Ở Hà Nội thì kể cả những ngõ ô tô vào được như thế này cũng không nên lái xe vào |
Công việc của
mình làm ở xa, nên Công ty có chính sách bố trí xe ô tô đón và đương nhiên là
có người lái cái xe đó. Với mình, anh chàng đó là cộng sự, không phải là người
làm thuê của cá nhân, hay gia đình, do đó cư xử với anh bạn đó giống bạn bè hơn
là người có “đẳng cấp thấp hơn.” Cậu ta cũng rất quý mình, coi như anh của cậu
ta vậy.
Nhà tận giữa
ngõ khá hẹp, mình không bao giờ bắt cậu ta đưa đón tận nhà, chỉ những khi thật
cần thiết ví dụ như cần chở những vật nặng đi hay mang cái gì đó về nhà để tạm
trước khi đi công tác. Tương tự, mỗi lần đi công tác về không bao giờ bắt cậu ta
chở về đầu ngõ thôi chứ chưa nói đến chở về nhà – vì nếu cậu ta đưa về đúng giờ
tắc đường sẽ mất thêm hàng tiếng đem xe về công ty cất rồi lóc cóc lấy xe máy về
nhà – trong khi đó nếu mình đi bộ chỉ mất 15 phút. Lần duy nhất cậu trợ lý của
mình bắt lái xe vào tận ngõ sâu đón (150 mét) không có đường ra và phải lùi ngược
ra, mất đúng 40 phút đã làm mình nổi giận, mắng chú ta một trận. Chúng ta không
phải là quý tộc hay ông chủ gì, mà chúng ta là những người lao động như nhau,
làm thế nào tạo điều kiện cho nhau làm việc tốt nhất thì thôi, những việc không
đáng thì cố mà làm, đừng hành hạ nhau.
Đi trong đường
hẹp thường hay vướng, mình thường tự mình xuống xe, dắt gọn xe máy xe đạp vào để
ô tô đi. Offroad trên rừng cũng tự mình xuống, vẫy cho xe qua những chỗ hiểm trở.
Tuyệt đối không bao giờ ngồi trên xe mà gióng giả: “Xe ai đây ấy nhể?”; lại
càng nhắc anh em và bản thân không bao giờ bấm còi nhặng xị, inh ỏi.
Chú em thân lắm,
kể em đi vào làng, biết rõ đường làng rồi vẫn xuống xe, lịch sự hỏi thăm đường
thanh niên địa phương, nên thay vì họ sẽ gây sự, họ chỉ đường rất tận tình, có
khi còn lấy xe máy ra dẫn. Mình cũng thường hay như vậy. Đã hỏi đường, xuống
xe, lại gần, bỏ kính bỏ mũ, chào hỏi đàng hoàng, hỏi đường xong cảm ơn.
Đi ô tô dễ
gây mích lòng những người đi đường khác, hoặc người dân sinh sống xung quanh,
nên việc đầu tiên học là học cư xử khiêm tốn và lễ độ. Nếu không bức thiết, gửi
xe đi bộ vào đường hẹp, tránh được bao nhiêu phiền phức. Nếu bạn gặp một dãy xe
máy dựng vướng mà bạn bấm còi giục hay gọi người ta ra dựng lại, khi bạn đi gần
đến chiếc cuối cùng, chắc chắn bạn sẽ gây bức xúc đến mức va chạm như chơi.
Tối nay mình
gặp một việc như vậy – đi đón con học tiếng Anh, người ta dựng một dãy xe máy
trong ngõ – do đó đến chỗ mình chiếc Fortuner đen mới cứng, đã bấm còi đến cả
chục lần. Ngõ nhỏ, còi to lộng óc. Mình biết nếu cố anh lái xe cũng có thể đi
được, nhưng vẫn quyết định dắt xe ra chỗ khác cho anh ta dễ dàng đi, nhưng anh
ta vẫn cố bấm còi lấy thêm tiếng nữa. Mình nói: “Anh đừng bấm còi nữa, mọi người
rất khó chịu!” Nhận ngay câu đôi co: “Không còi sao các anh tránh đường?” Mình
dựng xe vào chỗ gọn, rồi quay ra: “Anh đi ô tô càng phải học lịch sự, anh hiểu
chứ?” Ông ta tiếp tục giở giọng nói gì đó, làm mình đổ quạu: “Ông muốn gì hả?
Ông tưởng ông là ai hả?” Anh em bạn net gặp mình ở ngoài rồi đều biết, cả bộ dạng
lẫn giọng điệu của mình, tuyệt đối không hiền lành tí nào. Tất nhiên chuyện
cũng chỉ dừng lại ở đó, mình cũng không có ý định va chạm nặng thêm với anh ta
làm gì.
Thật chán,
bao nhiêu công tự răn dạy mình, vẫn có những lúc không kiềm chế được mà câu nặng
câu nhẹ, may mà chưa nhớ ra nghề cũ là… đánh nhau đường phố.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment