"Chuyến đò bị chém" Ảnh: Cao Anh Tuấn |
Tặng anh
Nguyen Son, Praha, bạn Facebook của tôi.
Có một bạn
thanh niên chụp ảnh Hà Nội rất xuất sắc, có lần post lên Facebook một tấm ảnh
có thể nói là đẹp, một con thuyền bên cạnh có những vuông lục bình. Chú em đặt
tên cho ảnh đâu như “Chuyến đò cuộc đời” gì đó, và bị mình “chém” cho bay đầu…
mình bảo, “đò đâu mà đò, đấy là cái thuyền của những người trồng bèo lục bình
chứ. Chụp ảnh là phải hòa mình vào cuộc sống, vào mà hỏi mà han, nửa ngày “hòa
mình” như thế mới được một tấm…” he he, khổ thân chú em hiền lành, yếu ớt chống
cự với mình, làm sao mà chống được!
Thật ra là
mình trêu anh chàng là chính thôi, vì cứ nhắc đến “đò”, là mình nhớ cồn
cào những chuyến đò của tuổi thơ. Mình đã kể trong câu chuyện “Cây cầu "của tôi"”
tuần hai lần được mẹ chở xe đạp qua cầu Long Biên rồi qua đò Đông Trù, đò Đông
Ngàn sang bên kia sông Đuống. Mấy bến đò nằm dọc cái doi đất, như một bán đảo
giữa hai sông, bên này là sông Hồng, bên kia là sông Đuống. Đó chính là nơi sông
Đuống bắt nguồn và nó chảy đi mãi đến tận Lục Đầu Giang hòa vào nơi sáu con
sông chỗ Phả Lại. Nhiều khi đò đón ở cái bến tít đầu cuối của “bán đảo”, và
đoàn các thày cô lại lếch thếch đạp xe đạp đi suốt trên những con đường đất của
làng, mà nếu trời mưa, thì lầy bùn rất vất vả. Con đường như đi qua một cánh rừng,
nhà tranh vách đất lác đác… nay đã là đường Ngọc Thụy, thuộc quận Long Biên, đầy
chặt nhà cửa, san sát. Từ hồi đó mình đã ấn tượng với rất nhiều những cây xoan
ướt rũ rượi nước mưa ở đây, khi ghé mắt nhìn qua khe của áo mưa – và bây giờ ở
làng này cũng vẫn còn rất nhiều xoan.
Bên kia sông Đuống, chỗ làng Xuân Trạch nhìn từ bến đò Đông Ngàn |
Đò hồi đó là
những con đò to tướng, đóng bằng gỗ dày, chắc chắn, và nặng. Nó có vẻ rất nặng,
đến mức nếu như mà đắm thì sẽ chìm đến tận đáy sông. Hồi đó chỉ có xe đạp và người
đi bộ, những chiếc xe đạp được xếp ngang xuống lòng đò vừa khít, cứ thế một lượt
từ đầu này đến đầu kia. Ở hai đầu đò, hai “mảnh sân” hình tam giác là chỗ cho
khách đi đò ngồi. Chú bé con ngồi co trong lòng mẹ, được mẹ nắm chặt tay cho khỏi
sợ. Sau này chú bé đó lớn hơn, có thể ngồi một mình, thì có khi được ai đó cho
ngồi lên yên một chiếc xe đạp xếp ngoài cùng. Cũng vậy, theo tuổi mà hồi bé tí,
cậu ta được bế lên bế xuống, thì lớn một chút, thì phải tự đi qua tấm ván bắc
làm cầu mảnh mảnh, chênh vênh, rất sợ ngã xuống nước, dù chỗ đó rất nông. Chưa
ngã bao giờ, nhưng rất sợ… mình sợ ngã từ bé là do thế - không bao giờ thích
chơi những trò trèo leo, chênh vênh, và dần dần thành tính người, chỉ thích những
cái chắc chắn, dù có thể rất giản dị, không hào nhoáng.
Một con đò bé xíu, bằng sắt, chạy trộm kiểu tắc bụp |
Tùy vào mùa
nước mà đò có thể đi ngang, nếu nước không to, hoặc đi dọc nếu nước to. Nước chảy
xiết, làm cho đò không thể đi ngang một mạch sang bên kia được, mà phải đi chéo
chéo, từ bến Đông Ngàn bên này sang mãi gốc gạo bên kia, đường thẳng trên đê
khoảng 2 cây số, đã là đường vào làng Xuân Trạch rồi. Người lớn thì không ai
thích, vì đi đò dọc đắt hơn đi đò ngang, lại nguy hiểm và lâu nữa. Người chèo
đò cũng không thích, cũng vì nguy hiểm, không lấy đắt hơn được bao nhiêu mà rất
mất sức và mất thời gian. Nhưng trẻ con, thì chỉ thích đi đò dọc, vì ngồi ngắm
trời ngắm đất, ngắm những cái xoáy nước cứ xoắn tròn trên mặt nước lũ đỏ bầm,
chảy vun vút… biết bao nhiêu thứ lung tung từ thượng nguồn trôi về, rác rưởi
có, đồ đạc cũng có, xác thú xác trâu bò cũng có mà có lần còn có cả người chết
trôi đâu đó về… nhiều thứ lắm. Có lần có người chết, thế là người lái đò cứ cố
tránh tránh thật xa… không biết “người ta” còn trôi đến tận đâu mới mắc lại.
Bây giờ có điện thoại di động, rút ra, alô cho cơ quan quản lý đường sông là
xong. Ngày xưa khác.
Cha con ông
lái đò, nhiều khi có cả bà lão thậm chí có cả một chị không biết con gái hay
con dâu, tham gia chèo chống – với đúng nghĩa đen. Một, hai người cầm mái chèo,
khoắng khoắng, khoắng khoắng, chèo cậy… hai bên mạn đò là hai thanh gỗ vuông to
bản rộng đến hai tấc (20 cm) nên đi thoải mái, thì hai người đàn ông cầm hai
cây sào, cứ cắm xuống và đẩy bằng cách đi trên hai thanh gỗ đó. Họ đi từ đầu
con đò đến cuối con đò, rồi rút sào và đi ngược lại, cứ thế, cứ thế… Hồi đó, chỉ
4, 5 4 tuổi thôi, mình đã phát hiện ra rằng, người chống sào đi bộ trên đò từ đầu
đến cuối con đò, nhưng vị trí (sau này học vật lý mới biết đó là “vị trí tương
đối”) của người ấy so với con sông, không thay đổi, nghĩa là ông ấy vẫn đứng
yên một chỗ so với con sông. Khi ông ấy đi ngược lại từ cuối lên đến đầu con
đò, thì vận tốc của ông ấy bằng vận tốc ông ấy đi trên đò cộng với vận tốc con
đò, nếu so với bờ… sau này mình rất ham học môn vật lý, xin bật mí như thế.
Mình cứ nhìn những bàn chân của hai bố con ông lái đò, họ luôn luôn đi đất, những
bàn chân to, dày, màu nâu sẫm, sần sùi, ngón tòe ra với ngón cái xoay ngang
chĩa vào bên trong như của người Giao Chỉ, từ xung quanh đến lòng bàn chân thì
lại màu trắng ngà ngà vàng, dày chai, bờn bợt… Nhìn những bàn chân vững chãi, rất
yên tâm vào sự an toàn của con đò. Hồi đó chẳng nhớ có chuyến nào chìm không,
nhưng mình thì 7 năm đi đò, chưa “bị” chuyến nào.
Phà chứ không phải là đò. Cũng bị cấm từ năm ngoái rồi. |
Những hôm mưa
được mẹ che cho bằng cái áo mưa, hồi đó cũng không dễ kiếm, nhìn mưa ràn rạt
trên mặt sông, cũng lo lắng. Đến khi mẹ đẩy xe lên đê, cả mẹ cả mình trượt ngã
oanh oách, lấm lem… sang đến nơi, mẹ lại phải tắm cho thằng con, rồi thay quần
áo đi dạy. Vì thế nhà trường cũng không bao giờ xếp cho các thày cô nhà “bên Hà
Nội” dạy tiết đầu sáng thứ Hai và tiết cuối chiều thứ Bảy.
Chiều thứ Bảy
là hay nhìn thấy những chiếc thuyền buồm, rất cổ kính với đúng nghĩa của nó, cũ
kỹ, những miếng vá trên cánh buồm thường mới hơn, ánh nắng mặt trời đang lặn
phía bây giờ là khu đô thị sang trọng Ciputra, như xuyên qua những cánh buồm
đó, biến chúng thành một màu hồng hồng, cực kỳ đẹp và đầy cảm xúc. Nếu như hồi
đó có máy ảnh, hoặc nếu như bây giờ còn những con thuyền đó, thì ngốn kha khá
phim ảnh vào đó chứ không có ít. Nhìn lên những chiếc thuyền buồm thấy họ vo gạo
thổi cơm, giặt giũ… mà lạ lẫm, không biết họ có thể sống như thế nào trên cái
không gian lênh đênh và nhỏ xíu, thiếu tiện nghi đó; một cuộc sống kỳ lạ, xa vời,
không bao giờ chúng ta có thể hiểu được. Bây giờ muốn tìm những cánh buồm đó,
chắc chỉ có xuống Hạ Long, nhưng chỉ là để “ru lòng mình vậy” thôi, vì những
cái thuyền du lịch Hạ Long chúng cao hơn, thon hơn, và mới hơn.
Lên bảy tuổi,
mẹ chuyển về dạy ở nội thành, về ở nhà trong thành phố, mình không còn “được”
đi đò nữa. Khoảng 3 năm sau, hè được sang chơi lại một lần, vẫn những con đò ấy
và gặp lại nhau mà rưng rưng. Chính lần này mẹ gặp một anh học sinh cũ đang đi
bộ trên đê, báo anh lớp trưởng của lớp mẹ chủ nhiệm đã hi sinh ở biên giới Tây Nam… Gần chục năm sau nữa, mình đi xe đạp chở mẹ, lúc này đã yếu vì ốm lâu,
sang ăn cưới con một cô giáo dạy cùng ngày xưa. Đò đã chạy bằng máy nổ diesel,
nhưng vẫn là con đò gỗ ngày xưa. Lại gần một chục năm sau, đi qua chơi nhiều lần
để chụp ảnh, đã không gặp con đò gỗ nữa mà được đi đò sắt.
Cái hàng nước
ở dốc lên bến đò Đông Ngàn tồn tại khá lâu, có hồi còn có cả đội cờ bạc bịp
tung hoành. Hình như mãi đầu năm 2013 sau trận lũ to, người ta cấm đò, hàng nước
mới thôi. Nhưng hình ảnh người chống sào, những đôi bàn chân, giọng nói nửa
thành phố, nửa nông thôn ngông nghênh của những người chơi cờ bạc bịp thì mình
không bao giờ quên cả. Nếu như ai đó chụp ảnh, vẽ tranh, làm thơ… mà đặt tên
“Chuyến đò quê hương”, chắc bị chê là “sến”; nhưng với một người sinh ra và có
những năm tháng tuổi thơ gắn bó với vùng đất ấy như thế, đúng là “chuyến đò quê
hương” thực sự. Bảy mùa cây gạo ra hoa đỏ ối rồi thay lá… bốn chục năm qua nó vẫn
đó, nguyên như vậy, không thay đổi, dù rất nhiều người xung quanh chúng ta đã
xa, rất xa.
Và nhớ nhất
là hình ảnh mẹ nhỏ bé, vác cái xe đạp rõ to hơn hẳn người, nghiêng nghiêng,
xiêu xiêu… đi trên tấm ván, lên đò.
P.S. Bài tặng
một “ông anh”, lại mở bài bằng chuyện ảnh của một “ông em”, cũng là để tặng ông
em ấy vậy.
P.S.2. Viết
bài này vào chiều Chủ Nhật, đã định post lên mạng nhưng lại hoãn lại, phần vì
có cái vụ “Người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh” nó chen vào, phần vì một câu chuyện
khác nữa. Mẹ mình học sư phạm, ra trường và cùng nhận công tác về trường với một
cô bạn đồng tuổi, cũng người Hà Nội. Cô lấy chồng muộn hơn mẹ mình vài năm, nên
được cô bế, ẵm, trông coi từ bé tí, có thể nói như một bà mẹ nuôi vậy. Có nhiều
lần mẹ sang trường trước, hoặc sau… cô đèo mình đi, về… mùi mồ hôi lưng áo cũng
chẳng khác gì mùi mẹ của mình. Có lần cô lên lớp mà không có ai trông, phải đưa
thằng bé lên cùng, mình vẫn nhớ đó là giờ vật lý, cô cầm sợi dây, đặt cái ròng
rọc lên và cho nó chạy qua chạy lại… (thí nghiệm cân bằng không bền, trọng tâm
đặt thấp hơn điểm tựa)… Năm mình “được về Hà Nội” cũng là năm cô và gia đình
chuyển vào Sài Gòn định cư.
Trước Tết vừa qua mình có vào thăm cô, lúc này bệnh đã rất nặng. Cuối tuần rồi, lại thêm một người mình yêu quý, ra đi. Cũng biết cái gì đến sẽ đến, cái gì không tránh khỏi được thì không bao giờ tránh được. Cũng tự an ủi sau mấy giờ đồng hồ tâm sự với cô, thấy cô vững vàng, nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng cũng có nhiều điều, chẳng bao giờ muốn tin cả.
Trước Tết vừa qua mình có vào thăm cô, lúc này bệnh đã rất nặng. Cuối tuần rồi, lại thêm một người mình yêu quý, ra đi. Cũng biết cái gì đến sẽ đến, cái gì không tránh khỏi được thì không bao giờ tránh được. Cũng tự an ủi sau mấy giờ đồng hồ tâm sự với cô, thấy cô vững vàng, nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng cũng có nhiều điều, chẳng bao giờ muốn tin cả.
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment