Từ năm ngoái
anh cu nhà mình chuyển sang học trường mới, đi xe ô tô bus bến mới, thì mới để
ý hàng sáng có một chị chắc khoảng lớp 11 gì đó – cũng đi học qua bến xe. Gần
đó chả là có một trường trung học dân lập khá lớn, buổi chiều tan học “vỡ tổ”
các anh các chị đông lắm, cứ là tắc hết cả đường.
Thoạt tiên
không để ý đến chị ấy, nhưng có lần, vì phát hiện ra trong bàn tay bụm lại của
chị, có một điếu thuốc lá đang cháy, đâm ra càng ngày, càng để ý tợn. Mái tóc cắt
ngắn sau gáy, một bên dài một bên gần như trụi và nhuộm màu đỏ cháy. Khuôn mặt
xinh xắn, đôi mắt dữ gườm gườm… điếu thuốc được cầm kín đáo xoay vào trong lòng
bàn tay, những móng tay dài nhọn hoắt, sơn màu đỏ, tay kia cầm bao thuốc 555
màu xanh nước biển thẫm… Chị cao dong dỏng, thuộc loại xinh đẹp chứ hoàn toàn
không bình thường.
Bẵng đi cả
năm, thỉnh thoảng mới lại nhìn thấy, nhưng tầm 7 giờ sáng, cứ thấy, là có điếu
thuốc, và đến bây giờ đã là lúc các anh các chị chuẩn bị tốt nghiệp trung học
phổ thông rồi đấy – thì mới ngã ngửa ra là chị ấy không còn cầm điếu thuốc kín
đáo như trước đây nữa, mà thản nhiên kẹp nó giữa hai ngón tay, đi qua chỗ các
em bé xíu thản nhiên phì khói, và nhìn đời bằng cặp mắt còn dữ dằn hơn thêm phần
thách thức.
Sáng nay, ông
con nhìn thấy cảnh đó. Mình hỏi, “con thấy việc đó thế nào?” “Hút thuốc lá là
hư ba ạ, có hại sức khỏe, hại cho phổi!” “Cái đó thì rõ rồi, nhưng con có biết
tại sao chị lại hút không, mà con biết là hư, chắc chắn chị cũng biết là hư, mà
vẫn hút?” “Con không biết ba ạ.”
“Là thế này
con nhé, ngày xưa ba đi học ấy mà, ở tuổi của chị ấy, thì cũng đã cảm thấy mình
lơn lớn rồi. Muốn thể hiện lắm, bạn thì hát hay múa giỏi, lên sân khấu biểu diễn
trước cả trường, bạn thì học giỏi đi thi đoạt giải Quận, thành phố… nhưng có
nhiều bạn, gặp được một cách thể hiện nhanh hơn rằng, “Ta đây là người lớn!”,
nên chọn cách hút thuốc lá. Thật ra, lúc bắt đầu tập hút, chắc chắn ai cũng thấy
nó không ngon lành gì, thậm chí bị say, còn lăn ra như ốm mất mấy ngày… nhưng
sau đó, thì quen dần, sinh nghiện, và không bỏ được nữa. Như con, thì sau này nếu
con học giỏi, bơi giỏi… thì có thể các bạn sẽ quý con, lúc đó con sẽ cảm thấy
không cần phải có điếu thuốc lá mới có thể hãnh diện được với các bạn.”
“Nghiên là gì
hả ba?” “Nghiện là khi thiếu một cái gì đó, người ta không làm chủ được bản
thân và đi kiếm cái thứ đó bằng được, có thể bằng cách làm những việc rất không
tốt.” “Thế ba ngày xưa có tập hút thuốc lá không ba?” “Có con ạ, các bạn rủ ba
thử, ba thử, thấy không ngon lành gì, nên ba không tiếp tục “nghiên cứu” bộ môn
đó nữa.” “Thế các bạn ba thì thế nào?” “Chú hút tiếp, chú thôi, nhưng hầu hết
là hút tiếp con ạ.” “Thế các bác, các ông lớn rồi thì được hút thuốc lá hả ba?”
“Không con ạ, hút thuốc lá ở tuổi nào cũng là không tốt, nhưng vì nó không nguy
hại bằng các thứ khác như ma túy mà người ta vẽ trên cái biển bên kia đường
kia, nên xã hội người ta còn chấp nhận. Nhưng bây giờ thì cũng đã không ủng hộ
nhiều lắm rồi con ạ.”
