Tết Hàn Thực
bà ngoại làm bánh trôi bánh chay, nào xay bột gạo, nào giã đỗ xanh, nào cắt đường
mật, nhà đúng như một ngày hội. Nhưng có lần thay vì làm bánh chay, bà làm
thành bánh trôi tàu, cũng tương tự bánh chay thôi, nhưng bánh trôi tàu ăn nóng,
không ăn nguội như bánh chay…
Từ hồi chín mấy
(1990) cứ buổi tối là phải đi sang bên “khu gia đình” sân bay Gia Lâm lấy hàng
trong Sài Gòn gửi ra và gửi tiền thanh toán vào – hè cũng như đông. Tối hè có
cái vui đi đua xe máy vòng quanh Bờ Hồ, xuống Bà Triệu. Tối đông cứ hun hút,
hun hút… chỉ 8 giờ tối đã vắng tanh đường phố. Cầu Chương Dương cũng tối đen với
những ngọn đèn cao áp tít trên cao. Đường Nguyễn Văn Cừ chỉ có những chiếc xe tải
chạy cô độc, còn thì hai thanh niên, một xe máy, một con đường… Qua cầu đổ dốc,
phi ngay vào phố và một tối, phát hiện ra hàng bánh trôi tàu.
Trời gió mùa
đông bắc, một bát bánh trôi tàu nước gừng ngọt sắc và thơm lừng, thật tuyệt. Bất
ngờ hơn, người bán hàng là bác Phạm Bằng vẫn diễn những vai hài trên tivi. Ngồi
sau cái con ngựa đá trong mảnh sân nhỏ, mấy bóng đèn hình quả lê càng củng cố cảm
giác ấm cúng. Bác Phạm Bằng bảo, nếu các cháu có nhiều thời gian, lần sau qua
ăn lục tào xá, rồi lần sau nữa ăn chí mà phù… chứ đừng ăn ngay kẻo chán. Còn nếu
không có thời gian, chỉ ăn bánh trôi tàu là đủ, vì hai cái bánh, một cái nhân vừng
đen của chí mà phù, một cái nhân đậu xanh của lục tào xá…
Về sau có người
nói bánh trôi tàu của bác Phạm Bằng không nguyên bản, nhưng kệ, chẳng sao, với
mình không biết nguyên bản như thế nào, thì như thế là nguyên bản. Và cứ tuần một
lần, cứ đi “công tác” về khoảng chín giờ tối lại rẽ vào bác Phạm Bằng ăn bánh
trôi tàu. Con ngựa đá trong sân nhà bác, vì thế nó nhẵn mặt mình và mình cũng
quá quen với nó. Cả một “thời sinh viên sôi nổi” cứ tối mùa đông đi chơi với bạn
gái, loanh quanh phố xá chán ra, lại vào ăn bánh trôi tàu. Có lẽ bác Phạm Bằng
cũng không thể nhận ra được mình nếu chỉ căn cứ vào… cô gái đi cùng mình – vì mình
dẫn không biết bao nhiêu cô bạn gái vào đó mà kể.
Và cái vị ngọt
thơm lừng của nước đường chưng gừng, bùi béo của dừa, của lạc rang giã vỡ, của
vừng đen… thì vẫn thế, ăn vào ấm hết cả người, phấn chấn, dắt xe ra đi một
quãng nhìn ra Hàng Buồm, Chợ Gạo… đã thấy ánh đèn đường vàng vọt hắt qua tán
bàng xuống phố cùng vị bánh trôi tàu còn nguyên trong miệng – một cảm giác cực
kỳ Hà Nội.
Lại quá thân
quen với bác gái nhà bác Phạm Bằng, một bác tóc bạc mà lại uốn quăn, nước da trắng,
mũi cao, vẻ mặt thanh tú, rất sang trọng khó tả. Ngay cả việc bác ấy đem cho
khách bát bánh trôi tàu, bát chí mà phù… cũng rất duyên dáng. Và cái vẻ duyên
dáng ấy còn lây sang cả chị con gái (cũng không rõ bác Phạm Bằng có mấy chị con
gái nữa.) Rồi lại bẵng đi mấy năm, đến nơi thấy chỉ có bác Phạm Bằng và chị con
gái, thấy cả hai đã già đi, nhất là bác trai, già đi nhiều. Bác bảo, bác gái mất
mấy năm rồi… Tạm gác lại những tiếng cười bác Phạm Bằng mang đến cho chúng ta
qua các vai diễn, chúng ta gặp gia đình bác, một gia đình Hà Nội lặng lẽ mang
ngọt ngào và ấm áp đến cho những người Hà Nội khác đang đi chơi, đi làm về
trong giá rét. Người Hà Nội vậy đấy, họ có thể lặng lẽ, không bon chen, nhưng
cái lặng lẽ đó, vẫn đem lại cho cuộc đời những giá trị rất lớn, đã gặp, đã chứng
kiến rồi, không thể nào quên được.
… năm đó đưa
một cô bạn từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi – bạn ấy cũng bảo ở nhà bạn ấy có thể
làm được bánh trôi tàu ngon hơn như thế. Nhưng mình thì lại muốn chia sẻ với bạn
ấy cái bánh trôi tàu của tối mùa đông Hà Nội, muốn chia sẻ những ánh đèn đường
màu vàng hắt xuống đường trong giá rét… Ngồi ăn bánh trôi tàu mà ngắm những cặp
thanh niên chụm đầu vào nhau, thì thầm ăn bánh bên con ngựa đá. Như nhìn thấy
mình của mười mấy năm về trước, trẻ măng và tự tin, vì mọi thứ còn ở phía trước.
Vài tuần trước,
đưa cả nhà vào phố ăn phở xào Hàng Buồm rồi đi bộ sang Hàng Giấy tìm hàng bánh
trôi tàu của bác Phạm Bằng. Chỉ thấy một cái cổng nhỏ tối om, mảnh sân và con
ngựa chắc vẫn thế, nhưng không còn ánh sáng đèn quả lê và cái bếp lửa rực hồng
của bác nữa. Chị con gái ngồi nói chuyện với người hàng xóm ở cổng, không nhận
ra mình – nhận ra làm sao được cơ chứ! “Bác yếu, nghỉ mấy năm rồi anh ạ!”.
Hàng bia mậu
dịch bên cạnh đông nghịt người xem bóng đá Ngoại hạng Anh “Super Sunday.” Quá
thêm mấy bước qua quãng phố cong, Tạ Hiện nay là phố cà phê vỉa hè toàn các bạn
Tây ba lô và cả các bạn ta ngồi “chém gió.” Chị con gái bác Phạm Bằng đã gọi
mình bằng “anh”, chú thanh niên trẻ măng dẫn bạn gái đi ăn chè không còn nữa,
mà đã là người đàn ông tóc hoa râm...
Con ngựa đá
cùng mùi thơm nước gừng bánh trôi tàu đã ở lại phía sau, không bao giờ trở lại.
Chúng ta chỉ tìm gặp lại chúng qua những ký ức, cùng ánh đèn đường qua tán
bàng, cùng đêm đông giá rét Hà Nội… tất cả những điều đó, cứ tối mùa đông, lại
làm chúng ta nao lòng. Hà Nội sẽ có những món ăn mới, và cũng sẽ lại dẫn mất đi
những cái đã từng trở thành đặc trưng của nó. Ký ức về Hà Nội thì không mất, cũng
như ký ức về “Bác Phạm Bằng có bánh trôi tàu,” không bao giờ mất.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment