Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, April 16, 2014

Cây cầu “của tôi”

Cách đây 7, 8 năm
cầu Long Biên vẫn còn được sơn,
tuy không thường xuyên lắm.

Ảnh chụp bằng Nikon F100,
film Kodak ProImage 100,
lens AF-S 24-120 f/3.4-5.6G
Mẹ mình là con gái Hà Nội, nhưng được phân công sang dạy học ở Đông Anh, vùng ngoại thành. Tiếng là ngoại thành, đường chim bay cách nhà ở quận Hai Bà Trưng (hồi đó gọi là khu) chỉ 9 cây số. Và như thế là có chú bé cũng theo mẹ tuần hai lần đi qua cầu Long Biên, đi sang Gia Lâm để qua tiếp một con đò nữa, đò Đông Trù để sang bên kia sông Đuống vào sáng sớm thứ Hai; và đi ngược lại vào chiều thứ Bảy.

Từ lúc còn rất nhỏ phải ngồi vào cái ghế mây bố buộc sau xe cho mẹ, đến khi lớn lớn hơn ngồi buông hai chân sang hai bên sau poócbaga, đến bảy năm qua cầu Long Biên, vì thế, mình luôn luôn tự coi đó là “cây cầu “của tôi””. Mình đã quen nhìn đến mức hoa mắt những cái lan can rất mỹ thuật sắt hình số tám, đã quen nhìn lên trên những thanh giằng cầu đầy những đinh tán rivê – hồi đó cây cầu được sơn một màu tối sẫm gần như đen. Thỉnh thoảng có một chiếc ô tô bị chết máy ở trên cầu, mẹ nhấc xe đạp lên vỉa dành cho người đi bộ, còn chú bé con lúc này đã lớn hơn, bám sau poócbaga và lóc nhóc theo sau. Những cái khe giữa các tấm bê tông làm chú bé sợ rơi dép xuống sông, mà dưới sông kia, là nước sông Hồng mùa lũ đỏ quạch cuồn cuộn chảy. Những cái khe đó thực là một ấn tượng không bao giờ có thể phai mờ, rằng rất có thể chúng ta sẽ tuột tay rơi mất một cái gì đó quý giá mà không bao giờ có thể lấy lại được.

"Cong mềm mại". Để ý hàng lan can
hình số 8 rất đẹp

Ảnh chụp bằng Nikon F100,
film Kodak ProImage 100,
lens AF-S 24-120 f/3.4-5.6G
Sáng thứ Hai sớm tinh mơ, màn sương lành lạnh của mùa thu quấn lấy những thanh giằng to tướng trên cầu và bầu trời phía Gia Lâm cứ hồng hồng cùng mặt trời. Chú bé cứ ngó ngó ra bên cạnh lưng của mẹ để nhòm ra phía trước, có rất nhiều tấm lưng mặc áo xanh công nhân, áo xanh bộ đội, và những cái áo sơ mi xanh trứng sáo, cả áo của mẹ cũng màu đó… Bên kia cầu là những người cũng lũ lượt đi từ nhiều vùng quê quanh Hà Nội lên đi làm. Nếu như bây giờ cái nhịp điệu đó là xe máy lũ lượt sáng chiều, thì hồi đó là xe đạp đầu tuần cuối tuần.

Bộ giàn thép của cầu Long Biên đang nhấp nhô duyên dàng, cùng những lan can hình số tám uyển chuyển bỗng được thay thế bằng một đoạn thẳng đuột, vô duyên ở gần phía Gia Lâm. Người lớn kể đó là một đoạn bị đánh bay mất bằng bom Mỹ. Tại sao với cái năng lực phi thường “cong mềm mại” mà không phục hồi lại cái đoạn cầu hai ba trăm mét như nguyên trạng của nó nhỉ? Và nếu đã không phục hồi được nó như nguyên trạng, thì hà cớ gì phải cố giữ nó, một cây cầu tuổi tác, già nua, lại là “dấu tích của chủ nghĩa thực dân”? Bố mình kể, khi còn là sinh viên kiến trúc đã có những ông thày được đào tạo từ thời Pháp thuộc, say mê giảng về kết cấu cây cầu, một trong những đỉnh cao của sự thiết kế kỹ lưỡng, ở vào cái thời sắt thép hiếm hoi, công nghệ hàn chưa có, người ta thiết kế một cái dàn thép với một cái hình thù không giống ai mà sau này có thể coi đó là kiệt tác về nghệ thuật. Đó cũng là sự cầu kỳ đến mức kiêu kỳ của người Pháp, coi như cả thế giới không ai dám cầu kỳ đến như thế.

Hôm nay lên thăm cây cầu, vẫn như mọi khi thỉnh thoảng lên thăm người bạn cũ già nua, vì hôm qua xem trên Facebook một người bạn chia sẻ những bức ảnh chụp trên đó. Thấy là lạ, ngỡ ngàng, vì đằng sau cô bạn là những thanh giằng làm nền, đang rỉ sét. Đúng là lâu nay, cầu không được bảo dưỡng, sơn lại nữa, trong khi chỉ vài năm trước đây nó vẫn được sơn lại thường kỳ bằng một màu ghi xám, khoảng hai mét phía dưới là màu trắng. Dạo này có rất nhiều bạn trẻ đưa nhau lên đó chụp ảnh, những thanh rỉ vàng kia thật là một cái phông lý tưởng. Nhưng nó cũng nói lên một điều, “người ta” đang chán nó. “Người ta” là những người đang phải chịu trách nhiệm với Hà Nội, với đất nước, chứ Hà Nội và cư dân Hà Nội, chẳng bao giờ chán những cái gì đã thuộc về Hà Nội cả.

Nghĩ về cái sự “chán” Hà Nội, thì nhiều lý do lắm. Chúng ta cứ thử hỏi, trong số các bạn trẻ đang chụp ảnh trên cầu kia, có bao nhiêu bạn biết được, rằng khi xây cây cầu, người Pháp dùng công nghệ của thế kỷ 19, đã phải cắm một cái ống sắt thật là to xuống sông Hồng, rồi hút nước ra, cho công nhân vào xây trụ cầu bằng đá. Ngày xưa, người Việt Nam ta oán thán về việc này, lên án rằng thực dân Pháp muốn làm cái cầu để chở sản vật của đất nước thuộc địa về nước mẹ tận châu Âu, nên mới phải đầu tư làm cầu. Những tai nạn lao động tràn nước vào ống thép chết bao nhiêu công nhân đang xây trụ cầu, cũng đã là cái cớ để lên án chế độ thực dân. Ấy thế mà chúng vẫn phải dùng cây cầu cho đến tận năm 1985 có thêm cái cầu Chương Dương và mãi đến sau này sân bay Nội Bài phát huy tác dụng thì cầu Thăng Long mới đỡ phí.

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái “khóa tình yêu”, chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu. Người trẻ bây giờ lạ thế, chọn chỗ thề bồi, sao không chọn chỗ đẹp hơn, sao không ra khóa cái khóa ở chỗ lan can hình số tám đẹp tuyệt vời mà chọn chỗ vô duyên nhất của cây cầu?

Cũng hôm nay ngồi nói chuyện với “một ông anh” dân “củi rều” nhà ở Bồ Đề, anh em mới nhắc, rằng nhiều người cứ ca ngợi cầu Long Biên, một phần của Hà Nội, mà vẫn cứ quên những trụ giảm lũ chống gỗ trôi mà sau này người ta làm thêm – những cái trụ rỗng bê tông hình tam giác, mà nếu đi từ Hà Nội sang Gia Lâm sẽ nhìn thấy rất rõ vì nó ở mạn cầu bên thượng lưu. Ngay từ cách đây gần 40 năm, trên đó đã mọc rất nhiều cây dại chắc là chỉ do gió mang tới mọc lên mà thôi… nhìn sang đó, cứ như một thế giới khác, khó với tới, nhất là với năng lực của trẻ con thì thật xa vời. Nhưng cũng có rất nhiều ngày từ ngỡ ngàng đến dần quen mắt khi thấy bọn trẻ của bên bờ Gia Lâm, ngồi chót vót trên đỉnh của những tấm bê tông đó mà nhìn lên cầu. Còn có cả những đứa trẻ đứng trên đỉnh giàn chót vót mà nhảy xuống Sông Hồng trong mùa nước to nước chỉ cách mặt cầu vài mét. Cũng mùa lũ, dân “củi rều” thường bơi ra những cái trụ “chống lũ giảm tải” đó vào mùa lũ để vớt củi về đun. Có bao nhiêu “nhiếp ảnh gia” trẻ tuổi để ý được đến những cái trụ “chống lũ” kia? Có bạn nào đặt câu hỏi trong đầu, rằng chúng được dựng lên từ bao giờ, và để làm gì? “Ông anh” kia bảo, chúng được dựng lên từ sau chiến tranh. Nhưng mình thì thấy chúng từ khi mình được đi trên cây cầu đó.

Đã có trụ nằm sóng soài ra rồi
Sau này chỉ khi cầu Chương Dương gặp sự cố bị lún nứt gì đó, thì người ta mới cho xe máy lại đi sang cầu Long Biên sau mấy chục năm chỉ có xe đạp được đi. Tối đi xe máy lên cầu chơi, xem người ta câu cá trên cầu - không biết bây giờ có còn bác nào không, chứ hồi đó dân câu cá sông Hồng đông lắm. Ông bố mình, tay “sát cá” có hạng, cũng thi thoảng lên tham gia một “chân”. Câu kiểu này không cần cần câu, cứ thả sợi dây xuống thôi mà có ngày được hàng xô cá. Còn nếu thử trèo ra ngoài mà ngó xuống phía dưới, sẽ không khỏi giật mình vì có cả một làng thu nhỏ với nhiều gia đình vẫn định cư trong khoảng không gian giữa mặt trên của trụ cầu và mặt dưới của những cây rầm thép.


Cả tháng trước cứ nghe chuyện cầu Long Biên cần phải phá đi làm mới, lại nhớ ngày xưa người Pháp người ta có cái phim hoạt hình “Je T’aime Paris” kể về tình yêu của Paris với tháp Eiffel, đấy, cái tình yêu của Paris với tháp Eiffel nó thế, liệu tình yêu của Hà Nội với cầu Long Biên có được như thế không? Thế giới cũng tranh cãi về việc phá cái gì và giữ cái gì trong hàng bao nhiêu đời nay rồi, chẳng cứ gì Việt Nam ta. Nhưng người ta thì chắc chắn làm được, mới bàn phá, còn ta, chưa chắc đã làm được, nhưng cứ thích phá cái đã. Cái gì cũng đến lúc cũ, hỏng, và người ta sẽ nghĩ đến chuyện phá bỏ nó đi, cầu Long Biên cũng thế. Cách đây đến 15 năm và hơn nữa khi thành phố của chúng ta đầy chặt xe đạp, mỗi khi tàu hỏa chạy về ga Hàng Cỏ là người ta lại hỏi, tại sao cái nhà ga bao nhiêu năm thành phố phát triển mà vẫn duy trì ở trong thành phố làm biết bao người mất thời gian. Ngày hôm nay thay vì xe đạp là hàng nghìn cái xe máy và ô tô đẹp, trong khi đoàn tàu hỏa vẫn lừ lừ chạy qua, ngạo nghễ và thách thức sự phát triển. Không những thế, nó vừa mới lên tiếng góp phần vào đề nghị phá cầu Long Biên vì không đáp ứng được “nhu cầu” của nó. Lạ nhỉ, một bà cụ già khú đế, tự dưng đòi li dị ông chồng tuổi cũng cả trăm để đòi lấy giai trẻ. Cả hai cụ đều xứng đáng được lên bàn thờ để con cháu nó qua mà chụp ảnh kỷ niệm chứ!


Vì thế giữ cầu Long Biên, cũng phải là giữ như thế nào… người ta muốn có một cây cầu mới, có thể vẫn “cong mềm mại” như cây cầu cũ (giống như năm 90 chợ Đồng Xuân cũ với năm cái vòm cong cong được phá đi làm thành có ba cái cong cong như bây giờ đang thấy) nhưng “đáp ứng” được cả tàu hỏa, lẫn ô tô… Nhưng vì cầu Long Biên không chỉ dành cho ô tô đẹp sang trọng, mà bao năm nay, những người hàng rong vẫn từ bên kia mang những món hàng ít ỏi của mình sang bán cho người nội thành, ấy thế mà vẫn cứ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày ngày vẫn vào phố bán hàng...
Hà Nội ngoài cầu Long Biên, còn có nhiều cái khác làm biểu tượng, vì cầu Long Biên không thể có được vị trí như tháp Eiffel của Paris, vì thế mà người ta vẫn có lý khi muốn phá nó đi. Hà Nội hoàn toàn có thể mất cầu Long Biên, cũng như nó đã từng mất đi quá nhiều thứ. Hôm nay chúng ta đang sống trong lòng thành phố, có thể mệt và chán vì nó quá lạnh, mặc bao nhiêu cũng không đủ; và nó quá nóng, ngày càng nóng với vô số máy điều hòa cố định và cả di động; nó quá ẩm ướt nhem nhép và chỉ kéo lại được có một tháng mùa thu nắng và gió… nhưng nếu ta xa thành phố, chắc chắn tất cả những điều đó sẽ làm chúng ta nhớ nó đến quay quắt. Nếu không có cầu Long Biên, chúng ta vẫn nhớ Hà Nội bằng những cái đó, bằng những “ánh đèn qua ô cửa sổ”, bằng mùa xuân cây thay lá, và bằng những ký ức của tôi và của bạn. Nhưng xin nhớ rằng, “người Hà Nội hôm nay ra đi, mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ” và “người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” thì người ta nhớ đến những bước chân đi bộ qua cầu Long Biên để lại thành phố ở sau lưng, chứ không nhớ đến “những cánh chim Xì-kai Tim” hàng ngày chở “hàng xách tay” và đang bị túm cổ ở bên xứ Phù Tang kia đâu.

Ảnh chụp theo môtíp cũ rích.
Bây giờ khoảng nước giữa
bãi giữa và bờ phía Hà Nội,
thành cái ao tù xanh lè thế này
Nếu không giữ được cầu Long Biên, thì Hà Nội sẽ tiếp tục mất đi những tài sản cuối cùng của nó. Hai chục năm trước, chúng ta chỉ biết đến Tam Cốc, Bích Động, cố đô Hoa Lư mà đến ngày hôm nay chúng ta đau đầu về cái sự PR cho chùa Bái Đính to đại, hoành tráng vừa trí trá muốn thay thế cái chùa bé cũ kỹ và một khu “di sản Tràng An” nào đó, thì chẳng có lý gì mà cầu Long Biên không được nhận một cái “bằng” di sản như thế cả. Cầu Long Biên nếu có được giữ lại, thì phải là như cũ, như người Pháp vừa mới khánh thành và chỉ dành cho người đi bộ, khách du lịch và các “nhiếp ảnh gia”, nên có một đầu máy hơi nước cùng vài toa tầu thời “Anh Pha Anh Chí Chị Dậu” đỗ ở trên và thỉnh thoảng kéo vài hồi còi… Để nuôi nó, khách du lịch có thể thả tiền vào các “hòm công đức” như ta thấy đầy trong các ngôi chùa, đồng thời đánh thuế lên cầu theo đầu máy ảnh, riêng các tay máy đi chụp mẫu khỏa thân trên cầu thì miễn phí…   

Mình cũng như bạn, trở thành người Hà Nội chỉ trước và sau, và cũng như biết bao thế hệ, đến với Hà Nội mà vẫn tự hào về truyền thống vùng quê của mình, chúng ta mang theo tất cả những “đất lề quê thói” lên với Hà Nội để “Hà Nội có được những sắc mầu và hương vị thực sự đặc trưng của nó”, nhưng chúng ta chưa bao giờ làm cái điều mình vừa mở ngoặc kép đây một cách có ý thức – vì chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu. Và vì thế mà chúng ta mãi mãi sẽ còn phải tranh cãi xem, Hà Nội đẹp hay không đẹp, văn minh hay nhếch nhác… chỉ tiếc là ngay cả những người đang phải chịu trách nhiệm với thành phố, cũng chẳng bao giờ hiểu Hà Nội hết.  

Chừng nào mà những người yêu nhau tìm hiểu tất cả những gì về cây cầu và chọn được chỗ đẹp hơn để khóa cái khóa tình yêu… Chừng nào mà các bạn trẻ đang bấm máy và làm dáng trên những thanh ray của cây cầu kia, biết được những điều mà bao thế hệ trước vì thế mà yêu cây cầu, thì lúc đó, câu chuyện “Tôi yêu Hà Nội” của cây cầu Long Biên mới thực sự có ý nghĩa, và lúc đó hẵng bàn đến chuyện nên giữ nó lại…

Còn với mình, sẽ không bao giờ quên được cảnh mặt trời lặn ở phía “Hà Nội” nhìn từ phía “cây cầu “của tôi”” vào mỗi chiều thứ Bảy.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

Bài trên "TuanVietNam" phần đầu ở đây và phần hai ở đây

2 comments:

  1. "Nếu không giữ được cầu Long Biên, thì Hà Nội sẽ tiếp tục mất đi những tài sản cuối cùng của nó..."

    ReplyDelete
  2. Ngày bé Bố mẹ mình cứ Chủ Nhật đèo 2 anh em sang Tràng Tiền ăn Kem rồi đi thăm Họ hàng ở Phố Hàng Bột, Khâm Thiên rồi quay về Bờ Hồ ngắm cảnh, vào Phố Hoàn Kiếm có cái Hiệu sách Kim Đồng mua vài quyển truyện tranh về Thánh Góng, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản, Lê Lợi về sự tích Hồ Gươm. Sau này lớn lên biết đi xe đạp thì ngày nào cũng đạp xe qua Cầu để đi giao hàng, cái Chợ Đồng Xuân, Bắc Qua sao ngày xưa nó đẹp thế? Hay nó đẹp là vì nó quá gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ rồi? Cũng như Cầu Long Biên mà bạn tả nó cũng là con đường mang lại miếng cơm manh áo cho cả Họ Ngoại nhà mình, quê Ngoại mình là ngay bến đò Long Tửu đoạn trên của bến đò Đông Trù, làng Xuân Trạch có Cây Gạo già ngay ngã ba sông. Đoạn đầu cầu bên Gia Lâm những năm 80' mình hàng ngày đi giao thịt cho các quán Phở
    Xa cây cầu gần 30 năm rồi nhưng lần nào mình về phép là mình cũng qua ngắm cây cầu Long Biên đó, nhớ thời trẻ cứ khi nào bên đó duyệt binh hay bắn pháo hoa thì tấp lập cơ man nào là xe đạp và người đi bộ trên cầu.
    Cám ơn bạn đã đang cái stt này và cầu mong ai đó, đừng có cái ý nghĩ loại bỏ cây cầu cho mình nhớ nhiều về ký ức của tuổi thơ! Chúc bạn sức khỏe và gửi lời chào tới Hà Nội năm cửa ô nhé

    ReplyDelete