Trong phòng bật
điều hòa, dặn hai bạn bé phải ra vào đóng cửa. Ông anh Bôn Ba Nhi Bá rất nhớ,
cô em còn nhớ hơn. Ấy thế mà cứ buổi tối đi ra ngoài để “tè”, là cô bé không
đóng cửa.
Lại một lần
không đóng cửa như thế, nhưng đi ra buồng tắm đánh răng trước khi đi ngủ. Ba
nói với anh Nhi Bá: “Cái cô bé này lại không đóng cửa rồi. Khi nào con ra ngoài
đánh răng nói với em là em lại không đóng cửa, khi nào đi vào ba sẽ mắng.” Ý là
mình định nói đùa thôi, nhưng mặt mũi rất nghiêm trọng. Phải mười lăm hai mươi
phút sau không thấy hai anh em vào, cứ thì thào gì ngoài hành lang. Cuối cùng
thì cũng mở, cô bé thò đầu vào nói “Con xin lỗi ba!” rồi òa lên khóc nức nở.
Ba thương quá
và không hiểu chuyện gì, ra bế lên (nặng khiếp, lớn tướng hai mấy cân rồi, năm
nay vào lớp Một còn gì) hỏi sao khóc thế con. Vẫn nức nở: “Con xin lỗi ba, lần
sau con sẽ đóng cửa.” Ôi thôi, xong rồi, đấy là lỗi của mình chứ có phải lỗi của
cô bé đâu. “Ba xin lỗi con, là ba đùa trêu con thôi, hóa ra anh Nhi Bá tưởng thật
à.” Nhi Bá xen vào “Con nghe ba nói rất nghiêm túc con tưởng thật.” “Lỗi của
ba, ba xin lỗi cả hai anh em.” Dỗ một lúc cô bé Bá Ba Nhi Bôn mới nín.
Tìm hiểu kỹ, hóa
ra Nhi Bôn rất nhớ đóng cửa, nhưng buổi tối lúc tắt đèn hành lang để đi vào
phòng là sợ bóng tối, nên muốn để cửa phòng cho sáng ra hành lang, thế thôi. Ba
không tìm hiểu kỹ, cứ mắng con. Đã thế con gái vừa yêu quý, nhưng lại rất sợ ba
– ba chỉ cần “Gờ-rừ” một cái là đã run cầm cập rồi. Nằm mãi chẳng ngủ được, tự
dưng nghĩ ra, bây giờ chúng nó còn nhỏ như thế, dọa dẫm mắng mỏ còn được, chứ đến
lúc chúng nó lớn một chút, những “cái mốc mười bốn, mười lăm tuổi,” làm sao mà
còn mong chúng nó chia sẻ được nữa. Mà chính những lúc đó, chúng nó lại cần bố
mẹ nhiều nhất, những vấn đề đã nghiêm trọng hơn mấy năm trước rất rất nhiều, thậm
chí, đã có những câu chuyện hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, như các cháu tự tử mới
đây.
Sáng hôm sau
trò chuyện với cô bé, “Ba hứa ba sẽ không mắng các con một lần nào nữa.” Nhưng
đến chiều cô bé vẫn có lúc mải chơi, gọi đi tắm dăm lần bảy lượt không được. Lại
phải nhắc ngay “Sáng ba hứa với con ba không mắng con, nhưng nhắc thì vẫn phải
nhắc, do đó con cũng phải cố gắng nghe lời ba ngay chứ không được cố tình như vậy,
thì ba sẽ không giữ được lời hứa của ba mà vẫn phải mắng con, con hiểu không?” “Vâng
ạ.” (Cô bé này có cái giọng “vâng ạ” nghe ngoan ơi là ngoan.)
Rõ ràng là để
giữ được lời hứa đó hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí là rất khó. Đúng, điều đó
đòi hỏi mình phải sửa mình trước, không được nổi nóng, và thường xuyên nhắc nhở
con hơn. Nhưng chắc chắn phải như vậy, “mua” lấy sự tin cậy của chúng nó. Cái mốc
“cái mốc mười bốn, mười lăm tuổi” của chúng nó ở trước mắt, phải được chuẩn bị
thật tốt từ bây giờ. Đó là thời gian mà “hầu như đứa trẻ nào cũng ghét bố mẹ của
chúng.”
Ông ngoại của
mình ngày xưa hay mắng bà nội bọn trẻ con nhà mình là “chỉ giỏi lấy nước mắt
làm đầu,” ông mắng mẹ, mẹ khóc là ông sợ. Bà nội bọn trẻ nổi tiếng hiền lành, đến
mức “hiền kinh khủng” và không bao giờ đối đầu với ai, nhịn nhường tất cả luôn.
Cô bé con nhà mình thì không đến mức đó, chưa thấy cô giáo kể trường hợp khóc mếu
nào ở lớp, và có vẻ cũng khôn ngoan né tránh được xung đột với các bạn “đầu gấu.”
Nó chỉ “mau nước mắt” với ba nó thôi, chứ với mẹ dù cũng mắng nhưng nó không dễ
khóc thế. Phải chăng đó là đặc thù trong quan hệ của con gái với bố chăng?
Nhưng mẹ của Nhi Bôn có hay nước mắt như thế đâu, kiểu này là “gien lặn gien trội”
của bà nội đây!
Nước mắt, chỉ
có tác dụng với những người tốt với chúng ta, có tình cảm với chúng ta thôi, còn với những
người không có cảm tình với ta, chẳng có tác dụng mấy đâu con gái ạ. Vì thế, cố
gắng làm việc không thể là lấy lòng tất cả mọi người, hoặc là cứng cỏi, vững
vàng, không đối đầu nhưng cũng không cần quá yếu đuối, ủy mị đâu con gái à…
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment