“Quân tử” (君子) là một từ
Hán Việt, từ lâu chúng ta hay dùng từ này mà nhiều khi không để ý xem ý nghĩa của
nó ra sao. Hồi bé hay chơi các trò chơi mang tính dân gian hơn bây giờ, hay có
kiểu nói nhau: “Chơi quân tử đấy nhé!”. Vậy “quân tử” là gì?
Chữ “quân” trong quân tử, chính là chữ quân
nghĩa là vua, còn chữ tử là “con”, vừa là con cái, vừa chỉ người con trai nói
chung. Quân tử người ta hiểu là “người con trai tốt”, ngược lại với nó thì là “tiểu
nhân”, đã dùng từ Hán Việt thì “tiểu nhân” nó xấu chứ nói “người nhỏ bé” thì phải
hiểu đó chính là ông vua Napoléon Bonaparte đấy, ông ấy không có “tiểu nhân” tí
nào đâu, vì có thời chữ “quân tử” còn để dùng để chỉ người cai trị, kẻ đại phu.
“以小人之心,度君子之腹” (Dĩ tiểu
nhân chi tâm, độ quân tử chi phúc) hay chúng ta thường nghe “Lấy dạ tiểu nhân
đo lòng quân tử” – hoàn toàn không trung khớp với “suy bụng ta ra bụng người”
đâu nhé, bình không chuyên “nho nhoe” nên không dám lạm bàn, nhưng có nghĩa “Lấy
dạ tiểu nhân đo lòng quân tử” rộng hơn mà sâu hơn, nó bao hàm cả việc lấy chuẩn
mực của mình áp đặt lên người khác, còn câu sau chỉ đơn giản là “nghĩ ai cũng
như mình”.
Càng ngày nghĩa càng rộng ra, thì hiểu kẻ
cai trị không chỉ là nhất nhất cứ phải cai trị thiên hạ mới là quân tử: tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cũng không phải đó là các nấc thang, làm
được tu thân tiếp đến tề gia… mà đã là Thiên tử rồi thì vẫn phải giữ nhân lễ
nghĩa trí tín để mà giữ được cả bốn cái đạo kia đến tận trị quốc bình thiên hạ…
Vì thế mà có kẻ ôm mộng bá chủ thế giới như
Hítle, rồi cũng bị người ta lên án vì những tội ác ông ta đã làm cho nhân loại,
là thiếu đi cái "nhân". Từ nghĩa đó, không thể coi ông ta là bậc quân tử được.
Nhưng xin cũng đừng cực đoan cho rằng dù bác có làm đến Thủ tướng, mà con bác
hư, phá gia chi tử, “tề gia không được sao trị được quốc” thì người ta không có
những tố chất của người quân tử. Trước đây thì mình có thể nghĩ vậy đấy, nhưng
nhiều khi, suy cho cùng, con cái nó cũng là cái phúc phận, đúng, mình dạy hết sức
rồi, nhưng nghiệp còn nặng nên con vẫn hư… chẳng thể bảo mình vô đạo đức được.
Quân tử, là các chuẩn mực đạo đức của người
theo Nho giáo mà hầu hết, bây giờ chúng ta sử dụng được cho các chuẩn mực cuộc
sống hiện nay, vì hầu hết chúng là tốt, có mà có thời kỳ cái gì dính đến “thực
dân phong kiến, tiểu tư sản” ta sổ toẹt sạch trơn thì mọi chuẩn mực đảo lộn hết
cả: vợ đấu tố chồng, con đấu tố cha…
Trước có đọc cuốn “Kinh dịch, Đạo của người
quân tử” của Cụ Nguyễn Hiến Lê, ngoài những cái gì chúng ta có thể tìm được
trong bản dịch “Kinh Dịch” của Ngô Tất Tố, thì còn những lời bình của Cụ Nguyễn
Hiến Lê về Đạo, mà hầu hết là các chuẩn mực đạo đức của đạo làm người. Nếu tìm
đọc những sách vở của Khổng, Lão về người quân tử, hẳn sẽ rất nhiều và thực là
rất bổ ích. Ở đây chúng ta không thể bàn quá sâu về tất cả mọi vấn đề chỉ trên
một, hai trang A4 được đâu, nhưng cũng có đôi điều mình muốn suy ngẫm tí ti…
Trên Facebook có quen “một ông anh”, nhà
văn. Gọi là anh nhưng cũng có thể gọi bằng chú được, tuổi tác cách nhau đến non
hai chục tuổi còn gì. Cũng mấy lần anh ấy rủ xuống nhà anh chơi, uống rượu,
thăm nhà... nhưng mà xa quá, đến mười mấy cây số, mà mình từ hồi “Trời xanh qua kẽ lá” sức khỏe kém hẳn, nghĩ đến đi xa là ngại nên lần lữa chưa đi được – nên tình
cảm anh em vẫn chỉ là “bạn nét”.
Hôm vừa rồi có vụ “Người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh”, anh ấy viết một status trên Facebook thể hiện sự bức
xúc, mình không nhớ chính xác, nhưng đại khái anh ấy tưởng là chuyện người
Trung Quốc xâm nhập trái phép và khi bị bắt lại, thì họ tấn công làm chết hai bộ
đội biên phòng của ta. Mình có viết một bài, cũng mong anh ấy đọc được… (và muốn
nhắc lại một câu đã viết trong bài đó: “Ai cũng có một “vòng ảnh hưởng” nhất định,
cả ngoài đời lẫn trên mạng. Nếu biết dùng cái vòng ảnh hưởng đó để làm việc tốt,
thì làm dày thêm công đức của mình, còn dẫn người khác đi theo hướng tiêu cực,
không tốt, thì hoàn toàn không nên.”) Đến hôm sau, thực tâm rất lấy làm cảm phục
khi đọc được những dòng này: “Xin phép được hạ cái status về những người Tân
Cương bạo động ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh xuống. Dù sao họ cũng là những người
cùng đường. Trở lại Trung Quốc cầm chắc chết nên họ mới phải manh động tự sát
và gây di họa trên đất Việt. Thật đáng thương. Cầu cho linh hồn những người yểu
số này được siêu thoát. Nam Mô A Di Đà Phật.”
Chỉ một vài câu thôi, đầy đủ tố chất của một
người quân tử. Đúng, người quân tử là phải “Cách vật” (luôn tiếp xúc, nghiên cứu
kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái) và “Trí tri” (luôn ngẫm
nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được); trong mọi việc là không nên
nóng vội, đùng đùng bốc hỏa mà hành động, có thể gây hậu quả khôn lường, nhưng
đời thì dài, mấy ai nắm tay được từ sáng đến tối, ai cũng có thể mắc sai lầm, kể
cả người quân tử, thế mới có “Tu thân”: luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa
những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân.
Một vài câu nói như lời xin lỗi, nhưng chứa
cả cái “Nhân” lẫn cái “Dũng”, không phải ai cũng làm được. Có khi cứ tưởng là “đức
cao vọng trọng” mà ảo tưởng về bản thân không muốn hạ mình, thì chắc không thể
làm được những việc bình thường như thế. “Bình thường” mà không “tầm thường” tí
nào.
Dù ở đâu, ngoài đời hay mạng ảo, chúng ta đều
có thể nhận ra được đâu là người quân tử để mà thân, mà học tập.
Đọc thêm về “Quân tử” trên Wiki tiếng Việt
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment