Hồi anh cu nhà mình tầm khoảng 4 tuổi, trong
nhà có mấy con chuột làm loạn. Mới đầu chỉ là một con, rồi thành đến 3, 4 con
gì đó. Đêm mà nhỡ nhốt nó vào trong phòng để bật máy lạnh thì nó gặm nát cả
phía dưới cửa để đòi ra, mình còn phải dậy mở cửa hầu các “ông, bà” ấy.
Còn ở dưới phòng ăn, bếp thì
thôi rồi, đó là một vương quốc riêng, các bạn ấy muốn làm gì thì làm. Con chó
nhà nuôi đã quá già để truy quét những đối tượng này. Cả nhà bàn đi bàn lại mất
cả tháng không biết phải đối phó thế nào. Lúc đầu là cái máy to bằng bao thuốc
lá mua ngót nghét 900k, chẳng ăn thua và nó chạy thì ai cũng có cảm giác hình
như hơi đau đầu. Đánh bả hay dùng bẫy thì gia đình không ủng hộ phương án đó, một
phần vì nhà toàn Phật tử cả, cũng không muốn sát sinh; phần lớn là sợ nếu đánh
bả chúg chui vào ngóc ngách nào đó chết thì còn khổ hơn. Riêng về vụ đặt bẫy
thì mình thừa kinh nghiệm vì hồi thanh niên, ở nhà cũ nghiên cứu món đó suốt, nếu
đánh bẫy được thì chỉ được 1 con thôi, sau đó phải chuyển cách đánh bẫy khác, bằng
cái bẫy khác, ở chỗ khác và mồi khác… khá khó khăn. Một vấn đề nữa là khi bẫy
được 1 con rồi, thì những con khác khi chưa “được” bẫy chúng phá nhà ta còn khủng
khiếp hơn, y như trả thù.
Cuối cùng thì cứu tinh cũng đã
tìm ra. Bên nhà ông bà nội có nuôi ba bốn con mèo, mà lại nuôi theo phương án
nuôi nhốt mới hay chứ! Đêm đến, nhà đóng kín cửa chúng mới được thả ra, còn ban
ngày thì mỗi bác một lồng. Trong đó có một con mõm ngắn, chân bẹ, lông lốm đốm
đen pha vàng trông như con báo, cực kỳ hay chuột. Mình “mượn” ông nội chở con
mèo về “tiễu phỉ”. Đúng như dự đoán sau nửa tháng (được nuôi ở nhà, ngày bị buộc,
đêm thả ra) nhà sạch bóng chuột, không còn một con.
Đỉnh cao của câu chuyện là ở
chỗ, anh cu nhà mình hồi
đó có một lần chứng kiến
con mèo chộp được con chuột ngay khi nó đang bị buộc, và cho vào mồm nhai rau
ráu, nuốt chửng luôn! Một cảnh hết sức ấn tượng, bạn ấy mắt tròn xoe, không hiểu
thế nào và có vẻ hơi sờ sợ. Bạn ấy từ bé cũng gọi tất cả là “bạn”; được dạy yêu
quý tất cả các bạn khác và mọi người… Mình cũng không biết phải tiếp cận vấn đề
với bạn ấy như thế nào cho phải.
Lại một cứu tinh nữa tới: “Bạn”
Vua Sư tử. Mình cho anh cu xem đi xem lại nhiều lần phim “Lion King” và đến khi
bạn ấy thích rồi, nghiện rồi, thì sẽ phải giải thích nhiều đoạn cho bạn ấy hiểu.
Và sau đây là một đoạn chúng
ta cần:
Nguyên văn bởi Lion King Mufasa: “Everything you see exists together in a delicate balance. As king, you need to understand that balance and respect all the creatures, from the crawling ant to the leaping antelope. Simba: But dad, don't we eat the antelope? Mufasa: Yes, Simba, but let me explain. When we die, our bodies become the grass and the antelope eat the grass. And so we are all connected in the great circle of life…”
“Thế cha ơi, chúng ta không ăn thịt linh dương nữa à?” “Ồ, có chứ, nhưng để cha giải thích. Khi chúng ta chết, thì thân thể chúng ta lại biến thành cỏ, và những con linh dương lại ăn cỏ… Và như vậy, tất cả chúng ta đều được nối với nhau trong vòng tròn của sự sống”.
Đến bây giờ, con trai mình đã
đi học được mấy năm rồi,
thỉnh thoảng xem lại và mình vẫn nhắc lại nội dung đoạn đó và “bàn luận” với bạn
ấy về những gì bạn ấy đang xem, đang hiểu và nhận thức. Bạn ấy đã nhận thức rất
rõ về việc, mèo ăn chuột là việc hết sức bình thường, không có “bạo lực” nào
trong chuyện đó; nhưng khi xem những tấm ảnh “bạn” tê giác bị giết, người ta cắt
mất sừng, rồi “bạn” voi bị chặt ngà… anh cu con rất ấn tượng và dần dần biết
phê phán những “người đi săn hư” chỉ vì cái ngà mà bắn chết cả một con voi. Bây
giờ cái mình cần là bạn ấy tiếp tục giải thích được cho em bạn ấy, còn hiệu quả
hơn người lớn giải thích…
Vượt ra ngoài chủ đề hưởng thụ cuộc sống bằng
cách giết chóc, thu nạp thừa thãi một cách không cần thiết protein có nguồn gốc
động vật, chúng ta đã bao giờ nghĩ đến việc thân xác ông bà cha mẹ sau khi chết
đã biến thành cát bụi và một ngày nào đó, được cơ thể chúng ta thu nạp vào. Xét
từ khía cạnh tâm linh, đó là một điều tuyệt vời, vì tổ tiên đang sống trong
chúng ta! Không phải tổ tiên, ông bà cha mẹ sẽ sống mãi cũng là một điều chúng
ta mong ước sao?
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment