Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, April 14, 2014

“Bác giun đào đất suốt ngày…”

Thế là ông bác họ đã được đưa ra đồng, mồ yên mả đẹp, hưởng thọ 76 tuổi. Bác là người cực kỳ hiền lành, có thể nói là hơi chậm chạp, và đúng là đã trải qua một cuộc đời cũng không quá thăng trầm trừ những năm tháng chiến tranh, đi bộ đội. Cũng có thể ví bác như một người lao động cần mẫn, hiền lành chăm chỉ không tranh cạnh – đúng là “Bác giun”.

Và nói luôn, bài thơ “Đám ma bác giun” của Trần Đăng Khoa là bài thơ mình thích nhất trong thời gian học tiểu học. Trang trọng chép vào sổ tay cả bài – trong đó có những đoạn trích văn, thơ mà mình thích, như đoạn “Yêu quê hương là yêu cái lọ cái chai…” của Ilia Êrenbua… riêng “Đám ma bác giun” có cả một bức tranh minh họa mình vẽ cả bác giun lẫn lũ kiến, đầy đủ các loại kiến như Trần Đăng Khoa mô tả. Trần Đăng Khoa của “Góc sân và khoảng trời” nhìn chung là có nhiều bài thơ hay, dưng mà càng về sau những “hạt gạo làng ta” càng thấy chán vì “chếnh t’rệ” quá – còn thể loại “Bắn tàu Mỹ cháy là khẩu súng trường/Người em yêu thương là chú bộ đội/Chăm ngoan học giỏi là bạn thiếu nhi/Ngu xuẩn nhất nhì là Tổng thống Mỹ…” thì chán hẳn. Bây giờ ta có con, có mà dở hơi đi giáo dục con theo cái kiểu Kim Dong Ủn như thế!

Cái sự đám ma ở quê ngày xưa (gọi là xưa, cách đây tầm 20 năm trở ra chứ mấy) đúng như “Đám ma bác giun”, đầy đủ các “lực lượng” họ hàng kéo đến nên cũng lê thê đến vài ba ngày, cỗ bàn bữa đầu bữa sau, càng về sau càng “dồn”, hạng “rối loạn tiền đình” như mình, "Tào Tháo đuổi" là chắc. Đưa ma xong còn ở lại dọn dẹp tháo rạp rồi ăn “3 ngày” luôn, nhìn chung là cả xóm trong mấy ngày đó không nhà nào phải thổi cơm vì cứ sang “nhà đám” ăn cơm thôi. Nhiều làng còn có các “chiếu trên chiếu dưới” sát phạt nhau, mà chẳng chính quyền dám vào bắt. Buổi tối cuối cùng, là buổi tổng kết, mấy ông bác chuyên “cầm trịch” ngồi rút kinh nghiệm hàng trăm việc hầm bà lằng từ cơi trầu thùng nước chè tươi, đến bánh pháo chai rượu, yến chè bồm đổ áo quan, đến những việc nhớn như mượn/trả cái xe đòn, cái “võng chủ” (ở quê mình gọi cái kiệu để rước ảnh, bài vị như thế), đến chuyện gọi đội kèn tây, phường bát âm… cứ là ong thủ. Càng về sau các bác càng già, càng yếu đi, việc giao dần cho bọn trẻ hơn, và rút kinh nghiệm cũng nhanh hơn, chứ ngày xưa “ma chê cưới trách”, rút cả tuần không xong.

Ngày xưa cái sự đi lại nó cũng khó khăn, nên đám mà xong vừa chiều, thì người ở hơi xa xa đều ngủ lại sáng mai dậy ăn sáng rồi lóc cóc đạp xe về sớm – vì thế nhà mà có đám, người thoát ly đi công tác ở xa, có mà mất cả tuần.

Hôm nay đưa ma ông bác cũng lạ, dẫn chương trình và điếu văn đều đọc đúng “tuổi Tây” là 76 tuổi, không có vụ “cộng thêm tuổi mụ” như nhiều nơi. Mò về quê viếng đưa ma, ai dè “sụp ổ” chụp ảnh, biến thành ông thợ ảnh đám ma bất đắc dĩ, vì anh chị con bác quên vụ đó. Thì chụp! Khổ cái, vừa chụp vừa nhịn… cười.

Đi đám ma ông bác mà lại buồn cười, hâm à? Thôi bác sống phẳng lặng cả đời, xuất ngũ với cấp bậc trung sĩ, về hưu với chức vụ… tổ viên; ốm có mấy ngày rồi nhẹ nhàng “đi”, không phải “bác giun” sướng bằng tỉ lần “thượng tướng ngựa đá hậu” hay sao? Vui cũng được, sao mà phải buồn! Nhắc đến vui buồn trong đám ma, lại nhớ có rất nhiều trường hợp, bình thường thì chẳng vui vẻ gì, ấy thế mà nghe tin người ta chết, phi đến ngay lập tức, gào thét từ ngoài cổng: “Ối giời ôi, bù lu bù loa…”

Hí húi chui góc nọ, góc kia chụp ảnh, nghe bác “MC” và ông chủ tịch Cựu chiến binh đọc mà răng cứ nhe ra. “Đúng vào lúc đất nước đang chuẩn bị kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc khờ… à quên, ngày Quốc tế Lao động mồng một tháng Năm, riêng thôn… xã… đang hăng say lao động cho vụ chiêm xuân thì cụ Nguyễn Văn A. ra đi…” đấy là ông “MC”, còn ông chủ tịch Cựu chiến binh thì “Cụ Nguyễn Văn A. ra đi, là lúc đất nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu; riêng thôn… công cuộc bảo vệ vụ chiêm xuân đang bước vào giai đoạn khó khăn khốc liệt… nhưng chúng tôi nguyện giữ tinh thần đồng chí Nguyễn Văn A. bảo vệ vững chắc mùa vụ theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước…” Nghe cứ như đất nước vẫn còn đang oánh nhau thục mạng với quân đế quốc sài lang nào đó.

"Khổ" nhất là đến mệt với cái anh nhà kèn phường bát âm, rất thích chụp ảnh, cứ thấy ống kính chĩa về phía mình là thổi to hẳn lên, phồng mồm trợn mang, tạo dáng. Lúc “đám ma đưa đến là dài, qua hết vườn chuối, vườn khoai, vườn cà…” anh nhà kèn còn dừng cả lại tạo dáng để ông phó nhòm bất đắc dĩ chụp cho xong, làm cả đoàn ùn tắc. Cứ nhìn cái mặt anh ấy mà buồn cười! (Ảnh 1)


Đội tiêu binh Cựu chiến binh đi đứng khá láo nháo, chứ không hoành tráng như trên Thái Nguyên – trên đó họ còn đầu tư cả xe Jeep Liên Xô và cỗ xe kéo có thùng kính, “hoành tá tràng” cứ như đám ma nguyên thủ! (Ảnh 2)

Anh chị họ toàn đi làm ngoài Hà Nội cả, nên đám ma có vẻ gọn nhẹ, đưa từ sáng sớm, 9 giờ sáng là xong, về ăn uống một bữa rồi giải tán. Ngày nay đi lại dễ dàng, đường sá tốt, phương tiện thì sẵn, hiện đại, lại bận rộn, ai cũng muốn nhanh nhanh rồi về với công việc.

Riêng cái anh Phật Tử lẩm cẩm thì cứ bâng khuâng. Giá mà bác được “đi” theo đúng nghi thức của nhà Phật, sẽ dễ siêu thoát hơn nhiều…

Ngoài lề về vụ “Bác giun đào đất suốt ngày…”, cách đây hơn chục năm tham gia công tác trong “ngành lắp ráp xe máy”, ở xưởng lắp ráp có bác phụ trách có cái tên rất lạ là bác Sien, người rất tốt, chăm chỉ lam lũ ghê gớm, anh em quý chơi với nhau rất thân. Mình toàn trêu: “Bác Sien đào đất suốt ngày…”, he he, ông ấy không thuộc bài thơ của “người đồng hương Thái Bình”, chứ biết mà lại cả nghĩ “mày trù ẻo tao” thì có mà toi. Bác ấy bây giờ vẫn sống khỏe mạnh và nghe đâu, đã chuyển công tác, lúc thì san lấp mặt bằng, lúc thì làm đường, nay thì trong ngành khoáng sản, đúng là vẫn “đào đất suốt ngày”.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment