"Vì đâu?" - Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Khi lục lọi
những ký ức bụi mốc về Hà Nội còn sót lại mà viết ra, mình cứ hì hục mà viết,
và nếu ai đó chiếu cố đọc lại, chắc hẳn sẽ thấy toàn những suy nghĩ tưởng như
thổn thức về một Hà Nội thời bao cấp rồi bước dần sang mở cửa, cũ kỹ có, nhưng
mông muội, hỗn loạn cũng có. Không hẳn như vậy.
Hà Nội của
mình còn là một thành phố phức tạp từ cách đây bốn chục năm và đến nay vẫn phức
tạp vì luôn luôn có dân tứ chiếng đổ về - kiếm sống, làm giàu, trốn tránh pháp
luật… Khu nhà mình ở Phố Huế - Chợ Giời cùng với khu chợ Đồng Xuân – Bắc Qua,
khu Ga Hàng Cỏ… trở thành những “điểm nóng” của thành phố. Mình từ bé biết đọc
biết viết sớm, vì hồi đó mẹ đi dạy ở ngoại thành, vùng nông thôn không có việc
gì làm ngoài… dạy con học. Trẻ con, mới biết chữ là hì hục đọc ngay tất cả những
chữ lọt vào mắt, và thế là nếu như “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong
sự nghiệp của chúng ta” trên nóc nhà Ngân hàng Nhà nước nhìn xuống vườn hoa Chí
Linh là dòng chữ to tướng, đầu tiên đọc được, thì cũng gần như song song với
nó, là rất nhiều dòng chữ trên tay, chân, lưng… của những người mình gặp.
Về sau mới biết
đó là “tattoo”, hồi đó, là xăm trổ. Nếu như bạn để ý đến nó, và muốn bỏ công
“nghiên cứu” một chút, thì đã bắt đầu bước vào một thế giới kỳ bí. Với đầu óc trẻ
con tầm 6, 7, 8 tuổi; cũng đã bắt đầu có suy luận. Ví dụ này, nếu vào ngày hôm
nay gặp bác nào tầm 60 tuổi, mà trên cổ tay có dòng chữ 1973, thì hẳn là năm nhập
ngũ – khả năng đó là cực kỳ cao, còn chắc chắn ông già đó không thể sinh năm
1973 được. Nhưng nếu cũng ông cụ như thế mà có dòng 1955 – 1957 chẳng hạn, thì
đoán ngay được đó là năm sinh, điều này dễ.
Còn dễ hơn nữa,
khi mặt trên cánh tay của bác ấy lại có thêm hình khẩu súng AK cùng với năm
1970, 1972… thì chuẩn 100% đây là một bác lính. Có bác còn có thêm một dòng
phiên hiệu: E361 D612 C124… thì khỏi cãi, đó, có cả tên đơn vị nhé!
Ông anh thằng
bạn, cũng bộ đội về, tay có dòng 1957, thì đó là năm sinh, không phải năm nhập
ngũ. Ông bạn thân của cậu ruột, thì trên ngực có cái hình Chùa Một cột, xăm
trong bộ đội, “lính Hà Nội” đấy. Mình còn nhìn thấy hình Khuê Văn Các, cầu Thê
Húc rồi. Những người thanh niên Hà Nội ra đi, bước vào cuộc chiến, vẫn yêu
thương nhung nhớ “đất thánh” Hà Nội – bao nhiêu người nằm lại ở Trường Sơn, ở rừng
cao su, trong lòng đất đỏ ba dan?
Chợ Giời một
ngày xuất hiện anh bộ đội đặc công, mới cứng vừa bước ra từ chiến tranh biên giới
phía Bắc. Anh ấy như trốn khỏi quân y viện, mang theo cái ba lô ở trong có cả một
quả lựu đạn, và cái lưỡi lê súng AK. Hồi đó, thỉnh thoảng ở chợ xuất hiện bọn
du thủ du thực ở đâu đó, là anh ấy đánh cho bạt vía chạy cả lũ – trong khi công
an thì nhiều khi bất lực. Mình nhớ có lần, anh ấy đánh cho cả chục thằng chạy tứ
tung, rồi đứng giữa chợ, chỉ tay: “Tao đánh cả trăm thằng Tàu còn được, sợ gì mấy
thằng ăn cắp chúng mày!”. Anh công an hình sự ở đồn vào đến nơi, đã chẳng còn
gì để làm, chỉ
còn biết bắt tay anh bộ đội đặc công hơn vài tuổi. Chuyện này, bây giờ anh công
an chắc không còn nhớ, nhưng mình thì nhớ lắm – bây giờ anh ấy đã là đại tá,
phó giám đốc công an thành phố Nguyễn Duy Ngọc. Vợ anh ấy, lúc chưa là vợ, tất
nhiên – là chị phụ trách của mình.
Sau khi bọn
du thủ du thực chạy mất, anh bộ đội tiễn chú công an về đồn xong, xin rượu
trong hàng nước uống, rồi lấy lưỡi lê ra khắc ngay lên tay dòng chữ tên đơn vị,
máu chảy chan hòa, khắc sâu đến lòi cả thịt ra. Trẻ con hét lên kinh hãi, anh ấy
vẫn cười rất hiền, bảo: để tí anh lấy mực ra xoa vào là xong, và anh ấy làm thật,
mực chàm ngấm vào thịt, nổi lên thành từng dòng, từng cục xanh xanh đỏ đỏ… các
chị lớn trong phố ré lên chạy về nhà.
Anh bộ đội
loanh quanh ở Chợ Giời tầm nửa tháng, một tháng gì đó, lúc ngủ nhờ nhà này, lúc
nhà kia… lúc ngủ luôn ở mấy quầy bán hàng ngoài chợ, rồi cuối cùng, biến mất.
Người ta bảo anh ấy bị thương, loạn trí (mình cũng thấy vậy), lúc mê, lúc tỉnh…
Không biết anh ấy sau đó đi đâu, còn sống được lâu không với cái tâm trí như thế,
với đầy vết thương trên người như thế.
Kinh nghiệm
“soi” xăm trổ của mình cho thấy, “niên biểu” đi tù ít được dân xã hội sử dụng.
Họ thể hiện những nội dung khác. Một trong mấy mụ móc túi ngoài Ô Cầu Dền, có một
bà chắc bây giờ còn sống thì khoảng 55 – 60 tuổi gì đó, ở bốn ngón tay có 4 chữ
“T” – có lần nghe bả giải thích đó là “Tình – Tiền – Tù – Tội”.
Ở bắp vai
cũng là nơi hay có hình xăm. Ông thợ xây sửa nhà cho nhà bà bác, có cái hình cô
gái khỏa thân nhìn nghiêng đang ngồi khóc, tóc dài xõa xợi, bên cạnh có dòng chữ
“Vì đâu?” rất thảm. Lại có nhiều ông khác cánh tay có một con gì đó, nửa giống
con chuột, nửa giống con mèo, tai bé, có vằn, trông giông giống củ khoai lang
có chân là bốn que tăm hơn là cái con hổ mà nó cố gắng thể hiện. Có lần gặp một
bác xăm dòng chữ “Con 55 ốp lộp”. Hoàn toàn không hiểu, “ốp lộp” nghĩa là gì –
sau này mới biết đó là “ốp nộp” – à, bố này dân lô đề đây. Dốc hết tiền “vỗ béo” con 55 đến tán gia bại sản, đi bóc
lịch chắc cũng vì nó đây...
Về sau đi bơi, còn đọc được nhiều nữa. “Mẹ ơi con đói” – bên cạnh có bát
cơm; “Bố ơi con thiếu chất” – bên cạnh có con cá mè. Đúng là trong tù “anh em”
cũng nghĩ ra đủ thứ, tính triết học chẳng hề kém ai.
... người ta cứ nhìn thấy rồng rắn, đại bàng sau lưng, “vì đâu”, “ốp lộp”
hay “hận đời đen bạc” là khiếp. Mình thì thấy bình thường, họ đều là những người
hết sức bình thường. Có nhiều vết xăm, người ta cố xóa đi bằng “công nghệ cũ”,
nào là dùng a-xít, nào là dùng ni-lông đốt lên nhỏ vào rồi bóc ra... để lại sẹo
sần sùi, bây giờ nhiều bạn gọi là “bản đồ”; nhưng hồi đó bọn mình thấy sần sùi
vàng vàng nâu nâu, lại còn nhiều dấu vết của mực còn sót lại như những lá hành
nên gọi là “trứng đúc thịt”. Nhìn thấy “trứng đúc thịt”, là nhìn thấy hoàn
lương.
Về sau đi làm, công tác trong một ngành công quyền liên quan đến pháp luật,
tiếp xúc nhiều người trong giới đó, không chỉ thế, còn “chơi” và có nhiều bạn
trong giới “xã hội”, thấy họ hết sức bình thường như những người khác, thậm chí
còn dễ... bị dọa, dễ hoảng sợ. Cứ thấy việc (dù vớ vẩn) dính đến pháp luật,
chính quyền... là chết khiếp. Cũng chính vì thế mà bây giờ, mình thỉnh thoảng gặp
lại những mối quan hệ đó, họ vẫn rất quý “thằng em nhiệt tình”; tư vấn triệt để
cho các bác mỗi khi rắc rối. Có những bác bây giờ nhấc máy một cái vẫn sai khiến
được cả chục cả trăm “bộ đội” sẵn sàng đâm chém.
Công nghệ mới ra đời giúp người ta “hoàn lương” dễ hơn: xóa không để lại sẹo,
và chắc là cũng ít đau hơn. Có hồi người ta đồn là dân Việt Nam ta “dạt” sang Đức
khoảng những năm chín mấy, phía Đức mà khám thấy “mực Tàu giấy bản” là “ao”
ngay lập tức, chẳng biết có phải không, dưng mà đến cách đây mấy năm chú nhóc
sang Nga cùng đợt đi khám sức khỏe còn lo Nga tống cổ về vì cái ngọn lửa trên
vai chú ta. Mình gạt đi, đừng lo, ai quan tâm đến cái quyền cá nhân của chú...
... và ta bắc cầu sang chuyện các bạn trẻ vẽ tattoo trên người ngày nay. Nếu
như dân dao búa ngày xưa, các hình xăm ít người có hình nghệ thuật, thậm chí
thô sơ đến mức thô thiển... thì ngày nay các hình rất đẹp, rất nghệ thuật. Và
do đó, chúng mang tính trang trí nhiều hơn là thể hiện đẳng cấp hay “số má” của
giới giang hồ. Dân văn phòng ngày càng có nhiều bạn có tattoo hơn, làm cho việc
xăm mình không còn là đặc quyền của giới “đòi nợ thuê” nữa.
Mình thì không thích món này, đơn giản vì không khoái bị dính vào một cái
gì đó mà sau không sửa chữa được, hoặc có thể sửa chữa được nhưng không dễ. Như
câu chuyện cô Angelina Jolie xăm lên mình cái hình thủ cấp của ông chồng cũ, rồi
khi giải tán mà lấy anh Brad Pitt thì lại phải đi xóa, đến là mệt. Một lý do nữa,
là khi về già, người ngợm nó nhăn nheo, chắc chắn là không còn đẹp như khi
thanh niên – mình đã nhìn thấy một bà già người Âu, những hình xăm nó cũng già
theo, kiểu như cô Rose trong Titanic từ lúc còn căng mọng như Kate Winslet rồi
biến thành quả táo tầu ấy mà. Trên thực tế, đến lúc về già mà nhìn những hình
nhăn nheo đó, kể cũng có những thú vị nhất định, dưng mà thôi, đó là việc của
người khác. Mình thích nhìn thấy những hình xăm bé bé xinh xinh, gợi cảm he hé
ra ở đâu đó trên người các cô xinh đẹp. Có nhiều hình không chỉ gợi cảm, mà gợi
tình, sexy nữa. Dưng mà nếu bà vợ ở nhà mà định lắp một hình đó lên người, thì
hãy đợi đấy! Đúng là cực kỳ mâu thuẫn và hơi cổ hủ, ích kỷ nữa.
Người Việt Nam ta, “giới” Ngô Bảo Châu hay già hơn, các bác như Dương Trung
Quốc... chắc chưa có tiền lệ; chứ mình đã gặp giáo sư người Mỹ có đầy, đến cả
chục cái tattoo rồi. Cũng có những lý do về truyền thống sắc tộc nữa – chứ
không chỉ đơn thuần những lý do xã hội. Không phải sách đã chép: “Vào đời Chu
Thành Vương, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là người Việt Thường đem dâng nhà
Chu chim trĩ trắng. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải qua nhiều lần dịch mới
hiểu được. Chu Công hỏi: “Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm
mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”. Sứ thần đáp rằng đáp: “Cắt tóc ngắn để
tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài
giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng
lửa. Ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen”. (Lĩnh Nam Chích Quái).
“Án ma ni bát mê hồng” |
Trẻ con rất hay để ý, từ mình, đến thằng em trai mình – nó vừa học được chữ
“Ê”, nhìn thấy chữ trên người mấy ông Chợ Giời, cũng vẽ ngay chữ “Ê” ở cùng vị
trí tương ứng. Bây giờ đến cô con gái bé tí của mình, gặp các cô ngoài đường, về
cũng về lấy bút bi vẽ lên người. Bây giờ ông em trai theo ngành nghệ thuật, để
tóc dài buộc lại, trên người đầy tattoo, thấy rất nghệ thuật. Gần đây hắn
nghiên cứu Phật, lại thấy trên người xuất hiện một hình “Án ma ni bát mê hồng”,
một tattoo mang tính tôn giáo, tâm linh... cũng là một điều mừng. Suy cho cùng,
thân xác cũng là giả tạm, rồi thì cát bụi cũng thành cát bụi cả. Tưởng là khắc
cốt ghi tâm, rồi cũng lại phải buông bỏ tất, thì những chuyện ngoài da, đã là
gì. Con hổ chết thì người ta thuộc da nhồi rơm nhồi cỏ, nó vẫn đứng gầm gừ
trong phòng khách nhà ông trưởng giả nào đó – “cọp chết để da”; còn con người “chết
để tiếng” – sống thế nào để về với cát bụi thanh thản, siêu thoát mới là quan
trọng, phải không nào?
Qua thời gian, từ chỗ không mấy thiện cảm với “hận đời đen bạc” đến bây giờ,
mình có được cái nhìn “bình thường” thậm chí có thiện cảm với những người “giới
xã hội” với suy nghĩ không có ai là người xấu – cũng là một bước tiến lớn trên
con đường tu tập của bản thân vậy.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment