Thằng cháu rể, chuyên gia pha chế món “tiết hồng”
kém mình một tuổi, nghĩa là mới “bốn sọi”, chuẩn bị lên chức ông ngoại. Vợ nó,
tức là cái Hương, cháu gọi mình bằng cậu họ - thì vài năm nữa mới đạt mốc tuổi
đó. Điều đó cũng có nghĩa là, cùng bài viết này, công bố luôn là mình sắp có
cháu gọi bằng cụ. Đứa cháu ấy nếu mình chết đem về quê chôn, nó sẽ phải đội
khăn vàng để trở tang. Oách ra phết!
Các cụ ngày xưa mà lên chức cụ, mồm móm mém,
tay run run, lưng còng gập mà rơm rớm, “Chắt khăn vàng của cụ đây!”, bây giờ, cụ
này vẫn cười khành khạch, lên “Phây” chém gió ầm ầm, cũng đã có chắt khăn vàng.
Sướng nào cho bằng!
Ông mình là em út, từ ông đến ông anh cả là gần
20 tuổi. Ông cụ đẻ hàng loạt con rồi không nuôi được, đến khi có mẹ mình tuy là
cả, nhưng là “cả còn sống” thôi, chứ lúc đó ông cũng đã gần 50 rồi. Và thế là,
khoảng cách tuổi tác trong họ hàng, ngày càng xa ra. Ông bác cao tuổi nhất của cái
cành bự nhất, như thế cũng đã tròm trèm chín mươi. Cháu gọi bác ấy bằng cụ sắp
sửa lấy chồng và do đó, ông bác đó chuẩn bị có “chít khăn đỏ”. Kinh dị, riêng
màu khăn đã có ba màu rồi.
Về quê, cứ thấy ông nào nhăn nheo bạc trắng râu
dài, lưng còng mồm phềo phào thì gọi bác gọi ông cho nó lành. Ai dè, “Ấy, anh,
gọi anh nghe không? chú lên đây, ngồi mâm trên với anh! Họ nhà mình được học
cao đi nhiều như chú, mở mày mở mặt lắm đấy!”; thôi xong, đã định trốn rượu trốn
gật gù tán thưởng những chuyện không đâu, xin mời lên đó mà ngồi đồng. Uầy, đừng
tưởng mình “cành trên” lung tung cũng không phải, có ngày gặp thằng thanh niên
du côn du kề, cao bồi thôn nghênh ngang nhe răng cười lấy lòng mà hỏi “Chú dạo
này làm ăn thế nào, anh em lâu không gặp!” là có khi ăn vả gãy răng ngay: “Tiên
sư thằng này náo, chú chú anh anh là thế nào, tao là bác mày nghe chửa?”
Nói chung là làm ông làm cụ, làm cháu làm chắt
với những tầm tuổi không phù hợp là cóc sướng, họ hàng thì phải chịu thôi; mãi cũng
thành quen. Ở quê quan trọng cái chuyện đó, mình thì cả năm, cả vài năm mới về
một lần, có xưng hô cho đúng vai đúng vế một chút, chẳng sao. Nhưng cũng có những
họ hàng xa xôi đại bác tên lửa cả rồi, lại rất khoái cái trò đó. Có một nhà
theo vai vế mình phải gọi các ông các bà cả, từ ông anh cả bằng tuổi bố mình đến
bà em út mình gọi bằng chị cũng được… nhưng từ cách đây vài chục năm, cứ hễ gặp
là “Mày là thằng nào? À, thằng này là con của “con” M. (tên mẹ mình) đây mà!”.
Mà lần nào cũng thế, chục lần cả chục, lần nào gặp cũng một giọng một câu hỏi
đó. Hồi bé thấy kỳ kỳ, hơi uất uất. Lớn dần thì thấy buồn cười. Bây giờ gặp lại,
toàn người già cả rồi, những tật vai vế “đáng yêu” đó biến mất, tất cả vui vẻ cả.
Đó là chuyện họ hàng, ờ, nhưng mà cũng có những
người rất lạ - có khi chỉ hơn mình đến chục tuổi mà lại đánh giá “Thằng ấy hỗn,
mình “chơi” với mẹ vợ nó, gọi mẹ vợ nó bằng chị mà nó cũng dám gọi mình bằng chị!”
– Đáng nhẽ ra “dì” phải gọi mẹ vợ “cháu” bằng cô, chứ hở “dì”?
Thời mông muội thì ai cũng có, người qua nhanh,
người qua chậm mà thôi.
Tiếng Việt cái sự xưng hô đến là phức tạp. Phần
ngữ pháp “đại từ nhân xưng” của ta cả Tây cả Tàu học chắc hẳn đều “ong thủ”. Ăng-lê
đơn giản nhất chỉ “You” và “I” (“me”); Phú-lang-sa thì ngoài “Te” (“toi”), “Je”
(“moi”) thì thêm “Vous”, Nga-la-tư cũng như Phú-lang-sa… anh Tàu thì gọi chú gọi
bác ta không dùng “Nỉ” mà dùng “Nín”… “lôm la” thế.
Cô dì chú bác, thím dượng cậu mợ là họ hàng. Thằng
cha con mẹ, y thị hắn… là xách mé, miệt thị. Những cách xưng hô đến mức “thậm
xưng” nở như hoa trong thời kỳ phân biệt rõ ràng giai cấp, địch ta. “”Thằng” tổng
thống Mác-cốt” (lắm lúc còn gọi thành Ma Cô, còn tệ hơn nữa, thì ổng cho mượn
căn cứ đỗ máy bay Mỹ bay sang ta ném bom mà); “mụ” thủ tướng Thát-chơ… thôi thì
đủ cả.
Hồi bé xem những vở kịch nào là “Những con ngựa
xanh trên thảm cỏ đỏ”, “Khúc thứ ba bi tráng” rồi về sau là “Lịch sử và nhân chứng”
– có cụ Nghệ sĩ nhân dân Mạnh Linh hay đóng lãnh tụ mà được phong danh hiệu.
Đùng cái có ngày, báo Hà Nội Mới đăng tin “Tên Mạnh Linh bị bắt về tội lạm dụng
tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…” sau đó còn gọi thêm ông cụ là y, là hắn… mà hình
dư lúc này cụ cũng đã gần 70 tuổi rồi chứ còn gì!
Thật chẳng ra làm sao.
Có truyền thuyết Cụ Hồ đã từng nhắc những cán bộ
dưới quyền: “Thôi đừng gọi “người ta” bằng thằng, dù sao thì “người ta” cũng có
tuổi rồi!” (“người ta” ở đây là Cụ Ngô Đình Diệm đang ở trong Nam làm Tổng thống
Việt Nam Cộng hòa) – không biết có thật hay không. Dưng mà thôi, sao cũng được, gọi nhau là gì
cũng được, miễn là tôn trọng nhau, vui vẻ, hòa nhã là ổn rồi.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment