"Xe Nhật hả?" HONDA MB5 - 1982 |
Tiến sĩ kinh
tế học Lê Đăng Doanh nhận xét về “Tomorrow never die” có bảo, “cảnh Việt Nam gì
mà quay toàn xe đạp thế, Việt Nam bây giờ, là xe máy chứ!” chuẩn luôn! Cả một
xã hội đi xe máy, ô tô mấy đâu, mà xem ra, xe máy còn thích hợp với xã hội ta
còn lâu. Nó thích hợp với việc “tạt té”, các cô đi làm văn phòng tranh thủ buổi
trưa ăn uống rồi lượn mua váy mua vóc, dầu gội đầu, nước hoa… anh em thì lượn
bia bọt, karaoke, xông hơi, đấm đá…
Ngày xưa
thanh niên là thích những cái phải khỏe mạnh đàn ông, có được cái xe nữ đi là
may rồi thì lại thích lên xe nam… có xe bé rồi lại thích xe to, xe khỏe… cứ thế
mà nâng cấp dần. Trong bài “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ” mình đã bàn
chán về các loại xe rồi, nay ta bàn hơn một chút về góc độ… kỹ thuật.
Cái anh động
cơ hai kỳ (SIMSON, Minsk là những đại diện nổi bật) ngày xưa, xe xã hội chủ
nghĩa sẵn phụ tùng thay thế, nên đi thích hơn, chứ thực ra thiết kế dở thấy bà
nội. Bánh răng côn tiếp vào trục cơ bằng cái bánh răng chéo, chạy cực êm chứ nó
không hú lên rền rĩ như côn của xe Honda chạy bánh răng thẳng, nhưng như thế
giá thành chế tạo cao hơn là một, thứ hai là mômen của bánh răng chéo nó tạo ra
lực phá ngang, rất chóng hỏng vòng bi cơ, nên cứ một thời gian lại phải bổ máy,
chết mệt. Đã thế, động cơ của SIMSON chẳng hạn, rất nhiều cái “phanh” thép chặn
các đầu trục… toàn phanh ngược, kiếm được cái kìm mở phanh cũng ốm. Thiết kế
cũng kỳ dị, ví dụ như cái vụ đẩy côn (ly hợp) thiết kế cái suốt chạy từ bên này
sang bên kia, nên đặc trưng của SIMSON là bóp côn rất nặng.
Xe hai kỳ của
tư bản hồi đó hầu như không có, lác đác có cái Honda MB5 (50 phân khối), hình
thức đẹp, lúc mới đi rất sướng, nhưng lúc nó cũ rồi thì không lấy đâu ra phụ
tùng mà sửa. Ở phố Huế có tay chơi hơn mình vài tuổi, mua được cái MB5 “bãi”,
đi một thời gian thì nó tã, chạy như một con rùa, khói phun mù mịt như quạt chả.
