Câu chuyện thứ
nhất – dạng giai thoại. Ngày xửa ngày xưa có chú sinh viên đi thi môn vật lý, bốc
được đề thi “Cho một cái khí áp kế, làm thế nào đo chiều cao của tòa nhà.” Chú
sinh viên trả lời: “Em trèo lên nóc nhà,” (Thày: “à, thằng này bắt đầu đúng…”) “Em
dùng một sợi dây, buộc cái khí áp kế vào rồi dòng xuống chạm đất, em kéo lên đo
chiều dài sợi dây là ra chiều cao tòa nhà.” Thày cáu:
“Tại sao lại
giải bài toán vật lý như thế?” “Vì cách đó là dễ nhất và ít sai số nhất.” “Nhưng
bài toán vật lý ở đây không giải theo kiểu cơ hình học như thế, tôi cho cậu trượt
lần sau đến thi lại.” “Tại sao thày đánh trượt em, em giải đúng.” Chú sinh viên
cự nự. Thày đành tạm hòa hoãn: “Thôi được, tôi cho cậu trả lời lại, nếu được,
tôi sẽ cho cậu qua.” “Thưa thày, em cầm khí áp kế, trèo lên nóc nhà…” (Thày khấp
khởi: “à, lần này chắc tử tế đây…”) “… em lên nóc nhà, cầm khí áp kế một tay,
tay kia cầm đồng hồ bấm giây, rồi thả cái khí áp kế rơi từ trên nóc nhà xuống,
khi nào nghe “choang” một cái em bấm dừng đồng hồ. Biết gia tốc trọng trường là
9,8m/s2 với thời gian rơi vừa đo được em tính ra được chiều cao tòa
nhà…” Thày điên tiết: “Ai cho anh phá khí áp kế như thế hả?” “Nhưng em giải theo
cách vật lý hơn cách đầu…” “Yêu cầu của bài toán này phải giải cách khác. Tôi
cho anh trượt.” Chú sinh viên lên hiệu trưởng, kiện. Ông hiệu trưởng xuống gặp
thày hỏi thi ra ngọn ngành câu chuyện. Ông hỏi chú sinh viên: “Thế bây giờ cho
em đưa ra một phương pháp giải thứ ba, em có giải được không?” “Được ạ. Em đặt
cái áp kế lên tường, vạch một vạch, rồi đặt lại theo vạch đó, vạch vạch nữa… cứ
thế đi theo cầu thang lên tận nóc tòa nhà. Em xác định được đường kính cái khí
áp kế, nên hoàn toàn có thể tính được chiều cao tòa nhà…” Ông hiệu trưởng phì
cười: “Thày hiểu ý em rồi, nhưng thôi, em chắc hiểu yêu cầu của đề bài ứng với
chương trình học yêu cầu trình bày cách giải như thế nào, em nói cho thày nghe.”
“Vâng, em đem cái khí áp kế đo áp suất khí quyển ở mặt đất, rồi trèo lên nóc
nhà đo áp suất khí quyển trên nóc nhà, từ chênh lệch áp suất đó tính ra chiều
cao tòa nhà…” Chú sinh viên là Niels Bohr [1] và ông hiệu trưởng là Ernest
Rutherford [2]
Câu chuyện thứ
hai. Nếu hỏi bác nào thích học vật lý vào thời gian cuối những năm 1970 đến thập
kỷ 1980, chắc có bác nhớ được hồi đó Nhà xuất bản giáo dục có in cuốn “Vật lý
phổ thông trình bày theo lối mới” của Liên Xô cũ, vốn được xuất bản ở Liên Xô
vào thập kỷ 1960. Hồi trung học, mình rất thích học vật lý và học khá môn đó,
khi “vớ” được cuốn sách này, thật là tuyệt vời. Tất cả các khái niệm cơ bản của
môn vật lý phổ thông, được trình bày một cách cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Hơn
thế nữa, sách chỉ ra rất nhiều cách minh họa sai của vật lý phổ thông các định
luật vật lý, nhất là ở phần cơ học. Có lần làm bài kiểm tra một tiết môn vật
lý, mình được một con “9” với lời phê: “Lười học lý thuyết.” Mình hỏi lại thày
chủ nhiệm, đồng thời dạy vật lý của lớp: “Thưa thày bài này em làm đúng.” “Bài
này anh làm đúng và xứng đáng được 10 điểm, nhưng phần lý thuyết phát biểu định
luật vật lý, yêu cầu của tôi ra đề bài là phải viết lại đúng như trong sách
giáo khoa, không sai một chữ.” Trí nhớ của mình thuộc loại tốt, đọc luôn cả hai
định luật, như trong sách giáo khoa và như trong cuốn sách nói trên đây, đều
không sai một chữ. Lúc đó thày chắc nhớ ra có cuốn đó, nhưng thày vẫn đưa ý kiến:
“Sau này khi anh thi đại học yêu cầu của phần lý thuyết vẫn là viết không sai một
chữ trong sách giáo khoa.” Thày nói đến đó thì mình chịu, thày nói đúng, cái thời
đó nó thế.
Hai câu chuyện
cho thấy một điều, học sinh sinh viên hết sức sáng tạo hoặc không muốn bị gò vào cái khuôn cứng đơ, thời nào cũng vậy, chỉ
có người lớn làm hỏng trẻ con đi thôi.
Một. Nhớ lại
thời đi học cấp một (bây giờ là tiểu học), chẳng học hành gì bao giờ. Về nhà
chơi nhông nhông hết đánh khăng đến đánh đáo, thả diều chọi quay… thôi thì đủ
trò. Bài vở cô có giao, nhưng làm tí là hết, khoảng 15 phút hay hơn một chút.
Hoàn toàn không biết cô cho bao nhiêu điểm, ngày nào cũng có điểm nhưng là chỉ
cho vui thôi, chứ không quan tâm điểm số, và về nhà vì mẹ là cô giáo, lại chẳng
thèm quan tâm đến điểm số của ông con.
Hai. Từ cuối
cấp hai đến cấp ba, rồi đi thi đại học, bắt đầu rơi vào vòng xoáy học thêm học
nếm, rồi thi đại học như đi đánh trận. Thi khó kinh hoàng, ví dụ như đề toán lý
hóa của những trường như Đại học Bách khoa, không đi “luyện thi” đố mà làm được
bài với kiến thức phổ thông. Cuối sách toán lớp 12, có phần đầu của “toán cao cấp”
nhưng hồi đó do không thi tốt nghiệp phần đó, thi đại học cũng không nên bỏ
không dạy.
Ba. Lên đại học
lại học toán cao cấp – môn toán ở trường thuộc khoa học xã hội, rồi sau đó
không biết dùng vào việc gì. Đến bây giờ vẫn không dùng và hoàn toàn không có
khái niệm gì về nó. Bây giờ cứ thử hỏi tất cả những bác nào có nghề nghiệp “không
dính gì đến toán” xem cái món “toán giun” vi phân tích phân ấy, có dùng vào việc
gì không hay là vô tích sự. Cũng ở đại học học lại lịch sử phần hiện đại từ
1930 trở lại đây, gọi là môn Lịch sử Đảng, có thêm một số phân tích liên quan đến
chính trị. Học đại học là một kiểu gì đó khó cắt nghĩa, vất vả thì cũng vất vả,
nhưng cuối cùng thì kể cả những sinh viên không bao giờ học hành, bằng cách nào
đó, đều tốt nghiệp được. Thậm chí có những bạn hồi đi học đạt được mức trung
bình là may, nay còn lên đến chức… hiệu phó một trường đại học ở thành phố Hồ
Chí Minh.
Bốn. Nhìn lại
toàn bộ những năm học phổ thông đặc biệt là ở trung học, thì thấy cách học cách
dạy của ta là dàn hàng ngang, đi song song tất cả các môn. Học sinh không có
quyền lựa chọn học ưu tiên môn nào và giảm nhẹ môn nào, môn nào cũng quan trọng
như môn nào. Đặc điểm “dàn hàng ngang” này lên đến cực điểm với trò thi vào cấp
ba của trẻ con bây giờ, thi một đống các môn rồi lại còn cái điểm “nghề” khỉ
gió gì đó nữa, mà 99,9% trẻ con sau đó chẳng bao giờ dùng đến cái “nghề” ấy cả.
Có nghĩa là việc trẻ con bây giờ đi học phải đi học thêm cả sử, địa… để thi tốt
nghiệp, hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn có bao giờ nghĩ xem một nền giáo dục kiểu
gì, mà nếu trượt cấp ba (không vào được trường nào) đồng nghĩa là đi học trường
dân lập, nghĩa là học trường “học sinh hư” và tương lai gần như chấm hết. Còn
các trường “máu mặt” thì “tỉ lệ chọi” còn dã man hơn thi đại học nhiều lần.
Sau khi ra
trường chục năm, bạn mình có lần nói với thày chủ nhiệm cũ dạy toán “Em thấy chẳng
cần học toán đến mức như thế, học cộng trừ nhân chia là đủ, tính toán phức tạp
hơn đã có máy tính.” Thày nói “Sai rồi, học toán là để học phương pháp tư duy.”
Nhìn chung, phát biểu như học trò như thế, có đúng cũng có chưa đúng. Học kiến
thức phổ thông cơ bản là cần thiết, rất cần thiết, bây giờ vẫn 90% kiến thức
chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày từ chương trình phổ thông. Nhưng nếu
chỉ có thể học phương pháp tư duy trong toán, thực sự không hẳn đúng – có phải
cứ học dốt toán là kém tư duy đâu, người ta có thể học được bằng nhiều môn
khác, cách khác.
Vấn đề là
chưa đưa được ra một nền giáo dục mở, trong đó học sinh được lựa chọn môn mình
thích nhất để học “mũi nhọn”, còn định hướng nghề nghiệp sau này.
Năm. Bên
Hongkong có thằng nhóc tì Joshua Wong, nói (khá bậy) như dân dã các cụ bà ngày
xưa “Đẻ được con như thế cũng mát hết cả cái “lờ”!” (bác nào choáng thì xin lỗi,
nhưng có cách nói thế thật.) Thằng bé mắt cận toét, gày còm nhom, tóc dựng tua
tủa như rễ tre, mà nó làm thủ lĩnh học sinh sinh viên chững chạc thế. Thời chống
Pháp học sinh Hà Nội hoàn toàn có những thủ lĩnh như thế, còn thời Việt Nam cộng
hòa, các thủ lĩnh học sinh Việt Nam trong các phong trào chống chiến tranh,
không hiếm, điều này các bác có tuổi có thời gian sống trong đó biết rõ hơn.
Câu “người lớn làm thui chột trẻ con” hoàn toàn đúng. Ở Việt Nam ta mấy năm nay
được vài thành phố lớn, các gia đình mức thu nhập tăng lên, có điều kiện cho
con đi học các trường có môi trường mở rộng hơn, nên các cháu tiến bộ hơn nhiều.
Đại đa số thì vẫn là một lũ lơ ngơ.
Sáu. Chính vì
cách học dàn hàng ngang nên Việt Nam ta đang làm ngược lại với thế giới. Môn
nào cũng phải cố điểm số tốt để được học sinh giỏi, nên cuối cùng môn nào cũng
phải học thêm. Ấy thế mà học thêm từ bé đến tận đại học, ra trường ngờ nghệch vẫn
hoàn ngờ nghệch, nào đã làm được việc đâu. Nền giáo dục bắt bố mẹ chở con đi học
thêm và bố mẹ thì cũng luẩn quẩn không thoát ra được cái tư duy “con mình phải
giỏi hơn con người khác” đó. Nước ngoài, người ta có thể cho con đi học thêm
nhưng là môn thế mạnh, môn con mình đã học giỏi sẵn rồi, để nó có hướng phát
triển, còn những môn đã yếu thì học cầm chừng thôi chứ “qua là được rồi!”
Bảy. Năm nay
giáo dục ta có nhiều cải tiến (chưa gọi là cải cách được), nghe đã thấy sướng.
Bỏ chấm điểm ở tiểu học, rồi bỏ thi học sinh giỏi, không tổ chức thi tuyển vào
lớp Sáu… Từ hôm bỏ chấm điểm, giảm tải học hành, các ông bố có vẻ sướng hơn. “Cho
nó chơi cho thoải mái. Ai đời trẻ con không có tí tuổi thơ nào cả.” Nhưng câu
chuyện chưa dừng lại ở đó. Các bà mẹ thì rên lên ầm ầm: “Không chấm điểm, không
có bài tập về nhà… không biết con học hành như thế nào…” ngay cả ông bà, vốn
quen ngày nào cũng hỏi cháu “Hôm nay được mấy điểm?” nghe “Hai mười ông ạ…” là
cười tươi như hoa, nay hụt hẫng kinh khủng. Hay đi đón con cùng một bác gái đưa
đón cháu mới học lớp Ba, bác ấy hỏi “Con nhà ta đi học thêm chưa?” “Học thêm gì
cơ hả bà?” “Cháu nhà này bố mẹ nó bắt đi học thêm từ năm nay để chuẩn bị thi
vào lớp Sáu.” “Con nhà cháu không đi học thêm ạ, thi được vào trường nào thì
đi, không thì về trường làng mình học.” Chính ông bà cũng là những người băn
khoăn không kém, rằng bây giờ “Bỏ chấm điểm không biết cháu học như thế nào?”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
Tám. Chẳng biết
cải tiến ngon lành hay chưa, trước mắt là ngay trong các gia đình hoàn toàn
chưa “thông” vụ “Bỏ chấm điểm không biết con cháu học như thế nào?”. Xin thưa,
không như thế nào cả, nghĩa là bỏ chấm điểm, các cháu học bình thường, không
quan tâm đến điểm số, ganh đua nữa. Còn chuyện học hành, trẻ con làm bài có
sai, có đúng là bình thường, vậy thôi có sao đâu. Cho nó chơi cho thoải mái, học
làm gì nhiều vì đằng nào sau này cũng có dùng đến đâu nếu không theo nghề đó,
còn nếu đụng vào thì đã có… giáo sư Google. Nó thích môn gì hẵng đầu tư thật
nhiều cho nó môn đó để nó phát triển tốt, thế thôi mà.
Nhưng nếu
tình hình căng quá, “mâu thuẫn nội tại” các gia đình không giải quyết được, một
thời gian nữa không khéo phải phát động yêu cầu Bộ giáo dục cho chấm điểm trở lại
không biết chừng.
_________________________
[1] Niels
Henrik David Bohr (1885 – 1962) là nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng
góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó
mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực
thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông có người thày hướng dẫn nghiên
cứu khoa học rất nổi tiếng Ernest Rutherford tại Đại học Manchester.
[2] Ernest
Rutherford (1871 - 1937) là một nhà vật lý người New Zealand hoạt động trong
lĩnh vực phóng xạ và cấu tạo nguyên tử. Ông được coi là "cha đẻ" của
vật lý hạt nhân.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment