Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, May 20, 2014

“Sang năm tới Hoàng Sa” – nhưng bằng cách nào?

Bạn gì ơi, những cọc Bạch Đằng này,
bạn có nhớ?
Nhà thơ Thái Bá Tân có bài thơ “Sang năm tới Hoàng Sa”, đại khái nhìn về người Do Thái không có Tổ Quốc tới hàng nghìn năm, nhưng năm nào cũng hẹn nhau: “Sang năm tới Jerusalem” – mong ước cháy bỏng của người Do Thái được về quê hương với đúng nghĩa là Tổ Quốc. Đó cũng là mong ước cháy bỏng của nhà thơ hướng tới một phần lãnh thổ của Tổ Quốc bị chiếm đóng.

Chúng ta đồng ý với tình cảm của nhà thơ, nhưng tình cảm là tình cảm, chúng ta hãy thử tỉnh táo, bình tĩnh và tìm câu trả lời khách quan cho câu hỏi “Sang năm tới Hoàng Sa” – nhưng bằng cách nào?

Chúng ta đều đã biết rằng, hệ thống chuẩn mực, hay chính xác, pháp luật quốc tế về vấn biển cả và đại dương, hiện chỉ có một văn kiện cao nhất, là “Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc”. Về những nội dung cơ bản của nó cũng như toàn văn Công ước, chúng ta có thể tìm thấy ở trên mạng internet: Những điều khoản quan trọng nhất quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển đảo, và các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, và dàn xếp các tranh chấp. Phần XV của Công ước chính là những nguyên tắc cơ bản của việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền của các quốc gia đối với biển cả và đại dương và tất cả các yếu tố cấu thành nên nó, tức là với các đảo và quần đảo.

Với Hoàng Sa, tranh chấp của Việt Nam với Trung Quốc là cả một quần đảo. Diễn biến ngày một nóng lên trong những ngày vừa qua liên quan đến giàn khoan HD-981 của Trung Quốc kéo vào vùng biển mà Việt Nam cho rằng nằm ở trong vùng đặc quyền kinh tế của mình (cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 120 hải lý), nhưng cũng chỉ cách hòn đảo gần nhất, đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng) có 17 hải lý. Trong bài viết trước đây “Giở võ 3: Kỳ thủ thứ tư” tôi đã viết về tình trạng kiểm soát của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, là “de facto”, nghĩa là kiểm soát thực tế, bất chấp các quốc gia khác (Việt Nam) có đưa ra những bằng chứng về chủ quyền của mình đối với quần đảo.

Trên thực tế, Trung Quốc không những chỉ chiếm quần đảo Hoàng Sa, mà còn thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, mà thành phố này bao gồm cả quần đảo Trường Sa – đây thuần túy là một hành động hành chính đơn phương mang tính chính trị để gián tiếp tuyên bố chủ quyền, vì Hoàng Sa đã từ lâu là Huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Sau sự kiện giàn khoan HD-981, nhiều báo chí của Việt Nam đã đăng những bài viết học thuật liên quan đến “thời điểm Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” – mặc dù Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc có quy định việc các quốc gia đưa tranh chấp ra giải quyết theo trình tự khởi kiện: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; Toà án quốc tế hoặc một tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước. Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia tôi được tiếp xúc trong thời gian vừa qua, nhưng hầu như với các chuyên gia về Pháp luật quốc tế thì hầu như cùng thống nhất, việc khởi kiện là khó khăn.

Việc khởi kiện ra Tòa án quốc tế để đòi cả một quần đảo, điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử cận đại của thế giới và hiện đại của Liên Hiệp Quốc – nhưng cũng không có nghĩa là không thể. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam trong lúc Việt Nam đang bận với chiến tranh – và hiện nay các thư tịch cổ đều cho thấy, việc tuyên bố chủ quyền của các quốc gia xung quanh quần đảo từ thời đây là một quần đảo hoang giữa biển khơi, thì Việt Nam là quốc gia có đầy đủ nhất đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất nhiên, chỉ những thư tịch cổ đó là chưa đủ, cần phải thu thập thêm nhiều chứng cứ nữa; điều này thì các nhà sử học, khảo cổ Việt Nam đã đang làm rất tốt và trong tương lai chắc cũng sẽ còn tìm thấy được nhiều chứng cứ xác thực nữa về chủ quyền của đất nước với Hoàng Sa. Hơn thế nữa, điều mà Trung Quốc hiện nay vẫn thường xuyên viện dẫn chính là Công hàm 1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam – dù nội dung của Công hàm đó hiện nay là công khai nhưng vì có những điểm chưa rõ ràng và vẫn dành cho Trung Quốc khả năng giải thích nó theo hướng có lợi cho họ và bất lợi cho chúng ta trước tòa án.

Như vậy, để khởi kiện ra Tòa án quốc tế để Quốc tế có thể công nhận chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, là hoàn toàn có thể, nhưng nó đòi hỏi phải tất cả một dự án rất lớn, có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, nhiều giới nghiên cứu liên quan.

Theo thiển ý của tôi, điều này là cần thiết, nhưng đã đánh, là phải thắng – chúng ta nói chúng ta có lẽ phải, cái đó nhìn thấy dễ dàng, nhưng thế thôi chưa đủ, phải có kế hoạch hành động cụ thể và khi khởi kiện, phải có kỹ thuật tốt và chuyên nghiệp.

Cứ cho là chúng ta sẽ có được một phán quyết thắng lợi từ phía Tòa án quốc tế đi – tuyên bố hẳn hoi là “Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc phải trả lại cho Việt Nam” – nhưng từ thắng kiện đến việc thực hiện được phán quyết đó trong thực tế lại là một điều xa vời. Chắc chắn Trung Quốc không tự dưng bưng hai tay nói với chúng ta “Chú em ơi, anh gửi lại chú em này!” – điều này là không tưởng. Tất cả những bài luận của các học giả, các nhà kinh tế, có cả các doanh nhân… đều cho rằng đất nước ta phải mạnh lên, từ doanh nhân, từng doanh nghiệp… cố sức làm giàu, để dân giàu nước mạnh… Israel có mấy triệu dân chưa bằng 1/10 ta nhưng không ai dám làm gì họ… nhìn chung là đúng cả.

Nhưng ta mạnh lên, thì họ cũng mạnh lên. Tuy nhiên, xuất phát điểm của ta và Trung Quốc là khác nhau. Nước ta vẫn là một nước yếu kém về kinh tế, ngay trong Đông Nam Á thôi, chưa nói đến những khu vực rộng lớn hơn, còn Trung Quốc, đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và những bất ổn tiềm tàng trong đất nước Trung Quốc, nếu như nó bùng nổ ra thành bất kỳ một sự kiện như thế nào, theo kịch bản gì… thì hiệu ứng đôminô sẽ lan ra toàn quốc. Điều đó có nghĩa là khi đó, Trung Quốc trước mắt sẽ suy yếu trong một thời gian, dài hay ngắn chúng ta chưa thể đoán được, nhưng chắc chắn sẽ suy yếu. Người Trung Quốc có những triết thuyết mà cả thế giới phải học hỏi – hẳn sẽ tự hiểu rất rõ, rằng không có gì là tồn tại vĩnh viễn, nhất là với một đế chế tiềm tàng rủi ro nhiều như nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay. Nếu như trong thời gian này, Việt Nam ta không kịp thay đổi, chuyển mình để mạnh lên, thì sẽ mất cơ hội.

Quần đảo Kuril trong
biển Okhotsk
Nhìn lại lịch sử, quần đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là Chishima hiện nay có những bằng chứng người Nhật đã có lịch sử khai phá sinh sống trên quần đảo này từ trước người Nga. Năm 1875 theo Hiệp ước Sankt-Peterburg, Nga và Nhật Bản nhất trí rằng Nhật Bản sẽ từ bỏ tất cả các chủ quyền ở Sakhalin để đổi lấy việc với Nga từ bỏ tất cả các quyền đối với quần đảo Kuril. Sau chiến tranh Nga – Nhật năm 1905 với sự thất bại của nước Nga Sa hoàng, người Nhật thắng lợi trong việc lấy được quần đảo và thậm chí còn được thêm nửa phia nam đảo Sakhalin, và chỉ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, Liên Xô (cũ) mới lấy lại quần đảo đó thông qua các thỏa thuận trong khối các nước Đồng Minh tại thỏa thuận Yanta (2/1945) Tuyên bố Potsdam (07/ 1945) và Hiệp ước San Francisco (9/ 1951). Những thỏa thuận này vì có nhiều điểm không rõ ràng nên chúng tiềm tàng phát sinh tranh chấp giữa Liên Xô (cũ) với Nhật Bản và bây giờ là giữa Nga và Nhật Bản. Từ một số quan điểm học thuật, thì việc Liên Xô lấy quần đảo Kuril từ chủ quyền của Nhật Bản, là khó có thể có đủ căn cứ pháp lý, vì những gì mà Quân phiệt Nhật gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thì hậu quả nặng nề nhất là trên đất nước Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Nhưng với Liên Xô – Nga thì người ta chưa cho rằng đã đến mức như vậy – nhưng rõ ràng việc chuyển một vùng lãnh thổ của một quốc gia sang cho một quốc gia khác, thường gắn liền với một cuộc chiến tranh. Do đó mà đến nay, vấn đề quần đảo Kuril luôn luôn là một vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản và Liên Bang Nga.

Tại sao tôi lại nhắc đến vấn đề quần đảo Kuril ở đây? Vì logic tôi muốn nói tới, là phải có một biến cố cần thiết làm tiền đề cho dịch chuyển lãnh thổ. Nhìn lại lịch sử, thì việc dịch chuyển chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ nào đó, thường là gắn liền với những cuộc chiến tranh (Miền Bessarabia sáp nhập vào Moldova Xôviết tức là vào Liên Xô cũ năm 1940, việc nước Ba Lan bị chia đôi một nửa cho Đức Quốc xã, một nửa cho Liên Xô, việc nhiều lãnh thổ của nước Đức Quốc xã bị cắt lại cho Ba Lan hay thành phố Königsberg của Phổ bị cắt sang cho Liên Xô (đổi tên thành Kaliningrad)  sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, hay trường hợp của quần đảo Kuril trên đây).

Như vậy chúng ta đã lướt qua khả năng khởi kiện, thắng về pháp lý, không có nghĩa là sẽ đòi được trên thực tế. Tôi cũng đã lướt qua khả năng Trung Quốc sẽ sa vào hỗn loạn và tan rã, tất nhiên, Trung Quốc không phải là nhà nước liên bang như Liên Xô để tan rã theo đúng kịch bản như thế, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn mạnh – ai cũng có những vấn đề của bản thân mình. Dễ nhận thấy, khả năng giảnh lại được Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là khó, rất khó, mặc dù chúng ta là những người yêu chuộng hòa bình, không ai mong muốn chiến tranh cả - nhưng hoàn toàn không nên loại trừ việc tính đến thu hồi Hoàng Sa bằng biện pháp “không hòa bình”.

Khi tôi viết bài viết này là vào ngày 11 tháng Năm năm 2014, đến hôm qua (17/5) thì thấy trên BBC tiếng Việt có đưa tin về phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tôi xin trích lại một đoạn:

Phát biểu tại một hội thảo tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 17/5, ông Đam được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam" và việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa là trái phép.

"Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và chúng ta sẽ đòi lại, đời chúng ta chưa đòi được thì đời con đời cháu chúng ta sẽ đòi cho bằng được", tờ VnEconomy dẫn lời ông Đam nói.

Trả lời trước câu hỏi của truyền thông Việt Nam về việc liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không, ông Đam cho biết "trước hết Việt Nam luôn muốn dùng biện pháp hòa bình".

“Trong giải pháp hòa bình có nhiều giải pháp nhưng trước hết có đường ngoại giao. Có người nói kiện ra tòa cũng là hòa bình, là hoàn toàn đúng. Cùng cực mà không thể nói chuyện với nhau, thì mới mang nhau ra tòa,"

“Tôi có thể khẳng định Đảng và Nhà nước đều đã tính toán đến mọi phương án, kể cả phương án “không hòa bình”.

Từ cái nhìn cá nhân, tôi cho rằng, nếu phải chuẩn bị cho phương án “không hòa bình”, thì hiện nay Việt Nam đang có những việc trước mắt cần làm – đó là việc thoát khỏi thế đơn độc trong trường hợp có xung đột quân sự. Cần phải có sự ủng hộ, hơn nữa, có liên minh, với ít nhất một đối tác liên quan trực tiếp trong khu vực. Đối tác này không phải ai khác chính là Philippines, mà sau Philippines là ai thì chúng ta đều có thể đoán được.

Tất nhiên làm thế nào để “đa phương hóa” xung đột quân sự trong khu vực biển Đông nếu nó xảy ra lần này, là một việc rất khó, nhưng với những hành động trong những ngày vừa qua của Chính phủ, tôi tin Chính phủ sẽ chiếm được nhiều lòng tin của nhân dân hơn.

Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)
Tướng Phòng Phong Huy
 
Chiến tranh cũng không phải là không thể xảy ra. Những sự kiện giàn khoan “Hải Dương 981” lần này nằm trong kế hoạch rất có chủ đích của Trung Quốc – vì trong lúc Biển Đông căng nhất thì Tổng tham mưu trưởng quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy đi thăm Hoa Kỳ. Tại một cuộc họp báo tại đây, phát biểu rõ ràng: “Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng cũng không ngại rắc rối!” Nhân loại hằng mong mỏi một nền hòa bình vĩnh cửu nhưng nhiều khi chiến tranh vẫn tới, dường như ngoài ý muốn. Chúng ta không gây chiến, nhưng nếu nước khác vẫn nhất quyết muốn gây chiến tranh, thì chúng ta phải sẵn sàng và phải làm thật tốt, cho sự tồn tại của đất nước.

Việt Nam phải trở nên giàu mạnh thì đúng rồi, nhưng muốn “Sang năm tới Hoàng Sa”, còn phải chờ cơ hội, và biết nắm được nó, một cách quyết đoán. Xin kết luận bằng một câu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Vàng rất quý, nhưng kim cương còn quý hơn vàng. Tôi cho rằng, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Bác Hồ đã dạy, quý nhất là bốn chữ "độc lập, tự do".”

Bài trên “Tuần Việt Nam” (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment