50 nghìn ba ạ.” (Ngần ngừ không dám xin, biết lỗi là đánh mất cờ.) Mình buồn cười quá, hỏi: “Thế bây giờ con cần tiền đóng cho anh phụ trách chứ gì?” “Vâng ạ.” “Thế này nhé, vì đây là lỗi của con, ba đã cho con tiền mua cờ một lần rồi, nhưng con đánh mất, lần này con sẽ phải mua bằng tiền của con. Hiện nay con không có ở đây, ba sẽ cho con vay 50 nghìn đồng, chiều con xin lại mẹ 50 nghìn tiền mừng tuổi hồi Tết con nhờ mẹ giữ, trả lại cho ba.” Được lời như cởi tấm lòng, cậu tươi hẳn lên. Mãi đến tối hắn ta mới trình bày được cho mẹ, xin lại 50 nghìn để “trả nợ.” Số là từ năm nay mẹ cậu ta cho phép sử dụng tiền mừng tuổi như tiền riêng để mua dụng cụ học tập, đồ chơi, truyện đọc… “có kiểm soát.”

Bẵng đi mấy hôm ba con bận rộn, không có lúc nào nói chuyện, mãi mới có lúc ba con ngồi với nhau lúc ăn sáng.

“Thế nào, con còn nhớ chuyện hôm nọ vay của ba tiền không?” “Có chứ ba.” “Con thấy thế nào về việc đó?” “Là con đánh mất cờ xêmapho nên phải dùng tiền mừng tuổi để mua lại ạ.” Mình cười “Ừ, chuyện đó thì rõ rồi, nhưng ở đây có việc khác nữa, là chuyện ba cho con vay tiền cơ… Thế chính là vay tiền của người khác đấy, và khi được người khác cho vay rồi, thì ta sẽ mắc nợ người khác.” “Thế nợ thì tốt hay xấu hả ba?” “Cũng còn tùy con ạ. Ba giống tính ông nội con, không thích mắc nợ ai bao giờ, nên hầu như không đi vay tiền ai bao giờ cả. Cái gì cũng có hai mặt của nó; không mắc nợ ai có thể là tốt, nhưng cũng có thể là không tốt. Trong cuộc sống, không ai có thể đảm bảo rằng không bao giờ gặp khó khăn. Như lúc con ốm, ba mẹ còn có tiền cho con vào bệnh viện, mua thuốc uống… nhưng nhiều gia đình các bạn khác nghèo hơn nhà mình nhiều. Lúc ốm đau như thế, thường người ta phải đi vay tiền chữa bệnh con ạ.” “Có vay được không ba?” “Làm sao nói được con, lúc được, lúc không… lúc cùng cực mà không có người giúp cũng khổ lắm con à. Để ba nói tiếp, ba với ông nội con, tính độc lập thậm chí quá đà, không thổ lộ khó khăn mấy khi, thường hay tự giải quyết vấn đề. Cũng còn may là vẫn chưa đến mức cùng cực, còn thoát ra được khó khăn, chứ nhiều người không thoát ra được đâu. Cái gì quá đáng cũng là không tốt, kể cả cái sự độc lập không chịu chia sẻ thổ lộ đó.” “Thế có khó khăn phải làm thế nào hả ba?” “Nên thổ lộ với những người thân, bạn bè gần gũi nhất… ông bà, ba mẹ dạy con phải sẵn sàng giúp đỡ người khác, và nay là việc sẵn sàng thổ lộ để nhận sự giúp đỡ của người khác. Có những người không tìm sự giúp đỡ của người khác, đã làm việc xấu và không sửa chữa được.” “Ai thế ba?” “Như chú Nguyễn Đức Nghĩa chẳng hạn…” “Bạn ba à?”

“Không con ạ. Chú ấy ba chỉ biết đến trên báo thôi. Thiếu tiền 30 triệu đồng, và quẫn trí thế nào, dùng dao đâm chết bạn gái, lấy xe máy đem bán. Nếu chú ấy nói với gia đình, thì 30 triệu đâu có nhiều lắm đâu để đổi lấy mạng người…” “Chuyện lâu chưa hả ba? Mới thôi, vài năm, nhưng con còn nhỏ, nên không chú ý và ba cũng không kể. Cuộc sống là như vậy, chúng ta giúp người này và người khác lại giúp chúng ta, không phải lúc nào cũng có điều kiện trả ơn cho người đã giúp ta được đâu… Còn một điều nữa ba muốn nói với con, là việc thổ lộ khó khăn là cần thiết, nhưng điều đó tốt với trường hợp ta đã chăm chỉ làm việc, đây chỉ là khó khăn không lường được thôi. Còn nếu lười nhác không làm việc, cứ đi vay tiền hết người này đến người khác, đó là lạm dụng con ạ, một việc làm rất không tốt. Sau người khác sẽ không muốn giúp đỡ nữa.” “Thế thì phải chăm chỉ ba nhỉ?” “Đúng rồi con ạ, chăm chỉ và chỉ ham muốn trong khả năng của chúng ta thôi, làm ra bao nhiêu tiền thì mua sắm ít hơn số đó, chứ không nên ham cái thứ quá nhiều tiền vượt quá khả năng, như tiền lương đủ đi xe máy lại cố vay tiền mua ô tô; rồi sa vào cảnh nợ nần…”

Xe bus đã đến, đón ông con đi đến trường và để lại trên vỉa hè ông bố biết bao tâm tư, về những món nợ đời…
________

[1] Semaphore

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Người cha tâm lý và tuyệt vời, rất biết cách dạy con!

    ReplyDelete