Có những năm
trong cuộc đời, tính ra số kilômét di chuyển có đến vài vạn, chỉ kém các cô tiếp
viên hàng không mà thôi. Thật ra, mình di chuyển không chỉ bằng máy bay, tất
nhiên, mà còn bằng ô tô, xe máy và nhiều nhất là bằng chân. Nhưng những chuyện
đó để lúc khác nói, ta nói chuyện máy bay cái đã.
Hôm nọ có hai
sân bay to nhất oách nhất của Việt Nam thì được đưa vào danh sách 10 sân bay tệ
nhất của châu Á. Thật ra, hai sân bay của Việt Nam còn ngon chán. Mình ấn tượng
nhất với các sân bay của Ấn Độ, về đủ các mặt. Đông như kiến, bẩn ơi là bẩn, lộn
nhộn… và cũng có những quy định không giống ai. Mình bị thu mất một cuộn băng
dính to đùng mang tận Hà Nội đi, mua ngót hai chục nghìn đồng, không được mang
lên máy bay. Chắc cái ông an ninh hàng không trông giống hệt ông huấn luyện
viên bóng đá Calisto ấy, sợ tay khủng bố này hắn mang băng dính lên trói tiếp
viên lại chăng?
Sân bay Quế
Lâm cách đây 10 năm vẫn không biết cái dấu AB trong hộ chiếu của mình là cái
gì, thấy không có visa họ hoảng, không cho nhập cảnh. Cầm đi hỏi hàng tiếng mới
xác minh được là có dấu đó không cần visa… Sân bay Quảng Châu to tổ đùng, không
thuê cái xe điện của họ, thì chuyện nhỡ chuyến là bình thường. Sân bay Thượng Hải
vừa to, vừa hiện đại, đúng chất châu Âu, hoành tá tràng. Ở Trung Quốc mình đi đủ
các hãng hàng không, từ to đến bé, từ bé lên to, tùy thuộc vào khả năng mua vé
giảm giá đến đâu, dân phượt mà. Trèo lên máy bay tiếp viên chẳng biết người nước
ngoài, cứ thế nói tiếng Trung ầm ầm bắt buộc phải “thực hành tiếng.” Nhớ cái
máy bay của “Hàng không Tứ Xuyên” chỉ to hơn cái máy bay chiến đấu một tí thôi,
có mỗi một cô tiếp viên, thế mới kinh chứ. Một mình làm đủ thứ việc phục vụ tầm
3, 4 chục ông khách. Lấy đủ các thứ dây dợ chăn chiếu, rồi suất ăn… Khi mình đứng
dậy đi ra cabin vệ sinh, nhìn thấy cô bé ngồi vào một chỗ chật chội, cái lưng
cong của máy bay làm cô bé cũng gù lưng xuống, lúc đó mới được ăn, một suất ăn
bé tí, con con… nhìn thấy mình vào, cô bé hơi giật mình… Mình phải nói “Đừng
khách sáo, ăn từ từ!” và cô bé lí nhí, cảm ơn. Tự dưng thấy thương thế, người
lao động cả mà, ai cũng có những vất vả riêng của mình cả.
Sân bay
Charles De Gaule, ngồi trên máy bay đang chạy hạ cánh, giật mình nhìn thấy ô tô
chạy nườm nượp bên dưới, hóa ra đường băng bê tông ở trên, dưới là đường xa lộ.
Đi từ cổng nọ sang cổng kia bằng xe bus, nhìn lên lại thấy máy bay chạy ầm ầm
phía trên đầu. Không đọc kỹ sơ đồ, đi lạc nhỡ chuyến ở lại sân bay ngủ là chắc.
Nhưng nếu ngủ, cố gắng về Changi Singapore mà ngủ, cho tiện nghi, hì hì…
Hai sân bay
Domodedovo và Seremechievo của Mátxcơva, nếu ai đã qua đó, về đến Nội Bài và
Tân Sơn Nhất thấy cứ như là lên thiên đường. Chẳng hiểu sao ông nào dám chê hai
sân bay của mình. Cũng chỉ ồn ào giống cái chợ Đồng Xuân tí thôi chứ có sao
đâu. Ta là có truyền thống từ cách đây bốn chục năm có người nhà đi xuất khẩu
lao động, kéo cả họ hàng đi tiễn đi đón, sân bay nó mới ồn ào, náo nhiệt đủ các
giọng nói vùng miền như thế chứ. Bây giờ vẫn thế, xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục
thì họ hàng vẫn ồn ào.
Đi máy bay của
Việt Nam vẫn là sướng nhất. Cứ thử lên máy bay Nga hay Pháp mà xem, tiếp viên
già khú đế xì lai, lại béo ú, đi lại máy bay cứ rung lên ầm ầm. Ta thì các cô
xinh như mộng, duyên dáng lại nhẹ nhàng. Chẳng biết các cô ấy cáu gắt với ai, chứ
với mình thì không. Ví dụ thế này nhé, nếu mình có là chủ chuỗi nhà hàng Hải xồm
hay Lẩu dê nhất ly, cũng tuyệt đối không nhắc đến việc mỗi ngày tiêu thụ bao
nhiêu bom bia, mà phải chuyển sang “thùng” bia, thế là đủ hiểu mình tôn trọng
ngành hàng không đến cỡ nào.
Mình vốn kém
chịu lạnh, ấy thế mà lên máy bay Việt Nam, chưa bao giờ hoạnh họe đòi chăn đắp
lúc cất cánh. Mình thông cảm lắm, các cô tiếp viên lúc chuẩn bị cất cánh và cả
sau đó, bận thấy bà nội luôn, nên mình ngồi ngoan như con cún, chẳng dám làm
chuyện cứ lên đến cái máy bay là phải đòi ngay cái chăn. Máy bay Việt Nam ta cũng lạnh, nhưng là chỉ
mát mát thôi, chứ có phải Bắc cực đâu mà… Trong số rất nhiều chăn được yêu cầu
ngay từ lúc cất cánh ấy, phần lớn không được giở ra đắp, nhưng cứ là yêu cầu
đã, như sợ mất quyền lợi. Khổ cái cứ phải yêu cầu ngay từ lúc cất cánh, là lúc
các cô tiếp viên bận chết thôi. Đi máy bay của Singapore Airlines mà bay sang
Ấn Độ, họ phát chăn luôn từ đầu vì nhiệt độ hạ cực thấp, rét run cầm cập, khỏi
yêu cầu. Chắc họ sợ các ông Ấn Độ nhiều mồ hôi sinh mùi trong máy bay chăng?
Mà chẳng hiểu
sao, mình đi máy bay trước và sau khi cất hạ cánh, chẳng có ai để gọi điện thoại
cả, người thân thì vừa gặp lúc nãy, mấy hôm nữa lại gặp. Mình thực sự thèm muốn
được như những người xung quanh, vừa ngồi vào ghế là “A lô, lên đến máy bay rồi,
ờ nhé, thôi đi nhé” và “A lô, vừa hạ cánh rồi, ra đón chưa?”. Như một anh nông
dân thứ thiệt, mình lủi thủi lôi cái va li bé tí, ra bắt taxi, về. Chẳng bao giờ
cần ai ra đón cả, kể cả lúc có quyền yêu cầu cũng không. Tính mình bủn xỉn,
tính ra cái xe của công ty ra đón mất vài tiếng, đi lại, đắt hơn taxi, thôi ta
làm thế nào tiện thì làm.
Dạo này đi
máy bay thấy bà con có vẻ bình tĩnh hơn, không như thời mới có máy bay giá vé rẻ.
Lại nhớ có bà cụ lên máy bay được con gái dẫn đi cùng cả nhà, ăn xong bát mì úp
(phải mua 30 nghìn), cụ trèo lên ghế, quay lại cười hồn nhiên nhìn với qua dãy
ghế của mình giao lưu với cháu ở dãy sau mình, tay xỉa răng tanh tách… nay chỉ
thỉnh thoảng có anh thò cái chân đi bít tất vào khe giữa hai ghế của mình và
người ngồi cạnh mà thôi.
Đi cái máy
bay nào toàn “Tây” là rất thích, cả khoang hành khách cứ lặng như tờ…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment