Một ngày tuyết
trắng, nắng vàng rực rỡ, trời xanh ngắt nhưng lạnh căm căm, đến khu nhà học, vừa
bước vào sảnh gửi áo khoác bỗng gặp một cô bé xinh kinh khủng. Cao dong dỏng,
nước da đỏ hồng như màu đồng, tóc nâu nâu, khuôn mặt trái xoan, mũi cao, mắt
nâu to ươn ướt… cô bé nói líu lo với một cậu bạn cũng rất đẹp trai và giống
nhau như hai anh em.
Cô bé mặc kiểu
gái Nga, cái áo khoác dài quá mông và hơi bó, chiếc jeans xanh bó sát đôi chân
dài và thẳng, cho vào trong đôi bốt trắng cao gần đầu gối. Mái tóc nâu nâu được
tết thành đôi đuôi sam, thật lạ mắt với bộ trang phục.
Bây giờ nhìn
kỹ, thì thấy mắt long lanh, ươn ướt nhưng luôn cười, lại có lúc, thoáng buồn.
Lạ nhỉ, nếu
là dân Trung Á (các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ) thì sao phải đi học tiếng
Nga thế này? Mình chào, rồi hỏi: “Em người nước nào?” “Em người Trung Quốc,” cô
bé vui vẻ trả lời. Thế là mình chuyển sang tiếng Trung Quốc nói chuyện cho tiện,
sau khoảng 30 phút thì tiếng Hoa cứ tuột ra, trôi tuồn tuột, như thời học ở
Trung Quốc vậy.
Em là người
Tân Cương, ở gần biên giới với Liên Xô cũ, chứ không phải Urumqi. Tên em - Almira, nghĩa
là “công chúa”. Đúng em như một cô công chúa vừa bước ra từ câu chuyện “Nghìn lẻ
một đêm”, chưa bao giờ mình được tiếp xúc với một người con gái, kỳ lạ, từ một
thế giới hoàn toàn khác như vậy.
Và thế là,
cái máy ảnh của mình kiếm được một cô người mẫu ảnh. Trời Mátxcơva chụp ảnh “bắn
mẫu” thật sướng, trong xanh ngăn ngắt, nắng vàng rực rỡ trên nền tuyết trắng…
cô bé thật ăn ảnh.
Và cũng thế
là, mình kiếm được một cô giáo dạy tiếng Trung Quốc và cùng học tiếng Nga tuyệt
vời.
Và cũng thế
là, được nghe kể không biết bao điều tuyệt vời nữa, về đất nước và con người
Tân Cương, mà trước đây người ta gọi là “Đông Tuyếckextan”. Họ là những con người
của phong cách sống du mục, tự do và phóng khoáng, nhưng phụ nữ lại hiền dịu, rất
“gia đình”. Thỉnh thoảng trong những câu chuyện kể về Tân Cương khắc nghiệt mà
lại rất tươi đẹp, Almira rất buồn vì nhiều điều khó nói. Các bạn người Hán,
nhiều người tốt, Nhưng không phải người Hán nào, cũng dễ quan hệ đối với người
Tân Cương.
Vì thế ước mơ
của người Tân Cương, không phải là việc đất nước của họ được độc lập, điều đó
xa vời vì họ không có gì cả, không chính quyền, không quân đội. Họ chỉ mong được
đi xuyên qua nước Nga, qua Ấn Độ, qua bất cứ nước nào khác để sang Thổ Nhĩ Kỳ,
nơi họ có thể sinh sống được một cách tự do.
Almira buồn
vì nhiều người Tân Cương càng ngày càng không thể chịu được hoàn cảnh sống mà
muốn phản kháng bằng đâm chém. Almira nói, sắp tới có khi cô bé bị bắt về, hình
như, Nhà nước Trung Quốc chuẩn bị có chính sách lôi tất cả sinh viên người Uyghur
về nước và sẽ thu hộ chiếu lại, quản lý như giam lòng…
Sau đó, Almira
biến mất, không bao giờ xuất hiện trở lại, như chưa bao giờ từng tồn tại. Mình
có dò hỏi một số bạn chung, nhất là hai cô bé dân tộc Hán từ Urumqi (chỉ nhớ được
tên một cô là Bi Fengjiao), có biết tin gì của Almira không, nhưng hai cô bé
không biết.
Nghe đâu, Nhà
nước Trung Quốc trước tình hình chuẩn bị cho Thế Vận hội 2008, lôi hết các sinh
viên Tân Cương về nước mà nhốt lại rồi.
Biên giới Tân
Cương với các nước vùng Trung Á bị khóa kín, an ninh siết chặt, con chim cũng
không bay thoát.
Chắc là cũng
vì thế, mà người Tân Cương bây giờ họ không đi được con đường gần sang ngay
biên giới với Cadắcxtan, Tajikixtan, hay Kiếcghigia, mà đã phải chọn những con
đường dài hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Họ đi qua hàng nghìn cây số trên đất
nước Trung Quốc nay đã đầy cạm bẫy thù địch, mò mẫm để sang Việt Nam, hay Thái
Lan… ai dè, những “người anh em” túm cổ, đuổi về như đuổi tà… đương nhiên, đã bị
“đẩy đuổi” về Trung Quốc thì con đường chắc là con đường chết.
… nghĩ đến Almira, thật thương cô “công chúa” xinh đẹp và hiền hậu không biết bây giờ ra
sao?
Thương cho cả
một dân tộc, một đất nước “vong quốc”. Ai cũng phải sống một kiếp người…
P.S. Mình sẽ
không post ảnh của Almira lên, vì hi vọng một ngày, sẽ gặp lại được em ấy. Và
mong một ngày, dân tộc Uyghur, sẽ được sống trong tự do, hòa bình, một cách “bình
thường”. Ảnh trong bài kiếm được ở trên mạng, chỉ có tính chất minh họa.
No comments:
Post a Comment