Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 19, 2014

Búng tai kẻ trộm (phần 1)

Cách đây khoảng 30 năm, vào những năm 1980 của thế kỷ trước, có một vụ mà mình chỉ được nghe kể lại: có một thanh niên hư hỏng nhà bên ngõ Tô Hoàng hay ngõ Chùa Liên Phái gì đó, vào ăn cắp xe đạp của sinh viên trong ký túc xá Đại học Bách khoa, bị sinh viên bắt được. Trận đòn hội đồng của hàng trăm sinh viên là không thể tránh khỏi, nhưng hậu quả xảy ra lại rất nghiêm trọng: tên trộm bị đánh chết.

Công an Quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án, lấy lời khai của hàng trăm sinh viên đều nhận được một lời thú nhận thống nhất: có, em có “đụng” vào người nó. Người khai là búng tai, người khai là sờ khe khẽ… nhưng rõ ràng, thằng trộm đã chết. Hồi đó, công an Quận Hai Bà Trưng không xử lý hình sự được bất cứ cá nhân nào trong vụ này, vì không có sinh viên nào là “đầu vụ”, không xác định được ai ra những cú đòn quyết định dẫn đến cái chết.

Lại chỉ cách đây có vài tháng, chính quyền đã nhận được 68 lá “đơn tự thú” của người dân thôn Nhĩ Trung xã Gio Thành, huyện Gio Linh, Quảng Trị của 68 người dân “đông loạt tự thú” là có tham gia đánh chết hai người trộm chó vào đêm 29 tháng Tám năm 2012. Cũng có những chi tiết của vụ “búng tai”: Có người nhận có đánh hai kẻ trộm chó mấy cái bạt tai, người thì nhận dùng gậy đánh vào chân nạn nhân... Ông Hoàng Điền (84 tuổi) cho biết: “Khoảng 2h sáng ngày 28/8, mình nghe cả làng ồn ào kéo nhau đi bắt người trộm chó. Mình thức dậy đi ra ngoài đường, rồi tìm cách len qua đám đông, dùng gậy chống đánh một cái vào chân”. Ông Điền kể, hôm đó người dân vây đông nghẹt. Sau khi đánh được một cái cho “bõ tức”, ông Điền thoát ra ngoài. Ông Điền là người lớn tuổi nhất nộp đơn thú nhận việc đánh người. (theo Dân Trí).

Phải chăng người dân hi vọng một số lớn người nộp đơn tự thú nhận cùng tham gia đánh chết hai người trộm chó, thì “không thể ít người đánh chết được” và “nhiều người tham gia thì án sẽ nhẹ”…?

Điều đáng nói là ở đây, là vụ này có thể sẽ khác nhiều so với vụ ăn cắp xe đạp do công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thụ lý cách đây 30 năm. Mình viết “có thể” vì không rõ nội tình, không được đọc hồ sơ vụ án… nhưng một khi vụ án đã được cơ quan chức năng đem ra truy tố và xét xử được một số bị can như vậy, là đã có một số yếu tố rõ ràng để xử lý hình sự những người đóng vai trò chính trong vụ đánh chết hai người trộm chó rồi. Và do đó, nếu Công an Huyện Gio Linh mà thụ lý nghiêm túc 68 cái đơn kia, thì nó chỉ có thể làm tăng thêm số lượng bị can tham gia với những mức độ nặng nhẹ khác nhau mà thôi, còn tội danh, thậm chí vẫn cùng một tội danh với những người chủ chốt kia. Còn những người viết đơn nhưng là “gian dối” nhằm làm khó khăn cho việc xử lý vụ án, lại có khi vướng vào một tội danh khác…

Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng những vụ trộm chó và sự “phát triển” theo hướng nghiêm trọng (trộm chó tấn công, thậm chí giết người ngăn chặn) của nó gần đây đang cực kỳ gây bức xúc trong dư luận. Ngược lại, càng ngày những vụ đánh chết người trộm chó, xảy ra càng nhiều. Dường như đang có một cuộc chiến tranh giữa những người dân “bình thường” với những tên đạo chích trộm chó kia vậy. (Mình sẽ viết kỹ hơn về việc người dân “bình thường” được cho vào trong ngoặc kép) Trong khi đó, lực lượng chức năng lại chỉ đi theo sau để giải quyết hậu quả, chứ hiệu quả ngăn chặn của pháp luật, chưa được là bao. Lại phải nhìn nhận khách quan thêm một điều nữa là việc xử lý hình sự đối với hành vi trộm chó là hoàn toàn không đơn giản, vì việc lượng hóa giá trị của tài sản bắt trộm, không cao, mà luật hình sự của ta thì lại lấy giá trị để làm căn cứ xử lý hình sự và định khung hình phạt. Chính vì thế mà trong dư luận đã có nhiều ý kiến đề nghị luật hóa hành vi trộm chó, để cơ quan pháp luật có thể dễ dàng hơn trong xử lý hiện tượng đặc thù này.

Trên thực tế, việc đưa “trộm chó” vào luật hình sự, hoàn toàn không dễ, nếu như không muốn nói là không thực hiện được. Kinh tế xã hội phát triển, gần đây người ta đã nhập khẩu hoặc kiếm được ở đâu đó những giống chó cực kỳ đắt tiền về nuôi, những giống Scottish Deerhound hay Bulldog tận Châu Âu Châu Mỹ xa lắc xa lơ hay một con Ngao Tạng tiền tỉ ở Trung Quốc về… tưởng chừng như với cái giá trị cao đến như thế của con chó, thì dễ đưa việc ăn cắp nó vào luật, thì không phải. Để chứng minh được giá trị của một tài sản kiểu như thế, con chó cần phải có nguồn gốc lai lịch rõ ràng, thậm chí cần phải được xét nghiệm AND và có chứng chỉ… chỉ để xác định, nó là nó (đặc định hóa), mà không phải bất cứ cái con chó giữ nhà vẫn dọn phân trẻ em sau khi đi ị ở những vùng nông thôn quê ta. Đến khi nó bị bắt trộm rồi, thì lại còn phải trưng cầu giám định lại, vì đương nhiên, những tên trộm sẽ thay đổi hình dáng của nó chẳng hạn… (như xe máy bị đục lại số máy số khung ấy mà). Đó là chúng ta đang tư duy theo hướng, con chó bị bắt rất đắt tiền và sẽ được đem để bán lại. Nhưng phổ biến hiện nay, là bắt trộm chó bán cho hàng thịt chó, như vậy giá trị của nó chỉ được căn cứ trên giá trị của “chó thịt” mà thôi.

Nhưng cứ từ giữa tháng Âm lịch trở đi đến cuối tháng, các hàng thịt cầy bảy món của Việt Nam ta vẫn đông nghẹt khách. Nếu như người Việt Nam vẫn còn xơi thịt chó, thì hà cớ gì lại đưa hành vi ăn trộm chó vào thành một tội danh trong luật hình sự? Như vậy thì người bán và ăn thịt chó, giống như tiêu thụ xe máy ăn cắp, cũng phải đóng một vai trò trong tội phạm hình sự: những người tiêu thụ “thịt chó ăn trộm”. Không có người ăn thịt chó, sao có người bắt trộm chó! Vì thế, một khi điều gì đã không thể thực hiện được, thì cũng không nên đề xuất, lại càng không nên quy định rồi mà không làm được, hóa ra là vô hiệu. Nếu như cơ chế quản lý xã hội của chúng ta quản lý theo cá nhân con người một cách hệ thống hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại… thì nay tên trộm chó bị bắt một lần, mai lần thứ hai… đều có trong hệ thống cơ sở dữ liệu, thì lo gì không xử lý hình sự được hắn, luật đã quy định rồi mà!


Vấn đề được đặt ra, bao giờ cũng sa vào những tranh cãi luẩn quẩn. Bên thì đưa ý kiến “ăn thịt chó là tội ác”, bên kia thì thấy thịt chó, cũng như các loại thịt khác thôi. Chúng ta không thể phủ nhận yếu tố tình cảm trong cái quan hệ giữa con người và con chó, mối quan hệ có thể nói là cực kỳ lâu đời và rõ ràng, con người cũng khó có thể kiếm được một “người” bạn trung thành đến như vậy sau hàng ngàn năm. Người ta còn kể lại rất nhiều câu chuyện cảm động về người và chó. Đúng từ khía cạnh đó, ăn thịt chó thật là độc ác. Và chính từ khía cạnh này, người ta sẽ không bao giờ hình thành những trang trại nuôi chó chỉ để làm thịt, như người ta nuôi các gia súc lấy thịt khác như lợn, gà, dê, bò… Không ai nuôi “bạn” để làm thịt cả, tuy nhiên nếu có những cái trang trại như thế thật, thì chắc chắn nạn bắt trộm chó sẽ giảm đi rất nhiều.

(Còn nữa)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment