Một. Không bàn về hành động của người thanh
niên Việt Nam đi mua điện thoại ở Sim Lim Tower Singapore, nhưng những hành xử
của người Singapore nói chung, đó mới đúng là bảo vệ quốc thể. Bảo vệ quốc thể
là trước hết phải làm như thế nào cho khách nước ngoài người ta còn muốn quay lại
nữa, chứ không phải là “một đi không trở lại.”
Hai. Có lần đọc trên diễn đàn trực tuyến nào
đó, thấy có một thành viên phàn nàn nhìn thấy thanh niên phố Hàng Gai vác ghế
đuổi đánh khách du lịch nước ngoài. Thường những việc xích mích, xô xát như vậy
xuất phát từ vài nguyên nhân: bất đồng ngôn ngữ, tính chuyện “chăn dắt”, “móc
túi” (trong ngoặc kép) khách “Tây” nhưng nhiều khi không đạt được kết quả, nên
xửng cồ lên gây sự đánh người ta. Đó là việc làm nhục quốc thể.
Ba. Tự hỏi những người vác ghế đánh khách nước
ngoài kia, có bao giờ dám bước chân đi ra nước ngoài du lịch hay không? Nếu đi
ra nước ngoài, họ cũng bị “chăn dắt” như vậy, thậm chí, họ bị hành hung, đánh đấm
như vậy… thì họ nghĩ sao? Hay chỉ dám hung hăng ở nhà và đi ra ngoài thì “như
con gián”? Hành động như vậy khá giống một hình ảnh vẫn ví von: “Chó cậy gần
nhà.”
Quỹ đạo của Rossetta |
Bốn. Những chuyện đi ra nước ngoài vào siêu thị
ăn cắp đồ, thôi không nói nữa. Nhưng liệu trong số chúng ta, ai đó lên tiếng chỉ
trích người thanh niên khóc lóc quỳ lạy ở Sim Lim Tower kia là “làm nhục quốc
thể, mất nhân cách”, nhưng liệu chúng ta có chen lấn xô đẩy khi xếp hàng, khi
đi đường, có vượt đèn đỏ, có vứt rác ra đường, hay lớn hơn, có sách nhiễu người
khác trong công tác, có tham ô… hay không? Tại sao cứ phải tìm cái “quốc thể”
và “nhân cách” ở tận đâu đâu nhỉ?
Năm. Nếu như phải khóc và quỳ khối lậy một ai
đó, cái ích lợi cho xã hội và người khác mang lại lớn hơn nhiều, liệu chúng ta
có dám làm không? Ví dụ, nếu phải quỳ lậy một ai đó cứu mạng sống của một người
khác, vào thời điểm hiện tại, mình sẵn sàng làm, không đắn đo. Một khi nhận ra
được, cái “tôi” của mình không là gì cả, vì mọi thứ đều là huyễn, hư ảo… thì
chuyện quỳ lạy hay khóc lóc, có nghĩa lý gì đâu. Sẽ không ai trách chúng ta làm
nhục quốc thể hay đánh mất nhân cách trong chuyện đó.
Sáu. Nói đến cứu mạng sống người khác, cách đây
hai hôm thực sự muốn khóc vì xúc động khi đọc tin một cháu bé được cứu sống sau
17 ngày nỗ lực chiến đấu giành giật sự sống cho bé của các y bác sỹ, nhân viên
y tế. Cháu bé bị văng khỏi bụng mẹ bị tai nạn giao thông, được đưa đến bệnh viện
với một cái chân đứt lìa ướp đá. Hãy gạt ra những tệ nạn nhận phong bì nào đó vẫn
đang bị dư luận chĩa mũi dùi, ngành y tế vẫn phải làm tốt chức phận của mình: cứu
sống mạng người. Cháu bé mất mẹ, nhưng đã tìm thấy một người mẹ khác: cuộc đời.
Bảy. Mình đã từng nói chuyện “Tự hào luận”, và
thực sự hôm qua có một chuyện cảm thấy tự hào. Con tàu vũ trụ Rosetta đưa chiếc
rôbốt Philae lên thám hiểm sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Chuyện tưởng chừng
chỉ có trong phim của Hollywood “Armageddon” (1998), nay đã thành sự thật. Nghe
sơ sơ trên tivi, thấy sao chổi vào thời điểm được tàu vũ trụ tiếp cận cho rôbốt
đổ bộ, cách trái đất 500 triệu kilômét. Ngay lập tức bằng kiến thức vật lý phổ
thông, mình nghĩ ngay là tàu vũ trụ sẽ phải bay rất xa và lâu, hơn thế nữa quỹ
đạo của nó phải được tính toán thật tuyệt vời để có thể tiếp cận được thành
công đến vậy. Việc tiếp cận để đổ bộ, không thể bay lên đón đầu như ta đón xe
đò được, mà phải có một giai đoạn tàu và sao chổi bay đồng hành… Lên mạng xem,
thật là một công trình vĩ đại: dự án được bắt đầu cách đây 25 năm, tàu phóng
cách đây 10 năm và nó đã phải bay 6 tỉ kilômét để bắt kịp một sao chổi bay với
vận tốc 18 kilômét một giây. Có 2000 người làm việc cho dự án tốn 1,3 tỉ Euro.
Mình thực sự tự hào, vì được là một thành viên của… nhân loại vào thời điểm
ngày hôm qua, 13 tháng 11 năm 2014.
Tám. Hồi năm 1978, có cuộc thi vẽ tranh cho đối
tượng dự thi là các cháu thiếu nhi, được phát động trên báo “Thiếu Niên tiền
phong”: “Năm 2000 em sẽ sống như thế nào?”. Mình cũng tham gia vẽ bản thân trở
thành phi công vũ trụ, còn tưởng tượng ra mọi người đi làm bằng những chiếc xe
biết bay, nhà cửa trên không, loài người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu,
tất cả sản xuất là các rôbốt đảm nhiệm.
Rôbốt Philae thám hiểm sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko |
Chín. Năm 2010, Hà Nội sinh nhật 1000 tuổi, người
ta định chôn điện thoại di động công nghệ Thẩm Quyến xuống đất để 100 năm sau
con cháu đào lên. Con người đã chế tạo được máy bay trực thăng, nhưng cái thì “được”
lập biên bản cấm bay dù đã cong queo, cái bay được mấy trăm mét thì số phận
cũng không hơn gì. Nhưng con người cũng đã chữa (thay máy xăng bằng máy dầu, chắc
là xe tải Hyundai) và tự chế tạo được xe bọc thép và được “phong tướng” mà chẳng
cần “tâm tư” gì sất. Con người đúng là sẽ sống trong những căn nhà trên cao thật,
nhưng là những căn hộ trên cao, tồn tại dưới dạng plasma hay dạng vật chất đặc
biệt nào đó, lơ lửng trong không khí và chưa biết bao giờ sẽ được hoàn thiện và…
giao nhà. Con người đúng là cũng làm theo năng lực lờ đờ, chạy chọt rất khỏe hết
vài chục ngàn USD để kiếm được một việc làm lờ phờ, và lại kiếm chác trở lại bằng
những biện pháp khỏe khoắn không kém nhưng lại là những biện pháp làm nghèo đất
nước. . Thay vì đi lại bằng những chiếc xe đệm từ
tính hay công nghệ gì đó bay trên không, con người vẫn đu dây cáp, qua sông.
Mười. Hôm qua nhiều đệ tử đứng tim khi nghe tin
người Thày, Sư phụ, Thiền sư Nhất Hạnh nhập viện. Một ngôi sao sáng trên bầu trời,
một đời vì chúng sinh, lâm nguy. Cũng biết Cụ cao tuổi, lần này ốm cũng lâu lâu
và dù có qua được cũng chưa chắc đã tại thế được lâu, nhưng những gì Cụ truyền
cho chúng ta, chúng ta vẫn mong Cụ ở lại với chúng ta thật lâu hơn nữa. Một “ngôi
sao băng” chắc chắn sẽ tắt nhường chỗ cho những ngôi sao băng mới, nhưng chúng
ta vẫn cầu nguyện để Cụ ở lại thêm, tặng cho chúng ta nhiều kiến thức hơn nữa.
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật! Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment