Từ khi bắt đầu bơi được, cậu ta bắt đầu tập
theo giáo án dành cho người đã biết bơi. Mỗi ngày, cậu ta cần bơi xa thêm khoảng
100 mét. Cái 100 mét ấy mới là vấn đề. Quan sát hai ba con tập với nhau có một
ông già có đến 80 tuổi, cũng bơi đều cả chục năm nay rồi. Cụ có lần nói: “Bác để
ý thằng cu con nó bơi, kỹ thuật thì quá tốt rồi, người lớn bơi lâu năm còn
không được thế, chứng tỏ cháu dạy rất có phương pháp. Nhưng quan trọng là lúc
cuối bài nó rất mệt, nhưng sự cố gắng của nó rất ghê gớm.” Đúng có tập thể thao
mới biết, đến lúc mệt rồi thì chỉ cố một chút thôi, sự cố gắng đó cũng đã là
phi thường. Cụ già nói thêm: “Biết được mình là anh, thắng được mình mới là
hùng!”. Mình ghi nhớ mãi câu này. Sau một tháng, anh chàng 8 tuổi đã bơi được
1000 mét cho một buổi bơi, một con số thậm chí rất khó tưởng tượng với thanh
niên, nhưng với anh cu này thì hầu như hắn không nhận ra sự nỗ lực mỗi hôm một
tí đã dẫn cậu đạt tới thành quả của ngày hôm nay…
… đến một ngày tự dưng rộ lên câu chuyện một
ông bố nào đó gầm thét trên núi với hai đứa con gái bé tí của anh ta, bắt chúng
nó leo bằng được lên núi. Cả nhà ngồi bên bàn ăn và nói chuyện, thì cậu chàng
có vẻ cũng chú ý. Mình hỏi, "nếu ba bắt con đi leo núi như thế, con có thích
không?" – "Không ba ạ!" – Câu trả lời rất thẳng thừng. Đúng, hai cô bé cuối cùng
thì cũng đã thắng được mình dù đã khóc lóc khổ sở giữa rừng, và cuối cùng thì
cũng đã đạt được đỉnh cao đầu tiên của cuộc đời. Chắc cách “thắng được mình”
như vậy giành cho những người xuất chúng và thực sự có mục đích trở thành anh
hùng. Còn với những người bình thường như hầu hết chúng ta, thì mỗi ngày lại có
một đỉnh cao mới phải vượt, những cái đỉnh cao mà cuộc sống đặt ra cho chúng
ta, có muốn tránh thì nó đăt cái khác ấy mà. Lại nhớ trong quá khứ có những lúc
nhọc nhằn quá, sự tủi thân nhiều khi làm nước mắt trào ra mà vị mặn của nó
không biết là riêng nó hay đã trộn lẫn với những giọt mồ hôi trên mặt… nhưng ta
vẫn vượt được qua. Chúng ta là anh hùng, chắc chắn thế: hàng ngày có hàng vạn người phải
vượt qua những đỉnh cao bé xíu đó của cuộc sống, đó chính là những người anh
hùng.
Dạo này ông con tự dưng lại say mê đọc về các
nhân vật lịch sử, hết cụ này đến cụ khác, cứ lên mạng tự gõ, tự tìm, tự đọc, và
bắt đầu nhớ vanh vách. Và đập vào mắt cậu bằng một cách nào đó, là hình ảnh một
người thanh niên trẻ và sáng sủa, mặc sơ mi trắng có những chiếc cầu vai màu thẫm…
thiếu tá Ngụy Văn Thà. Cậu chàng hỏi: “Thế chú Ngụy Văn Thà có phải là anh hùng
không ba? Có phố Ngụy Văn Thà không ba?”. “Anh hùng hả? Theo những gì cả ba và
con cùng đọc được, thì chú ấy hy sinh trong lúc chiến đấu ở Hoàng Sa, và như thế
là hy sinh khi bảo vệ Tổ quốc. Dù không được phong Anh hùng, nhưng nhiều người
cũng đọc được như ba con mình, tin vào sự hy sinh ấy là rất ý nghĩa và như thế
đã đủ là anh hùng rồi. Chuyện Nhà nước phong một danh hiệu Anh hùng, chẳng có ý
nghĩa gì đâu con ạ! Do đó hiện nay chưa có phố Ngụy Văn Thà, nhưng cứ đầu năm
người ta lại nhớ đến chú ấy, như thế còn hơn có tên phố tên đường.” (Lại nghĩ
bây giờ có những tên phố tên đường đã được đặt mà người dân Hà Nội vẫn muốn gọi
những cái tên cũ của nó, thân quen, ít gợi nhớ đến những thời kỳ không vui của
đất nước).
Chúng ta đã quá quen với những cách tung hô “Nhân
dân Việt Nam anh hùng” – nhưng nhân dân là ai, là chính chúng ta, hàng ngày phải
vượt qua bao khó khăn cơm áo gạo tiền… rồi chúng ta cũng lại quen mồm lý luận
là “cứ hễ có xâm lược là nhân dân lại đứng ra bảo vệ Tổ quốc” – cũng lại đúng nốt.
Chẳng có gì sai trong những cái lý thuyết đó cả. Giặc đến, thì phải đánh thôi…
… nhưng đừng quên “Thế giặc to như vậy, mà chống
với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu
hàng để cứu muôn dân?” đến Vua Trần Nhân Tông còn thương dân như thế, Vua đã ra
lệnh là dân phải đánh nhau, đã chống cự là “giết người đầy nơi đồng áng” can
qua sao tránh được mất mát. Chúng ta không ủng hộ thái độ sẵn sàng đầu hàng
dâng nước để cầu yên thân vinh hoa phú quý, nhưng “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân
đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém
đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!” đã nói được câu đó, Hưng Đạo Vương đã phải
thuộc nằm lòng thế ta thế giặc, thì mới động viên Vua như thế, chứ nào có dám
phán nhăng phán cuội.
Anh hùng không có nghĩa là đâm đầu đi tìm sự rắc
rối. Lại càng không có nghĩa là phát biểu nhăng cuội trên sự anh hùng bất đắc
dĩ của nhân dân.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment