BTV Minh Hà |
Nghe cứ như “Catina cà phê sáng” của Phú Quang.
Lâu không xem tivi, vì chỉ có kéo phim HD trên mạng về mà xem, tin tức thì bà
con trên “Phây” xui cái gì, xem cái ấy. Ở bếp có cái tivi để xem loại phim “bà
nội trợ” (bằng đầu VTC công nghệ của sếp Tập) hỏng từ lâu. Hôm qua ông bạn làm
nghề sửa tivi đến chơi, sửa cho cái tivi, và thế là “ánh sáng văn hóa” lại đến
với căn bếp nhà mình.
Sáng nay ngủ dậy, pha cà phê uống và xem tivi, “nhã”
ra phết. Lâu không xem, thấy cũng hay hay. “Vê tê vê ba cà phê sáng” có một cô
váy đen da trắng, móng tay đỏ, rõ là xinh, hình dư tên là Minh Hà, dẫn cùng một
anh chàng nào đó mình chẳng để ý, (gớm, để ý chị em chứ để ý mấy ông đực rựa
làm giề…). Nói chuyện ăn chẫu chàng ễnh ương trong Hà Tĩnh, rồi đến một tin rất
đáng chú ý: bấy lâu nay Trung Quốc họ bị mất, tức là “tuyệt chủng” một bản phim
Tây Du Ký, đó là phim “Động Bàn Tơ” (1957) – đùng cái ngành lưu trữ điện ảnh của
ta tìm thấy trong kho tàng, và ta trả lại cho “bạn”. Cô Minh Hà cứ nhất nhất: “Chúng
ta xem, chúng ta nhớ, chúng ta thích… “Tây Du Ký” của Lục Tiểu Linh Đồng…” –
đúng mà, chẳng có gì sai. Nhưng mà khi nói về các bản phim về cùng một cốt truyện,
thì phải nói là “Tây Du Ký” bản 1986 của đạo diễn Dương Khiết (Lục Tiểu Linh Đồng
đóng Tôn Ngộ Không); “Tây Du Ký – Đại náo Thiên Cung” (2014)… tất nhiên cô này
không chuyên về phim, nên thể chấp được, vả lại nói dài lằng nhằng quá vừa ngại
mà thời lượng không cho phép.
Cảnh phim "Động Bàn Tơ" (1957) |
Nhưng cái cảm giác “người đẹp thì nhạt” tưởng
đã mất lâu lắm, có hiện tượng quay lại.
Đến em Hồng Cư tiếp chuyện Tiến sĩ khoa học
Đoàn Hương. Cô tiến sĩ nói về nhà văn Nikolai Ostrovski “Khi nhà văn là bí thư
đoàn Komsomon đang xây dựng tuyến đường sắt Baikan – Amur đã thế này thế khác…
và câu chuyện được đưa vào tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” với nhân vật Pavel…”.
Nhà văn Nikolai Ostrovski công tác trong ngành đường sắt với tư cách là thợ điện
từ năm 1921, trong một xưởng xe hỏa ở Kiev. Đến năm 1922 ông là bí thư Đoàn,
nhưng đã ốm và được gửi về chữa bệnh ở một thị trấn nhỏ ở biển Azov – trong tiểu
thuyết “Thép đã tôi thế đấy” Pavel đã gặp cô Thaia, được cô ấy chăm sóc và họ lấy
nhau. Còn tuyến đường sắt Baikan – Amur thì mặc dù được khởi động từ những năm
1930 (nhà văn Nikolai Ostrovski ốm rất nặng, bị mù, bại liệt và mất năm 1932);
nhưng mãi sau này, đến năm 1970 dự án đó mới thực sự thành hiện thực (BAM - БАМ
= Байкало-Амурская магистраль = tuyến đường sắt Baikal – Amur) – thanh niên trên
toàn Liên bang Xôviết kéo nhau về đây, và công trình cũng trở thành một dự án
mang tính biểu tượng của Đoàn Komsomon thời kỳ “Liên Xô giai đoạn cuối”.
TSKH Đoàn Hương |
Tất nhiên, cô Đoàn Hương là tiến sĩ khoa học về
văn học, không phải lịch sử.
Sau cà phê, đến chương trình “Kỹ năng sống” có
một em nào đó tên là Quỳnh Anh nói lèo lèo “Chúng ta vẫn thường nghe câu thơ: “Trẻ
em như búp trên cành / Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”…” Nếu như mình không
nhầm thì đây là thơ của… Bác Hồ. Trong khi cả nước đang phấn khởi thi đua với
các chiến dịch liên tiếp “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà
quên đây là thơ của Bác Hồ thì cũng không nên. Chuyện nhỏ thôi, nhưng cái cảm
giác “người đẹp thì nhạt” tưởng như chỉ rập rình thôi, nay đã quay lại rõ ràng
rồi.
Tên tivi, báo nói thì cũng hạn chế thời lượng,
nên ngắn gọn, nhưng mà một hai giây đồng hồ thì chẳng đáng bao nhiêu. Đã lên đến
tivi thì bao nhiêu người trông vào, đưa ra một sản phẩm kỹ lưỡng thì vẫn hơn chứ…
bớt tí thời gian tra cứu, “tiến sĩ khoa học Gu-gờ” lúc nào chẳng ngồi chồm chỗm
ở trên mạng ấy, chuẩn bị cho nó kỹ kỹ một tí thì có làm sao.
Bây giờ người ta sống cứ hời hợt như thế nào ấy.
Thời sống và chiến đấu với Pavel Korchagin, chúng tớ sống sâu sắc hơn nhiều.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment