Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, January 3, 2015

Những cú sốc dầu mỏ thế giới trong thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - Phần 3

“Cú sốc dầu mỏ lần thứ hai”

Gây ra bởi sự kiện vua [1] Mohammad Reza Pahlavi (26/10/1919 – 27/7/1980) của Iran bị lật đổ và Giáo chủ Ruhollah Musavi Khomeini (24/9/1902 – 3/6/1989) lên nắm quyền ở Iran tháng Giêng năm 1979. Bối cảnh lịch sử của “cú sốc” lần này là giá dầu được duy trì ở mức thấp một thời gian dài sau “cú sốc lần thứ nhất 1973”. Tháng 9/1973, giá dầu chỉ có xấp xỉ 3 đôla một thùng. Dần dần mức cầu về dầu mỏ trên thị trường bắt đầu tăng khá nhanh. Tuy nhiên do sản xuất của Iran giảm mạnh đột ngột, giá dầu trên thị trường cũng biến động mạnh, mức tăng cao nhất 150%.

Đầu năm 1981 giá dầu bán ra của các nước OPEC là 32 đôla một thùng, giá vào cuối năm là 34 đôla. Do giá dầu tăng cao, các nước OPEC chủ yếu ở vùng Vịnh đã ngồi trên kho ngoại tệ khổng lồ - chỉ riêng năm 1980 họ đã tích được 102 tỷ đôla.

Ngày 22/9/1980, khoảng 1 năm rưỡi sau khi Giáo chủ Khomeini nắm quyền, nổ ra cuộc chiến tranh Iran – Iraq, sự kiện gây ra lo lắng cho toàn thế giới, liệu có xảy ra một cú sốc kéo dài về giá dầu hay không, nhưng thực tế, giá dầu chỉ lên quá ngưỡng 30 đôla một thùng chỉ trong khoảng 1 năm, đến đầu năm 1983, giá dầu đã hạ xuống 29 đôla một thùng.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc giảm giá dầu: lượng cầu giảm do giá tăng cao, các nước sản xuất dầu đã có những kho dự trữ lớn và sự phát triển của nghiên cứu những nguồn năng lượng mới thay thế năng lượng hóa thạch (điển hình là điện hạt nhân ở Pháp)… Các nước OPEC đứng trước yêu cầu phải giảm sản lượng dầu – do đó đến cuối năm 1981 sản lượng của các nước ngoài OPEC lại vượt nhóm này.

Đây cũng là giai đoạn các nước Châu Âu và Nhật Bản chuyển nguồn cung dầu của mình. Năm 1973 vùng Vịnh cung cấp 60% dầu tiêu thụ của Châu Âu, 90% của Nhật Bản thì đến năm 1980 đã giảm xuống tương ứng là 40% và 60%. Nguồn dầu vùng Vịnh cũng chỉ chiếm có 3% tổng lượng dầu tiêu thụ của Hoa Kỳ. Đây là cách mà Hoa Kỳ đối phó với cú sốc giá dầu: duy trì một đồng đôla mạnh cho phép Mỹ ít bị thiệt thòi hơn khi nhập khẩu dầu, trong khi đó các nước Châu Âu và Nhật Bản phải dùng đôla để nhập khẩu thì lại thiệt nhiều hơn. Chính sách này của Tổng thống Reagan đã can thiệp hiệu quả vào tình hình và giá dầu bắt đầu giảm, mặc dù các nước OPEC đã cắt giảm sản lượng từ 27 triệu thùng một ngày (1980) xuống 17,6 triệu thùng một ngày (1983.) [2]

Nếu như giá dầu lên cao thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Hoa Kỳ, thì với Nhật Bản tình hình lại khác – nước này đã vượt qua những “cú sốc tăng giá dầu mỏ” bởi những thành tựu kinh tế thần kỳ: chuyển hướng nền kinh tế từ sử dụng nhiều nguồn lợi “thô” sang hướng sản xuất công nghệ cao, như điều khiển học – điện tử, quang học, công nghệ sinh học… Công nghiệp thép, công nghiệp đóng tàu, người Nhật chuyển sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan: Thép Pohang (Pohang Steel), Tập đoàn thép Trung Quốc (China Steel); Đóng tàu Hyundai, Daewoo (Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding)… [3] Cách mà người Nhật vượt qua “cú sốc dầu mỏ” tuy thế chưa mở ra cho nhân loại nói chung một cái nhìn mới, hướng tới phát triển những công nghệ sử dụng năng lượng “xanh”, ngày càng ít phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Vũ khí dầu mỏ trong sự sụp đổ của Liên Xô

Michael Reagan, con trai của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, gần đây tuyên bố trên tạp chí chính trị điện tử dòng bảo thủ Townhall.com: “Tôi cho rằng Tổng thống Obama có thể muốn học cách của cha tôi, Ronald Reagan đã dùng để đánh bại Liên Xô. Ông đã làm điều đó mà không cần mất một viên đạn nào, nhưng như chúng ta đã biết, ông đã có một siêu vũ khí - dầu mỏ. Đến thập niên 1980, dầu mỏ chỉ là thứ duy nhất của người Xô-viết mà thế giới muốn mua, ngoài tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bom khinh khí – nhưng hai thứ sau này không phải để bán. Nhận ra sức mạnh của điện Kremli là dựa vào bán dầu mỏ, cha tôi đã gặp lãnh đạo Saudi Arabia để bàn về việc tăng sản lượng dầu mỏ. Giá dầu mỏ xuống làm mất giá đồng rub, Gorbachev đã lâm vào khó khăn, buộc phải chấp nhận perestroika và sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô.”

Công cụ đầu tiên ông Reagan dùng, đó là cuộc chạy đua vũ trang, nước Mỹ đã tăng ngân sách quốc phòng từ 134 tỷ đôla năm 1980 lên 253 tỷ đôla vào năm 1989, chiếm tới 7% GDP và tăng đáng kể thâm hụt liên bang. Cố bắt kịp nước Mỹ, Liên Xô cũng tăng ngân sách quốc phòng, chiếm tới 22 đến 27% GDP vào giữa thập niên 1980 và làm đóng băng sản xuất hàng tiêu dùng trong nước ở mức của đầu thập niên. Thực tế, Reagan là người chấm dứt những lệnh cấm vận của thời Tổng thống Carter tỏ ra ít hiệu quả (Tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980, ngược lại Liên Xô cũng tẩy chay Thế vận hội Los Angeles 1984 là một ví dụ), nhưng Reagan đã hạn chế được công nghệ phương Tây đến với Liên Xô và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Liên Xô sang châu Âu.

Năm 1983, OPEC giảm giá dầu từ 34 USD xuống 29 USD một thùng. Năm 1986 giá dầu rơi xuống đến dưới 10 USD một thùng… Như vậy, giá dầu đã là một trong những vũ khí quan trọng của Hoa Kỳ sử dụng đã góp phần làm sụp đổ Liên bang Xô-viết vào năm 1991. Đánh giá về giai đoạn này, cựu quyền thủ tướng Nga từ tháng 6 đến tháng 12/2002; Yegor Timurovich Gaidar (19/3/1956 – 16/12/2009) đã viết: “Tháng 9/1985, Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng dầu. Liên Xô bị mất 20 tỷ đôla mỗi năm, lượng tiền quý báu và cần thiết cho đất nước.” [4]

“Cú sốc dầu mỏ lần thứ ba”

Giá dầu mỏ đã ổn định trong suốt bốn thập kỷ, chỉ có “cú sốc dầu mỏ” lần thứ hai đầu thập niên 1980, giá dầu mỏ lúc lên cao nhất là 32 đến 34 đôla một thùng. Giá dầu thấp được duy trì suốt trong thập niên 1980, khoảng 20 đôla một thùng và kéo dài suốt đến thời điểm đầu thập niên 2000. Chỉ đến giai đoạn 2007 – 2008 giá dầu mới leo đến cái giá trên 100 đôla, thậm chí ngày 3/7/2008 đạt mức kinh khủng 145 đôla một thùng.


Thế giới của giữa thập niên 2000 có một số sự kiện như cơn bão ở vùng vịnh Mexico (9/2005), tình hình bất ổn ở Nigeria (2006-2008), các cuộc xung đột liên tục bùng phát ở Iraq… nhưng sản xuất và giá dầu thế giới vẫn giữ được ổn định. Năm 2008, Indonesia trở thành một nước nhập khẩu dầu và không còn là thành viên của OPEC. Sản lượng dầu mỏ toàn thế giới sụt giảm, được đánh dấu bằng những sự kiện như giảm sản lượng của một số vùng khai thác như Biển Bắc (chiếm 8% sản lượng toàn cầu), giếng dầu Cantarell của Mexico (lớn thứ nhì thế giới)… Tổ chức năng lượng thế giới IEA đã dự báo sai chính sách sản xuất dầu của Saudi Arabia, (là nước trong lịch sử vốn thường tăng sản lượng khi nguồn cung của thế giới sụt giảm để bù) sẽ tăng sản lượng của mình vào năm 2010 là 12 triệu thùng một ngày, nhưng năm 2007 sản lượng của nước này chỉ 850 nghìn thùng một ngày, còn thấp hơn năm 2005. Có ý kiến cho rằng việc này là do sự suy giảm trữ lượng của mỏ dầu Ghawar của Saudi Arabia, mỏ lớn nhất thế giới.

Về nhu cầu của thế giới. Năm 2007 chỉ có Trung Quốc cần 870 nghìn thùng một ngày, cao hơn 2 năm trước đó; còn Hoa Kỳ thì giảm còn 122 nghìn thùng, thấp hơn năm 2005; Châu Âu giảm xuống 346 nghìn thùng một ngày còn Nhật Bản thì còn 318 nghìn thùng một ngày. Nguyên nhân là do giá dầu tăng, làm giảm nhu cầu của thế giới nói chung. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất hàng hóa của Hoa Kỳ, thất nghiệp tăng cao, đôla sụt giá mạnh. Nước Mỹ đã gần như rơi vào thảm cảnh Đại khủng hoảng 1929 – 1933. 

Giá dầu cao chỉ có lợi cho các nước xuất khẩu dầu nhưng ít chịu ảnh hưởng bởi kinh tế toàn cầu, đại diện xứng đáng là nước Nga. Đây là thời kỳ nằm trong nhiệm kỳ của tổng thống D. Medvedev (2008 – 2012), chỉ có một giai đoạn ngắn GDP nước ngày sụt giảm thấp nhất là 2008, nhưng về tổng thể là đi lên và nước Nga mạnh mẽ hẳn lên nhờ giá dầu cao trong giai đoạn này.


[1] “Shah”, Vua, tiếng Arab.

[2] Theo Mary Ann Tétreault

[3] Theo Joseph Yu-shek Cheng

[4] Theo Ambrose Evans-Pritchard
_______________
Theo các tài liệu:

1. “Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.

2. Các bài viết trên các báo, trang web: Website chính thức của OPEC (Opec.org), Telegraph, Stanford.edu, Brookings.edu, New Scientist, v.v…

Đọc lại phần 1 tại đây

Đọc lại phần 2 tại đây

Bài trên "Tuần Việt Nam" (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 


No comments:

Post a Comment