Một bức ảnh sau khi photocopy |
Không phải chỉ
có ta, mà có cả tây, nhiều khi vẫn gọi “ảnh đen trắng” là ảnh đen trắng, nhưng
nếu lên Google mà gõ “B/W photography” + “wiki” thì trang của Wikipedia nó ra một
bài về “Monochrome photography” – nghĩa là ảnh đơn sắc. Vậy thì hai cái này (ảnh
đen trắng và ảnh đơn sắc) nó khác nhau như thế nào?
Ảnh “đen trắng”
đúng nghĩa, là bạn hãy thử đem một bức ảnh (màu đi, cho nó dễ hình dung) đặt
vào máy phôtôcóppi, kết quả là bạn sẽ được một bức ảnh chỉ có hai màu đen và trắng,
kể cả những chỗ đen tưởng là nhạt hơn chỗ khác, vẫn là đen, máy phôtôcóppi có
thể giảm mực chỗ đó nhưng nó vẫn là đen.
Còn ảnh
“monochrome” tức ảnh đơn sắc, chính là ảnh “đen trắng” ngày xưa chúng ta vẫn chụp
bằng phim âm bản, rồi tráng và sau đó
rọi ra ảnh trong buồng tối. Điểm khác biệt
cơ bản của chúng chính là ở một yếu tố rất quan trọng là “sắc độ xám”
(grayscale), nghĩa là có sự chuyển từ đen hẳn sang trắng hẳn qua các bước “đen
trắng nhờ nhờ” hay là các mức độ khác nhau của màu xám. Nếu như bạn nào đã từng
ngồi scan phim âm bản bằng máy scan chuyên dụng thì sẽ thấy, nó có nhiều chế độ
scan cho ra các loại ảnh khác nhau, trong đó “B/W” hay “đen trắng” sẽ là ảnh
như qua máy phôtôcóppi, còn ảnh “grayscale” hay “monochrome” chính là ảnh đen
trắng như ngày xưa chúng ta chụp bằng phim “đen trắng.”
Sở dĩ tại sao
mình muốn viết bài này, vì xem nhiều bức ảnh của anh em chụp bằng máy ảnh số và
bằng vài cách, biến nó thành ảnh “đơn sắc.” Có vài cách như thế, nhưng hoặc là
chụp thẳng ở trên máy ảnh số bằng áp dụng profile “monochrome”, hoặc về làm hậu
kỳ trên máy tính. Bất luận làm bằng cách nào, thì việc này cũng đòi hỏi người
chụp ảnh có khái niệm về “sắc độ xám”, mới có thể cho ra được bức ảnh “đơn sắc”
đầy biểu cảm như thời xưa chụp phim.
Tất nhiên là
trừ phi bạn muốn thể hiện rõ, hoặc ảnh này là “ảnh đơn sắc của kỷ nguyên kỹ thuật
số” hoặc ảnh này là “ảnh đen trắng” thì mình không bàn tới.
Hôm qua hôm
nay liên tiếp được xem những bức ảnh chân dung các bác chụp rồi chuyển đơn sắc
(đúng là đơn sắc nhé, không phải là ảnh đen trắng), nhưng độ tương phản
(contrast) quá gắt, do đó làm cho mặt mẫu trở nên cũng có độ tương phản quá lớn,
vệt đen quá đen, vệt trắng quá trắng, nổi gò nổi cục nổi đống lại còn nhem nhem
nhuốc nhuốc như mặt bị bôi bẩn vậy.
Xin báo cáo với
các bác, chính ảnh phim đen trắng độ tương phản của nó lại rất thấp, chứ không
quá cao như thế. Những tấm ảnh đơn sắc tương phản gắt đến gần như đen trắng như
vậy, chỉ có ở thời đại kỹ thuật số. Ảnh phim chân dung đen trắng phải đảm bảo
được “độ dịu dàng” trong chuyển sắc, tức là bước của sắc độ xám, phải êm nhẹ,
không được gắt, từ đen sang trắng đến “huỵch một cái” là không đạt.
Theo kinh
nghiệm cá nhân của mình thì chụp ảnh số chuyển sang đơn sắc, máy ảnh đời mới,
cao cấp hơn thì làm tốt nhiệm vụ hơn vì khả năng chuyển giữa các màu của sensor
đời mới thường rất tốt. Những máy ảnh “ngắm chụp” khi chụp ở chế độ “đen trắng”
thì ảnh rất tệ, không bao giờ nên áp dụng. Để cùng nhau trao đổi thêm về kỹ thuật
chụp ảnh đơn sắc trong điều kiện hiện nay, xin chuyển ngữ sơ bộ một bài viết của
Darren Rowse về “Năm mẹo chụp ảnh đen trắng digital” (ở đây tác giả dùng từ
“đen trắng” nên chúng ta cứ hiểu vậy, nhưng thực tế, chính là đơn sắc.)
1. Chụp ở
file RAW
Tôi biết là
nhiều bạn đọc không chụp ở file RAW vì hoặc là máy ảnh của họ không cho phép,
hoặc vì các lý do khác (dung lượng lớn, tốn thẻ, không thuận tiện – ND), nhưng
thực sự nếu bạn chụp file RAW rồi mới chuyển ảnh về đen trắng khi làm hậu kỳ, bạn
sẽ thực sự thấy sửng sốt với kết quả mang lại.
2. Chụp ảnh mầu
Nếu như máy ảnh
của bạn không cho phép chụp file RAW hoặc bạn không lựa chọn, thì bạn nên chụp ảnh
màu. Mặc dù, nhiều máy ảnh cho phép chụp luôn ra ảnh đen trắng (như trên đây đã
viết: “bằng áp dụng profile “monochrome””) nhưng nếu bạn chụp ảnh JPG và ảnh
màu, thì nó (file ảnh – ND) sẽ chứa nhiều thông tin về màu sắc hơn nhiều so với
ảnh đen trắng được chụp gốc trong máy ảnh, và bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc
xử lý hậu kỳ chuyển nó sang đen trắng (trong máy tính – ND). Còn nếu bạn chụp ảnh
màu và file RAW thì tuyệt vời, vì nó sẽ chứa đầy ắp thông tin để bạn xử lý hậu
kỳ, kể cả lúc chuyển nó sang đen trắng, các thông tin đó sẽ là rất tốt “cho cả
hai thế giới” (ý tác giả là đen – và trắng). Rất may là (nhiếp ảnh gia) Joost bạn
tôi đã nhắc tôi nhớ ra điều này (để viết vào đây – ND.)
3. Chụp ở ISO
thấp
Trong khi các
nhiếp ảnh gia muốn ảnh đen trắng của mình có những hạt nhiễu (cho giống ảnh
phim – ND) và tăng ISO lên, nhưng trên thực tế, nhiễu tạo ra ở ISO cao khác với
“hạt nhiễu” hay “ganh” (grain) của phim. Do đó, tốt hơn cả là bạn cứ chụp ở ISO
thấp nhất có thể và “thả” hạt vào khi làm hậu kỳ.
4. Lúc nào chụp?
Nhiếp ảnh gia
kỹ thuật số kinh nghiệm thường chụp ảnh đen trắng của mình ở độ tương phản rất
thấp. Do đó những ngày thiếu sáng, u ám, thường lại là những ngày rất tốt cho
nhiếp ảnh đen trắng. Hãy gạt đi những lý do như “Hôm nay tối quá chụp choẹt
gì!”, đơn giản là xách máy lên và ra chụp đi, hôm nay rất ôkê cho ảnh đen trắng
đấy.
5. Bố cục và
thành phần của ảnh
Nhìn chung
quy tắc cho nhiếp ảnh đen trắng thì không khác biệt nhiều so với ảnh màu, nhưng
điểm khác biệt cơ bản là bạn sẽ mất đi khả năng dẫn dắt người xem ảnh bằng màu
sắc. Do đó, bạn cần phải chú ý đến các yếu tố: đường nét, cấu trúc bức ảnh và
tông màu (ở đây ý tác giả chính là “sắc độ xám”) của khung hình. Bạn cũng cần
phải chú ý nhiều hơn đến vùng tối và vùng sáng trong tấm ảnh của bạn, chính
chúng sẽ là điểm thu hút người xem và lấy điểm cho ảnh của bạn.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment