Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, November 8, 2014

Lưỡi tầm sét trên thiên đường

Năm 2009 tại Sài Gòn
có vụ bêtông rơi từ cần cẩu
bẹp chiếc ô tô,
ba người bị thương nặng
Giựt tít như vậy giống bài hát của Eric Clapton, “Giọt nước mắt trên thiên đường”, ông ấy thương xót đứa con trai của mình ngã từ ban công cao xuống sân, còn ngày hôm nay [1], chúng ta cầu nguyện cho một người mới ra đi được siêu thoát, còn hai người khác nằm bệnh viện chóng qua khỏi. Sáng sớm, một thanh sắt nào đó rơi từ cần cẩu của công trường xây dựng đường sắt trên cao, đường Trần Phú, Hà Đông.

Chuyện một cái gì đó tự dưng rơi vào đầu người đi đường, không phải bây giờ mới xảy ra. Trước đây cũng đã có lần, theo mình nhớ được ít nhất hai trường hợp: một lần xà sắt rơi chết công nhân ở công trường, còn lần khác, bê tông rơi bẹp xe Honda Civic đi dưới đường. Trên đường Lạc Long Quân có một công trình ngày xưa thi công khá lâu, bây giờ là trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp, mà ngày nào đi qua, mình cũng sợ cứng cả người vì cái cần cẩu của công trường, phần lớn các hôm khi nghỉ vào cuối ca, cũng treo một vật gì đó và thò ra đường. Hôm thì cái thùng sắt đựng dụng cụ khoảng nửa mét khối, hôm thì cả một cái xe cải tiến bằng sắt. Mình chụp ảnh lại, về gửi kèm thư điện tử cho một tòa soạn báo mạng nhưng không thấy phản hồi, coi như rơi vào “im lặng đáng sợ.”

Còn đại đa số bà con, vẫn chiều chiều đi qua đi lại ở dưới cái xe cải tiến đó, sợ thì có sợ đấy, nhưng vẫn phải sống, coi như là “sống cùng sợ hãi.” Lâu dần thành quen, những cái đó trở thành bình thường. Và nếu như một ngày, cái dây cáp hoặc cái móc cẩu đó có vấn đề và xe cải tiến rơi xuống, thì “Trời gọi ai người ấy thưa.” Nhìn thấy đấy, biết đấy, nhưng nếu bây giờ bảo ngồi mà viết cái đơn phản ánh, thì chúng ta sẽ có một nghìn lẻ một lý do để ngại ngần. “Thôi, đấu tranh thì tránh đâu…” “Ai người ta giải quyết việc đó, chính quyền có xuống phong bì một cái là xong ấy mà…”

Dễ tìm thấy ngay sự quy kết đầu tiên cho những người đang thi công trong công trình, nào là “vô cảm…”, “vô trách nhiệm với tính mạng của người khác…”

Tất cả những điều trên, đều đúng cả. Chúng ta đang ngày ngày sống trong sự vô cảm với tính mạng của người khác. Nhưng, lúc nào cũng lại là “nhưng.”

Thử đặt mình vào địa vị của một người sống trong đô thị của Việt Nam, khi bạn tự đứng ra xây cho mình căn nhà, chắc chắn trong hoàn cảnh điều kiện hiện nay, tốp thợ đến làm nhà cho bạn sẽ dựng lên trên mái vài thanh sắt hoặc gỗ, dựng lên một hệ thống pa-lăng, dùng một cái máy nổ điêden hoặc động cơ điện và kéo văng tê cái xô cao su đựng bêtông lên tầng ba, tầng bốn nhà bạn; cũng chính hệ thống đó họ kéo đủ các thứ khách lên: gạch, gạch lát… và tời đủ các thứ xuống. Và bạn hãy hiểu cho rằng với cái hệ thống cần trục tự chế tầm cỡ đó, hoàn toàn có khả năng ném cái xô bêtông hoặc chục viên gạch vào đầu một ai đó đi bên dưới. Người viết bài này cũng vừa nghe chuyện người quen có mẹ vợ, bị chính những người công nhân xây dựng nhà cho mình, quẳng một thùng sơn vào đầu theo cách đó và từ giã cõi đời ngay tại chỗ. Vậy nhưng, liệu bạn có đủ can đảm móc túi trả thêm tiền cho “công nghệ cũ” – cần cẩu chạy bằng cơm, hoặc thuê một cái thang máy (vận thăng) đúng tiêu chuẩn an toàn hay không? Chắc là không, hoặc nếu bạn làm, người ta sẽ cười và cho rằng bạn là hâm.

Năm ngoái nhà mình sửa nhà, và đội thợ cũng sử dụng “công nghệ cần trục” kiểu đó. Nhà có sân, nên việc người đi lại dưới cái “cần cẩu” là không có, nhưng mình cũng chưa rõ nếu nhà không có sân mà việc đó diễn ra ở đường đi công cộng, thì mình có dám móc hầu bao trả cho cái sự “an toàn xa xỉ” đó hay không.

Hiện trường vụ tai nạn tại dự án Đường sắt trên cao, đoạn Hà Đông. 
Ảnh: Nhị Tiến
Cũng có thể chúng ta cho rằng, chủ thầu xây dựng thì trong mười người, học đại học xây dựng may ra chỉ được một, và trong một người đó không biết anh ta có chấp hành những quy tắc về an toàn lao động hay không. Nhưng trước hết, chúng ta cần tự vấn bản thân chúng ta cái đã. Có thể ở những môi trường khác, một nước khác, những việc tiềm tàng rủi ro như thế, con người không bao giờ dám làm, không bao giờ nghĩ đến được làm, thì ở ta, lại trở thành bình thường.

Bởi vì chúng ta quen sống với những tiêu chuẩn kép. Có thể chúng ta dám lên tiếng trước một việc nào đó ảnh hưởng đến bản thân, nhưng nhiều khi, việc có thể ảnh hưởng đến người khác, chúng ta vẫn tặc lưỡi cho qua vẫn để cho nó được tiến hành. Tất cả chúng ta đều dễ dãi như thế, từ bản thân chủ công trình, người thi công đến chính quyền cũng dễ dãi chỉ “phạt cho tồn tại”, thì làm sao mỗi người trong số chúng ta, thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Nói một cách khác, thiên đường và địa ngục, chính chúng ta tạo ra, không phải ai khác. Chừng nào mà chúng ta còn sống với “tiêu chuẩn kép”, thì “thiên đường” luôn luôn có những “lưỡi tầm sét” treo lơ lửng trên đầu sẵn sàng giáng xuống.
____________ 
[1] Bài viết ngày 8 tháng 11 năm 2014

Bài trên "Tuần Việt Nam" (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment