Chấm dứt chạy
đua vũ trang và dấu chấm hết cho “chiến tranh lạnh”
Thế giới đã
tưởng càng ngày càng hòa dịu hơn, nhưng từ khi chấm dứt Chiến tranh Việt Nam,
thì tình hình lại theo chiều hướng ngược lại. Liên Xô tiếp tục duy trì đến 60%
lực lượng quân đội của mình tại lãnh thổ các nước Đông Âu trong Khối Varsaw;
quan hệ Xô – Trung xấu đi nhanh chóng, Liên Xô can dự vào các nước thuộc thế giới
thứ ba, điển hình là các nước thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha tại Châu Phi; quân đội
Liên Xô tiến vào Afganistan và xung đột biên giới Việt – Trung phản ánh mối
quan hệ phức tạp Liên Xô – Hoa Kỳ – Trung Quốc – Việt Nam…
Trong thời kỳ
của tổng thống Carter, giới chức Hoa Kỳ đã rất ngập ngừng trước việc trang bị
vũ khí mới và lo ngại trước những sáng kiến có tính chất mạo hiểm. Trong khi đó
thì chính Liên Xô lại tăng cường ngân sách quốc phòng – lên đến 15% tổng thu nhập
quốc dân (GDP.) Giai đoạn này cũng là giai đoạn Liên Xô hoàn thiện kỹ thuật và
tăng cường độ chính xác của các tên lửa. Tháng 3/1983, bộ trưởng quốc phòng Hoa
Kỳ đã nói: “Nhiệm vụ to lớn mà chúng ta gánh vác ngày càng gay go hơn vì nền quốc
phòng Hoa Kỳ đã bị sao nhãng trong suốt một thập kỷ qua, tình hình còn trầm trọng
hơn nữa vì Liên Xô đang đầu tư nỗ lực nhằm tăng cường ồ ạt sức mạnh quân sự của
mình trong 20 năm qua.” Từ năm 1973 đến năm 1983, người ta tính toán là Liên Xô
đã sản xuất được 2000 ICBM (Intercontinental Ballistic Missile – tên lửa đạn đạo
xuyên lục địa), 54.000 xe tăng và xe bọc thép, 6000 máy bay tác chiến chiến thuật,
85 tàu chiến nổi và 64 tàu ngầm tấn công. Các con số tương đương của Hoa Kỳ là
350 ICBM, 11.000 xe tăng và xe bọc thép, 3000 máy bay tác chiến chiến thuật, 72
tàu chiến nổi và 27 tàu ngầm tấn công.
Không chỉ thế,
Hoa Kỳ còn quan sát thấy Liên Xô đã triển khai các tên lửa tầm trung bình, lúc
đầu chỉ có một đầu đạn, sau đó là tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn (MIRV
– Multiple Independently Targetable Reentry Vehicle) ở Châu Á nhưng nhiều nhất
là Châu Âu. Đó là các tên lửa SS-4, SS-5 và nhất là SS-20, rõ ràng đang hướng
vào Tây Âu ngoài tầm kiểm soát của các Hiệp ước SALT 1 và 2. Hai hiệp ước không
xác định chúng là đối tượng bị hạn chế mà chỉ quan tâm đến những tên lửa có tầm
bắn trên 5550km. Tháng 6/1979 khi Carter muốn ký SALT-2 thì Liên Xô đã triển
khai được 90 tên lửa SS-20 ở Châu Âu. Tháng 12/1979 khi Liên Xô đưa quân vào
Afganistan, Carter chỉ phản ứng một cách yếu ớt: cấm vận tạm thời việc cung cấp
lúa mì, tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980 (Để trả đũa việc này, Liên Xô cũng tẩy
chay Thế vận hội Los Angeles 1984.)
Chính sách của
Ronald Reagan thì lại cứng rắn hơn hẳn – ông ta quyết định sẽ thương lượng với
Liên Xô nhưng nếu không thành công thì sẽ triển khai các tên lửa Pershing trên
lãnh thổ Tây Âu, hướng về khối Varsaw. Ông đề nghị “phương án số không” nghĩa
là nếu Liên Xô rút SS-20 (Vào thời điểm năm 1983, Liên Xô đã triển khai được
405 tên lửa SS-20) thì Hoa Kỳ sẽ không triển khai Pershing. Tuy nhiên tên lửa
SS-20 với tầm bắn 900km thì nằm ngoài các loại “tên lửa Châu Âu” theo xác định
của các hiệp ước đã ký, do đó Liên Xô kiên quyết không “chịu” cái “phương án số
không” này của Reagan mà chỉ đồng ý phương án giảm dần số lượng tên lửa thôi.
Đây là thời gian mà chính trường Châu Âu cũng có thay đổi quan trọng, đó là việc
ở CHLB Đức thủ tướng Helmut Kohl lên nắm quyền năm 1980, được củng cố thêm quyền
lực sau cuộc bầu cử 1982 lại nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Francois
Mitterrand, đã đồng ý cho việc Hoa Kỳ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Tây Đức.
Tháng 9/1983, Quốc hội Tây Đức đã đồng ý với việc này.
Liên Xô đã rất
thành công trong việc tuyên truyền phát động một phong trào đấu tranh chống triển
khai tên lửa tầm trung trong số những người theo chủ nghĩa hòa bình, mạnh nhất
là các cuộc biểu tình ở Tây Đức và một số cuộc lẻ tẻ ở Pháp. Tuy nhiên, Hoa Kỳ
vẫn triển khai tên lửa Pershing ở Tây Đức (11/1983) và sau đó là ở Bỉ và Hà Lan
(1984 và 1985.) Sau Pershing là tên lửa Cruise (loại tên lửa khó chống vì có độ
cao thấp) cũng được Mỹ triển khai mà Liên Xô đã không có được hành động hữu hiệu
nào để ngăn chặn. Reagan đã thành công trong việc tái lập thế “cân bằng tên lửa”
với Liên Xô. Có thể nói đây là đỉnh điểm của cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy
đua vũ trang; đồng thời Liên Xô cũng đã rất thành công trong việc khai thác đặc
điểm thể chế chính trị của các nước Phương Tây là phong trào đấu tranh của quần
chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của nhà cầm quyền, do đó đẩy mạnh
tuyên truyền chống chạy đua vũ trang. Trong cuộc “khủng hoảng tên lửa
Pershing,” rõ ràng thua thiệt thuộc về Liên Xô khi mà Hoa Kỳ thành công trong
việc đưa tên lửa tầm trung tới “sát nách” các nước Khối Varsaw và đe dọa cả
“trái tim” của Khối là Moscow; trong khi đó Liên Xô chưa có được một con “dao
găm” nào tương tự như vậy kể từ sau cuộc “khủng hoảng tên lửa Cuba” năm 1961.
Cuộc “Chiến
tranh trên các vì sao”
Ngày
23/3/1983, Ronald Reagan đọc diễn văn đề nghị triển khai một chương trình “nhằm
thi hành các biện pháp phòng thủ để ngăn chặn mối đe dọa khủng khiếp mà các tên
lửa của Liên Xô có thể gây ra với chúng ta. Những người đã cho chúng ta vũ khí
hạt nhân, hãy đem hết tài năng lỗi lạc phục vụ nhân loại và hòa bình thế giới,
và cung cấp cho chúng ta những phương tiện để vô hiệu hóa các vũ khí đó và làm
cho chúng trở nên lạc hậu.” Dự án “Phòng thủ chống tên lửa đạn đạo” (BMD – Ballistic
Missile Defense) sẽ là một cuộc cách mạng thực sự, không còn là tên lửa chống
tên lửa nữa, mà là chặn tên lửa tấn công bằng chùm tia laser được sử dụng trong
giai đoạn tên lửa được phóng đi 5 phút và nhất là trong giai đoạn giữa hành
trình (15 phút), còn giai đoạn từ 39 đến 100 giây sau khi phóng vẫn giao cho
tên lửa chống tên lửa đảm nhiệm. Ý tưởng này thậm chí còn gây bất ngờ cả với
các nhà khoa học Hoa Kỳ, nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Hoa
Kỳ và giới quân sự nước này và thế là “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI – Strategic
Defense Initiative) ra đời, với ngân sách 26 tỷ đô-la Mỹ trong 5 năm.
Nếu “gồng
lên” để đạt được cân bằng với Hoa Kỳ, Liên Xô sẽ phải chi một khoản lớn trong tổng
sản phẩm quốc dân cho ngân sách quốc phòng. Ngày 20/5/1984 Yuri Chernenko đề
nghị một cuộc hội đàm với Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí, đối tượng mở rộng hơn cả
các Hiệp ước SALT 1 và 2. Các cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Schultz –
Gromyko được tiến hành vào 1/1985 và 4/1985, đề nghị của Liên Xô luôn là “Mỹ dừng
chương trình SDI” nhưng không nhận được sự đồng ý. Một lần nữa, Liên Xô lại thất
bại như trong việc ngăn chặn Pershing triển khai ở Tây Âu.
Thời kỳ M.X.Gorbachev
cầm quyền tại Liên Xô là thời kỳ có những thay đổi mang tính chiến lược. Một mặt,
những hậu quả của mười mấy năm từ 1973 Liên Xô tăng cường sức mạnh quân sự đã bắt
đầu bộc lộ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân Liên Xô. Hàng hóa thiếu
hụt, sản xuất bắt đầu đình đốn và càng sản xuất thì càng lỗ đo đặc thù kinh tế
xã hội chủ nghĩa, mức sống trung bình của người dân giảm sút, sức cạnh tranh gần
như không có. Cũng trong giai đoạn này có hai biến cố được đánh giá là những
“cú đánh quyết định” đến sinh mạng đất nước Xô-viết: tai nạn hạt nhân ở nhà máy
điện Chernobyl và cuộc động đất ở Armeni năm 1988, cho thấy sự yếu kém của Liên
Xô về công nghệ và khả năng ứng phó trước sự cố.
Về khía cạnh
“chạy đua vũ trang,” lúc này ở Tây Âu Hoa Kỳ đã triển khai các tên lửa
“Pershing 2” hoàn toàn có thể tấn công các mục tiêu trên đất Liên Xô. Chính vì
vậy mà Gorbachev, đã đề nghị với Hoa Kỳ các phương án không chỉ giảm, mà còn là
tiêu hủy một phần các vũ khí đó mà không đặt yêu cầu “cân bằng về vũ khí giữa hai
bên” làm điều kiện tiên quyết. Gorbachev đồng ý với việc thanh tra kiểm soát
quá trình thi hành các hiệp định về giải trừ quân bị. Mãi đến tháng 9/1989
Gorbachev mới đề nghị bổ sung “Hoa Kỳ phải ngừng chương trình SDI” thành điều
kiện tiên quyết để đàm phán và ký hiệp ước.
Trong các này
2 và 3/12/1989, tại Malta đã diễn ra cuộc gặp gỡ thượng đỉnh George Bush và
M.X.Gorbachev, có thể nói đây là cuộc gặp gỡ “có tính lịch sử vì đã chấm dứt cuộc
chiến tranh lạnh.” Tuy nhiên, những vấn đề “thống nhất hai nước Đức,” “giải thể
hai khối NATO và Varsaw” đã bị gác lại.
Theo:
“Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.
“Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.
Reuter, Defencenews.com, commentarymagazine.com.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Hết phần 2
Xem lại phần 1 tại đây
Xem tiếp phần 3 tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment