Từ hồi hết
mùa bơi năm ngoái, chẳng có hoạt động thể lực nào hợp lý cho cả hai bố con cả,
cả hai đều tăng cân vù vù. Lại cái Tết nhiều bánh chưng đồ ngọt, tình trạng
tăng cân càng trở nên nghiêm trọng. Ra Tết, ba con thống nhất là sẽ tập chạy
sau giờ đi học về. Thực hiện đã được mấy tuần, sức khỏe cải thiện hẳn.
Tất nhiên liệu
pháp thể thao là một liệu pháp rất từ từ, không phải là thành quả đến ngay sau
ngày tập hay tuần tập đầu tiên được. Sau một tuần, cậu cả từ một tay ục ịch, chạy
huỳnh huỵch rung cả đất đai, nay đã bắt đầu nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Ba khen
cậu cả: “Đấy, sau một tuần con đã nhẹ hơn một chút rồi đấy.” “Đã giảm cân được
nhiều chưa ba?” “Chưa, gớm làm gì nhanh thế. Cụ thể giảm bao nhiêu cân bao
nhiêu lạng, phải cân mới biết. Tập thể thao, thành quả của nó vững chắc, nhưng
phải khá lâu, mất vài tháng con mới thấy kết quả. Như mùa hè con đi bơi ấy, sau
mùa bơi người con thon, rắn chắc, khỏe mạnh, ai nhìn con cũng thích. Đó là
thành quả của cả một mùa hè luyện tập vất vả của cả con và ba. Làm cái gì muốn
có kết quả mà không trông chờ vào may mắn, thì phải đổ mồ hôi con ạ.”
Cậu ta nghĩ một
lúc, rồi hỏi: “Thế con muốn có cơ bắp như của ba thì làm thế nào?” “Cũng vậy,
phải luyện tập, ba tập hàng năm ấy chứ.” “Thế con tập được chưa ba?” “Chưa con ạ,
phải tám chín năm nữa, con mới nên tập, vì bây giờ cơ thể con chưa phát triển hết,
nếu tập thì nó sẽ không phát triển nữa, hoặc lệch lạc. Bây giờ con cứ chạy nhẹ
nhàng như thế này và đi bơi cũng được.”
Cứ thế, mỗi
buổi tập chạy lại là một dịp hai ba con nói chuyện với nhau. Có lần, đang chạy
cùng ba, cậu cả ngã cái oạch khá là đau. Mình dừng lại chờ cậu ta đứng dậy, phủi
quần áo… thì có ba bà cụ đang tập đi bộ gần đó nhìn thấy, cứ xuýt xoa: “Ôi ngã
đau quá! Đau không con! Sao không đỡ thằng bé dậy cứ đứng cười thế?” (Câu này
là trách bố thằng bé.)
Trẻ con mới tập
đi thì đi chưa vững đã thích chạy, ai chú ý sẽ thấy như vậy, rất buồn cười. Vừa
là nóng vội đi đến được đích, vừa là chạy có khi còn dễ lấy thăng bằng hơn. Thằng
bé này cũng thế, hồi bé cho ra chỗ rộng là nó chạy như bay, rất nhanh và không
biết mệt. Và chắc chắn, nó cũng thường xuyên bị ngã.
“Từ bé con
cũng ngã không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần ngã ở ngoài công viên, nơi công cộng
cũng rất nhiều người kêu lên, họ thương thằng bé con ngã đau quá. Nhưng ba chưa
bao giờ nâng con đứng dậy cả, vì thường là con đủ sức đứng dậy. Và con đều đứng
dậy được cả.” “Bây giờ con ngã cũng đau lắm…” “Chắc chắn rồi, ngã phải đau con ạ.
Hồi bé con ngã đau, bây giờ ngã vẫn đau. Hồi bé con chạy suốt như thế, vì bé ai
cũng thích chạy, nên không ai cản con được cả, chỉ có chạy theo thôi. Chạy theo
con để phòng có nguy hiểm như có cái hố chẳng hạn, nhỡ con rơi xuống đó… Ông
ngoại cũng phải chạy sau con suốt đấy. Dần dần lớn hơn, con ít chạy hơn và cũng
ít ngã hơn, vậy thôi.”
Mình chưa bao
giờ ủng hộ chuyện các nhà thấy con ngã, vội vàng nâng lên và để dỗ cho nó khỏi
khóc, “Đánh chừa thằng đất!” cứ như là lỗi của một ai đó vậy.
“Bây giờ con
đã học lớp Bốn rồi, nên ba sẽ dặn con một điều khác. Chỗ con vừa ngã, không có
cái gì nhô ra trên mặt đất cả. Con ngã là do con vướng hai chân vào nhau, và
nguyên nhân là mất tập trung. Thể dục thể thao hay làm bất cứ việc gì, cũng phải
tập trung. Mất tập trung một cái là tai nạn ngay, con nhớ chưa?” “Vâng, con nhớ
ba ạ.”
Dạy con vấp
ngã phải biết đứng dậy, nghe mãi đọc mãi rồi, thực hiện mãi từ lúc nó bé rồi,
chắc là cũng nhàm rồi. Muốn chạy nhanh đến đích, phải đứng vững chãi trên mặt đất
và bước đi vững vàng, cũng nói chán rồi.
Nhưng làm cái
gì cũng phải hết sức tập trung, làm mới tốt được và loại trừ khả năng làm sai,
làm hỏng, bây giờ ba còn nhắc con cả trong chuyện tập chạy này nữa, chứ không
chỉ lúc làm bài, học bài đâu con à.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
Quan điểm về cách dạy con của anh rất đúng! cha mẹ ko thể đi theo con suốt cuộc đời, ko thể nâng đỡ con mãi được, chỉ có con là phải tự lo cho mình thôi.
ReplyDelete