Ông ấy bảo: “Tớ phi lên đường thanh niên, bọn mấy thằng “Kích” (ngày đó gọi
SIMSON như thế) chúng nó vọt lên, quay sang nhìn rồi hất hảm hỏi rất khinh bỉ: “Xe
Nhật hả?” rồi vọt mất, mình đuổi …éo được, tức …éo chịu được!” He he…
Hồi đó đi làm thuê, một nghề rất đặc biệt mà mình được trang bị một chiếc như thế này, mới cứng. |
Người ta chê
xe hai kỳ “không bền”, nhưng thực ra, chủ yếu là hồi đó không có dầu bôi trơn (pha
thẳng vào xăng) loại tốt, chứ như bây giờ toàn dầu ngon, đi xe hai kỳ mà biết
đi, bền không có kém gì bốn kỳ đâu. Có một hồi tiếp xúc Minsk và MZ150, thì
công nhận hai cái thứ đó có một điểm chung là thiết kế có những điểm không phù
hợp, ví dụ như đi cả hai cái đó, đều rất dễ sưng mắt cá chân khi đạp khởi động
vì nó cứ vướng víu thế nào, mà cần khởi động thiết kế đạp không hề dễ. Của
Minsk có khi còn khá hơn cái MZ150 kia. Nhưng cái MZ150 thì đúng là đỉnh cao của
đủ các thứ: 150cc hai kỳ, không xe nào hồi đó bằng nó về tốc độ, (mình chạy còn
bỏ xa cả JAWA350 vì cái của kia nó nặng nề quá, không luồn lách được), giám xóc
cực tốt, khung tuýp cơ cấu khớp mềm như SIMSON cực êm, phanh dầu đĩa đằng trước,
đèn cực kỳ sáng, mà hồi đó đã là bóng Halogen…
Đọc những
chuyện về Biệt động Sài Gòn hoặc SBC (Săn bắt cướp), thấy huyền thoại cái xe
67. Ông anh họ kiêm bạn thân vào Sài Gòn khuân ra một cái và bắt đầu thời kỳ
hành xác của hai thằng thanh niên 17, 18 tuổi, bắt đầu học nghề… sửa xe máy. Bây
giờ lên mạng vào đọc Diễn đàn Honda 67 Việt Nam thì thấy đúng là một thú chơi,
thật là sướng vì phụ tùng rất sẵn và rẻ, nhưng hồi đó, thì là “con đường chết”.
Cái gì cũng đắt! Mà chơi 67 thì có nhiều ước mơ lắm.
Ước mơ đầu
tiên là bộ “hơi đầu” DD 72cc, nhưng làm gì có tiền mà mua. Đầu culasse chạy “đầu”
67 gin, hai xupáp rất to, đúng là Honda họ thiết kế để chạy tốc độ cao có khác,
xe 50cc mà dám chạy 90km/h đâu có phải chuyện đùa. Kể cả cái cổ hút cũng to nữa,
đâm ra nó chạy hoàn toàn không phải là thứ tiết kiệm xăng. Bây giờ, bà con đi
xe máy chạy bộ điện “bán dẫn” (CDI) nên chẳng để ý, chứ bộ điện của xe 67 hồi
đó gin của nó có hai cái “avăng” nằm trong vôlăng điện (tiếng Pháp avăng là “trước”
chăng?), chính là cơ cấu đánh lửa sớm lên của động cơ đánh lửa bằng má vít, khi
tăng tốc đột ngột, phải đánh lửa sớm lên mới kịp đốt hết nhiên liệu. Chạy điện
67 gin đâm có cái sướng: tăng tốc đột ngột, avăng nó gõ cóc cóc, cóc cóc, vui
tai lắm. Sau này đời Cub 78 cũng có đời chỉ còn một avăng, lên 79, 80 bỏ hẳn, rồi
đến xe Cub đời 81 thì chạy “bán dẫn” luôn, khỏi canh lửa canh liếc, chỉnh má
vít làm gì cho mệt.
Đầu culasse
gin chạy đúng là sướng, nhưng tầm đó cái xe 67 đã ngoài 20 tuổi, làm sao còn tốt
được nữa, nên trục cam đóng lại bạc cứ là nhiều lần, đến mức chỉ muốn thay. Kiếm
được cái đầu culasse của 78 loại 70cc “máy cối” có cái bướu, mà giang hồ đồn đại
là “dầu lên rất khỏe” thì sướng tỉnh tình tinh… Hồi đầu chạy “hơi” 63cc, thấy
cũng khỏe hơn tí ti, nhưng sau này, lên 72cc chạy hết. Xe 67 gin là phải có bộ
số 5 số gin – mà hồi đó đã là “vấn nạn”. Côn không cắt tốt là hay mẻ cặp bánh
răng số 3 lắm, mà hàn vá, chỉ có thợ Sài Gòn, chứ ngoài Hà Nội chẳng mấy ai làm
tốt. Vá xong rồi, đi không để ý, nó lại vỡ. Chết mệt. Thấy trên diễn đàn có bác
nào rao bộ 5 số 67 gin nguyên bản, rất mới giá đến cả cây vàng. Hồi cách đây 20
năm nó cũng tầm 5, 7 chỉ.
Tiếp theo là
bộ côn, đi một thời gian, nó hú ú ù u u… rồi càng ngày, nó càng kêu rên thảm
thiết. Tháo ra xem, hóa ra trong Sài Gòn đã có ông thợ nào, cưa nó ra, lật mặt
rồi hàn lại, nên đi một thời gian hết kêu mình không biết, nay nó lại kêu. Kêu
ong cả đầu, chắt bóp mãi mới mua được bộ côn CD, giá cũng tầm 3, 4 chỉ. Cả cái
xe 7 chỉ, mà bộ số, bộ côn, hơi đầu… cái gì cũng tiền chỉ, cộng vào cả cái xe
lên đến 3 cây vàng không ít, bây giờ quy ra tiền không phải là 3000 đô-la Mỹ à?
Hồi đó ăn chơi kém gì bây giờ đâu?
Nâng được
dung tích xilanh, xe chạy khỏe hơn, nhanh hơn… nhưng lại dẫn đến vụ xé khung.
Giảm xóc trước kém, xé háng trước. Giảm xóc sau kém, xé háng sau. Honda “ngu”
thế, đi làm cái khung bằng tôn dập rồi hàn, suốt ngày xé toác ra, cứ như anh
SIMSON, toàn bằng thanh thép bắt vào nhau, có bao giờ xé. Ấy, nhưng mà khung
Honda đi độ cứng vững cao hơn nhiều. Cứ thỉnh thoảng lại phải đem cái khung đi
hàn vá những chỗ xé.
Nhắc đến giảm
xóc, hai ông lọ mọ làm mãi mới xong được đôi giảm xóc trước: thay phớt, pha chế
“dầu thủy lực” bằng dầu thay máy và dầu phanh theo một tỉ lệ nào đó… rồi đổ
vào. Cái giống dầu giảm xóc nó làm sao ấy, cứ đổ vào ấn mấy phát, đổ ra là thấy
nó thối… như ứt trẻ con bị Tào Tháo đuổi vậy, mà đen xì xì, chết khiếp. Hai ông
thanh niên choai choai, chữa xong xe, khoái chí đem ra ngoài “bốc đầu” mấy phát
rồi cất. Chiều hôm đó là 30 Tết. Đúng sáng mồng Một, diện budông trắng, quần bò
thụng kéo tay áo lên đến khuỷu, giày thể thao trắng, nào, ta lên “ngựa”. Nhún
thử giảm xóc trước một phát thì thôi rồi, “phụt!”, dầu tóe đầy vào mặt và áo,
thối không thể tả. Mấy cú “bốc đầu” hôm trước đã phát huy tác dụng, nó đã xé gần
rách mấy cái phớt mà mình không biết…
Chơi 67 là
xác định lọ mọ sửa hết đêm, từ con chuột chạy trong thanh ray của cái tay ga đã
xộc xà xộc xệch, đến từng hòn bi nằm ngoài cái lò xo bé như của ruột bút bi
trong bộ công tắc điện… chỉ cần bắn đánh “tách” một cái thôi là alê, xin mời
các chú, bò lổm ngổm khắp nhà mà lần sờ để tìm vào lúc 3 giờ sáng… Suýt quên, hầu
hết các bộ công tắc đều chết ngỏm cái công tắc đèn phanh trước vốn nằm ở tay
phanh, nên hồi đó mà kiếm được cái dây phanh trước của xe Chaly có công tắc nằm
trong dây, thì thật là hay, lắp vào, vừa in. Lại còn cái bệnh rỉ trong lòng
bình xăng, cứ thỉnh thoảng đi xe chết máy, tháo chế hòa khí ra thấy lớp cặn rỉ
sắt cứ như phin pha cà phê. Nhắc đến bình xăng, lại nhớ hồi đó đi 67 và SIMSON,
hay phải nghiêng xe khi hết xăng (“nghiêng bình”), vì cái bình xăng lõm ở giữa
để đặt vào khung, vòi xăng một bên, nên hết xăng thì bên kia vẫn còn cả lít,
nghiêng lại chạy được vài chục cây số. Sau này nhiều đời xe, bình xăng nó chồm
lên nên cái chỗ thấp nhất gần như ngang bằng, hai bên như được thông với nhau,
trò nghiêng bình hết tác dụng. Các đời xe to sau này, bình xăng chỉ là cái vỏ
tôn cho đẹp, thực ra ở trong là cái can nhựa đáy bằng, nên càng không phải
nghiêng xe. Buồn cười nhất là nhiều bác đi xe nữ, cũng “nghiêng bình”. Cái đáy
bình xăng của bác nó bằng tịt như thế, nghiêng may ra được tí hơi xăng lết được
vài chục mét. Xe 67 còn có một cái mệt nữa, là chế hòa khí có cái đáy được gài
vào bằng khung dây thép, rất dễ mất, mà mất, thì đi mua đắt ra trò.
Tối nào cũng
đi đua xe máy “cơn lốc Bà Triệu”, lúc đầu là đua chơi, tự phát, sau đi đua ăn
giải, được cả chỉ vàng, to ra phết.
Bây giờ chơi
xe 67 thì sướng, nhưng chẳng còn cái gì là của nó nữa, mà lung tung beng cả rồi.
Lại còn lắp được “đề Max”, không phải đạp nữa mà bấm cái nó nổ. Dung tích đã
nâng lên đến tận 125cc của Future Neo…
Sau này đi
Win 100, rồi GL… chẳng còn gì mà sửa nữa, vì là xe mới cứng. Ông bạn thân còn sắm
cái Daelim 125, xe bãi, cũng sửa đi sửa lại chết mệt, kinh nghiệm lên ra phết.
Mỗi xe, có một ưu, nhược điểm riêng, kể ra đây không hết. Như xe GL, bây giờ
nhiều bác bảo, có mà đi phượt thì sướng. Nhưng hồi đó, đi đường trường toàn xe
máy, khác gì phượt bây giờ đâu. GL chạy vành nan, xác nặng, xịt lốp một cái dắt
có mà đến khổ, mà do xe nặng, nên xịt lốp mà chạy khoảng chục mét mới dừng, khả
năng phải thay cái xăm sau là rất lớn, vì nó giật cả chân van ra. Dáng xe thì
thiết kế cho dân châu Á, ngồi cao, chân đưa cao, xin lỗi, như ngồi… ị ấy, đi xa
rất mỏi.
Có mấy thứ chỉ
được đi nhờ, chứ không được đi lâu dài, nên không dám phán, như Bonus, Husky… của
SYM. Thấy bảo, toàn là những nỗi khổ cả. SYM hồi đầu theo công nghệ Suzuki, máy
rất tồi. Sau này, đến mấy đời động cơ giống y Honda máy nằm, rất bền, chạy sà
sã. Bonus ngồi khá thoải mái, dễ chịu, trong khi cái Husky và cả Rebel của
Honda, trông thế thôi mà đi xa không được. Cái anh Bonus và Husky này (và cả cái
CD125 nữa) có đặc điểm là số tròn, đang đi số 4 (Bonus) hay số 5 mà đạp đằng
trước cái nữa, máy nó rống lên như thằng rồ.
Mình đến khi
đi làm cũng toàn đi xe nam, mà bé nhất cũng 125cc đến to đùng như con trâu sắt,
toàn xe bãi, chữa ốm xác. Động cơ thì to, nặng, phức tạp… xe cũng nặng, phụ
tùng thì lại không hiếm lắm vì thường tháo của xe khác. Thời thanh niên, sôi nổi
và bão táp, vất vả nhưng thú vị. Hồi đó mình đã băt đầu đi “phượt” rồi, vác máy
ảnh phim, đi suốt. Ngoài đường chẳng có mấy xe, toàn xe đạp, xe Cub con con… và
ô tô khách ô tô tải toàn xe cũ. Đi đường sướng lắm, không ùn ùn người như bây
giờ.
Khoảng những
năm 93, 94, hãng xe Yamaha quay lại thị trường Việt Nam đem lại làn sóng mới mẻ,
từ cái 110SS hai kỳ đến cái Crypton 95cc bốn kỳ, đều là những xe rất tốt. Những
năm 1995, 1996 cũng là thời gian bung ra hai cái Suzuki, GN125 và FB100 loại có
đề, không phải loại đạp chân như trước đó Toserco nhập khẩu về. Hai loại Suzuki
này quảng cáo trong phim “Oshin” nên còn được gọi là “Su Ôsin”, bây giờ thanh
niên nghe kiểu gọi đó, chẳng hiểu gì. Xe nhìn đã thấy tốt, thiết kế cầu kỳ đến
mức ngạc nhiên, hồi đó mình thử đếm cái đầu culasse của GN125, thấy nếu mà bổ
cái máy đó, chắc ra cả rổ ốc. Bây giờ thanh niên đua nhau mua về độ Cafe Racer.
Cái giống xe
lắp ráp ở Nhật đúng là chuẩn, nhớ cái Suzuki FB100 dắt về, đổ dầu đổ xăng đạp
cái nổ ngay, garăngti lập phập chuẩn luôn, máy êm lừ, trong khi Dream Thái thì
còn chỉnh mệt. Bây giờ có xe Thái Lan mà đi đã ngon, xe Việt Nam chẳng ra cái
gì, đúng là phú quý giật lùi.
Đến đầu những
năm 2000 thì có mà đầy các mẫu xe, bắt đầu thịnh những mẫu xe tay ga.
Xin nói một
chút đến nỗi thất vọng Honda. Năm 2006, cũng phải mua lấy một cái xe để đi làm –
nên mua cái Future Neo 125, rõ là đẹp. Về vứt ngay đôi lốp mới cứng, thay
Dunlop không săm, và phát hiện ra nhiều cái phải thay quá. Đầu tiên, là đôi giảm
xóc trước, cứng không chịu nổi. Tiếp theo, là đôi giảm xóc sau, đi một mình thì
xóc, đi hai người hóa yếu… phát nản. Ngồi lên xe chạy thì cứ buồn buồn ở dưới
mông, tháo hộp xích ra xem thì ngã ngửa, cái xe 125cc mà lại chạy xích 420 của
xe Cub 70 ngày xưa, còn không được 428 của xe Dream 100, cái bánh răng sau thì
nhảy tưng tưng, trình độ đột dập cơ khí như thế thì làm sao mà đi không buồn
mông… Mình nhớ lúc chữa động cơ cái xe Wave Thái Lan, vòng bi cơ ấn vào ổ trên
thân máy, mình ấn bằng tay đánh thút một cái, thì đến cái xe của Việt Nam này,
phải dùng cái chày gỗ dộng côm cốp mới vào, đến mệt. Ấy thế mà, đúng là chất lượng
vật liệu tồi, cứ nóng máy lên là nhệu nhạo, như ngồi trên một đống sắt vụn vậy,
đi cái xe mà lúc nào cũng chỉ muốn thay dầu, vì động cơ nó tồi quá.
Người Việt
Nam ta có câu, “xe máy phải Honda, ô tô phải Toyota”, câu đó xưa rồi. Hôm nọ đi
ngang ngã tư, có cậu thanh niên đi cái SH Mode đèo người yêu xông ra gặp mình,
giật mình bấm phanh trước, ngã quay ra đường. Ngày xưa đi xe máy to, bấm phanh
trước chẳng bao giờ ngã cả, vì giảm xóc trước nó rất tốt, êm mà khỏe, bấm phanh
trước nó chìm đầu xuống. Bây giờ xe Honda, giảm xóc trước cực kỳ cứng, phanh
không chìm đầu, rất nguy hiểm – là do lò xo cứng và cả van tiết lưu của nó cũng
loại rẻ tiền… xe ở nhà mình, phải thửa loại khác mà thay hết. Vì cái sự an toàn
của mình, nên mua Yamaha hoặc SYM còn tốt hơn, mình đi xem thử hết rồi.
Mà cũng một mức
giá, xe Yamaha tốt hơn hẳn. Đã thế, giá phụ tùng chính hãng chỉ bằng một phần
ba, trong khi chất lượng “đập chết” xe Honda. Bạn Facebook có một cô bảo, do bọn
đặt hàng phụ tùng của Honda ăn bớt nhiều quá, mình chỉ cần xem đồ mình cũng biết
điều đó. Mình bây giờ thì không chữa xe nữa, mà đem ra hàng. Có lần đem xe ra
hàng “Nhật Thái” hay “Ý Nhật” gì đó, bảo “Anh mua sẵn hai cái xupáp, một bộ
xécmăng cốt không đây, chú tháo ra, rà cho anh cái lòng xi-e, cạo muội pistông,
thay xéc măng, rửa chế hòa khí, thay luôn cho anh cái lọc gió!”. Chú chủ cửa
hàng ngần ngừ, rồi từ chối, viện cớ là hàng đông không nhận. Đành đem xe sang tận…
thị trấn Đông Anh cho ông bạn sửa xe máy (ông bạn tên Hướng trong bài “Lần đầu biết mùi đàn bà”) sửa hộ. Hắn bảo, “các thể loại “Nhật Thái” hay “Ý Nhật” đó,
là bọn trùm bịp bợm. Ông bạn nói như thế thì thợ chết đói, nó nghe nó sợ, không
nhận sửa là phải.” He he…
Nhìn chung đi
xe máy bây giờ nó khác trước. Ngày xưa, xe 67 chỉ có 50cc cũng chạy được
100km/h, bằng xe Dream 100cc sau này. Người ta bảo là do con “IC hãm tua”, thực
ra là do chúng bị hạn chể bởi cái luật lệ gì đó của quốc tế mà bị hạn chế tốc độ, chứ hồi chạy
đánh lửa má vít, lấy đâu ra mà hãm tốc độ, nó cứ là chạy hết công suất của nó
thôi.
Ngày xưa, nhu
cầu đến đâu, mua xe to đến đấy. Người đi xa đi nhanh, chở nặng thì mua xe to.
Đường sá vắng vẻ, nên không phải chen chúc. Bây giờ cái xe, xác thì cũng to hơn
do vỏ nhựa, đã thế người đi thì đi kiểu tranh cướp, nên các hãng cứ phải tăng
dung tích xi lanh lên để đáp ứng thị hiếu. Ai cũng thích to, đâm ra càng ngày,
càng tốn kém. Giá mà đi nhường nhịn nhau một tí, thì xe bé bé đi đã được rồi, cả
xe đạp đi cũng đã rất tốt. Hôm nọ đi đường gặp một thanh niên tuổi cũng đã “băm”,
to khỏe đẹp trai đi cái Nouvo, cứ phóng thục mạng, thấy khe là lách, toàn vượt
phải, tạt đầu cả phụ nữ. Mình đuổi chết thôi, khều cậu ta, bảo: “Cho góp ý một
tí, mình thanh niên, xe tốt, đi cho đàng hoàng, ra ngoài mà vượt!” Cậu gướm gườm,
thấy thằng cha gàn dở đi Dream cũ rích, nhưng lại mặc áo giáp đi mô tô rõ oai (trời
lạnh bất thường cất hết cả áo rét đi rồi, đâm lấy áo giáp ra mặc), đâm ra anh
cu chắc không hiểu lão già thuộc dạng gì, nhìn nhìn rồi tụt lại, không nói gì rồi
vụt, vượt lên đi mất… đấy, thanh niên đàn ông còn đi thiếu đàng hoàng thế, nói
gì đến những người chẳng bao giờ quan tâm đến luật lệ.
Nhà nước để
cho phát triển xe máy vô tội vạ mà quên những cái khác thuộc về giao thông công
cộng, nói thẳng thừng là một sai lầm. Bây giờ cấm xe máy dân biểu tình ngay, “Đi
bằng cái giề?”.
Tuổi thanh
niên là thích thể hiện, nên nhóc con mới nhớn là thích bố mẹ sắm cho xe máy, từ
mấy cái xe vài trăm đô đến cái xe vài ngàn đô, cứ chú nào cũng đầu trần vuốt
keo, phóng tít mù. Những cái ngông nghênh vớ vẩn đó, anh nào cũng có, cứ đến tuổi
đó, là dính. Buồn cười nhất là mấy anh cao bồi thôn ở quê lên thành phố đi làm,
phóng xe nghênh ngang ở đường làng như thế nào, nay đường thành phố vẫn thế. Xấu
thảm hại.
Gần đây người
ta mở cửa cho vụ bằng A2, nhưng có vẻ bà con không mặn mà lắm, vì xe to về ta bị
dính vụ tiêu thụ đặc biệt đâm ra đắt quá, mua xe bãi toàn xe giấy gian, đi cũng
khiếp.
Hãng Yamaha
ra cái xe nam côn tay, bị chê ngay, sao chỉ có 5 số, bản Ấn Độ 6 số cơ mà? Đi
trong thành phố, 5 số đi thích hơn 6 số chứ, nhất là dung tích xi lanh tầm tầm…
cứ nghe cái là chê, chưa biết rõ như thế nào cũng đã chê, thật chẳng hiểu thế hệ
trẻ của chúng ta ra sao nữa. Có bạn viết trên mạng, “đi xe to làm gì khi chỉ chạy
50km/h?” cũng đúng, luật giao thông của ta chỉ cho xe máy đi nhanh đến thế thôi
vậy. Nhưng mà cái xe “phân khối nhớn” không chỉ để phóng nhanh, mà nó là cả một
cái tổng thể: tăng tốc nhanh, giảm xóc tốt, phanh an toàn, và đi lâu với tốc độ
bình thường mà không mệt… thôi chẳng bàn xe máy nữa, đi mãi, mệt rồi, ta nói
chuyện cuộc sống…
… bây giờ xe
máy chạy phun xăng điện tử (FI – Fuel Injection) nên chẳng có chế hòa khí như
ngày xưa nữa, hình dư chỉnh garăngti không hai vít xăng-gió như trước nữa. Ngày
xưa xe chạy chế hòa khí, nhiều thợ sửa tốt mà không tài nào chỉnh được cái garăngti
đi cho sướng, máy chạy cho ngọt ngào… để chỉnh được, động cơ lúc nào cũng phải
trong tình trạng hoàn hảo: chế hòa khí, lọc gió sạch, buồng đốt sạch sẽ, bugi tốt…
vít xăng là để chỉnh độ to bé, vít gió để chỉnh độ thưa mau… như biểu đồ hình
sin, cái là biên độ, cái là tần số… chỉnh được cái garăngti “ngon nghẻ, ngọt
ngào” cũng đòi hỏi tinh tế lắm đấy.
Con người
cũng vậy, cân bằng tỉnh táo khỏe mạnh, là phải cả thể xác, cả tâm hồn, cả cách
nhìn nhận mọi sự… đều phải cân bằng, thì mới “ngon nghẻ, ngọt ngào” được…
Các bài liên
quan:
No comments:
Post a Comment