Xe bus đến,
câu chuyện tạm dừng ở đó. Chắc câu chuyện này còn phải nói đi, nói lại đôi lần
nữa, nhiều lần nữa, mỗi lần, có thể cách nói chuyện sẽ phải khác.
Nhớ lại thời
đi học, và ngẫm đến tận bây giờ… không tài nào tìm được một động cơ nào khác
hơn cho cái việc “bắt đầu hút thuốc lá” – ngoài việc tìm cách thể hiện ta đây
người lớn của mấy chú choai choai. Mình may mắn rơi vào học một lớp không có bạn
nào thể hiện rõ rệt chuyện đó, thậm chí cả bạn tỏ ra gai góc và “đầu gấu” nhất.
Có một bạn trong lớp hút thuốc nhưng khá kín đáo (mà bây giờ bạn ấy mất rồi, vì
ung thư đâu như ở… cổ họng – thật buồn).
Mà cũng thật
lạ, đúng, hêrôin, thuốc lắc… thì rõ rồi, ai cũng đọc ra được cái kết cục chỉ
năm hai năm sau là chết. Nhưng cái con số thống kê số người chết vì thuốc lá và
rượu, hoàn toàn chẳng kém cỏi tí nào. Nhìn thấy ông nghiện ma túy, bảo rằng “Sang
năm nó chết!” thì ai cũng tin, nhưng nếu bảo một ông thuốc lá là “Hai năm nữa
ông chết!” thì có mà ổng chửi cho vỡ mặt – nhưng cũng rất có thể chỉ nửa năm
sau ổng chết vì… ung thư phổi. Đó là sự thật, tuy phũ phàng, nhưng là sự thật.
Ấy thế mà
cũng chính tập thể lớp ấy, lại có những bạn cả thời trung học, đại học… là những
thanh niên rất lành mạnh, khỏe mạnh, đẹp, chơi thể thao, tất cả cho học tập…
thì lại có đôi ba bạn trong số đó, thay đổi hẳn về phong cách sau khi đi làm.
Bia rượu nhậu nhẹt nhiều, đi làm có tiền mà – và thật bất ngờ, anh nào cũng cầm
điếu thuốc, như một con nghiện lâu năm. Người thì bình thường thôi, nhưng người
thì khác hẳn trước đây, thay vì hình ảnh “sinh viên nghèo vượt khó, khỏe và
lành mạnh” thì nay là những “doanh nhân giám đốc trẻ sành sỏi” thậm chí có những
biểu hiện “lớn tiếng, mạnh vì gạo, bạo vì tiền”… hay du nhập thêm cả những giọng
điệu xô bồ, chợ búa nữa…
Con người tạo
ra hoàn cảnh, và hoàn cảnh, cũng nặn lại con người. Đôi lúc mình hỏi vài người,
hút thuốc để làm gì? Họ bảo, làm việc căng thẳng, thức đêm nhiều… nên hút cho tỉnh
táo. Hóa ra, mình không hút thuốc nên vô tích sự, chẳng làm được cái việc gì
nên hồn…
Lâu dần, mọi
thứ cùng thời gian và những biến cố, lại làm cho người ta tỉnh dần, sốt đất sốt
“chứng” rồi cũng qua… tuổi tác nhiều hơn cũng làm cho anh em bình tĩnh lại. Những
cái tưởng như là tất cả, có khi lại chẳng có nhiều ý nghĩa như trước đây người
ta vẫn tưởng nữa. Chắc hẳn, nếu nhìn lại quãng đời đã qua, người ta sẽ có cách
nhìn nhận khác, rằng nếu cho sống lại cái thời gian thanh niên đó, chưa chắc
người ta đã sống như thế. Nhưng bây giờ, thuốc đã hút rồi, ta cứ hút tiếp đã, đằng
nào mà chẳng chết, chưa vì khói thuốc, thì đã vì thịt tăng trọng, bằng rau thuốc
sâu, bằng thuốc bảo quản có nguồn gốc “lạ”…
Sợ nhất là
cách đây gần 30 năm, con gái hút thuốc là cực hiếm, thì bây giờ, “bình đẳng giới”
đã được thiết lập, không khéo đạt tỉ lệ đến 50/50 các cháu trung học đang “tập
làm người lớn”…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment